(PCWorldVN) WikiLeaks hôm 26/1 cáo buộc Google, đồng thời chỉ trích tập đoàn này sau 2 năm rưỡi mới công khai việc đã chuyển các email cá nhân và những thông tin khác cho chính phủ Mỹ, theo tin từ Reuters.
Trong một bức thư gửi đến Google, các luật sư đại diện cho WikiLeaks cho biết, họ “kinh ngạc và lo ngại” về những hành động của Google liên quan đến những lệnh khám xét mà họ nhận được từ các cơ quan thực thi pháp luật liên bang Mỹ. Phía WikiLeaks cũng đồng thời yêu cầu một sự thống kê đầy đủ về những thông tin mà Google đã cung cấp cho chính phủ Mỹ.
Tiết lộ trên được đưa ra sau khi cựu nhân viên tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden làm rò rỉ thông tin về các hoạt động giám sát gây tranh cãi của chính phủ Mỹ, cùng những đảm bảo từ các hãng công nghệ như Google rằng họ sẽ cố gắng hết sức để bảo toàn thông tin cá nhân của người sử dụng.
Trang mạng Wikileaks ngày 26/1 cáo buộc Google đã giao các email và dữ liệu điện tử của các nhân viên Wikileaks cho chính quyền Mỹ trong gần 3 năm qua. |
“Trong khi đã quá trễ để các thân chủ của chúng tôi nhận được thông báo mà lẽ ra họ đã nhận, họ vẫn có quyền được biết danh mục những tiết lộ của Google cho chính phủ cũng như được nghe giải thích tại sao Google phải chờ đến hơn 2 năm để đưa ra thông báo”, bức thư từ Trung tâm về quyền hiến pháp nhân danh WikiLeaks gửi đến Chủ tịch Google Eric Schmidt và Tổng cố vấn Kent Walker.
WikiLeaks, do ông Julian Assange sáng lập, đã trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2010 khi công bố một loạt thông tin mật của chính phủ Mỹ, bao gồm những thư tín ngoại giao nhạy cảm.
Google, nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến hàng đầu thế giới bao gồm tìm kiếm trên Internet và email, đã thông báo cho 3 thành viên của WikiLeaks vào ngày 23/12/2014 rằng họ đã cung cấp “tất cả nội dung email, thông tin thuê bao, dữ liệu và các nội dung khác” cho các nhân viên thực thi pháp luật hơn 2 năm trước đó, theo bức thư trên.
Google đã cung cấp những thông tin trên thể theo các giấy lệnh nhằm phục vụ một cuộc điều tra liên quan đến gián điệp, âm mưu tiến hành hoạt động gián điệp, đánh cắp hoặc chuyển đổi tài sản thuộc chính phủ Mỹ cùng nhiều thứ khác.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 26/1, Google cho biết hãng này có một chính sách thông báo cho người sử dụng về các yêu cầu của chính phủ “ngoại trừ trong những vụ việc hạn chế, như khi chúng tôi buộc phải kín miệng theo lệnh tòa án, vốn đáng buồn là đã xảy ra khá thường xuyên”.
Google cũng nói rằng họ đã nỗ lực “bóc niêm” tất cả những văn bản liên quan đến cuộc điều tra.
Bức thư của WikiLeaks khiến người ta liên tưởng đến mạng truyền thông Twitter, vốn được đánh giá cao về việc chống lại chính phủ nhằm thông báo cho các thuê bao về những lệnh tòa như thế.
Bức thư của các luật sư WikiLeaks đã yêu cầu Google cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu họ có khởi động bất kỳ thách thức nào đối với các lệnh khám xét trước khi tuân thủ hay không, và liệu họ đã khởi động bất kỳ thách thức pháp lý nào nhằm thông báo cho người dùng về những lệnh như thế hay không.
Edward Snowden, giám sát Internet, GMail, Google, NSA, theo dõi người dùng, WikiLeaks