Công nghệ - Sản phẩm

Edward Snowden: Giọt nước tràn ly (phần 6)

"Nếu chính phủ không còn là cơ quan đại diện cho quyền lợi của chúng ta thì công chúng sẽ tự giành lấy quyền lợi cho chính mình. Và một người như tôi sẽ cung cấp phương tiện để công chúng làm điều đó."

(Tiếp theo phần 5)

Vào tháng 6 ở Moscow, mặt trời lặn, bên ngoài cửa sổ khách sạn, bóng nắng đổ dài bao trùm thành phố. Nhưng Snowden hầu như không để ý đến thời gian trôi đi quá nhanh, thoáng chốc đã hết vài giờ buổi chiều phỏng vấn của nhà báo James. Anh đang sống theo múi giờ của New York để trao đổi tốt hơn với những người hỗ trợ anh và luôn cập nhật tin nóng đầu ngày ở Mỹ. Thông thường, điều này có nghĩa là anh sẽ đón nhận được ngay những lời lẽ cay nghiệt nhất từ những người chỉ trích việc làm của anh, không những từ chính trị gia mà còn từ những nhân vật khác không bị ảnh hưởng và cả những người cùng nghề với anh. Thậm chí cả trong ngành công nghệ, là nơi mà anh có nhiều người ủng hộ nhất, cũng có vài người chỉ trích, cho rằng anh "chơi" quá nhanh và "thả" nhiều thông tin nhạy cảm. Người sáng lập Netscape và nhà đầu tư Marc Andreessen nói với CNBC: "Nếu bạn lật cuốn bách khoa toàn thư để tra từ 'kẻ phản bội' thì có ngay tấm hình của Edward Snowden hiện ra." Và Bill Gates cũng có những nhận xét tương tự trong bài phỏng vấn trên tờ Rolling Stone: "Tôi nghĩ anh ta vi phạm luật pháp, nên tôi sẽ không xem anh ta như một vị anh hùng. Bạn sẽ không tìm thấy nhiều lời nói khâm phục anh ta từ tôi đâu."

Snowden chỉnh lại cặp kính đang đeo, vì một miếng đệm mũi của chiếc kính bị rớt mất nên khiến nó thỉnh thoảng lại trượt xuống mũi. Anh dường như lạc trong suy nghĩ của mình, nghĩ về phút giây quyết định, nghĩ về thời điểm không thể quay lại được. Là thời gian mà khi chiếc bút nhớ trong tay, nhận thức được những chuỗi liên hoàn tác động diễn ra, anh bí mật khởi động guồng máy ấy. "Nếu chính phủ không còn là cơ quan đại diện cho quyền lợi của chúng ta," anh nói, mặt nghiêm nghị, những lời nói thốt ra rõ, chậm, "thì công chúng sẽ tự giành lấy quyền lợi cho chính mình. Và một người như tôi sẽ cung cấp phương tiện để công chúng làm điều đó."

Rõ ràng NSA không bao giờ đoán được một người như Snowden sẽ làm phản. Trong mọi trường hợp, Snowden cho rằng anh không có bất kỳ trở ngại nào để truy cập, tải về và trích xuất tất cả thông tin mật mà anh muốn. Trừ trường hợp với những tài liệu được xếp loại bảo mật ở mức cao nhất, là loại tài liệu đề cập về mọi chương trình giám sát của NSA mà bất kỳ ai, nhân viên hay đối tác, công hay tư, miễn là có tài khoản và tiếp cận được một máy tính của NSA.

Nhưng quyền truy cập của Snowden khi còn ở Hawaii thậm chí còn trên cả mức ấy. "Tôi từng là chuyên viên công nghệ bậc cao ở văn phòng chia sẻ thông tin tại Hawaii. Tôi có thể truy cập đến mọi thứ," anh cho biết.

Truy cập được hầu như mọi thứ. Nhưng có một mảng chính yếu ngoài tầm với của anh: hoạt động về chiến tranh mạng trên khắp thế giới của NSA. Để có thể truy cập được vào mảng tối cuối cùng đó, Snowden chuyển sang làm nhà phân tích cơ sở hạ tầng cùng với một đối tác lớn của NSA là Booz Allen. Vị trí này đã cho anh có được một quyền hạn hiếm có, can thiệp được cả hệ thống mạng nội địa lẫn bên ngoài, cho phép anh theo dõi những cuộc tấn công mạng ở trong nước, và theo dấu biết được nguồn gốc nước ngoài của những cuộc tấn công ấy. Với công việc mới, Snowden bị đắm chìm trong thế giới mật vụ cao cấp, cài malware vào các hệ thống trên khắp thế giới và đánh cắp hàng gigabyte thông tin mật từ nước ngoài. Cùng lúc ấy, anh cũng có thể khẳng định rằng có nhiều dữ liệu truyền thông của Mỹ "bị can thiệp và lưu lại mà không được cấp phép, hay có bất kỳ yêu cầu nào từ cấp trên." Anh thu thập những chứng cứ ấy và bí mật cất chúng vào chỗ an toàn.


