Công nghệ - Sản phẩm

Sử dụng tai nghe thế nào cho hiệu quả

Cài đặt âm lượng nguồn phát ở mức 60%, không sử dụng tai nghe liên tục trên 2 giờ liền là một trong những cách để bảo vệ đôi tai mà người dùng headphone nên quan tâm.

Ngày nay, việc sử dụng tai nghe để giải trí đã trở nên phổ biến trong giới trẻ bởi khả năng mang lại tính riêng tư cho người sử dụng và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến người khác. Trước sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện tại, chỉ với một chiếc máy nghe nhạc tý hon, một chiếc smartphone hay tablet, bạn đã có thể mang theo cả một rạp hát bên mình để có thể luôn thưởng thức những giai điệu yêu thích gần như ở mọi nơi.

Tai nghe ngày nay gần như là một loại phụ kiện không thể thiếu trong đa số người dùng trẻ tuổi.

Tuy vậy, ẩn sau sự tiện lợi đó lại là một mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể gây đe dọa đến thính lực của người dùng headphone. Nguyên nhân chính của sự suy giảm thính lực khi sử dụng những thiết bị này được cho là do thói quen sử dụng tai nghe không đúng cách khi nghe nhạc. Đơn cử như việc nghe ở mức âm lượng lớn liên tục trong một thời gian dài chỉ để át hẳn các tạp âm từ môi trường - hay đơn giản chỉ như một thói quen. Tai người là một cấu trúc khá phức tạp, trong đó, một bộ phận của tai có chức năng dẫn truyền âm thanh đến não bộ còn được gọi là các tế bào lông chuyển sẽ có nhiệm vụ chính là đón nhận các âm thanh từ bên ngoài. Về cơ bản, ở người trẻ tuổi, các tế bào này có thể phục hồi sau những thương tổn tạm thời. Tuy nhiên, những âm thanh cường độ quá lớn; hoặc không quá lớn nhưng lại tác động liên tục trong thời gian dài sẽ làm cho những tế bào lông chuyển bị tổn thương vĩnh viễn. Chính điều này làm cho thính lực của bạn cũng bị giảm theo và không thể khôi phục lại được.

Theo Mayo Clinic, tổ chức chuyên nghiên cứu về y học, chăm sóc y tế lớn nhất của Mỹ cho hay, những âm thanh cường độ trên 90 decibel (dB) tác động liên tục trong một thời gian dài là những nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm thính lực, nhưng hầu hết các thiết bị chơi nhạc di động, tai nghe hiện nay đều được sản xuất với khả năng phát âm thanh lớn hơn 120dB - một giá trị khá gần với ngưỡng gây đau tai (130dB) và làm mất thính lực vĩnh viễn nếu phải nghe liên tục.

Dạng thiết kế tai nghe nào nguy hiểm

Trong số các dạng tai nghe hiện nay loại nhét sâu vào ống tai (in-ear monitor hay IEM) được xem là sản phẩm có khả năng gây nguy hiểm đến thính lực nhiều hơn hẳn các dạng thiết kế còn lại như chụp tai (around-ear/on-ear) - hay loại earbud bán kèm theo các thiết bị di động hay máy nghe nhạc bỏ túi.

Khi sử dụng headphone, cứ mỗi 3dB cường độ âm thanh được tăng lên, thời gian nghe nhạc phải giảm đi một nửa.

Khác với khi nghe nhạc bằng loa ngoài (loudspeaker), tất cả các tần số âm thanh từ headphone đến tai người không có bất kỳ sự suy giảm nào. Vì vậy, ở cùng một mức cài đặt âm lượng như khi nghe loa ngoài, headphone sẽ vẫn truyền những tần số cao với âm lượng lớn hơn và nhiều khả năng gây suy giảm thính lực của người nghe.

