Cửa hàng trực tuyến Google Play Store không chỉ cung cấp nội dung mà còn mang đến một công cụ giá trị để quản lý các thiết bị Android của bạn, các thông báo thiết lập cho ứng dụng và dịch vụ, kích hoạt các bản cập nhật phần mềm tự động và cá nhân hóa trải nghiệm Android.
Dưới đây là 10 thủ thuật mà người dùng thiết bị Android cần lưu ý khi tải và cài đặt ứng dụng, game, sách, phim ảnh hay chương trình TV từ Google Play.
1. Quản lý thiết bị từ web
Ngoài cách truy xuất trực tiếp Google Play bằng ứng dụng truyền thống có sẵn trên thiết bị di động Android, bạn còn có thể vào kho trực tuyến này bằng trình duyệt web. Giao diện web này cung cấp một loạt tùy chọn mà ứng dụng trên không có, chẳng hạn như khả năng xem và quản lý tất cả thiết bị Android được kết nối với tài khoản Google của bạn.
Để xem danh sách các thiết bị, hãy vào trang play.google.com, nhấn vào biểu tượng “Settings” hình bánh răng ở góc phải phía trên màn hình rồi chọn trình quản lý “Android Device Manager” để làm xuất hiện danh sách các thiết bị mà bạn đã đăng ký kết nối với tài khoản Google. Để đổi tên một thiết bị trong danh sách, nhấn nút “Edit” hình dạng bút chì bên cạnh và gõ vào tên mới cần đổi, sau đó nhấn nút “Update” để cập nhật.
2. Quản lý thiết lập và thông báo mail
Màn hình Settings của Google Play cũng cho phép bạn cập nhật các thiết lập thông báo và tùy chọn email. Mở “Settings” trên web của Play bằng cách nhấn vào biểu tượng bánh răng ở góc phải phía trên màn hình rồi chọn mục “Settings”, cuộn xuống phía dưới cùng của trang bạn sẽ thấy hai hộp đánh dấu: “Keep me up to date with news and offers from Google Play” và “I wish to receive email notifications when developers reply to my reviews of their applications”. Nếu muốn nhận tin tức cập nhật và những thông tin khuyến mãi từ Google Play, hãy đánh dấu tùy chọn thứ nhất. Còn nếu muốn nhận thông báo email từ những nhà phát triển để tìm kiếm thông tin phản hồi về ứng dụng mà bạn đang dùng, hãy đánh dấu vào ô tùy chọn thứ hai.
3. Xem lại đơn hàng, báo cáo vấn đề và yêu cầu hoàn tiền
Để xem danh sách tất cả các giao dịch của mình trên Google Play, trước hết bạn hãy nhấn vào biểu tượng “Settings” và chọn “My Orders”. Danh sách này sẽ cung cấp chi tiết về những nội dung mà bạn đã đặt mua hay tải về, bao gồm tên món hàng, giá, ngày mua, thể loại nội dung và tình trạng (hoàn tất, hủy, đã giao hay các trạng thái khác). Để lọc các thông tin nội dung theo thể loại sách (Books) hay ứng dụng (Android Apps), bạn có thể sử dụng trình đơn “All Orders” ở phía trên bên trái danh sách.
Nếu muốn thông báo vấn đề về một ứng dụng, sản phẩm hay dịch vụ với Google, hoặc muốn yêu cầu hoàn tiền, bạn có thể tìm kiếm một đơn hàng cụ thể trong danh sách đặt hàng và di chuyển con trỏ chuột lên tên đơn hàng đó để làm xuất hiện một biểu tượng dấu 3 chấm. Hãy nhấn vào biểu tượng đó và nhấn tùy chọn “Report a Problem”. Một trình đơn xổ xuống sẽ xuất hiện cùng với một loạt tùy chọn cụ thể cho thể loại nội dung. Hãy chọn tùy chọn tương ứng và bạn sẽ thấy một danh sách các giải pháp được đưa ra. Nếu các giải pháp đề nghị này vẫn không giúp được bạn, hãy tự điền yêu cầu vào và gửi đến Google.
4. Bảo vệ đơn hàng bằng mật khẩu
Để tránh những đơn hàng không mong muốn, đặc biệt là khi thiết bị của bạn hay giao cho người khác hoặc trẻ em sử dụng, bạn nên đặt mật khẩu bảo vệ cho tài khoản Google Play của mình. Muốn kích hoạt tính năng bảo vệ Google Play bằng mật khẩu, hãy mở Play Store trên thiết bị Android, nhấn vào trình đơn “Settings” (vị trí trình đơn này sẽ tùy thuộc vào thiết bị) và bạn sẽ thấy tùy chọn “Password” ở dưới cùng trong phần “User Controls”. Hãy đánh dấu chọn vào ô này rồi nhập mật khẩu mà bạn muốn đặt để bảo vệ.
Sau đó, mỗi khi muốn mua bất kỳ ứng dụng hay sách nào trên Play Store, bạn đều được yêu cầu phải nhập mật khẩu để thực hiện giao dịch. Bạn có thể không cần nhập lại mật khẩu cho các giao dịch được thực hiện trong vòng 30 phút. Một số thiết bị thường được mặc định kích hoạt sẵn chế độ bảo vệ mật khẩu này.
5. Tự động cập nhật ứng dụng Google Play
Thiết lập “Auto-update apps” của Google Play cho phép tự động cập nhật các ứng dụng và game trên thiết bị Android của bạn. Kích hoạt tùy chọn này giúp giảm các thông báo cập nhật phiền phức một cách đáng kể.
