Thời của Steve Jobs đã qua được 3 năm. Trong vòng 3 năm ròng rã ấy, Apple đã lột xác, tạo thành một lớp vảy mới hoàn toàn khác. Tốt hơn hay tệ hơn, có thể chưa rõ ràng, nhưng chúng ta cùng xem cách Tim Cook "lột vảy" như thế nào.
(Tiếp theo phần 1)
Một nhân vật quan trọng khác cần nhắc đến là Jony Ive. Có thể xem ông Ive là huyền thoại về thiết kế của Apple khi ông làm việc ở đây đã 15 năm, ông làm nên giao diện của iPod gốc (2001), iPhone (2007) và iPad (2010). Chính cái tên của ông, Jony Ive, chỉ gồm 3 vần, không thừa không thiếu chữ nào mà ông muốn mọi người gọi, cũng đã nói lên quan điểm thiết kế tối giản của ông. Ông có giọng nói nhỏ nhẹ, chính xác, vóc người dày, thường mang giày da lộn, quần sọc xanh trắng, áo thun xanh dương, là nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới hiện nay và khó có thể nhầm lẫn ông với ai khác được.
Trên tay đeo chiếc đồng hồ Apple Watch, Ive tiết lộ dự án này ông đã thai nghén trong phòng lab của mình cách nay 3 năm trời, ngay sau khi Jobs mất đi và trước khi từ “thiết bị đeo trên người” được mọi người ở thung lũng Silicon thường xuyên to nhỏ chuyện trò. Ông nói “Đây có thể là một trong những dự án khó khăn nhất của tôi.” Có nhiều lý do cho việc này, đó là tính phức tạp trong chế tác, nhu cầu tương tác vật lý kiểu mới giữa đồng hồ và cơ thể con người, nhưng điều khiến ông Ive trăn trở nhất chính là Apple Watch là sản phẩm đầu tiên của Apple trông giống hướng về quá khứ hơn là hướng tới tương lai. Apple đã mời nhiều sử gia chuyên về đồng hồ đến Cupertino nói chuyện, trong đó có tác giả người Pháp Dominique Fléchon, một chuyên gia về đồng hồ cổ. Ông Fléchon chỉ cho biết rằng “cuộc nói chuyện có nói về triết lý của các thiết bị đo thời gian”, và lưu ý rằng Apple Watch không thể vĩnh cửu được như vài đồng hồ Thuỵ Sỹ cổ điển: “Cuộc cách mạng công nghệ quá nhanh như lúc này sẽ biến Apple Watch trở nên lỗi thời.”
Ive năm nay 47 tuổi, lao đầu vào lịch sử của đồng hồ. Những chiếc đồng hồ treo tường đầu tiên được gắn trên các đỉnh tháp ở trung tâm thị trấn, phố xá nào đó từ xưa đến nay dần dần được tối giản lại, rồi đồng hồ được làm dạng nắp bật gắn nơi thắt lưng, rồi lên phù điêu đeo cổ, rồi đồng hồ bỏ trong túi quần. Sau đó, chúng mới được đưa lên cổ tay, xuát hiện đầu tiên trên cổ tay các thuyền trưởng biết giờ để biết canh thời điểm bẻ bánh lái tàu ngoài khơi xa. Điều thú vị là phải mất hàng thế kỷ thì chiếc đồng hồ trên tháp cao mới lên được cổ tay con người. Vì lẽ đó mà ông Ive tin rằng cổ tay chính là nơi công nghệ sẽ “đậu” đến tiếp theo.
Jony Ive |
Ban đầu, đội của Ive thử sử dụng khả năng trượt 2 ngón để zoom trên màn hình chạm giống như trên iPhone, nhưng màn hình đồng hồ lại quá nhỏ và một ngón tay cũng đủ che gần hết bề mặt. Sau một năm theo đuổi dự án này, nhóm bắt đầu mày mò với cáci sau này họ gọi là “vương miện số”, là một biến thể của nút chỉnh kim phút như đồng hồ truyền thống. Bằng cách nhấn vào hoặc xoay chiếc vương miện này, người dùng Apple Watch có thể chuyển về màn hình chính, zoom tới lui và duyệt qua các ứng dụng.
