Công nghệ - Sản phẩm

Tại sao Facebook và Google cần khinh khí cầu, máy bay không người lái và vệ tinh?

(PCWorldVN) Nếu bạn đọc được bài viết này, bạn thuộc nhóm "thiểu số" vì hiện có đến 4,4 tỉ người không truy cập Internet.

Chúng ta thường nghĩ ngày nay ai cũng online nhưng thực chất chỉ có 1/3 dân số thế giới có thể truy cập Internet, còn 2/3 còn lại đơn giản là không thể tiếp cận được với thế giới mạng.

Google và Facebook đang ấp ủ kế hoạch để giúp nhiều người hơn nữa có thể tiếp cận với Internet. Hiện đã có vài hành động cụ thể của hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới này.

Trả phí

Hầu hết người dùng trong giới công nghệ đều biết rằng Google và Facebook đang trả tiền cho hàng triệu người ở các nước đang phát triển để sử dụng dịch vụ của họ. Hình thức chi trả này là một phần trong dữ liệu băng thông rộng di động khi người dùng sử dụng dịch vụ Google và Facebook.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta trả tiền cho dữ liệu mà mình dùng. Dùng càng nhiều, trả phí càng cao. Vì vậy, có rất nhiều người đang dùng các gói dữ liệu nhưng lại không sử dụng dịch vụ Google hay Facebook vì họ không đủ tiền để trả phí kết nối.

Vì vậy, Facebook đưa ra một ý tưởng táo bạo.

Facebook Zero xuất hiện hồi năm 2010 để mang lại kết nối dữ liệu người dùng miễn phí, ít nhất là trong khi họ đến Facebook. Sáng kiến này cần phải bắt tay với đối tác là các nhà cung cấp dịch vụ thì mới có thể triển khai được. Địa chỉ web của Facebook Zero là 0.facebook.com hoặc zero.facebook.com. Những URL này chỉ hoạt động được ở những quốc gia có chạy chương trình này mà thôi, và chỉ chạy được trên khoảng tầm 50 nhà mạng di động; người dùng ở quốc gia khác hoặc sử dụng mạng di động khác sẽ được chuyển hướng (redirect) đến phiên bản chuẩn cho di động của Facebook.

Wikipedia cũng có một chương trình tương tự mang tên Wikipedia Zero, hiện đang hoạt động ở 34 quốc gia.

Còn với Google, họ có Google Free Zone. Kế hoạch này ra đời cách nay đã được hai năm. Google hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ di động trong những quốc gia cụ thể và đồng ý trả phí dữ liệu cho người dùng nếu họ dùng công cụ tìm kiếm của Google, Gmail hoặc Google+. Google Free Zone được Google chính thức công bố hôm 8/11/2012, hoạt động ở Nam Phi, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Nigeria và Kenya.

Facebook Zero, Wikipedia Zero và Google Free Zone "rất tuyệt" đối với người dùng sống tại vài quốc gia cụ thể và sử dụng đúng dịch vụ mạng di động.

Các gói dữ liệu này chỉ áp dụng cho người dùng sống ở những khu vực có sóng di động. Trong khi đó, có đến hàng tỷ người vẫn còn đang sống ở các vùng hoàn toàn không có "dấu chân" Internet.

Đây là vấn đề: không thể truy cập Internet không dây nếu không có tháp điện thoại. Một tháp điện thoại cần có kết nối có dây và điện lưới. Nếu một công ty muốn đặt một tháp điện thoại thì đầu tiên, họ cần mua, hoặc cần đảm bảo có quyền sử dụng trên miếng đất mà họ cần xây tháp.

Vì những trở ngại như vậy mà hàng tỷ người không có điều kiện sinh sống trong tầm phủ của sóng điện thoại. Nhưng Google và Facebook nghĩ rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng những phương tiện khác.

Dự án Loon của Google

Ví dụ, Google có một dự án tên là Project Loon, sử dụng khinh khí cầu và các công nghệ thú vị khác để mở rộng tầm phủ Internet đến các khu vực hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Google từng công bố dự án này vào tháng 6/2013.

Google Project Loon.

Một trong những công nghệ thú vị có trong Project Loon là năng lượng mặt trời. Các quả khinh khí cầu tận dụng năng lượng mặt trời, là ý tưởng rất hay khi những quả cầu này bay cách mặt đất gần 20km, trên cả tầng mây. Vì ở đó ban ngày luôn có ánh nắng.

Một công nghệ khác là điều khiển thuật toán. Phần mềm di chuyển những quả cầu ấy lên xuống để bắt theo hướng gió dựa trên vị trí của quả cầu để đảm bảo quả cầu luôn phủ đúng khu vực mà nó cần phủ. Ở độ cao như vậy, tốc độ gió có thể đạt đến 160 km/giờ và phần mềm phải giải quyết được tốc độ gió và đổi phương hướng theo thời gian thực.

Công nghệ thứ 3 được dùng trong Project Loon là mạng mesh, gửi nhiều gói dữ liệu Internet từ quả cầu này đến quả cầu khác, và luân chuyển dữ liệu đi/đến từ các trạm đầu cuối bên dưới qua những anten gắn phía trên mái nhà người dùng.

Thử nghiệm ban đầu của dự án Project Loon này đã diễn ra tại Úc, và Google kết hợp cùng với đối tác là công ty truyền thông Úc Telstra. Họ thả 20 quả cầu quanh vùng Queenland trong tháng 12 này. Google cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm ở vùng New Zealand, Central Valley tại California, Mỹ và vùng Đông Bắc Brazil.

Hiện thời, có khoảng 75 quả cầu đang lơ lửng khắp trái đất. Năm sau, Google định tiếp tục mở rộng tầm phủ ra bán kính 80km ở một số vùng tại nam bán cầu.

