Công nghệ - Sản phẩm

Chính sách an ninh thông tin của Trung Quốc sẽ gây phản tác dụng

(PCWorldVN) Nhận định được giới truyền thông đánh giá là đầy bất ngờ của ông Eric Xu, Tổng giám đốc điều hành luân phiên tại tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters ngày 22/4, ông Eric Xu, Tổng giám đốc điều hành luân phiên của hãng Huawei cho rằng Trung Quốc chỉ có thể đảm bảo an ninh thông tin nếu nước này duy trì việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm công nghệ tốt nhất, bất kể trong hay ngoài nước.

Phát biểu của ông Xu là ví dụ hiếm hoi mà một CEO hàng đầu của Trung Quốc công khai nghi vấn về chính sách an ninh thông tin của Bắc Kinh hiện đã là mối quan ngại đối với các nước khác vốn cho rằng nó sẽ hạn chế cơ hội dành cho các công ty công nghệ cao hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong những tháng gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xúc tiến nhiều biện pháp “nội địa hóa” công nghệ nhằm giảm thiểu mối nguy từ hoạt động do thám nước ngoài, bằng cách khuyến khích hoặc yêu cầu sử dụng các sản phẩm nội địa trong những hệ thống quan trọng.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị thường niên của Huawei vừa diễn ra tại Thâm Quyến, ông Xu nói rằng chính sách này có thể cản trở sự tự do cạnh tranh và sự sáng tạo trong ngành công nghiệp Trung Quốc và gây tổn hại an ninh quốc gia về lâu dài.

Huawei, Huawei, chó sói Huawei, hacker, an ninh thông tin, an toàn thông tin, do thám mạng, chiến tranh mạng
Ông Eric Xu - Ảnh: SCMP.

“Nếu chúng ta không mở cửa, nếu chúng ta không đón nhận công nghệ tốt nhất của thế giới, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có an ninh thông tin”, ông Xu nói và ví ngành công nghiệp máy tính Trung Quốc như “học sinh tiểu học” cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài có “trình độ đại học”.

“Ngay cả nếu bạn nội địa hóa, tự mình thiết kế CPU, hệ điều hành và phần mềm cơ sở dữ liệu riêng, bạn sẽ vẫn ở cấp độ phổ thông mà thôi. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề an ninh chính là liên tục cải thiện công nghệ của bạn”, ông Xu khẳng định.

Sự nghi ngờ của ông Xu diễn ra bất chấp thực tế rằng công ty của ông, về mặt lý thuyết, sẽ là một trong những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách thúc đẩy công nghệ của Trung Quốc.

Là công ty hàng đầu trong hoạt động sản xuất thiết bị cho các hãng viễn thông như Telefonica và British Telecom, Huawei gần đây đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm thay thế cho các máy chủ do phương Tây chế tạo và lưu trữ dữ liệu dành cho ngân hàng và các cơ quan chính phủ.

Dù Huawei sẽ có thêm hợp đồng nếu các đối thủ nước ngoài bị loại khỏi cuộc chơi, ông Xu nói chất lượng tổng thể của công nghệ được sử dụng tại Trung Quốc có thể giảm sút.

“Từ quan điểm của Trung Quốc, để xác định xem đây là điều tốt hay xấu, chúng ta phải xem xét liệu thị trường có cạnh tranh lành mạnh hay không”, ông Xu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Xu cũng quan ngại về những ảnh hưởng của chính sách của Trung Quốc đối với hoạt động thương mại quốc tế. “Nếu thị trường Trung Quốc không mở cửa, sau đó thị trường châu Âu cũng sẽ đóng cửa, rồi các thị trường khác cũng làm như vậy, khi đó kết quả sẽ ra sao? Kết quả là mọi người sẽ vẽ vòng xung quanh lãnh thổ của mình”, CEO của Huawei nhận định.

Những phát biểu của ông Xu đối với chính sách của Trung Quốc phản ánh quan ngại của Nhà Trắng và các tổ chức vận động chính sách dành cho doanh nghiệp ở Mỹ, vốn so sánh chính sách về an ninh mạng của Bắc Kinh với chế độ bảo hộ và lo ngại rằng nó sẽ phân biệt đối xử với các đối thủ như Intel, Cisco Systems và Qualcomm.

Tranh cãi về an ninh mạng đã gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong những tháng gần đây, dù các nhà quản lý ở Bắc Kinh tuần qua cho biết họ sẽ tạm thời ngừng thực thi các quy định chế tài việc mua sắm công nghệ dành cho hoạt động ngân hàng.

Ông Xu nói quan điểm của Huawei về chính sách hiện tại của Trung Quốc nhận được sự chia sẻ của nhiều người trong chính phủ và ngành công nghệ nước này, nhưng từ chối cho biết đã bày tỏ quan ngại của mình với giới lãnh đạo Trung Quốc hay chưa. Trong khi đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng như Cơ quan giám sát không gian mạng của nước này cũng đưa ra bình luận gì về phát biểu của ông Xu.

Theo Reuters, được thành lập bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, hãng Huawei từng bị “điểm mặt” là một mối nguy cho an ninh quốc gia trong một báo cáo của quốc hội Mỹ.
 

PCWorld

an ninh thông tin, An toàn thông tin, hacker, Huawei, kiểm duyệt Internet, kiểm soát Internet


© 2021 FAP
  2,969,332       9/636