Công nghệ - Sản phẩm

Smartphone là bước đệm tốt cho IoT

Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục áp dụng những công nghệ trên smartphone vốn rất thành công vào những loại thiết bị công nghệ khác và nhân rộng chúng lên trong thế giới Internet của vạn vật.

Ông Thiều Phương Nam Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương

Internet of Things (IoT) là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Trong thế giới của IoT, các thiết bị công nghệ thông minh kết nối và tương tác với nhau sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, giải trí… Để tạo nên một thiết bị kết nối trong IoT, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thông minh, đa năng cho mọi thiết bị t là chip xử lý vận hành trên thiết bị đó. Do vậy, để IoT nhanh chóng được phủ rộng, phát triển toàn diện hơn thì cần phải có sự nỗ lực, phối hợp cũng như kế hoạch rõ ràng của các nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp dịch vụ Internet, các hãng công nghệ và nhất là nhà cung cấp chip xử lý. Qualcomm – nhà cung cấp lớn những công nghệ nền tảng của di động đã và đang có chiến lược rõ ràng liên quan đến IoT.

PC World Việt Nam đã có dịp trao đổi với ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương để tìm hiểu rõ hơn về IoT cũng như các kế hoạch, dự án triển khai  tại Việt Nam.
PCW. Chào ông, truyền thông gần đây nhắc rất nhiều đến cụm từ Internet of Things hay Internet của mọi thứ. Khái niệm này có vẻ hơi cao siêu và mơ hồ. Vậy, ông có thể giải thích rõ ràng và dễ hiểu hơn không?

Ông Thiều Phương Nam: Để dễ hiểu, Internet of Things là tập hợp nhiều thiết bị công nghệ thông minh kết nối và giao tiếp với nhau. Những thiết bị này có thể trao đổi dữ liệu qua lại qua Internet từ đó tính toán và đưa ra những lời khuyên phù hợp cho từng hoạt động của con người trong cuộc sống, công việc, giải trí…

Hiện nay, đa số những thiết bị điện tử, gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt… không được tích hợp vi xử lý giúp có thể tính toán như máy tính. Do đó, trong IoT, những thiết bị này bắt buộc phải được trang bị chip xử lý để khiến bản thân nó trở nên thông minh.

Yếu tố bắt buộc thứ hai là những thiết bị IoT phải được tích hợp các kết nối như Wi-Fi, mạng dữ liệu di động (3G, 4G-LTE…) để chúng có thể trao đổi dữ liệu (giao tiếp) với nhau. Vậy, thiết bị trong IoT phải thoả mãn hai yêu cầu: thông minh và có thể kết nối với nhau.

Như vậy, điện thoại thông minh có được xem là một hình mẫu của một thiết bị trong IoT không vì chúng cũng thông minh và cũng được trang bị kết nối? Và liệu trong thế giới IoT trong tương lai, smartphone không còn quan trọng nữa?

Đúng, có thể xem smartphone là mẫu hình thành công của một thiết bị thông minh kết nối trong IoT. Tiếp nối những thành công trên thị trường smartphone, trong thời gian tới, Qualcomm đặt mục tiêu phát triển cho công ty theo hướng Total Mobile Company – Công ty chuyên về di động. Với định hướng này, ngoài smartphone, Qualcomm còn hướng đến nhiều sản phẩm khác trong IoT.

Hiện tại, smartphone sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng. Năm 2013, số lượng smartphone vượt con số 1 tỷ thiết bị. Hiếm có một sản phẩm công nghệ nào đạt được mốc 1 tỷ. Theo dự báo, trong năm nay và trong thời gian tới, số lượng smartphone sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2018, số smartphone sẽ đạt 2 tỷ chiếc.

Tuy nhiên, trong những năm tới tốc độ phát triển của smartphone có thể sẽ không bằng 2, 3 năm trước đây. Tỷ lệ tăng trưởng sẽ dừng lại ở khoảng 30% đến 40%/năm (mức tăng trưởng cũ là 70%-80%/năm) và các thiết bị mới sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Dự báo đến năm 2020, trong IoT sẽ có đến 25 đến 30 tỷ thiết bị kết nối với nhau, nhưng con số smartphone trong thế giới IoT chỉ chiếm khoảng 1/3 và 2/3 còn lại là những thiết bị mới.

