Công nghệ - Sản phẩm

Thiết bị đeo: Thiết kế thẩm mỹ

Khi người dùng có nhu cầu đeo một thiết bị thường xuyên, ngoài công năng thì tính thẩm mỹ của thiết bị phải được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu nhằm thể hiện phong cách, đẳng cấp của họ.

Những chiếc thiết bị đeo công nghệ đầu tiên
Vào thế kỷ 16, dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc, có một bảng tính siêu nhỏ, được chế tác dưới dạng một chiếc nhẫn. Mặt nhẫn chính là bảng tính, dài 1,2cm, rộng 0,7cm, với các hạt tính được thiết kế tinh vi, thường được thương nhân, quan chức sử dụng trong những thương vụ cần tính toán nhanh chóng. Dù chiếc nhẫn này không thể thực hiện các tác vụ công nghệ hiện đại như thời bây giờ, nhưng từ ý tưởng này, sử sách đã khẳng định đây là thiết bị đeo thông minh đầu tiên được ra đời.

Bàn tính trên nhẫn thời nhà Thanh


Ý tưởng sáng tạo ra những món đồ công nghệ siêu tinh vi, có thể đeo được, rõ ràng không phải là một ý tưởng mới. Vậy trải qua 4 thế kỷ, ý tưởng về thiết kế công nghệ đeo đã thể hiện như thế nào?
Năm 1800, thiết bị đeo có khả năng tính giờ đầu tiên được làm riêng cho Nữ hoàng Naples trong hình hài của một chiếc vòng đeo cổ gắn đồng hồ. Nó được gọi là thiết bị đeo với ngữ cảnh “đeo được”, và “tính toán được”, tuyệt nhiên không phải là dòng Wearable công nghệ số ngày nay. 

Đồng hồ trang bị máy tính toán.
 

Vào nửa cuối của thế kỷ 20, một thiết bị đeo công nghệ được ra đời để phục vụ người mù. Đó là một chiếc camera nhỏ, có thể chuyển đổi hình ảnh thu được sang bảng chữ nổi có 1024 điểm, kích thước 10inch để người mù nhận diện thông tin theo cách thức của họ.
Năm 1977 chứng kiến sự ra đời của chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng tính toán đại số đầu tiên, sản xuất bởi HP, có 28 phím bấm nhỏ xíu trên bề mặt thể hiện chữ số và các phép tính. Có thể nói, qua hàng trăm năm, chiếc nhẫn của nhà Thanh đã được điện tử hóa qua sản phẩm thông minh của nhà Hewlette-Packard. 
Năm 1990, Olivetti Research sáng chế ra phù hiệu điện tử được đính khéo léo vào áo quần để định vị người dùng trong tòa nhà.
Nhẫn, vòng cổ, đồng hồ… là những ý tưởng thiết kế sơ khai của thiết bị đeo công nghệ. Thế giới đã được trải nghiệm nhiều thiết bị đeo được ở nhiều hình thức khác nhau từ các mục tiêu phức tạp hơn. Đặc biệt, mục đích nghiên cứu các tương tác của cơ thể với thiết bị điện tử đeo được trở thành một nhiệm vụ trọng yếu trong cuộc đua thiết bị đeo hiện đại.

Khi công nghệ tiến vào cuộc sống
Phần lớn những sản phẩm tiên phong đều bắt đầu ở quai đeo cổ tay. Google vừa ra mắt Android Wear – một nền tảng nhắm tới thiết bị đeo, và trên nền tảng này, Motorola đã công bố Moto 360, một chiếc đồng hồ đeo tay mặt tròn thông minh. Samsung cũng vừa cho ra đời thế hệ thiết bị đeo tay mới như Gear Fit. Tuy nhiên, với bản chất “dính sát” cơ thể con người của thiết bị đeo để tiếp nhận, phân tích và truyền tải dữ liệu cơ thể, thì nhu cầu đa dạng hóa chức năng và thiết kế của các thiết bị này là một vấn đề cần đào sâu hơn nữa.

