Công nghệ - Sản phẩm

Cisco System - Kết nối không biên giới

(PCWorldVN) Ra đời tại San Francisco, Cisco Systems trở thành nhà cung cấp các giải pháp hàng đầu trong thị trường định tuyến, chuyển mạch, kết nối không dây, và an ninh bảo mật.

Mario Mazzola, Prem Jain, Luca Cafiero và Soni Jiandani.

Cisco được thành lập năm 1984 bởi hai nhà khoa học về máy tính là Len Bosack và Sandy Lerner nhằm mục đích thử nghiệm các kết nối mạng tại Đại học Stanford. Sau khi hệ thống mạng được hình thành, cả hai nhận ra rằng để kết nối các mạng khác nhau nhằm chia sẻ thông tin thì cần phải có công nghệ xử lý các giao thức. Từ ý tưởng này, Bosack và Lerner đã phát minh ra bộ định tuyến đa giao thức vào năm 1986. Sản phẩm đầu tiên của công ty là “Router - Bộ định tuyến”, trong đó tích hợp phần mềm định tuyến đa giao thức để chuyển đổi TCP/IP (Transmission Control Protocol/Internet Protocol) .

Chỉ với 3 sản phẩm và 111 nhân viên, doanh thu của Cisco đạt 27 triệu USD vào năm 1989. Với sự bùng nổ của Internet vào những năm 90, hệ thống mạng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Giải pháp cơ sở hạ tầng mạng của Cisco đã tạo ra doanh thu rất lớn cho hãng. Thật khó để lập một danh sách đầy đủ các trang thiết bị của Cisco sử dụng cho việc điều tiết và vận hành mạng Internet.

Năm 1997, hãng giới thiệu công nghệ voice-over-IP và fax-over-IP đầu tiên nhằm mở rộng thị trường truyền dữ liệu. Dòng sản phẩm này được bình dân hóa đối với các văn phòng nhỏ, gia đình, và ứng dụng trong thoại từ xa thông qua hệ thống mạng. Điểm bùng nổ của dòng sản phẩm này chính vào thời điểm châu Âu đóng cửa bầu trời do ảnh hưởng của tro bụi núi lửa ở Iceland vào tháng 4-2010. Dịch vụ hội họp trực tuyến (telepresence hay teleconference) đã phát huy tính tiện ích và hiệu quả.

Tính đến năm 1998, sau 14 năm thành lập Cisco đã cùng với Microsoft và Intel đã trở 3 công ty ảnh hưởng nhất đến cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Ngoài ra, Cisco luôn song hành cùng với việc hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách phát triển công nghệ cho phép các mạng thông tin y tế có thể kết nối với nhau và tạo ra mạng lưới chăm sóc sức khỏe rộng lớn. Cisco cũng đầu tư vào hệ thống giáo dục, cho phép sinh viên ở hơn 160 quốc gia theo đuổi ước mơ với nền tảng chuyên nghiệp về mạng. Chương trình Học viện mạng Cisco đào tạo sinh viên thiết kế, xây dựng và duy trì hệ thống mạng, giúp họ đạt được những kỹ năng cần thiết cho công việc liên quan đến mạng và CNTT.

Những người đàn ông tỷ USD tại Cisco

Mario Mazzola, Prem Jain và Luca Cafier (MarioPremLuca) là ba kỹ sư huyền thoại của Cisco được mệnh danh là "trái tim, linh hồn và bộ não" của hãng.

Trong hơn 20 năm qua, Giám đốc điều hành Cisco là John Chambers đã đầu tư 2,38 tỷ USD cho 3 kỹ sư này để họ tạo ra các sản phẩm mới. Mặc dù gắn liền với sự thành công của Cisco. Nhưng hầu như trong toàn bộ sự nghiệp, "MarioPremLuca" lại không làm việc trực tiếp tại Cisco.

