Bảo mật luôn là vấn đề làm đau đầu cả những nhà sản xuất phần cứng lẫn những nhà cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ ngày nay, 5 biện pháp bảo mật sau đây đã được cải tiến rất nhiều và sẽ làm cho máy tính của chúng ta an toàn hơn.
1. Mặc định bảo mật
Hầu hết người dùng sẽ luôn chọn tùy chọn mặc định khi thực hiện các bước cấu hình bảo mật máy tính. Lần đầu tiên đăng nhập vào máy tính vừa mới cài đặt, các cửa sổ thiết lập đều mặc định hiển thị sẵn một tùy chọn có tính bảo mật thấp nhất. Nhà cung cấp hầu như quan tâm nhiều hơn về việc phần mềm của họ dễ dàng để sử dụng chứ không đặt vấn đề bảo mật lên hàng đầu, ngay cả khi những thiết lập mặc định này có thể làm tăng đáng kể những nguy cơ về bảo mật.
Chẳng hạn, khi virus macro lần đầu tiên xuất hiện, gần như tất cả các ứng dụng văn phòng đều tự động chạy các macro này hoặc đưa ra thông báo nhắc nhở người dùng quyết định có nên chạy hay không. Chỉ cần nhấn Enter là máy tính sẽ bị lây nhiễm. Cuối cùng, các nhà cung cấp phần mềm đã rút được kinh nghiệm rằng chỉ đơn giản là thay đổi thiết lập mặc định thành tùy chọn “No” thay vì “Yes” như trước đây, mặc dù cần thêm một cú nhấp chuột, sẽ ngăn chặn tất cả các rủi ro về bảo mật.
Ngày nay, gần như tất cả các phần mềm đều đi kèm không chỉ với các thiết lập mặc định an toàn hơn mà còn yêu cầu người dùng đưa ra quyết định, mặc định sẽ là câu trả lời an toàn. Một trong những ví dụ tốt nhất của việc này là các thông báo nhắc nhở của thiết lập Microsoft User Account Control (UAC) trong Windows. Khi cửa sổ UAC xuất hiện, nếu bỏ qua hoặc nhấn Enter, yêu cầu truy xuất vào các tính năng nâng cao của chương trình sẽ bị từ chối.
2. Mã hóa ổ đĩa
Một trong những cải tiến tốt nhất mà hầu hết các nhà sản xuất đã thực hiện là cung cấp chế độ mã hóa trên ổ đĩa cứng như một mặc định khi xuất xưởng. Tính năng này được kích hoạt mà đôi khi cả người sử dụng thậm chí cũng không nhận thấy. Chẳng hạn, nếu bạn mua một máy tính chạy Windows 8 hoàn toàn mới thì mặc định nó đã được cài đặt sẵn phần mềm mã hóa ổ đĩa BitLocker Disk Encryption. Chính sách này hiện cũng được Microsoft áp dụng cho Surface. Khi người dùng đăng nhập bằng tài khoản admin lần đầu tiên, khóa mã hóa của họ thậm chí còn có thể được sao lưu vào dịch vụ đám mây OneDrive của Microsoft và luôn được chạy nền trong trường hợp cần phục hồi trong tương lai.
Hầu hết các hệ điều hành khác đều bật chế độ mã hóa ổ đĩa theo mặc định hoặc người dùng được đề nghị kích hoạt mặc định. Chế độ này cũng có trên các hệ điều hành dành điện thoại di động và các thiết bị khác.
Chế độ mã hóa ổ đĩa đặc biệt hữu ích trong trường hợp máy tính xách tay bị đánh cắp. Tất nhiên, nhà cung cấp phải có công cụ phục hồi và đặc biệt là phải có sự đồng ý của khách hàng.
3. Mặc định SSL
Google là một trong hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ web hiện kích hoạt chế độ mã hóa SSL (Secure Sockets Layer) theo mặc định. Trước đây, hầu hết các dịch vụ điện toán đám mây, email và lịch phổ biến nhất đều không có sẵn SSL hoặc chỉ kích hoạt cho những người dùng đặc biệt. Điều này dẫn đến tình trạng trộm cắp mật khẩu và các tập tin cookie, đặc biệt là trên các mạng không dây được chia sẻ như trong các quán cà phê. Ngày nay, tất cả các nhà cung cấp lớn đều đi theo Google.