Mục đích của các cuộc thử nghiệm này một phần để minh họa Project Loon vận hành thế nào đối với các công ty truyền thông làm đối tác với Google. Gần đây, Google cũng công bố họ đã đạt được cột mốc giữ cho quả cầu bay liên tục trong 100 ngày. Thực ra, một trong những quả cầu của Google đã bay liên tục được 134 ngày. Nhưng vài chuyên gia cho rằng mục tiêu ấy không có thực, nhất là khi chính các quả cầu của NASA cũng chỉ đạt được khoảng 60 ngày.

Google cũng có một giải pháp khác để mang Internet đến nhiều vùng hơn, đó là sử dụng máy bay không người lái (drone).

Trở lại hồi tháng 4 năm nay, Google mua lại Titan Aerospace, là công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất máy bay không người lái dùng năng lượng mặt trời. Titan sẽ tiếp tục hoạt động độc lập với mảng kinh doanh chính của Google nhưng họ sẽ cộng tác với Google về Google Maps và Project Loon. Google không nói nhiều về chuyện họ sẽ dùng máy bay không người lái như thế nào, nhưng đối với Facebook thì ngược lại.

Internet.org của Facebook

Tháng 8/2013, CEO Facebook Mark Zuckerberg công bố một tổ chức tên là Internet.org, với mục đích giúp mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể truy cập được Internet. Mục tiêu đề cập rõ ràng: "Không ai phải chọn giữa việc truy cập Internet và thức ăn hay thuốc men."

Facebook kết hợp với Ericsson, Qualcomm, Samsung và một số công ty khác để mang Internet đến với thế giới thứ 3.

Trang Internet.org giao diện tiếng Việt.

Để đạt được mục tiêu này, họ đưa ra một cách tiếp cận rộng, đa diện, từ việc bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu để phân tích và cải thiện hệ thống mạng (như Facebook gần đây đã giúp cải thiện tốc độ Internet của Indonesia lên đến 70%) cho đến các chương trình hackathon để kêu gọi những sáng kiến của các tài năng địa phương để tạo ra các ứng dụng hiệu quả về mặt dữ liệu. Internet.org cũng tạo một ứng dụng miễn phí để hiển thị nội dung lấy từ AccuWeather, tìm kiếm Google, Wikipedia và dĩ nhiên là có Facebook.

Những sáng kiến trên rất đáng giá, nhưng cách tiếp cận mà Facebook quan tâm nhất chính là vệ tinh, máy bay không người lái và tia laser. Facebook đang hợp tác với phòng Lab Jet Propulsion của NASA trung tâm nghiên cứu Ames Research để hiện thực hóa tham vọng của họ.

Đầu năm nay, Facebook mua lại một công ty tư vấn tên là Ascenta. Thực chất, thương vụ này mang dáng dấp vừa mua, vừa thuê vì Facebook có được các nhà phát minh ra Zephyr, là đội ngũ phát triển được chiếc máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời bay được xa nhất, liên tục trong vòng 2 tuần hồi năm 2010.

Những phát minh trên là cốt lõi của kế hoạch Internet.org nhưng chính Facebook cũng trực tiếp tham gia phát triển. Bộ phận nghiên cứu phát triển của Facebook là Connectivity Lab tại thung lũng Silicon tích cực thuê những nhà khoa học và kỹ sư thành thục về máy bay không người lái, laser và vệ tinh để thúc đẩy nghiên cứu về lĩnh vực này.

Trong khi Google lập được kỷ lục thời gian của quả cầu hơn 100 ngày trên không trung thì Facebook đang nhắm tới những chiếc máy bay không người lái năng lượng mặt trời có thể bay trên không trung hằng năm. Những chiếc máy bay không người lái được điều khiển từ xa ấy có sải cánh rộng như chiếc máy bay Boeing 747 và các tấm pin năng lượng mặt trời trải khắp mặt sải cánh ấy. Dĩ nhiên thiết kế của các máy bay không người lái ấy mỏng dẹt và nhẹ hơn một chiếc máy bay.

Như các quả cầu Project Loon, máy bay không người lái sẽ dùng mạng mesh và Wi-Fi để lưu chuyển dữ liệu khi bay trên trời, liên kết các máy bay không người lái với nhau và với anten phía dưới mặt đất.

Cách tiếp cận máy bay không người lái như của Facebook sẽ cải thiện dòng vệ tinh quỹ đạo thấp, có thể truyền dữ liệu sử dụng tia laser hồng ngoại.

Điều mà chúng ta băn khoăn là không biết những kế hoạch điên rồ như trên có hiện thực hóa hay chưa. Cả Google và Facebook rất nghiêm túc về máy bay không người lái, vệ tinh, khinh khí cầu để mang Internet đến cho mọi người. Nhiều chuyên gia cho rằng các dự án trên khó lòng hiện thực được trong ngày một ngày hai. Nhưng dù gì đi chăng nữa, những kế hoạch này cho thấy nỗ lực của hai đại gia công nghệ Facebook và Google thực sự muốn mở rộng tầm phủ Internet đến với mọi người trên Trái đất với một mức phí truy cập có thể chấp nhận được. Mức phí truy cập thấp là yếu tố then chốt của những chương trình này. Nếu Facebook và Google cứ ngồi yên một chỗ thì chẳng có gì xảy ra.

Đem 2/3 dân số thế giới đến với Internet là mục tiêu rất đắt giá và cao quý. Câu hỏi đặt ra là còn ai ngoài Facebook và Google làm được điều tương tự?

PCWorld

ảnh vệ tinh, drone, Facebook, Google, Internet, Internet.org, khinh khí cầu, Project Loon


© 2021 FAP
  3,473,338       9/1,168