Đây là một hình thức sử dụng nhân tài khá bất thường có tên gọi là "spin-in". Hình thức nghiên cứu và phát triển (R&D) "spin-in" là tạo ra các công ty khởi nghiệp, trong đó chỉ với một nhà đầu tư duy nhất. Cisco đã chi trung bình 763 triệu USD để tạo ra mỗi spin-in cho nhóm "MarioPremLuca". Một ví dụ tiêu biểu là Insieme Networks trong quá trình startup đã được Cisco tài trợ 135 triệu USD. Ngay sau khi công ty này tạo ra sản phẩm và chứng minh được thành công thì Cisco đã mua lại với giá 863 triệu USD. Từ thời gian startup cho đến giao dịch cuối cùng mất 21 tháng và Cisco đã chi ra là gần 1 tỷ USD. Insieme tạo ra sản phẩm Nexus 9000, thiết bị giúp Cisco mở rộng thị trường điện toán đám mây theo xu hướng SDN (mạng điều khiển bằng phần mềm - Software Defined Networking). Giải pháp này dựa trên cơ chế khai phá tách bạch việc kiểm soát một luồng mạng với luồng dữ liệu.

Đây là dự án "spin-in" thứ 3 được thực hiện bởi nhóm kỹ sư "MarioPremLuca" và nhóm này chịu trách nhiệm cho hầu hết các sản phẩm đột phá mà Cisco đã từng có. Những thương vụ spin-in tiêu biểu khác như Andiamo Systems - được giao nhiệm vụ phát triển sản phẩm lưu trữ đầu tiên của Cisco hồi 2002, thương vụ này tốn của Cisco gần 900 triệu USD. Sau đó 2 năm là Nuova Systems - phát triển máy chủ Unified Computing Systems (UCS). Dòng sản phẩm này đã biến Cisco trở thành đối trọng của HP trong lĩnh vực máy chủ doanh nghiệp với doanh thu lên đến 3 tỷ USD.

Nexus 9000

Mua bán và sát nhập

Ngoài những spin-in trên thì Cisco còn nổi tiếng bởi chiến lược mua bán sát nhập (M&A) với hiệu suất lợi nhuận rất lớn. Công ty Crescendo Communications đã được Cisco mua lại vào năm 1993 với trị giá 94,5 triệu USD. Đây được xem là cú sốc lớn nhất trong giới chứng khoán thời điểm đó và cũng là thương vụ M&A đầu tiên của CEO Chambers. Crescendo đã tạo ra thiết bị mạng "switch", một phần cứng mới để tạo nên đường truyền tốc độ cao. Về sau Crescendo phát triển Catalyst 6000/6500 (CAT6) cho Cisco và biến nó trở thành một trong những sản phẩm mạng thành công nhất từ trước tới nay. Tính đến thời điểm hiện tại Crescendo đã tạo ra 13 tỷ USD doanh thu. Đây được xem thương vụ đầu tiên, có giá trị lớn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Cisco trong vòng 20 năm.

Trong khoảng thời gian 1995-1996, Cisco đã hoàn thành 11 thương vụ M&A. Trong đó Stratacom là một trong những giao dịch lớn nhất trong ngành công nghệ thời điểm đó. Cisco cũng đẩy mạnh việc mua lại các công ty bảo mật để phục vụ cho chiến lược lâu dài của hãng. Tính đến thời điểm hiện tại thì Cisco đã mua lại hơn 170 công ty và với tổng chi phí hơn 70 tỷ USD.

Tái cơ cấu

Năm 2011, doanh thu của Cisco bị lung lay trầm trọng khi “cỗ máy M&A” của Tập đoàn do Chambers điều khiển không gặt hái kết quả như ý muốn. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ -kỹ thuật mạng đã cho thấy Cisco quá chậm chạp để thay đổi chính mình. Việc mua lại cũng khiến nền tảng phát triển tự nhiên của công ty gặp nhiều vấn đề và hãng dần để tuột mất vị trí dẫn đầu khi nhiều công ty lớn như Juniper Networks, Palo Alto Networks và Checkpoint Systems lấy bớt thị phần của Cisco.

Cisco Systems đã phải vật lộn để tìm định hướng chiến lược mới để tận dụng tất cả nền tảng mà hãng đang có nhằm chuẩn bị cho xu hướng mới đang trỗi dậy là điện toán đám mây và Internet of Things. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ nhiều hướng, Cisco có lúc dường như bị mất phương hướng với nền tảng kinh doanh cốt lõi của mình là hệ thống mạng truyền thống.