Đặc điểm của đồng hồ đeo tay là vừa thời trang, vừa đầy đủ chức năng. Ive và đồng nghiệp cũng nhận biết điều này nên đưa ra 3 bộ sưu tập đồng hồ với nhiều đặc điểm thiết kế và chất liệu khác nhau, kèm theo đó là 7 loại dây đeo đồng hồ. Ông Ive xem mỗi chiếc đồng hồ mình tạo ra phải thực sự dễ dùng, tiện dụng, ví dụ như dây bạn có thể gỡ dây đeo ra khỏi mặt đồng hồ chỉ bằng cách nhấn vào 2 nút 2 bên, không cần dùng bất kỳ công cụ chuyên dụng nào. Đồng thời, kèm theo đồng hồ là bộ sạc độc đáo bằng nam châm, bạn chỉ việc gắn đồng hồ vào tấm nam châm bên trong hộp để sạc. Tuy vậy, Apple vẫn chưa công bố thông tin chi tiết nào liên quan đến pin và thời gian dùng pin của Apple Watch.
Hè năm ngoái, giá cổ phiếu của Apple giảm ở mức kỷ lục, đến 40% vì lý do là họ không cho ra được một sản phẩm mới nào. Tim Cook lúc ấy cũng đã chuẩn bị để tăng tốc dự án này. Và nay giá cổ phiếu phục hồi lại trong khoảng 100 USD. Nhiều chuyên gia theo dõi Apple từng dự đoán ông Dan Riccio hiện đang dẫn đầu nhóm phần cứng, sẽ đảm nhiệm mảng Apple Watch, nhưng cuối cùng ông Cook đã giao cho Jeff Williams, 51 tuổi, người quản lý mảng điều hành Apple. Ông Williams có thể xem là kẻ thân tín của ông Cook, từng thực hiện nhiều vụ mua bán sáp nhập, từng làm việc trực tiếp với Foxconn và các nhà sản xuất khác, và thấy được tầm quan trọng của hệ thống phân phối để đưa hàng triệu sản phẩm Apple từ các nhà máy châu Á đến các cửa hàng trên khắp thế giới. Ông Williams giống ông Cook đến lạ kỳ: cao, nói nhỏ nhẹ, có trí nhớ tuyệt vời về các chi tiết trong quản lý điều hành. Cả hai ông đều có bằng MBA của đại học Duke và có thời gian đầu làm cho IBM. Với Apple đế chế mới, có thể xem ông Williams là Tim Cook của Tim Cook.
Ông Williams quản lý đội ngũ ít dính dáng tới các nhóm thuộc mảng Macintosh và iPhone, và họ làm việc rất kín tiếng so với đồng nghiệp khác. Đội ngũ làm đồng hồ này gồm hàng trăm kỹ sư, nhà thiết kế và nhân viên tiếp thị, có thể xem là hợp với mô hình mới của Apple. Hiện Apple có hơn 1000 nhà thiết kế chip, đang tạo ra bộ xử lý S1 mới, sẽ được lắp cho đồng hồ. Các chuyên gia luyện kim chịu trách nhiệm làm vỏ máy Mac và iPhone nay được giao phó để chế tác ra khung bằng vàng cho Apple Watch loại cao cấp, và các nhà khoa học về thuật toán của Apple nghiên cứu cách cải thiện tính chính xác của cảm biến đo nhịp tim của đồng hồ.
Ông Williams không hề biện hộ hay phân trần gì về việc trì hoãn Apple Watch trong mùa hè năm nay. Ông Williams cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất thế giới. Một trong những đối thủ của chúng tôi có thể cố gắng đến lần thứ 4, hoặc lần thứ 5 nhưng chẳng ai đeo chúng.” Ông Cook cũng tỏ ý nhẫn nại: “Thực sự thì chúng tôi có thể tung ra đồng hồ này rất sớm, nhưng nó sẽ không thật vừa vặn, đẹp đẽ, chất lượng và tương thích tốt với các sản phẩm còn lại. Nên tốt hơn hết chúng ta nên chờ.”
Đương nhiên Apple cũng chịu nhiều trỉ trích, cho rằng giao diện người dùng của đồng hồ quá rối rắm và không hoàn toàn rõ ràng, và nếu có một ứng dụng “tuyệt đỉnh” nào đó cho nó thì nó liệu có qua mặt được điện thoại thông minh hay không. Với mức giá khởi điểm là 349 USD thì có lẽ phần lớn người dùng sẽ chuyển sang mua iPhone 6 với hợp đồng 2 năm ở Mỹ thì sẽ có lợi hơn nhiều.
Ông Cook cho rằng ông mong muốn đồng hồ sẽ tiện dụng hơn vì ông từng nói tiềm năng thực sự của đồng hồ Watch là giúp người dùng theo dõi được tình trạng sức khoẻ của bản thân mình, nhưng ông lại không hy sinh đi yếu tố ấy nếu phải bù đắp cho lợi nhuận. Bên cạnh đó còn có yếu tố thời trang, như một người cho biết với nam thì Apple Watch trông quá nữ tính còn với nữ thì nó trông quá to và nam tính.