Moto 360


Mặt khác, khi nói đến công nghệ đeo, các thiết bị ngày nay dường như chú trọng nhiều vào chức năng hơn là thiết kế của nó. Vấn đề của việc cho một công nghệ tinh vi nằm gọn trong một chiếc đồng hồ đeo tay, hoặc một khung mắt kính chính là, đôi khi, những sản phẩm đầy tính vị nghệ thuật ấy lại chưa được phong cách hóa theo mong muốn, sở thích, thị hiếu, thẩm mỹ của người dùng.
Và khi người dùng có nhu cầu đeo một thiết bị hàng ngày, hàng giờ, người ta cũng đòi hỏi thiết bị đó được thiết kế đồng điệu với họ, và chứng tỏ phong cách, đẳng cấp của họ.
Thiết bị đeo như Google Glass đang ở thế tiến thoái lưỡng nan ở chỗ, nó chưa có một lập trường dứt khoát về mặt thiết kế. Với sản phẩm Heads-Up Display (HUD), người ta cần nhiều chức năng hơn là một chiếc kính đẹp. Người sản xuất cần thuyết phục người tiêu dùng, đặc biệt là những người không thường đeo kính, rằng sản phẩm này đáng để đeo trên khuôn mặt họ.
 Vì thực tế, con người đang làm tất cả mọi thứ để không phải đeo kính, từ việc trị liệu mắt bằng laser, tới những người thường thay thế mắt kính bằng kính áp tròng. Dù Google Glass thi thoảng cũng xuất hiện trên tạp chí thời trang danh tiếng Vogue vào năm ngoái, trong một câu chuyện mang tên “Google Glass và tương lai của thời trang”, và Google đang trong quá trình hợp tác với Luxottica Group để cho ra đời những mắt kính mang phong cách Ray-Ban.


Google Glass & Bàn chải số Kolibree Toothbrush.
 

Một thiết bị đáng chú ý khác là Kolibree Toothbrush – bàn chải đánh răng Bluetooth, rất nổi bật trong Hội chợ Hàng tiêu dùng quốc tế ở Las Vegas 2014. Khi sử dụng, bàn chải này gửi dữ liệu tới điện thoại, chỉ ra bạn đã đánh răng “hiệu quả” như thế nào, thời gian bao lâu. Hoặc thiết kế chiếc thìa, dĩa Smart Fork & Smart Spoon để đo lượng Calory, dinh dưỡng đưa vào cơ thể.
Hay chiếc tất Fitness có gắn bộ phát tín hiệu trên mặt vải để đo đạc năng lượng tiêu thụ thông qua số bước chân đi… Tất cả là những nỗ lực đa dạng hóa thiết kế các sản phẩm đeo công nghệ để chúng không còn đơn thuần là những thiết bị đeo tay, gắn lên áo quần, chỉ có hình dạng vuông tròn cơ bản.
Tuy vậy, những nỗ lực này không thay đổi một thực tế rằng, người dùng đang sử dụng những công cụ quen thuộc được điện tử hóa. Khái niệm “điện tử hóa” này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để người dùng chấp nhận và sử dụng, dù thiết bị đã và đang đi sâu vào đời sống bằng cách biến hóa thiết kế vô cùng phong phú.
Thực tế cho thấy, thị hiếu, thẩm mỹ của từng giới tính, độ tuổi và tâm lý đóng góp rất lớn vào quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm và sự trung thành với thương hiệu. Người ta sẽ háo hức với công nghệ, nhưng cũng dễ tụt hứng bởi thiết kế: kích cỡ, màu sắc, hình dáng, chất liệu, trọng lượng. Những chiếc đồng hồ thông minh mặt vuông mạnh mẽ có thể khó thu hút người dùng đầy nữ tính. Hoặc một chiếc vòng tay công nghệ mảnh, nhẹ, tinh tế dễ khiến phụ nữ động lòng, nếu chiếc vòng tay này có thể vừa kiểm tra, theo dõi tín hiệu sức khỏe, vừa rung lên khi có ai đó vừa gửi tin nhắn trên Facebook cho mình.

Tương lai của kiểu dáng thiết kế Wearables
Tính ứng dụng của sản phẩm Wearables vào thời trang nói riêng và cuộc sống nói chung đang được các nhà sản xuất cẩn trọng xem xét. Từ đó, các loại vải thông minh, quần áo tích hợp công nghệ năng lượng mặt trời để xạc pin smartphone… được ra đời, mở ra một không gian hoàn toàn mới về kiểu dáng thiết kế của thiết bị Wearables.

Thiết bị đeo trong tương lai sẽ là phụ kiện thời trang?
 

Tương lai thiết kế phần cứng của những thiết bị thông minh này sẽ càng đa dạng hơn với rất nhiều hình hài: từ móc tay tới vòng cổ, kính thông minh, mũ bảo hiểm thông minh, chìa khóa, và thậm chí cả nhẫn Wearables. Và khả năng những giấc mơ của ngành công nghiệp thiết kế Wearables càng dễ trở thành hiện thực.
Có thể sẽ có những thiết bị không cần màn hình, mà tác vụ dựa trên cảm ứng, cử chỉ, thậm chí cả âm thanh sẽ kết nối con người với các trung tâm phân tích dữ liệu, khiến thiết kế Wearables sẽ trở nên tối giản, tinh tế và phù hợp với từng giới tính, độ tuổi, tâm lý người dùng.
 

PC World VN, 05/2014

PCWorld

thiết bị đeo, trang phục công nghệ, Wearable


© 2021 FAP
  3,466,832       1/826