Trong ba năm qua, Cisco đã sa thải 21.000 nhân viên tính đến tháng 8/2014 vừa qua. Môi trường kinh doanh toàn cầu cũng gây trở ngại Cisco trong một số trường hợp. Ví dụ, Cisco muốn xây dựng kinh doanh của mình tại Trung Quốc nhưng các vấn đề địa chính trị làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Giám đốc điều hành John Chambers từng đăng đàn chỉ trích hoạt động gián điệp của NSA đã làm tổn thương trực tiếp đến triển vọng kinh doanh của Cisco.

Tương lai với điện toán đám mây

Cisco tổ chức chiến dịch toàn cầu đầu tiên của mình nhằm tái xây dựng thương hiệu với khẩu hiệu "Internet of Everything". Những nỗ lực này nhằm tái xác định vị trí của Cisco trong 10 năm tới là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực kết nối, cũng như trong lĩnh vực ứng dụng và dịch vụ điện toán đám mây.

Theo ước tính của Cisco Systems, đến năm 2015, lượng dữ liệu lưu chuyển qua mạng Internet trong mỗi 5 phút sẽ tương đương tổng dung lượng của tất cả các bộ phim từng được sản xuất. Tốc độ tăng trưởng theo hàm số mũ được dự kiến là sẽ tạo ra cơ hội cho các công ty cung cấp giải pháp Internet khác nhau về thiết bị phần mềm và phần cứng.

Sự tăng trưởng này được dự đoán trên cơ sở thực tế:

• Lưu lượng truy cập các trang web cộng đồng ngày một tăng lên
• Các thiết bị cầm tay có kết nối Internet như điện thoại thông minh và máy tính bảng bùng nổ.
• Công nghệ được phát triển và tốc độ truy cập Internet nhanh hơn.

Cisco Systems vẫn đang dẫn đầu trong phân khúc cung cấp các thiết bị Internet, hệ thống an ninh và giải pháp mạng. Gần đây, Cisco đã tung ra loạt sản phẩm mới trong Q4/2014, được kì vọng giúp hãng đạt doanh thu là 12,4 tỷ USD, vượt qua các năm trước.

Cisco cũng đang tìm kiếm để thiết lập thương hiệu trong kinh doanh điện toán đám mây và mua lại các công ty khởi nghiệp để có một chỗ đứng thống trị vững chắc trong phân khúc này.

Điện toán đám mây là thị trường tiềm năng cho các công ty cung cấp các giải pháp như lưu trữ, an ninh mạng và kinh doanh... Trong 3 năm qua, Cisco xây dựng nền tảng với việc bổ sung hơn 1.700 bằng sáng chế về điện toán đám mây và khoảng 300 dịch vụ mới. Để tạo nên tên tuổi trong phân khúc điện toán đám mây, Cisco đã mua lại nhiều công ty nhằm củng cố các giải pháp, mở rộng danh mục sản phẩm của mình.

Ví dụ, Cisco mua lại Cloupia với giá 125 triệu USD và Meraki với giá 1,2 tỷ USD. Cả hai công ty này đều cung cấp dịch vụ quản lý điện toán đám mây. Cisco cũng tăng cường vị trí của trong lĩnh vực dịch vụ tự động hóa quá trình chia sẻ dữ liệu và các luồng thông tin theo thời gian thực bằng cách mua lại SolveDirect Service Management GmbH.

Cisco đã trở thành tập đoàn dẫn đầu trong việc cung cấp hệ thống an ninh cũng như giải pháp điện toán đám mây. Kết quả của những vụ mua lại làm cho doanh thu của hãng tăng lên trong thị trường mới, và đồng thời vẫn duy trì được vị trí của mình trong mảng kinh doanh truyền thống.
Thị trường hệ thống an ninh toàn cầu nền tảng điện toán đám mây có giá trị khoảng 2,13 tỷ USD hồi năm 2013 và được hi vọng đạt mốc 3,1 tỷ USD vào cuối năm 2015. Nhu cầu về điện toán đám mây cho doanh nghiệp là rất lớn.

PC World VN, 11/2014

PCWorld

Arm, câu chuyện kinh doanh, Cisco, Cisco Systems, SDN, thực tế ảo, virtual reality


© 2021 FAP
  3,453,206       1/934