Thời điểm anh làm việc cho Booz Allen vào mùa xuân năm 2013, Snowden hầu như hoàn toàn vỡ mộng, mặc dù anh vẫn chịu được những thông tin gây sốc. Một ngày nọ, một nhân viên tình báo kể cho anh về TAO, là một bộ phận tin tặc của NSA, vào năm 2012 nhóm này cố cài đặt từ xa malware vào một trong những router của một nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn ở Syria, khi đang trong giai đoạn nội chiến căng thẳng ở đất nước này. Nếu cài thành công, NSA có thể truy cập được email và nhiều các dữ liệu internet khác của Syria. Nhưng khi cài đặt lại xảy ra trục trặc, do vậy router ấy bị đứng và khiến mọi thứ không vận hành được. Router này bị hỏng khiến cho Syria đột nhiên bị mất kết nối Internet, mặc dù lúc ấy công chúng không biết được rằng chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho chuyện đó. Và bài viết này là lần đầu tiên tiết lộ thông tin này.

Bên trong trung tâm điều hành TAO, các tin tặc của chính phủ hốt hoảng. Họ phải chạy đua để sửa từ xa cái router ấy, thất vọng trong việc xóa đi dấu vết để khiến người Syria không phát hiện ra vụ đột nhập bằng phần mềm phức tạp đó để truy cập toàn hệ thống mạng của Syria. Nhưng bởi vì cái router ấy bị đứng nên họ bất lực, không thể sửa từ xa được.

May cho NSA là người Syria rõ ràng tập trung vào chuyện khôi phục mạng internet quốc gia hơn là theo dấu nguyên nhân hỏng hóc từ bên ngoài. Trở lại với trung tâm điều hành TAO, căng thẳng cuối cùng cũng được dỡ bỏ với câu nói đùa: "Nếu chúng ta bị bắt, chúng ta có thể chỉ sang Israel."

Phần lớn công việc của Snowden trong khi làm việc với Booz Allen là phân tích những mối hiểm họa tiềm năng đến từ Trung Quốc. Các mục tiêu của anh gồm có các viện nghiên cứu, thông thường không liên quan đến quân đội. Anh nghĩ rằng công việc này bị trùng lắp với nhiệm vụ của cơ quan tình báo. Anh nói: "Chẳng có gì bí mật về chuyện chúng ta rất hăng hổ tấn công mạng của Trung Quốc. Nhưng chúng ta đã vượt qua giới hạn. Chúng ta hack các trường đại học, bệnh viện và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng dân dụng thay vì các đối tượng là chính phủ quân đội. Đó là lý do thật sự đáng để tâm."

Giọt nước tràn ly đối với Snowden là một chương trình bí mật mà anh phát hiện trong khi tinh chỉnh tốc độ xử lý cho cơ sở lưu trữ dữ liệu mật khổng lồ của NSA ở Bluffdale, Utah. Dung lượng của cơ sở dữ liệu ấy lên tới hàng yottabyte dữ liệu, khoảng 500 quitilion trang văn bản, hơn 9.200 m2 diện tích tòa nhà bên trong NSA, mà họ gọi là Mission Data Repository (MDR). Theo Snowden, tên gốc của nó là Massive Data Repository, nhưng nó được đổi lại tên vì nghe tên thật có vẻ quá ghê gớm và... chính xác. Hàng tỉ cuộc gọi, fax, email, dữ liệu truyền từ máy tính-máy tính, tin nhắn trên khắp thế giới đều trôi vào MDR mỗi giờ. Có vài loại dữ liệu vào rồi ra, vài loại bị giữ lại đó mãi mãi.

Cái kho dữ liệu khổng lồ ấy chưa phải là hết, Snowden còn mệt mỏi hơn nữa khi phát hiện ra một chương trình tấn công mạng mới khi làm việc, tên là MonsterMind. Chương trình này cũng là lần đầu tiên được đề cập trong bài viết này, nó sẽ tự động hóa quy trình săn đuổi từ lúc bắt đầu một cuộc chiến mạng ra nước ngoài. Phần mềm có thể lập tức truy tìm những metadata có chứa các thuật toán biết trước hoặc nghi ngờ chương trình nào là malware. Khi MonsterMind phát hiện một thuật toán nghi ngờ nào đó, nó sẽ tự động chặn chương trình đó xâm nhập vào Mỹ, mà theo thuật ngữ mạng là một "kill".