Về cơ bản, tai nghe IEM cũng giống như các loại tai nghe khác – nghĩa là cũng cần năng lượng cung cấp cho loa hoạt động để di chuyển một lượng không khí (tỷ lệ thuận với mức tiêu hao năng lượng này) và truyền âm thanh đến tai người. Tuy nhiên, so với các mẫu tai nghe khác, do thiết kế buồng âm thanh nhỏ hơn rất nhiều lần, tai nghe IEM do đó chỉ cần rất ít năng lượng để có thể di chuyển một lượng không khí để tạo âm thanh có độ lớn (SPL) tương đương với một bộ headphone cỡ lớn. Tuy vậy, một khi không gian âm thanh giữa màng loa và tai người không còn kín, tai nghe IEM sẽ mất đi hiệu quả trên. Trong tình huống này, củ loa cần nhiều năng lượng hơn để có thể “đánh chặn” các tạp âm từ môi trường lọt vào bên trong tai nghe, dẫn đến tình trạng gây nguy hại cho thính lực. Để minh chứng cho điều này bạn chỉ cần từng bước làm theo ví dụ nhỏ sau. Trước hết, hãy chọn một không gian hoàn toàn yên tĩnh và dùng tai nghe để với tùy chỉnh mức âm lượng nhỏ dần cho đến khi cảm thấy dễ chịu nhất khi lắng nghe những cuộc đàm thoại trên radio/TV. Tiếp đến, ghi chú lại mức âm lượng của tai nghe (hoặc nguồn phát) và tiếp tục nghe đoạn hội thoại này trong khoảng thời gian 5 phút. Sau khoảng thời gian trên, hãy chọn nghe những ca khúc thể loại Rock, Metal hay Hip Hop với mức âm lượng lớn nhất có thể trong cũng vòng 5 phút. Cuối cùng, kết thúc bài test bằng việc tắt nguồn nhạc âm lượng lớn đi và quay trở lại với đoạn hội thoại ban đầu. Lúc này, cũng với thiết lập âm lượng nhỏ đầu bài test, bạn sẽ không thể hoặc cảm thấy rất khó khăn để nghe những cuộc đàm thoại đã nghe trước đó. Vì não bộ đã giảm bớt cơ chế nghe để giảm thiểu tối đa sự khó chịu khi nghe ở mức âm lượng lớn.

Hầu hết người dùng headphone luôn có khuynh hướng tăng âm lượng (tăng áp lực âm thanh - SPL) để át tiếng ồn từ môi trường. Trong khi đó, tai nghe IEM vốn được thiết kế nhét sâu vào trong ống tai của sản phẩm nên khoảng cách giữa màng loa và màng nhĩ được rút ngắn tối đa; và sẽ làm tăng đáng kể áp lực lên hệ thính giác của con người. Như đã nói ở trên, não bộ vốn có cơ chế giảm bớt sự khó chịu với âm thanh cường độ lớn trong một mức độ cho phép, nhưng không có nghĩa là các tế bào đảm nhiệm các nhiệm vụ nghe, khuyếch đại âm thanh và chọn lọc tần số bên trong tai không bị tác động. Nguy hiểm hơn là người nghe không hề cảm nhận sớm việc thính lực của mình đang bị suy giảm mà phải mất một thời gian dài, có thể từ 1 đến 2 năm tùy theo độ tuổi người dùng.

Dấu hiệu cảnh báo suy giảm thính lực

Sử dụng tai nghe nhét tai (IEM) với cường độ âm thanh lớn trong thời gian dài dễ gây ảnh hưởng đến thính lực hơn các mẫu thiết kế tai nghe khác.
Suy giảm thính giác do sử dụng tai nghe thường được hình thành một cách từ từ và không có một dấu hiệu rõ rệt nào ban đầu. Tuy nhiên, nếu có một trong các dấu hiệu cảnh báo sau đây, người sử dụng headphone cần ngay lập tức tiến hành một cuộc kiểm tra y tế để sớm có những chẩn đoán chính xác về tổn thương thính giác. Trước hết là tình trạng lùng bùng trong lỗ tai sau khi nghe nhạc. Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác như cảm giác như lỗ tai bị bít lại, cảm thấy khó nghe các cuộc đàm thoại thường ngày ở những môi trường ồn ào hay cảm thấy cần phải tăng âm lượng khi xem TV hơn so với trước đây mới có thể nghe rõ.

Như vậy, liệu có thể khắc phục tình trạng suy giảm thính lực do sự tác động của âm thanh cường độ lớn trong một khoảng thời gian dài? Câu trả lời là không. Vì thế, việc phòng tránh suy giảm thính lực do sử dụng tai nghe là tối quan trọng. Hiện tại, các thiết bị trợ thính cấy ghép có thể giúp khuyếch đại âm thanh để người bị giảm thính lực dễ nghe hơn. Tuy nhiên, những thiết bị này vẫn chưa thể xem như vật thay thế hoàn hảo cho những tế bào thính giác vốn đã bị phá hủy bởi âm thanh cường độ lớn hoặc không còn hoạt động trong hệ thính giác con người.

