Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone Asus ZenFone Go

(PCWorldVN) Asus ZenFone Go ấn tượng bởi camera tốt, giao diện thanh thoát, màn hình đẹp, bộ nhớ trong 16GB và hiệu năng hoàn toàn tương xứng với chi phí đầu tư.

ZenFone Go là chiếc smartphone phổ thông vừa được Asus chính thức mở bán cách đây ít lâu hướng đến người dùng trẻ cần một sản phẩm đáp ứng hầu hết nhu cầu sử dụng hằng ngày song chi phí đầu tư ban đầu vẫn ở mức hợp lý.

Tuy có giá bán chưa đầy 3 triệu đồng nhưng ZenFone Go vẫn được trang bị màn hình lớn, RAM 2GB và camera chính 8MP.

Không chỉ vậy, Asus ZenFone Go trang bị màn hình IPS lớn, kích thước 5 inch độ phân giải HD, bộ xử lý lõi tứ MediaTek MT6580 xung nhịp 1,3GHz, đồ họa Mali 400 MP2 tích hợp, RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB, camera chính 8MP kèm đèn flash LED, camera phụ 2MP phục vụ nhu cầu selfie, pin dung lượng 2.070mAh và chạy Android 5.1 với giao diện ZenUI 2.0. 

Asus ZenFone Go.

Đáng chú ý là ZenFone Go cũng hỗ trợ các cử chỉ điều khiển thông minh trên màn hình tắt cho phép khởi động nhanh một ứng dụng xác định cũng như chạm đúp để bật sáng hoặc tắt màn hình. Mẫu smartphone phổ thông của Asus còn được tặng kèm 5GB lưu trữ trọn đời với dịch vụ Asus WebStorage và 100GB lưu trữ Google Drive (2 năm).

Ngoại hình

Nếu là một fan hâm mộ Asus, người dùng hẳn sẽ nhanh chóng nhận ra ZenFone Go cũng mang trên mình nhiều điểm tương đồng với mẫu ZenFone vốn được xếp vào phân khúc phổ thông. Dẫu vậy, xét trên quan điểm của một người dùng còn xa lạ với ZenFone, có thể nói ZenFone Go tuy trông đơn giản nhưng cũng không quá lu mờ so với những sản phẩm đối thủ nhờ chi tiết ốp kim loại ở cạnh dưới màn hình có khả năng tạo các hiệu ứng ánh sáng khá đẹp mắt.

Sẽ là một điểm cộng cho sự tuyệt vời nếu ZenFone Go hỗ trợ đèn nền LED cho 3 phím mềm ở mặt trước.

Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy ZenFone Go cũng có ngoại hình “chắc khỏe”, mặt lưng có độ bám tốt và cũng không quá dày mình. So với mẫu ZenFone 2 Laser từng thử nghiệm, chiếc ZenFone Go tuy cho độ bám tốt nhưng lại ít nhạy với bụi bẩn hơn dù cả 2 phiên bản thử nghiệm đều có thiết kế nắp lưng màu trắng muốt.

Như đã đề cập, ZenFone Go cũng hỗ trợ 2 khay SIM và khe cắm thẻ nhớ microSD. Trong số 2 khay chứa SIM, khay 1 có thiết kế cho phép tháo nóng khá hữu dụng. Riêng khay SIM 2 và khe cắm thẻ nhớ không hỗ trợ tính năng này vì người dùng buộc phải tháo pin mỗi khi cần thao tác.

Màn hình

Từ những kết quả đánh giá, Test Lab nhận thấy thiết kế màn hình HD 5 inch trên ZenFone Go khá thành công trong việc tái hiện độ sắc nét hình ảnh. Ngay cả khi chỉ quan sát bằng mắt thường, người dùng đa phần cũng sẽ cảm thấy độ sắc nét ký tự trên ZenFone Go cũng rất xứng tầm.

ZenFone Go hỗ trợ điều khiển đồng thời 5 điểm cảm ứng.

Dù được xếp vào phân khúc phổ thông, nhưng theo ghi nhận của Test Lab từ quá trình đánh giá chất lượng màu sắc, có thể nói ZenFone Go cho màu sắc trông hấp dẫn hơn hẳn mẫu ZenFone 2 Laser ở độ tương phản và độ bão hòa màu sắc dù không cung cấp tùy chọn hiệu chỉnh nhiệt độ màu trong giao diện hệ điều hành Android 5.1.

Riêng về độ sáng, màn hình 5 inch trên ZenFone Go cũng đủ sáng để đảm bảo chất lượng hiển thị khi thử dùng máy trong môi trường nhiều nguồn sáng cũng như ngoài trời nắng. Khả năng điều tiết độ sáng tự động cũng có độ mượt cao dù chưa thật nhạy bén với những thay đổi đột ngột của môi trường. Thiết lập độ sáng tự động cũng khiến LCD tối đi khá nhiều.

Loa ngoài

ZenFone Go tuy cho âm lượng loa ngoài khá nhỏ, nhưng bù lại loa tích hợp không hề gặp phải tình trạng vỡ tiếng khi chơi hết âm lượng và thậm chí vẫn không gây khó chịu (mất cân bằng âm thanh) dù người dùng đặt lưng máy trực tiếp lên mặt bàn.

Hiệu năng

Dù được xếp vào phân khúc tầm trung và trang bị bộ xử lý dùng nhân 4 Cortex-A7, nhưng trong các phép thử hiệu năng tổng thể, hiệu năng đồ họa với những công cụ vẫn thường dùng, Test Lab nhận thấy kết quả mà ZenFone Go đạt được cũng không hề kém cạnh các sản phẩm cùng tầm giá.

