Công nghệ - Sản phẩm

Điện toán đám mây lai

Mô hình lai là sự kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây để cải thiện tính linh hoạt và khả năng mở rộng nhằm đáp ứng các nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp từ xử lý thông tin cho đến lưu trữ dữ liệu.

  

Ảo hóa và điện toán đám mây là hai trong số những công nghệ mới phổ biến trong vài năm vừa qua. Đây là những giải pháp đang được các doanh nghiệp tiếp cận để cắt giảm nguồn lực, tăng khả năng ứng dụng hỗ trợ và điều quan trọng nhất là tiết kiệm tiền. Ngoài việc di cư lên đám mây, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm thêm các phương thức để mở rộng khả năng hoạt động mà không phải tăng ngân sách và chính lúc này điện toán đám mây lai tham gia vào cuộc chơi.

Dịch vụ điện toán đám mây lai là một sự kết hợp của đám mây nội bộ và công cộng hoặc các dịch vụ điện toán đám mây từ nhiều nhà cung cấp. Để cho các giải pháp thực sự “lai”, trong phương thức hoạt động doanh nghiệp phải có khả năng chia sẻ hay trao đổi thông tin từ một đám mây khác.

Lợi ích thiết thực nhất của việc kết hợp đám mây nội bộ và đám mây bên ngoài là tăng khả năng mở rộng mà không cần nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên khi đánh giá ngược lại về tính an ninh thì nó cũng có khá nhiều hạn chế như khó kiểm soát an toàn dữ liệu, khả năng sao lưu, tăng khả năng mất dữ liệu…

Điện toán đám mây lai mang lại cho doanh nghiệp khả năng kiểm soát dữ liệu đa dạng, tăng tốc độ truy cập giữa hệ thông và các ứng dụng… Tuy nhiên với một số doanh nghiệp thì đơn giản chỉ là  thiết lập 2 đám mây và làm việc. Bài viết này PCWorld Việt Nam sẽ cung cấp thông tin về cách thức hoạt động, một số tính năng quan trọng và những lợi ích khi sử dụng đám mây lai.

Điện toán đám mây lai là gì?
Hầu hết người dùng hay doanh nghiệp đều nhận thức được về đám mây nội bộ và đám mây công cộng. Đây là hai nền tảng có quy mô được xây dựng để chứa hay chia sẻ dữ liệu từ nhiều nguồn. Đám mây công cộng được hiển thị khá rõ ràng với các nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng từ Amazon, Google, Dropbox… Các đám mây nội bộ đơn giản là được thiết kế đặc biệt để hoạt động trong một doanh nghiệp/gia đình/ nhóm… và không cho phép người dùng bên ngoài tham gia ngoại trừ được cấp quyền sử dụng. Dữ liệu của đám mây nội bộ có thể được truy cập thông qua tường lửa, hoặc từ bên ngoài thông qua một số hình thức VPN an toàn. Chi phí hoạt động cũng như nguồn lực sẽ tăng cao nếu như bạn muốn mở rộng hệ thống

Điện toán đám mây lai chỉ đơn giản là một sự kết hợp của hai hay nhiều nền tảng điện toán đám mây, có thể được cùng sử dụng cho các mục đích khác nhau. Mục đích của việc kết hợp các nền tảng như thế này sẽ cho hiệu suất cao hơn khi kết hợp sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác hoặc mở rộng khả năng hoạt động nhờ vào các tùy chọn của các dịch của đám mây công cộng.

Điều quan trọng ở đây khi có quyền truy cập vào hai nền tảng điện toán đám mây khác nhau, bất kể nó là công cộng hay nội bộ, không ngay lập tức cung cấp cho bạn một giải pháp lai. Đối với nhiều doanh nghiệp, điện toán đám mây lai lại là kết hợp của một nền tảng điện toán đám mây nội bộ với giải pháp mở rộng quy mô của bên thứ ba. Để cho các giải pháp thực sự lai, doanh nghiệp phải có khả năng chia sẻ hoặc trao đổi thông tin từ một đám mây khác.