Nhưng các chương trình như vậy đã tồn tại hàng thập kỷ nay, điều đáng nói là MonsterMind có thêm một khả năng mới độc nhất vô nhị: thay vì đơn giản chỉ việc nhận diện và kill malware ngay tại điểm nó xâm nhập hệ thống mạng thì MonsterMind còn tự động đánh trả mà không cần chuyên gia nào can thiệp. Snowden cho biết vấn đề là ở chỗ đó, bởi vì các cuộc tấn công khởi đầu thường đi qua các máy tính của các quốc gia bên thứ 3 vô tội. Anh nói những cuộc tấn công ấy có thể là tấm bình phông mà thôi, ví dụ như bạn có thể ngồi tại Trung Quốc mà tấn công, làm cho malware đó trông như thể xâm nhập từ Nga. Và sau đó MonsterMind đáp trả đến một bệnh viện nào đó ở Nga. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngoài khả năng tự động khơi ra một cuộc chiến thì Snowden còn xem MonsterMind là mối hiểm họa khôn lường đối với tính riêng tư cá nhân, bởi vì để cho hệ thống vận hành, NSA đầu tiên phải bí mật truy cập được vào mọi thông tin liên lạc riêng tư ra vào nước Mỹ. Anh nói: "Vấn đề là cách duy nhất mà chúng ta có thể nhận diện những luồng dữ liệu ác ý và đáp trả lại chúng là chúng ta phải phân tích mọi luồng dữ liệu vào ra ấy. Và khi chúng ta phân tích mọi dữ liệu như vậy, có nghĩa là chúng ta đang can thiệp vào mọi thứ, nghĩa là chúng ta đã vi phạm điều luật thứ 4 của Mỹ là can thiệp vào thông tin liên lạc riêng tư mà không có lệnh khám xét, không có lý do xác đáng nào, thậm chí một nghi ngờ nhỏ nhất về hành vi sai trái của người dùng cũng không."  Một nhà phát ngôn của NSA từ chối bình luận về MonsterMind, vụ việc cài malware vào router của Syria hoặc bất kỳ vấn đề nào nêu ra trong bài viết này.

Vì cái kho dữ liệu khổng lồ mới vừa được NSA xây dựng tại Bluffdale nên tiềm năng rất có thể nó vô tình khơi ra một cuộc chiến tranh mạng. Và với trách nhiệm giám sát mọi thông tin liên lạc đi vào nước Mỹ nên Snowden tin rằng anh không còn chọn lựa nào khác là dùng những chiếc bút nhớ lưu trữ của anh để nói cho thế giới biết điều mà anh biết. Câu hỏi duy nhất trong đầu anh lúc ấy chỉ là khi nào mà thôi.

Vào ngày 13/3/2013, ngồi tại bàn làm việc ở "đường hầm", bao quanh là các màn hình máy tính, Snowden độc một câu truyện và câu truyện ấy thuyết phục anh đã đến lúc hành động. Đó là bản tin về giám đốc cơ quan tình báo James Clapper nói cho một ủy viên nghị viện rằng NSA "không chủ ý" thu thập thông tin của hàng triệu người dân Mỹ. Anh nói: "Tôi nghĩ tôi đọc điều này trong tờ báo sáng mai, rồi hỏi đồng nghiệp rằng anh có tin vô mấy thứ vớ vẩn này không?"

Snowden và đồng nghiệp anh đã nói nhiều về những chuyện dối trá về cách làm tình báo của NSA nên chẳng gì ngạc nhiên với anh khi đồng nghiệp ít có phản ứng gì về lời nói của ông Clapper. "Đó còn hơn cả sự chấp nhận, đó là lời sáo rỗng của kẻ ác", là cụm từ mà Hannah Arendt từng dùng trong nghiên cứu của bà nói về một nước Đức thời Phát-xít.

Snowden chia sẻ "Tôi giống con ếch trong nồi nước sôi vậy. Bạn tiết lộ một ít, bạn phá luật một chút, bạn không thành thật một chút, thêm một chút đối trá, một chút chơi khăm mối quan tâm của công chúng, rồi bạn có thể rũ bỏ chúng, rồi bạn có thể đánh giá chúng. Nhưng nếu làm vậy, những điều ấy sẽ tạo ra một trườn dốc trơn trượt, ngày một nghiêng hơn. Rồi khi 15 năm, 20 năm, 25 trôi qua, bạn thấy được tất cả, và không gì có thể làm bạn sốc được nữa. Lúc ấy, bạn thấy nó trở thành chuyện bình thường cơm bữa. Đó chính là vấn đề, đó là trường hợp của Clapper. Ông ta thấy chuyện phỉnh gạt người dân giống như thể đó là công việc của ông ta, như thể là công việc thường nhật. Và ông ta đúng vì ông ta không bị ai phạt vì điều ấy, thậm chí một lời nhắc nhở cũng không. Điều này cũng cho biết nhiều thứ về hệ thống và nhiều thứ về các nhà lãnh đạo của chúng ta." Snowden quyết định đã đến lúc trồi ra khỏi nồi nước sôi trước khi nước luộc chín anh. 

(Còn tiếp)

PCWorld

Edward Snowden


© 2021 FAP
  3,058,217       2/1,180