Đáng chú ý là trong một số phép thử ZenFone Go còn ghi được điểm số không quá cách biệt so với kết quả thử nghiệm của mẫu SoC Qualcomm Snapdragon 410. Cụ thể, so với mẫu Coolpad Sky Mini E560 vốn đạt 467 điểm trong phép thử hiệu năng đơn nhân Geekbench 3, Asus ZenFone Go cũng không hề kém cạnh khi “bám đuôi” với điểm số ở mức 358 cũng trong cùng một phép thử. Có thể khẳng định, Asus đã khá ưu ái ZenFone Go khi trang bị cho mẫu smartphone này RAM 2GB và cũng nhờ đó mà hiệu suất của máy cũng được cải thiện đáng kể dù trang bị bộ xử lý giá rẻ của MediaTek.

Kết quả thử nghiệm hiệu năng Asus ZenFone Go và một số hình ảnh về giao diện người dùng máy:

Từ quá trình hiện thực hóa số liệu, Test Lab nhận thấy ZenFone Go thậm chí cũng có thể mang lại những trải nghiệm mượt mà không thua kém đàn anh ZenFone 2 Laser từng thử nghiệm. Xuyên suốt quá trình sử dụng, Test Lab hầu như không phải gặp khó khăn nào khi đóng, mở các ứng dụng nặng, chuyển đổi sử dụng giữa các ứng dụng chạy nền.

Tuy nhiên, do hiệu năng đồ họa chỉ ở mức phổ thông, nên người dùng lẽ đương nhiên sẽ không thể có được những trải nghiệm đồ họa chất lượng như những sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung vốn trang bị SoC tích hợp nhân đồ họa hiệu suất cao hơn.

Camera

Tuy không hỗ trợ lấy nét laser như đàn anh ZenFone 2 Laser, nhưng Asus ZenFone Go vẫn không hề kém cạnh ở khoản tốc độ và độ chính xác trong hầu hết phép thử khả năng lấy nét tự động trong môi trường ánh sáng thuận lợi. Ứng dụng chụp ảnh trên ZenFone Go cũng xứng đáng nhận một điểm cộng từ Test Lab khi không chỉ trực quan dễ dùng, mà còn cung cấp rất nhiều chế độ chụp chọn cảnh cài đặt sẵn, trong đó có cả chế độ tùy chỉnh thủ công, selfie bằng camera chính nhờ tính năng phát hiện khuôn mặt, chế độ tua nhanh thời gian, chụp ảnh động và chế độ tua ngược thời gian rất thích hợp khi chụp các đối tượng chuyển động nhanh.

Xét về chất ảnh, so với những sản phẩm cùng tầm giá, Asus ZenFone Go còn có phần vượt trội hơn về độ chi tiết và độ bão hòa màu sắc. Dẫu vậy, camera 8MP trên Asus ZenFone Go vẫn gặp chút trắc trở với khả năng đo sáng tự động, viền tím khá nặng. May mắn là người dùng vẫn có cơ hội giảm sáng thủ công bằng cách chạm và nhấn giữ đối tượng cần chụp vài giây và vẫn có thể thu được những bức ảnh trông hài hòa hơn.

Pin

Trong phép thử hiệu năng pin PCMark vẫn thường dùng, Asus ZenFone Go cho kết quả đạt 5 giờ 20 phút. Kết quả này tuy chưa thật ấn tượng, nhưng nếu cân đối giữa hiệu năng, tính năng và chất lượng camera, thì kết quả thử nghiệm thời lượng pin trên ZenFone Go cũng không đáng để phàn nàn.

Hiệu năng pin của ZenFone Go tuy không cao nhưng cũng không phải là một khuyết điểm đáng kể.

Thực tế sử dụng cho thấy máy có thể tồn tại gần một ngày làm việc khi hoạt động với cường độ cao. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo vì thực thế sử dụng sẽ thay đổi tùy theo thời lượng kích hoạt 3G, thiết lập độ sáng màn hình và nhiệt độ môi trường.

Giao diện người dùng

Giao diện đẹp, dễ dùng và không có quá nhiều ứng dụng cài đặt sẵn không thể gỡ bỏ là những điểm sáng của ZenFone Go. Mẫu smartphone phổ thông này cũng khá thông minh trong việc tự động “gom” những ứng dụng có chức năng tương đương nhau vào cùng một thư mục để tiện hơn trong việc quản lý. Người dùng cũng có thể sử dụng vài cử chỉ điều khiển thông minh trên màn hình tắt khá sành điệu.

Một số hình ảnh chi tiết smartphone giá rẻ Asus ZenFone Go: 

ZenFone Go trang bị màn hình 5 inch độ phân giải HD.
Mặt lưng máy vát cong dù cho cảm giác cầm chắc tay nhưng vẫn không nhạy với vết bẩn.
ZenFone Go cũng trang bị camera trước cho nhu cầu selfie.
Camera chính đi kèm khá nhiều tùy chọn chụp ảnh sáng tạo.
Loa ngoài cho âm lượng lớn, chất âm khá.
Nút nguồn/khóa màn hình đã được tái bố trí, thuận tiện hơn những dòng ZenFone giá rẻ trước đây.
Cổng micro USB trên ZenFone Go được bố trí ở cạnh dưới.
Ngõ 3,5mm bố trí trên đỉnh máy.
Cả nắp lưng và pin của ZenFone Go đều có thể tháo rời.
Khe SIM 1 hỗ trợ tháo nóng khá tiện dụng.

PCWorld

Asus, Asus ZenFone Go, đánh giá smartphone, điện thoại Asus, smartphone chụp ảnh, smartphone giá rẻ, smartphone phổ thông, smartphone selfie, SoC


© 2021 FAP
  3,481,510       3/919