Đám mây lai hoạt động như thế nào?
Khi doanh nghiệp đã có sẵn một đám mây nội bộ để sử dụng, nhưng sau một thời gian thấy cần phải cải thiện quy mô khả năng hoạt động, cụ thể như tăng khả năng lưu trữ, tốc độ truyền dữ liệu ... Tùy thuộc vào nền tảng cơ sở hạ tầng của đám mây nội bộ mà doanh nghiệp đang dùng, nó có hay không tương thích với các giải pháp có sẵn của bên thứ ba, doanh nghiệp có thể làm việc với các nhà cung cấp để thiết lập một đám mây bên ngoài để bổ sung hiệu suất sử dụng. Từ đó doanh nghiệp sẽ có thêm không gian sử dụng cũng như các tính năng mới của các nhà cung cấp, cho phép nhiều giải pháp hơn trong hoạt đồng truyền, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu.

Cấu hình mạng của đám mây lai được xác định bằng loạt các ứng dụng dựa trên các đám mây được sử dụng.

Ví dụ trong mô hình sử dụng phần mềm như một dịch vụ (SaaS), người dùng được cung cấp quyền truy cập vào phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu. Còn trong trường hợp cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) thì khả năng hoạt động thực sự nằm trong các đám mây. Chức năng này đòi hỏi việc xác định các máy ảo (VM) có liên quan. Địa chỉ máy ảo IP và điều khiển truy cập Media (MAC) được dùng để nhận dạng. Mỗi thiết bị trong một mạng Ethernet có một địa chỉ MAC duy nhất. Lọc địa chỉ MAC hạn chế người sử dụng truy cập vào mạng dựa trên địa chỉ MAC. nhà cung cấp IaaS bao gồm Amazon CloudFormation, Amazon EC2, Windows Azure Virtual Machines, DynDNS, Google Compute Engine.

Lợi ích của đám mây lai
Khi nói đến công nghệ mới, một trong những điều đầu tiên các doanh nghiệp quan tâm đến là chi phí. Với điện toán đám mây, hầu hết các doanh nghiệp đã (hoặc sẽ) có đầu tư đám mây nội bộ, do đó đưa một đám mây bên ngoài vào thì không bắt buộc doanh nghiệp phải chi kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng nội bộ. Thay vào đó, hầu hết các dịch vụ của bên thứ ba thường được trả tiền cho mỗi lần sử dụng, và muốn sử dụng đến lúc nào là tùy doanh nghiệp. Với xu hướng gần đây của việc ảo hóa và hợp nhất trong trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây lai cũng có thể hỗ trợ trong việc giải phóng tài nguyên nội bộ. Cụ thể như việc lưu trữ những dữ liệu, thông tin, ứng dụng quan trọng sẽ được đặt sau tường lửa của hệ thống nội bộ, còn đám mây dịch vụ sẽ là một nền tảng chuyển đổi dự phòng.

Doanh nghiêp có thể cắt giảm khả năng lưu trữ nội bộ bởi vì bạn có thể di chuyển tất cả các dữ liệu không cần thiết lên đám mây bên ngoài của bạn và chỉ lưu trữ tại chỗ dữ liệu quan trọng nhất. Nhưng vì hai đám mây được kết nối, doanh nghiệp luôn có thể lấy lại dữ liệu tại bất kỳ thời điểm nào và đưa nó trở lại tầm kiểm soát của mình.

Đám mây lai hỗ trợ xử lý cao điểm - nhiều thời điểm khi khả năng xử lý của đám mây nội bộ không thể đáp ứng được nhu cầu trong doanh nghiệp. Nhưng các nhà cung cấp dịch vụ có thể đối phó với điều này bởi vì họ có nhiều khách hàng với tải trọng cao điểm vào những thời điểm khác nhau và tái phân bổ các nguồn lực với chi phí tương đối thấp.