Ông Cook cũng nhìn đồng hồ Watch theo cách ngoài việc theo dõi sức khoẻ, người dùng còn cải thiện được cuộc sống hằng ngày vì đồng hồ này cũng có thể đóng vai trò như bộ điều khiển từ xa cho TV, các thiết bị điện tử dân dụng và cả trực tuyến.
Trong một cuộc họp cổ đông hồi tháng 3 đầu năm nay, một đại diện nhà nước Mỹ hỏi ông Cook về cam kết của Apple trong vấn đề giảm lượng carbon gây hại môi trường và loại bó các chất hoá học có hại trong sản phẩm. Khả năng nào cho vấn đề xoay hồi vốn ROI? Ông Cook đã tỏ ra giận giữ: “Tôi không quan tâm đến chỉ số ROI. Nếu bạn muốn tôi làm một thứ gì đó vì lý do là ROI thì bạn nên bán hết cổ phiếu của mình đi.” Và rồi đám đông vỗ tay tán thưởng ông.
Năm ngoái, Cook thuê Lisa Jackson, cựu giám đốc của cơ quan Bảo vệ môi trường, để quản lý nhóm các dự án liên quan đến môi trường. Nhưng thực chất, có vẻ động thái này chỉ như muốn xoa dịu dư luận mà thôi và ông Cook không mấy “mặn mà” với vấn đề môi trường. Trước đây, ông Jobs đôi khi cũng quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản phẩm của Apple khi hồi năm 2005, ông từng đáp trả lại những chỉ trích về việc công ty chưa triệt để trong việc loại bỏ chất hoá học gây hại trong sản phẩm hoặc làm cho sản phẩm có thể tái chế.
Một trong những “điều răn” của ông Cook là Apple nên “giải đáp” cho mọi vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và người dùng. Apple thời ông Jobs không như vậy, chỉ im lặng, không nói hoặc chỉ nói khi sự việc đã kết thúc.
Hồi tháng 8 vừa qua, Apple đưa ra một bản báo cáo về tính đa dạng trong nội bộ nhân viên. Số lượng nhân viên da trắng và châu Á chiếm đa số. Và ông Cook đưa ra quan điểm “tôi không đồng ý… Rõ ràng chúng ta không phải là một doanh nghiệp hoàn hảo, và chúng ta cần cải thiện điều này.” Apple tiếp tục đối mặt với những điều kiện làm việc tại Trung Quốc khi mà các báo cáo về nhân sự năm nay chỉ ra rằng Apple còn đang sử dụng nhân viên chưa đến tuổi lao động và công nhân di cư.
Tính mở của Apple còn thể hiện ở điểm khác nữa. Ông Cook rất sẵn lòng thừa nhận khuyết điểm trong việc kinh doanh và khi cần, tìm kiếm đối tác bên ngoài để cải thiện nhu cầu sản phẩm. Hồi tháng 7 rồi, công ty liên kết với IBM, trước đây là đối thủ lớn của họ, để bán iPad và iPhone cho các doanh nghiệp lớn và phát triển ứng dụng hướng đến doanh nghiệp. Việc hợp tác này cho thấy Apple đang cố gắng tìm cách bán thiết bị của họ, cụ thể là iPad, khi iPad năm rồi chỉ chiếm 20% doanh thu và sụt giảm đáng kể trong vài quý vừa qua. Theo IBM, họ xem ông Cook là CEO kiểu mới vì cho rằng ông có tầm nhìn rõ ràng, biết mình phải làm gì và không nên làm gì.
Ông Cook quyết định Apple cần nhiều khách hàng doanh nghiệp hơn nhưng ông lại không muốn mướn thêm người cho đội ngũ bán hàng. Vì vậy, ông tìm đến đối tác. Ông Cook cho rằng đầu tư với IBM là thương vụ hoàn hảo bởi vì tận dụng được thế mạnh của cả hai công ty và thị trường này chưa có nhiều cạnh tranh.
Apple đã học được cách cư xử mạnh tay với các đối tác, từ cách hợp tác với hàng trăm nhà mạng không dây, như AT&T trong vài năm vừa qua. Các đối tác nhà mạng của Apple giống như những đứa em trai vậy: bẩm sinh là luôn xông xáo nhảy vào, thích thống trị nhưng lại không thể lâu bền. Các nhà mạng cho rằng Apple dưới thời ông Cook có thể giúp Apple giữ được tính bí mật mặc dù đến nay ông bày tỏ rất nhiều quan điểm cá nhân. Ông Glenn Lurie, CEO của AT&T Mobility, từng làm việc rất lâu với ông Cook, từ thời iPhone năm 2007, cho rằng ông Cook là người đàm phán rất gai góc, rất nhất quán và khi đã bắt tay làm việc thì rất trôi chảy.