Có thể bạn tự hỏi tại sao phải mất nhiều thập kỷ sau khi SSL ra đời thì các nhà cung cấp mới kích hoạt nó theo mặc định. Lý do là SSL sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng một cách đáng kể, nhưng việc ra đời của những hệ thống phần cứng mạnh mẽ sẽ phần nào giải quyết được vấn đề.
Tất nhiên, ngay cả SSL cũng có lỗi, chẳng hạn như lỗ hổng mang tên Heartbleed trong OpenSSL gần đây cho thấy. Hầu hết các phiên bản của SSL không còn được coi là an toàn nữa. Hãy yên tâm rằng khi kết nối đến các trang web phổ biến nhất hiện nay, có lẽ bạn đang sử dụng giao thức TLS (Transport Layer Security) chứ không phải SSL.
4. Hai yếu tố xác thực đăng nhập web
Xác thực hai yếu tố (two-factor authentication – 2FA) dựa trên những thông tin mà người dùng biết (số PIN, mật khẩu) cùng với những gì mà người dùng có (SmartCard, USB, Token, Grid Card…) để chứng minh danh tính. Với hai yếu tố kết hợp đồng thời, tin tặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đánh cắp thông tin này. Nếu một trong hai yếu tố bị đánh cắp cũng chưa đủ để tin tặc sử dụng. Phương pháp này đảm bảo an toàn hơn rất nhiều so với phương pháp xác thực truyền thống dựa trên một nhân tố là mật khẩu hoặc số PIN.
Tuy nhiên, giới tin tặc được cho là cũng nghiên cứu về phương pháp xác thực 2FA trong hơn một thập kỷ qua, bắt đầu bằng loại Trojan Bancos. Có thể 2FA là rất tốt, nhưng nó không phải là một cứu cánh.
Hiện nay, người dùng có thể chọn một mã PIN thứ hai để gửi cho họ thông qua tin nhắn SMS đến điện thoại di động được xác định trước đó hoặc gửi vào một tài khoản email được xác định trước đó lần thứ hai. Đó là một giải pháp bảo mật rất tuyệt vời. Một số trang web thậm chí còn cho phép bạn sử dụng 2FA chỉ khi cần thiết, chẳng hạn như trên một máy tính công cộng không đáng tin cậy.
5. UEFI thay BIOS
Giao diện UEFI (Unified Extensible Firmware Interface) ra đời là một sự thay thế cho hệ thống BIOS (Basic Input/Output System) đã tồn tại nhiều thập kỷ. Intel đã phát minh ra tiêu chuẩn EFI ban đầu vào năm 2005 và trong khi nó gần như không có cơ chế bảo mật thực sự, nhưng đó vẫn là một khởi đầu tốt. Các nhà sản xuất PC đã dần thay thế BIOS bằng UEFI. Có vẻ như UEFI sẽ giúp quá trình khởi động an toàn hơn nhờ tính năng Secure Boot.
Tiêu chuẩn an toàn UEFI phiên bản 2.3.1 đã được phát hành vào năm 2013. Hệ thống kích hoạt với UEFI yêu cầu tất cả các mã có ý định thay đổi firmware của máy tính phải có chữ ký của một nhà cung cấp đã được phê duyệt trước đó. Nếu không việc thay đổi sẽ bị chặn lại.
Đối với phương pháp BIOS cũ, hầu hết các model máy tính khác nhau đều có BIOS khác nhau. Mỗi phiên bản BIOS đòi hỏi một cách cấu hình khác nhau, có nghĩa là nó sẽ khó khăn hơn cho phần mềm độc hại khi âm thầm lây nhiễm. Trong khi đó, UEFI lại tiêu chuẩn hóa cách cấu hình firmware, nên đó có thể sẽ là một điểm yếu để phần mềm độc hại dễ dàng thâm nhập hệ thống sử dụng UEFI hơn.
PC Wolrd VN, 06/2014
an ninh bảo mật, bảo mật máy tính