Công nghệ - Sản phẩm

Tự bảo vệ trên mạng xã hội

(PCWorldVN) Mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có thể lấy đi nhiều thứ quý giá của bạn nếu bạn không tỉnh táo đề phòng những hiểm họa tiềm ẩn.

Mạng xã hội (MXH) giúp hacker có được thông tin cá nhân của bạn dễ dàng. Những thông tin nhạy cảm sẽ được chúng dùng để phát tán thư rác hay gieo rắc mã độc làm bạn khó chịu, đe dọa gây hại cho bạn về mặt kinh tế hoặc tinh thần. Thậm chí có thể hủy hoại danh tiếng, sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Vì vậy, bạn cần phải biết cách tự bảo vệ mình. Tuân thủ các nguyên tắc dưới đây và bạn sẽ yên tâm trước những mối đe dọa từ mạng xã hội.

Nhiều cạm bẫy rình rập người dùng trên các mạng xã hội.
Nhiều cạm bẫy rình rập người dùng trên các mạng xã hội.

Bảo vệ tài khoản MXH

Mật khẩu dùng để truy cập mạng xã hội dĩ nhiên là thứ bạn không bao giờ nên cho ai biết, và cũng không thể để lộ. Hãy sử dụng mật khẩu mạnh với nhiều ký tự gồm chữ thường, hoa và số kết hợp cùng các ký tự đặc biệt. Không nên dùng cùng mật khẩu cho nhiều trang mạng.

Nếu bạn có nhiều mật khẩu dài và khó nhớ, hãy dùng chương trình quản lý mật khẩu cho cả PC, smartphone và máy tính bảng.

Hiện nhiều trang web đã cung cấp cơ chế xác thực hai yếu tố, đơn giản và phổ biến nhất là gửi mã xác thực tới điện thoại của bạn. Hãy khai thác tính năng này để nâng cao bảo mật truy cập.

Cẩn trọng với những gì đưa lên MXH

Chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân sẽ đem đến những bất lợi cho chính bạn. Chẳng hạn, việc bạn đăng tải lên Facebook để khoe với mọi người về một tour du lịch bạn và gia đình mình đang tham dự cũng đồng nghĩa với việc mời kẻ trộm tới “thăm” nhà.

Cần nhớ là địa chỉ nhà bạn, số điện thoại cùng nhiều thông tin cá nhân của bạn và các thành viên trong gia đình có thể đã nằm trong tay những kẻ trộm danh tính, và những thông tin này sẽ được chúng khai thác hiệu quả để vào nhà bạn và khuân đi mọi thứ.

Các bài viết với những lời lẽ “quá đà” cũng có thể làm tổn thương một mối quan hệ quan trọng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến công việc về sau. Những bức ảnh “ăn chơi” của bạn hay bạn đang thân mật với những nhân vật “có tiếng” có thể tạo ra ấn tượng xấu về mình.

Hãy kiểm soát quyền xem nội dung bạn đưa lên mạng xã hội; một số bài viết có thể được chia sẻ công khai cho mọi người, một số bài chia sẻ với bạn bè, và có những bài viết chỉ nên chia sẻ cho người thân trong gia đình hay bạn bè chí cốt của bạn.

Các liên kết dưới đây sẽ dẫn bạn đến các trang hướng dẫn thiết lập quyền riêng tư đối với các dịch vụ mạng xã hội phổ biến.

Facebook
Twitter
LinkedIn
Google+
Instagram
Pinterest

Đừng để bị hăm dọa trên mạng

Không chỉ có trẻ em mới dễ bị hăm dọa trên mạng. Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, “73% số người trưởng thành sử dụng Internet cho rằng đã biết một ai đó bị quấy rối trên mạng, và 40% đã từng là nạn nhân”.

Hăm dọa trên mạng có thể là những kiểu thô thiển như dọa hiếp dâm hay giết chóc. Nhiều cuộc tấn công lớn đã nhắm vào các nhà hoạt động nữ quyền, như gần đây trang mạng GamerGate đã mở chiến dịch khủng bố tinh thần các nhà báo nữ chỉ trích ngành công nghiệp trò chơi điện tử.

Nếu bạn đang là nạn nhân của trò hăm dọa qua mạng, đừng hành động trả đũa. Lưu lại mọi cuộc tấn công để làm bằng chứng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công, bạn có thể báo với lãnh đạo cơ quan mình, gửi thông báo tới mạng xã hội có liên quan, và cả cảnh sát nếu thấy cần thiết.

Cảnh giác với lừa đảo

Lừa đảo phi kỹ thuật (social engineering) là hình thức tưởng chừng đơn giản nhưng trong một số trường hợp lại tỏ ra hiệu nghiệm trong việc moi thông tin cá nhân người dùng. Hacker có thể tự xưng là ngôi sao mà bạn đang hâm mộ, gửi email đề nghị bạn đóng góp ý kiến, trong đó kèm theo một số mục điền thông tin cá nhân đầy đủ để xác thực tính nghiêm túc của người trả lời. Là người thật thà, bạn có thể “dâng” hết thông tin cá nhân mà chúng mong muốn, thế là sập bẫy.

Nghiêm trọng hơn, kẻ lừa đảo có thể lừa bạn cung cấp số thẻ tín dụng hoặc mật khẩu khi bạn dùng cho thanh toán trực tuyến. Một số lừa bạn truy cập vào đường liên kết dẫn tới trang web độc hại từ đó mã độc sẽ âm thầm tải lên thiết bị của bạn.

Bạn cũng nên coi chừng những công cụ miễn phí, những bí quyết làm nổi danh, hứa hẹn bổ sung hàng nghìn người vào danh sách theo bạn trên mạng xã hội, hoặc một ứng dụng mách bạn những người đã xem hồ sơ của bạn.

Hãy chắc chắn PC hay thiết bị di động của bạn đã được bảo vệ

Mạng xã hội đang là môi trường hấp dẫn để hacker lợi dụng xâm nhập máy tính hoặc thiết bị di động của người dùng bằng malware. Nếu bạn tham gia mạng xã hội, hãy chắc chắn đã cài lên thiết bị của mình một phần mềm antivirus đáng tin cậy và nhớ cập nhật thường xuyên.

Những phần mềm chống malware tốt nhất hiện cung cấp công cụ riêng cho mạng xã hội, chẳng hạn như Bitdefender Total Security sử dụng các bộ lọc đặc biệt để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng xã hội cụ thể và cảnh báo khi xuất hiện mối ngờ về lừa đảo.

Nhìn chung, mạng xã hội giúp bạn mở rộng những mối quan hệ mới, duy trì kết nối với bạn bè người thân, đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống cũng như hỗ trợ nhiều cho công việc. Nhưng nếu không có biện pháp phòng ngừa đúng đắn, đó có thể là cái bẫy lớn đem đến thảm họa cho bạn.

PCWorld

bảo mật, Facebook, hacker, LinkedIn, malware, mạng xã hội, thông tin cá nhân người dùng


© 2021 FAP
  3,350,005       1/259