Apple cũng sẵn lòng tìm kiếm những trợ giúp từ bên ngoài. Trong vài tháng qua, công ty đã mạnh tay thuê những nhân vật cộm cán như Patrick Pruniaux, trưởng bộ phận kinh doanh của nhà sản xuất đồng hồ Tag Heuer; Paul Dênve, cựu CEO của nhà thiết kế thời trang cao cấp Yves SaintLaurent; và Angela Ahrendts, cựu giám đốc Burberry. Những đợt tuyển dụng này không chỉ cho thấy Apple đang tìm người để bán đồng hồ nhưng còn cho thấy Apple đang thêm tính đa dạng, phong phú vào tầm nhìn bên trong doanh nghiệp này. Ông Cook “rất tập trung trong việc tìm nhiều loại người. Đó không chỉ là cách bạn nghĩ về tính đa dạng, mà còn là mạng kinh nghiệm, kỹ năng và quan điểm lại với nhau.”
Ông Cook rất “tự nhiên” khi nói “chúng ta đang cần thứ này”, rồi ông đi ra ngoài và lấy người có thể giúp mình về. Cụ thể là trường hợp của Dr. Dre, biểu tượng của hip-hop trong giới trẻ, khi Apple mua lại công ty Beats Electronics hồi tháng 5 vừa qua với mức giá kỷ lục trong lịch sử của Apple: 3 tỉ USD.
(Nhấn vào hình để xem chi tiết)
Với Beats, Apple có được mảng kinh doanh tai nghe thời trang và loa không dây với doanh thu năm ngoái của công ty này đến hơn 1 tỉ USD. Tuy vậy, ông Cook cho biết ông mua lại Beats với mục đích khác: giúp Apple tái lập lại mảng kinh doanh cốt lõi là nhạc số khi mà lượng mua nhạc trên iTunes ngày một giảm và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang lớn mạnh như là Pandora.
Ông Cook thừa nhận khách hàng sẽ còn đưa ra nhiều bình luận, chỉ trích về Apple Watch mà ông xem là lần đặt cược lớn nhất của ông cho tới nay. Nếu người dùng cảm thấy mê mệt với nó, hoặc có thể vừa yêu vừa ghét nó thì chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra cho sản phẩm này của ông, rồi đến khả năng của Apple xoay chuyển tình thế như thế nào, tính sáng tạo của Apple để đâu.
Ông Cook cũng phải đối diện với sự “chảy máu chất xám” tại Apple. Nhiều nhà lãnh đạo lâu năm tại đây như Philip Schiller (giám đốc tiếp thị) và Eddy Cue (điều hành iTunes và App Store) cũng có giá trị hàng trăm triệu USD, có thể dễ dàng về hưu để dành thời gian cho bộ sưu tập xe hơi của họ. Còn ông Ive sở hữu chiếc máy bay Gulfstream 15 chỗ của ông Jobs khi mua lại từ vợ ông Jobs với giá rất “khuyến mãi”. Ông Ive đùa rằng “ít nhất thì tôi không phải thiết kế lại thứ gì trong đó.”
Một số người quản lý kỳ cựu tại Apple nghĩa rằng ông Ive có lẽ đang dần dần “nhích ra cửa” khi gần đây tuyển nhà thiết kế thời trang cho các ngôi sao là Marc Newson, cũng là bạn của ông. Nhưng ông Schiller cho biết đội ngũ Apple vẫn đang cùng nhau làm việc vì nhiều người còn hiện diện tại Apple chỉ bởi lý do họ yêu mến sản phẩm họ làm ra. “Chúng tôi nghĩ chúng tôi đang tạo ra thứ sản phẩm tốt nhất từng làm được.”
Đến nay, ông Cook chỉ còn việc tạo sự chú ý của công chúng và tận hưởng giây phút ấy mà ông cùng Apple đã dày công tạo dựng rỏng rã 3 năm vừa qua. Ở hậu trường Flint Center trước sự kiện ngày 9/9 vừa qua, ai cũng có thể thấy ông đeo chiếc tai nghe màu trắng, thưởng thức bản I lived của OneRepublic qua chiếc iPhone với lời ca đầy ẩn ý: “Hope when you take that jump, you don’t fear the fall … / Hope when the crowd screams out, they’re screaming your name.”
Apple, Tim Cook