Đám mây là một kế hoạch khá ổn dành cho doanh nghiệp mới. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mới có thể thành công hay thất bại và doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu tiền cho cơ sở hạ tầng? Câu trả lời sẽ là rất ít nếu sử dụng điện toán đám mây công cộng. Nếu như doanh nghiệp thành công và có lưu lượng trao đổi dữ liệu lớn (ví dụ như bán hàng online, ứng dụng đông người sử dụng…) thì lúc này chi phí cho đám mây công cộng là rất cao. Và đầu tư vào đám mây nội bộ thì sẽ có hiệu ứng ngược lại so với tình huống trên, tức chi phí ban đầu lớn, nhưng chi phí vận hành theo thời gian sẽ giảm. Để đảm bảo an toàn dự phòng (thành công hoặc thất bại) thì đám mây lai là một giải pháp ấn tượng vừa có thể cắt giảm chi phí đồng thời đảm bảo khắc phục rủi ro.

Điều quan trọng cần ghi nhớ về điện toán đám mây lai là ngay cả khi nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho một doanh nghiệp thì không nhất thiết phải phù hợp cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Hệ thống đám mây lai dành cho các doanh nghiệp lớn sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vừa ảo hóa và vừa xây dựng đám mây tại chỗ, đám mây nội bộ hoặc đám mây công cộng sẽ phù hợp với họ hơn là một đám mây lai. Trong số những công ty sử dụng đám mây lai thì khoảng 75% trong số họ đã được đặt nền tảng bằng một đám mây nội bộ. Nhiều CIO đã chấp nhận các đám mây phục vụ cho doanh nghiệp, nhưng họ cũng thừa nhận rằng hệ thống thiết bị nền tảng cổ điển sẽ không thay đổi. Và đối với các CIO này thì giải pháp đám mây cuối cùng sẽ là hệ thống nội bộ.

Đối với những doanh nghiệp đã và đang sử dụng đám mây lai thì giải pháp này khá linh động và dễ phù hợp với nhiều môi trường. Mô hình lai mang lại nhiều giá trị như khả năng bổ sung theo yêu cầu để tăng hiệu suất cho cơ sở hạ tầng.

 
Mô hình dịch vụ.

Đám mây lai phù hợp với doanh nghiệp nào?
Lưu trữ dữ liệu đang tăng trưởng 35% mỗi năm, Tập đoàn Aberdeen và công ty nghiên cứu Gartner dự đoán rằng 50% doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ điện toán đám mây lai vào năm 2017.

Các ứng dụng dựa trên đám mây đã bùng nổ trong vài năm qua. Dịch vụ cộng sinh, các ứng dụng di động, hệ thống quản lý quan hệ khách hàng và các dịch vụ lưu trữ tài liệu đã thật sự thay đổi cuộc sống của người dùng và người lao động tại các doanh nghiệp lớn nhỏ. Nhiều CIO đến tại thời điểm này đều đang coi đám mây như một nguồn tài nguyên chứ không phải là một nền tảng phân phối ứng dụng. Và họ sử dụng nền tảng điện toán đám mây như cơ sở hạ tầng dịch vụ (IaaS).

Nếu một CIO nghĩ rằng doanh nghiệp của mình phù hợp với điện toán đám mây lai, và câu hỏi được đặt ra là thời điểm nào bạn nên suy nghĩ nghiêp túc về việc triển khai hệ thông này. Nhiều cảnh báo được dành ra trong bối cảnh điện toán đám mây lai tại thời điểm này, đặc biệt là vấn đề an toàn dữ liệu khi đặt trên dịch vụ của nhà cung cấp thứ 3, nó sẽ gây ra nhiều hạn chế trong việc lựa chọn hệ thống trong tương lai. Tuy nhiên, hi vọng trong tương lai gần sẽ có những tiêu chuẩn tương thích được đặt ra. Và điện toán đám mây lai  sẽ tiếp tục phát triển  bởi nó là tập hợp các tính năng nền tảng và linh hoạt của dịch vụ. Nếu có thể, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng cách xây dựng và tối ưu hóa điện toán đám mây nội bộ  với các chức năng cần thiết. Doanh nghiệp  có thương thảo với  một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba về các điều khoản cụ thể, và khả năng di chuyển vào đám mây công cộng lai khi đã sẵn sàng. Như với bất kỳ công nghệ mới nào, người dùng luôn cần phải chuẩn bị trước một khoảng thời hạn để chờ công nghệ đó hoàn thiện trong tương lai.