IoT sẽ khiến cho số lượng thiết bị kết nối tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Vậy điều này sẽ gây ra những thách thức nào đáng kể không?

Đây là một trong những thách thức rất lớn trong IoT – giải quyết bài toán trao đổi dữ liệu trên các mạng di động. Qualcomm cũng đang tập trung nghiên cứu để đưa ra hướng giải quyết cho thách thức này.

Như chúng ta đã biết, việc trao đổi dữ liệu trên mạng di động rất khác so với trên mạng dây. Với mạng dây, nếu thiếu băng thông thì chỉ cần thêm dây là giải quyết được, trong khi trên mạng di động thì băng tần có giới hạn thì về mặt vật lý thì không thể bổ sung thêm băng tần. Do đó, khi dữ liệu tăng đột biến trong 10-12 năm tới, chúng ta sẽ đối mặt với “thách thức 1000 lần” thì bài toán này cần phải được giải quyết. Qualcomm và nhiều hãng viễn thông di động đang nghiên cứu. Hướng giải quyết có thể là tối ưu cách sử dụng băng tần, chẳng hạn như phải nghiên cứu nhiều công nghệ trao đổi dữ liệu nhanh và tối ưu hơn trên 3G (HSPA+, Dual-Carrier…). Hướng thứ hai là sử dụng và tối ưu những công nghệ mạng không dây khác, chẳng hạn Wi-Fi thế hệ mới hoạt động ở băng tần cao. Đối với nhà mạng thì cách giải quyết bài toán này là sử dụng những cell nhỏ (small cell) để thực hiện việc trao đổi dữ liệu giữa những thiết bị cho từng gia đình, toà nhà.

Vậy tầm nhìn chiến lược của Qualcomm để phát triển IoT nói chung và tại Việt Nam nói riêng như thế nào, thưa ông?

Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục áp dụng những công nghệ trên smartphone vốn rất thành công vào những loại thiết bị công nghệ khác và nhân rộng chúng lên trong IoT. Những công nghệ hiện đang áp dụng trên smartphone giúp các điện thoại trở nên rất thông minh và tiện ích. Việc nhân rộng các công nghệ này lên các sản phẩm khác như đồng hồ thông minh, ô tô, thiết bị chăm sóc sức khoẻ cá nhân… sẽ giúp những thiết bị này cũng trở nên đa năng và thông minh hơn. Tất nhiên, một khi những nền tảng thiết bị thông minh đã sẵn sàng thì sẽ có nhiều ứng dụng từ những nhà phát triển ra đời giúp chúng trở nên đa năng hơn, dễ dàng kết nối, điều khiển, giao tiếp và giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn.

Tại Việt Nam, Qualcomm đã hợp tác và hỗ trợ một số nhà sản xuất trong nước để đưa chip xử lý của hãng vào các sản phẩm mới. Chẳng hạn như hãng đang làm việc với một nhà sản xuất của Việt Nam để đưa chip xử lý lên đồng hồ thông minh của họ. Tuy nhiên, tôi không thể tiết lộ tên nhà sản xuất được vì những cam kết trong hợp tác.

Vậy với tầm nhìn này thì hiện tại Qualcomm có kế hoạch phát triển chi tiết nào về lĩnh vực này không? Bên cạnh đó, ông có thể tiết lộ thông tin chi tiết các kết quả mới nhất của Qualcomm về IoT?

Với vai trò của mình trong ngành, tập trung vào tất cả các khía cạnh của các đột phá trong công nghệ di động, Qualcomm rất phấn khởi về các khả năng mà IoT sẽ mang đến cho người dùng cũng như các doanh nghiệp.

Là một thành viên sáng lập của Liên minh AllSeen, Qualcomm cùng với các đối tác trong ngành tích cực xây dựng các hệ thống có thể trao đổi với nhau trên toàn cầu và hệ sinh thái IoT lành mạnh mở rộng dựa trên AllJoyn, một nền tảng phần mềm và dịch vụ mở, toàn cầu và có thể lập trình được.  