Trên thiết bị Android, vào trình đơn "Settings" và chọn “Auto-update apps” trong phần “General”. Trong cửa sổ vừa xuất hiện, bạn sẽ có 3 tùy chọn: “Do not auto-update apps”, “Auto-update apps at any time. Data changes may apply.” Và “Auto-update apps over Wi-Fi only”. Hãy cân nhắc và chọn tự động cập nhật ứng dụng chỉ khi bạn đang kết nối qua mạng Wi-Fi, hay cả mạng Wi-Fi lẫn 3G nếu bạn có đăng ký thuê bao phí 3G trọn gói. Hầu hết các ứng dụng sẽ tự động cập nhật mỗi khi có phiên bản mới sau khi kích hoạt thiết lập này, nhưng đôi khi bạn vẫn sẽ nhận thông báo chấp thuận việc cập nhật bằng tay từ một vài ứng dụng.
6. Tự động thêm widget cho ứng dụng mới
Widget (ứng dụng con) là một trong những tính năng tốt nhất của các ứng dụng Android. Chúng cung cấp nhiều tính năng hữu ích cho màn hình chính Home Screen của thiết bị Android. Google Play cho phép người dùng tự động thêm một widget vào màn hình chính với bất kỳ ứng dụng nào mà bạn đã tải, nếu ứng dụng đó hỗ trợ widget.
Nếu bạn thường xuyên tải nhiều ứng dụng về máy, thiết lập này có thể sẽ hơi gây rối rắm vì tạo quá nhiều biểu tượng trên màn hình. Nhưng rõ ràng là bạn nên xác định nhanh ứng dụng nào có các widget hữu ích và nên xóa bớt những widget không cần thiết. Để kích hoạt tùy chọn tự động tạo widget, bạn có thể vào Play Store trên thiết bị Android, chọn trình đơn "Settings" rồi sau đó đánh dấu hộp chọn “Auto-app widgets” trong phần “General”.
7.Lọc nội dung Google Play
Google Play cung cấp nhiều thiết lập lọc nội dung giúp bạn giới hạn thể loại ứng dụng để tải về bằng tài khoản của mình. Để xem và hiệu chỉnh các thiết lập nội dung, bạn có thể mở Play Store trên thiết bị di động, chọn "Settings" rồi sau đó chọn “Content filtering options” trong mục "User Controls". Bạn có thể tùy biến các thiết lập này bằng cách đánh dấu chọn hay bỏ chọn hộp bên cạnh 5 tùy chọn bộ lọc trong cửa sổ “Allow apps rated for” vừa xuất hiện, gồm có “Everyone”, “Low maturity”, “Medium maturity”, “High maturity”, và “Show all apps”.
8. Duyệt ứng dụng mới và gửi đến thiết bị qua web
Đôi khi, việc tìm kiếm ứng dụng Android, game hay sách trên Google Play bằng giao diện web trên máy tính còn dễ dàng hơn dùng Play Store trên thiết bị. Nếu đang sở hữu cả smartphone lẫn tablet Android hay nhiều thiết bị Android cùng lúc, bạn có thể sử dụng giao diện web để gửi ứng dụng hay nội dung mới đến thiết bị một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Sau khi tìm được một ứng dụng yêu thích trên giao diện web, hãy nhấn nút “Install” để cài đặt. Trong cửa sổ vừa xuất hiện giới thiệu chi tiết về ứng dụng mà bạn muốn tải, hãy chọn thiết bị Android đang được kết nối với tài khoản Google của bạn ở danh sách cuối trang, sau đó nhấn nút “Install”. Nếu muốn tải ứng dụng đến nhiều thiết bị cùng lúc, bạn cũng thực hiện tương tự như trên nhưng hãy chọn nhiều thiết bị trong danh sách trên trước khi nhấn nút “Install”.
9. Gỡ bỏ thiết bị khỏi trình đơn
Tất cả các thiết bị Android được kết nối vào tài khoản của bạn đều hiển thị trong danh sách các thiết bị Google Play, nhưng bạn cũng có thể gỡ bỏ chúng bằng các thiết lập trong mục “Visibility”.
Từ giao diện trình duyệt web trên máy tính, chọn biểu tượng “Settings” rồi chọn mục “Settings” như trong thủ thuật thứ hai, ở cột “Visibility” của trang “My Devices” hãy bỏ đánh dấu chọn những thiết bị nào mà bạn không muốn hiển thị trong trình đơn của mình. Sau đó, nhấn nút "Refresh" của trình duyệt để tải lại trang web Google Play nếu cần thiết và đảm bảo các hộp đánh dấu đã được bỏ chọn.
10. Lọc các ứng dụng tối ưu cho tablet
Việc tìm kiếm các ứng dụng được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng trên Google Play rất đơn giản nhờ vào phân mục “Designed for Tablets” hoàn toàn mới trong Google Play. Để sử dụng tùy chọn này, hãy mở Play Store trên tablet của bạn và chọn mục “Apps” ở phía trên cùng. Sau đó, hãy vuốt ngón tay trên màn hình qua bên trái để duyệt lần lượt qua các thẻ trang, rồi chọn “Designed for Tablets” từ trình đơn xổ xuống ở trên đầu trang. Lúc này, mỗi khi bạn cuộn qua các thẻ trang khác nhau như “Top Paid”, “Top Free” và “Top Grossing” thì chỉ thấy xuất hiện những ứng dụng tối ưu riêng cho tablet.
PC World VN, 04/2014
mua sắm trực tuyến