Cách phòng tránh suy giảm thính lực do sử dụng tai nghe

Như vậy, phải làm gì để có thể vẫn thưởng thức những giai điệu mình yêu thích nhưng vẫn bảo vệ được hệ thính giác của mình. Câu trả lời đầu tiên chính là hãy giảm cường độ âm thanh nguồn phát/tai nghe xuống mức độ an toàn và giảm thời gian sử dụng tai nghe lại nếu bạn thường xuyên dùng headphone trên 2 giờ liên tục. Theo NIOSH, Viện Quốc gia về an toàn lao động và sức khỏe, độ lớn của âm thanh phát ra từ tai nghe an toàn nhất cho thính giác chỉ nên dao động ở mức từ 80dB đến 85dB. Tuy nhiên, hầu như không người dùng headphone nào sở hữu thiết bị để đo cường độ âm thanh của sản phẩm mà họ đang sử dụng. Thêm vào đó, không phải mọi hãng đều cung cấp giá trị này trên bao bì sản phẩm mà họ bán ra. Vì thế, để bảo vệ đôi tai của chính mình, hay luôn nhớ cài đặt mức âm lượng nguồn phát/tai nghe nhỏ hơn hoặc bằng 60%.

Để đeo đúng cách tai nghe dạng nhét tai (IEM), ngoài việc chọn các bộ đệm silicon nhét tai vừa vặn với ống tai. Bạn cần thực hành các thao tác sau đây:

+ Trước hết, để chèn củ tai bên trái bạn hãy dùng tay phải nắm vành tai trái kéo nhẹ lên phía trên và hơi hướng ra ngoài. Tiếp đến há miệng ở một mức độ vừa phải để làm giãn nở ống tai đồng thời nhét củ tai vào trong ống tai. Sau cùng, xoay nhẹ phần củ tai sao cho cảm giác thật thoải mái rồi tiến hành với củ tai còn lại.

 + Khi tháo tai nghe IEM, bạn cũng phải nhẹ nhàng xoay phần củ tai và rút ra từ từ nhằm tránh thay đổi áp suất không khí đột ngột, có thể gây ảnh hưởng đến màng nhĩ. Và quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh tai cũng như phần đệm silicon của tai nghe IEM.

Nếu smartphone hay máy nghe nhạc của bạn có tính năng tự động cân bằng mức âm lượng, hãy sử dụng nó như một cách bảo vệ thính giác vì không phải mọi track âm thanh đều có cùng một độ lớn âm thanh khi phát.

Khi sử dụng tai nghe, cần tuần thủ chặt chẽ quy tắc 60-60, nghĩa là luôn nghỉ ngơi sau mỗi 60 phút sử dụng tai nghe ở mức âm lượng 60%. Vì theo Tiến sĩ, Giám đốc dịch vụ y tế trong thính học Sharon A. Sandridge (trung tâm y tế học tập đa ngạch Cleveland Clinic) cho hay, để sử dụng một cách an toàn các loại tai nghe, người dùng cần đảm bảo cân bằng giữa mức âm lượng và thời gian nghe. Càng sử dụng headphones lâu (trên 90 phút), bạn càng phải tiết giảm âm lượng để tránh làm giảm thính lực về sau.

Người dùng headphone cũng có thể áp dụng một số cách đơn giản để xác định xem mình có đang nghe nhạc ở mức âm lượng quá lớn hay không như sau. Khi bạn không thể nghe thấy những cuộc trò chuyện xung quanh khi đang nghe nhạc. Khi người ngồi gần có thể nghe thấy những âm thanh mà bạn đang nghe. Hoặc khi bạn có cảm giác mình nói to hơn bình thường trong một cuộc trò chuyện với ai đó.

Một khi đã sử dụng tai nghe, không nên nghe nhạc liên tục với thời lượng trên 2 giờ. Và nếu có thể, hãy sử dụng các mẫu tai nghe rộng vành hoặc trùm kín tai (around-ear/on-ear headphone), những sản phẩm có khả năng loại bỏ tạp âm từ môi trường tốt. Hạn chế dùng các mẫu tai nghe nhét tai liên tục với cường độ âm thanh lớn trên 80dB.

Hãy luôn cố gắng thiết lập âm lượng nguồn phát, tai nghe ở mức thấp nhất có thể nghe được. Tránh dùng tai nghe trong các môi trường náo nhiệt. Và nếu có, hãy cố gắng bỏ thói quen đeo headphone để nghe nhạc trước lúc ngủ.

Tương quan giữa độ lớn âm thanh tai nghe (SPL) và thời gian nghe do NIOSH khuyến nghị.

PCWorld

tai nghe


© 2021 FAP
  3,468,061       1/836