Ngoài việc hỗ trợ IoT thông qua các nỗ lực chung với các đối tác trong ngành, Qualcomm còn phát triển một số giải pháp IoT tiên tiến có thể tương tác với các nền tảng dành cho giải trí trên xe hơi và trong gia đình, bao gồm AllPlay, nền tảng kết nối QCA4002 và QCA4004  được phát triển dành cho các thiết bị điện gia dụng trong gia đình (máy giặt, máy điều hòa, máy nước nóng ….), các thiết bị điện tử, các cảm biến và phích cắm đèn điện thông minh, cũng như các hệ thống an ninh và tự động hóa. Ngoài ra, Qualcomm Snapdragon 802 là bộ vi xử lý SoC tích hợp đầy đủ đầu tiên được thiết kế dành cho TV thông minh, thiết bị thu nhận tín hiệu thông minh (smart set-top box) và media adapter kỹ thuật số thông minh. Bộ vi xử lý các ứng dụng Qualcomm Snapdragon 602A mang đến các trải nghiệm tốt hơn trên smartphone và tablet cho xe hơi.

Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái IoT thông qua các phát minh với tầm nhìn xa và việc tham gia tích cực vào các liên minh trong trong ngành. 

Ông có thể cho biết những kết quả mà Qualcomm đã thực hiện được trong việc áp dụng IoT trong lĩnh vực thể thao? Cụ thể là Qualcomm có khuyến khích phát triển và sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh trong xe hơi và thể thao hay không?  

Tương tự như vai trò dẫn đầu của Qualcomm trong lãnh vực thiết bị di động, mạng và dịch vụ đã mang đến cuộc cách mạng về smartphone và tablet, Qualcomm đang tận dụng thành quả này với vai trò là một công ty cung cấp các giải pháp tổng thể, toàn diện về di dộng để đem đến một tầm nhìn mới về một lối sống kết nối rộng hơn.

Hơn một thập kỉ qua, các kỹ sư của Qualcomm đã và đang cung cấp cho các nhà mạng các dịch vụ tư vấn và tối ưu hóa mạng lưới tại các khu vực mật độ cao như sân vận động, trung tâm hội nghị, sân bay. Dịch vụ tư vấn của Qualcomm đã thành công trong việc nâng cao khả năng kết nối của các sự kiện thể thao như sự kiện Super Bowl (giải bóng đá Mỹ), Olympics, hội nghị quốc gia, Indy 500 (giải đua xe), Major League Baseball (giải bóng chày Mỹ), giải vô địc NCAA.

Gần đây nhất, Qualcomm là nhà sáng lập chính thức và là đối tác công nghệ của giải vô địch xe đua công thức E- FIA Formula E Championship – giải tranh chức vô địch quốc tế mới trong đó các xe đua chạy bằng năng lượng điện. Tại giải đấu này, Qualcomm sẽ trình diễn các công nghệ di động mới nhất bao gồm các trải nghiệm công nghệ sạc không dây cho xe, khả năng kết nối và hệ thống quạt gió kỹ thuật số. Giải vô địch thể thức E mùa thứ nhất trải qua 10 thành phố sẽ bắt đầu vào tháng 9 tại Bắc Kinh và kết thúc tại Luân Đôn vào tháng 6/2015.

Ông có thể chia sẻ ngoài lề về số lượng các thiết bị có vi xử lý Snapdragon bán ra tại thị trường Việt Nam không?

Qualcomm rất hào hứng về sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị thông minh tại Việt Nam, chúng tôi tin điều này mang đến sức mạnh giúp cải thiện cuộc sống và khởi đầu một lối sống kết nối toàn diện. Hiện Qualcomm không có các thông tin chi tiết về doanh thu cũng như số lượng vi xử lý đã bán ra tại từng thị trường cụ thể, nhưng có thể nói rằng vi xử lý Snapdragon hiện đang được trang bị trong phần lớn các thiết bị 3G và 4G LTE đã được thương mai hóa trên toàn cầu. Trong tháng 1/2014, hơn 1350 thiết bị được trang bị vi xử lý Snapdragon được công bố và thương mại hóa trên toàn cầu, trong khi đó 525 thiết kế Snapdragon đang trong quá trình phát triển.

PCWorld VN, 08/2014

PCWorld

Internet of Postal Things, internet of things, Qualcomm, Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương


© 2021 FAP
  3,461,426       5/1,032