Trong quá trình lịch sử công nghệ dữ liệu, doanh nghiệp đã đi từ máy chủ đến PC, đến đám mây và sẽ trở lại máy chủ một lần nữa. Một giải pháp điện toán lai để bù đắp cho các hạn chế của điện toán đám mây nói chung, nhưng sự tăng trưởng khổng lồ của công nghệ điện toán đám mây lai chỉ chứng minh rằng nó vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi đạt tới sự kì vọng và hiệu quả và an toàn. Khách hàng hay người dung thậm chí không quan tâm đến điệ toán đám mây, họ làm công việc của mình và hiệu suất, sự tiện lợi là những gì  họ muốn được cung cấp.

Một số thuật ngữ phổ biến và các định nghĩa về công nghệ đám mây

Intercloud: đây có thể là khái niệm trong tương lai, nó tương tự như internet. Intercloud sẽ là một nhóm các đám mây kết hợp để tạo ra một môi trường duy nhất.

Overdrafting: Đây là tình huống một ứng dụng sử dụng tất cả các tài nguyên sẵn có đang dần trở nên quá tải và đang dần hoạt động chậm lại hoặc không thể sử dụng.

Cloudbursting:
Khả năng cho phép chuyển dữ liệu hoặc các ứng dụng từ đám mây nội bộ sang đám mây công cộng trong thời gian rỗi. Sau đó hệ thống có thể sử dụng các tài nguyên của đám mây công cộng để tiếp tục hoạt động bình thường

Load balancing: Cân bằng truyền tải là khả năng cho phép dàn trải khối lượng công việc trên hệ thống tài nguyên. Đây là tính năng cho phép cải thiện hiệu suất và hiệu quả của các ứng dụng.

Elastic scaling: đây là tính năng tạo nên một giải pháp lưu trữ mở rộng hoặc thiết lập các khả năng mà hệ thống có thể xử lý vào thời điểm nhất định, Đây là tính năng mạnh nhất của hầu hết các môi trường đám mây lai và nó giúp chống lại overdrafting cùng các vấn đề khác .

 

Theo một báo cáo từ năm 2011 của Ipanema Technologies (www.ipanematech.com), phần lớn trong số 150 CIO và các giám đốc IT được hỏi đều dự định sử dụng nền tảng đám mây lai cho doanh nghiệp của họ vào cuối năm 2015.  Và đến tại thời điểm hiện tại "Công nghệ lai và điện toán đám mây" trở thành một trong 10 xu hướng chiến lược hàng đầu của ngành công nghệ năm 2013-2014.

Theo một nghiên cứu khảo sát gần đây của VMware cho thấy có tới 83% doanh nghiệp Việt Nam coi đám mây là ưu tiên hàng đầu, và 67% doanh nghiệp nói rằng điện toán đám mây có ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyển đổi kinh doanh.

Có rất nhiều lợi ích từ việc sử dụng đám mây lai nhưng từ đó cũng xuất hiện nhiều lỗ hổng bảo mật  đòi hỏi các doanh nghiệp cần chú trọng. Những cảnh báo từ việc sử dụng đám mây công cộng vẫn có hiệu lực với đám mây lai như khả năng mất dữ liệu, tính riêng tư khó đảm bảo, dữ liệu nằm ngoài tầm kiểm soát, khả năng phục hồi dữ liệu kém. Qua khảo sát, 25% doanh nghiệp được hỏi vẫn chưa có kế hoạch chống mất mát dữ liệu (Data Loss Prevention) một cách thật hiệu quả. Và có khoảng 32% doanh nghiệp Việt không có hệ thống triển khai, kiểm soát hiệu quả cho xu hướng BYOD.

 

PC World VN, 01/2014

PCWorld

cloud computing, Điện toán mây


© 2021 FAP
  3,446,171       6/1,158