(PCWorldVN) Với những thủ thuật sau, bạn có thể điều khiển và sử dụng từ xa một hay nhiều máy tính thông qua mạng Internet.
Các công cụ điều khiển máy tính từ xa (remote control software) còn được gọi với những cái tên khác như tiện ích truy cập máy tính từ xa hay phần mềm sử dụng máy tính từ xa (remote desktop software)… nhưng chúng đều có chung một mục đích là “điều khiển máy tính chạy Windows, OS X hay Linux từ xa thông qua mạng Internet”. Người dùng có thể sử dụng chuột và bàn phím thực với mọi thao tác trên một cỗ máy tính cách xa mình.
Trước đây, những tiện ích dạng này rất khó sử dụng vì phải trải qua các thiết lập phức tạp. Tuy nhiên sau một thời gian dài cải tiến thì các “remote control software” trở nên dễ dùng và hầu như người dùng bình thường nào cũng có thể tự cài và sử dụng được. Điều đặc biệt hơn, đa phần các công cụ này đều được cung cấp miễn phí, thậm chí một số công cụ còn hỗ trợ phiên bản nền web. Trong phạm vi bài viết, PC World Vietnam sẽ chỉ đề cập đến những thủ thuật, kinh nghiệm khi dùng các công cụ này cũng như chỉ giới thiệu các tiện ích miễn phí phục vụ cho nhu cầu sử dụng cơ bản của người dùng.
Nguyên tắc cơ bản
Về cơ bản, chức năng truy cập máy tính từ xa sẽ cần 4 yếu tố quan trọng: thứ nhất là “máy chủ” (host) – thiết bị muốn điều khiển, “máy khách” (client) – máy dùng để điều khiển máy chủ, phần mềm hỗ trợ được cài trên cả hai máy chủ, máy khách và mạng Internet.
Một công cụ điều khiển máy tính từ xa nền web sử dụng được cho mọi nền tảng. |
Sự phát triển của công nghệ và ứng dụng di động giúp cho yếu tố máy khách ngày càng có thêm nhiều lựa chọn hơn, chứ không bó hẹp ở các cỗ PC hay Mac nữa. Người dùng giờ đây có thể dùng điện thoại, máy tính bảng dùng Android, iOS hay Windows Phone để điều khiển máy tính thông qua màn hình cảm ứng dễ dàng.
Những thiết lập cần thiết
Điều đầu tiên để điều khiển máy tính từ xa là bạn hãy truy cập vào trang chủ của nhà phát triển phần mềm để tải về và cài đặt tiện ích cho máy tính chủ và khách. Đa phần các công cụ “remote control software” đều hỗ trợ hệ điều hành Windows, Mac OS X và một số ít hỗ trợ cả Linux (chủ yếu là Ubuntu). Với Windows 10 hay OS X 10.8 trở lên thì một số công cụ đã có mặt trên kho ứng dụng Windows Store và Mac App Store, bạn có thể tải về và cài đặt từ đây.
Điều khiển máy tính từ xa thông qua máy tính bảng. |
Trong trường hợp máy khách là smartphone hay tablet thì bạn truy cập vào kho ứng dụng App Store (đối với iOS), Play Store (với Android) hoặc Windows Phone Store (với smartphone dùng Windows Phone) để tải về và cài đặt ứng dụng điều khiển cho thiết bị di động của mình.
Hiện có nhiều ứng dụng điều khiển máy tính hỗ trợ nền tảng iOS |
Tiếp theo, bạn cần đăng ký một tài khoản của dịch vụ sử dụng, ở đây bài viết sẽ minh họa cách đăng ký cho công cụ TeamViewer. Ở giao diện sử dụng, bạn nhấn Sign Up > nhập đầy đủ các thông tin ở các bước đăng ký, từ tên thật (Your name), địa chỉ email đồng thời là tên người dùng (Email/Username), nhập chính xác hai lần mật khẩu muốn sử dụng, tên của máy tính (Computer name – để xác định trong quá trình kết nối để điều khiển)…
Tạo tài khoản sử dụng để có thể bắt đầu quá trình điều khiển máy tính qua mạng |
Bạn cũng cần yêu cầu người sử dụng máy tính muốn được bạn điều khiển tạo một tài khoản và đăng nhập vào tài khoản. Tiếp theo, bạn hãy kiểm tra tình trạng kết nối với máy chủ của dịch vụ đã ổn định chưa, thông thường biểu tượng kết nối có màu xanh lá cây là tốt, màu vàng là kết nối yếu dễ phát sinh lỗi và màu đỏ là mất kết nối. Khi nào có thông báo “Ready to connect” là bạn có thể bắt đầu sử dụng.
Bạn cần ID và mật khẩu của máy Host để điều khiển. |
Khai báo đúng thông tin đăng nhập để điều khiển máy tính Host. |
Sau khi máy khách đăng nhập và kết nối với máy chủ host thành công, màn hình của máy chủ sẽ xuất hiện tình trạng giật nhẹ, một số thiết bị sẽ tự thay đổi độ phân giải và hình nền tự chuyển thành màu đen… để tối ưu với tốc độ đường truyền. Những hiện tượng này có thể sẽ không xảy ra với một số trường hợp cả hai máy chủ và máy khách được kết nối với một đường truyền Internet tốc độ cao. Bên cạnh đó, giao diện của phần mềm quản lý kết nối sẽ xuất hiện thông báo tên thiết bị đang kết nối và điều khiển trong mục “Session list”.
Thông tin thiết bị đang điều khiển trên máy Host. |
Đối với thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng thì bạn cũng cần phải thiết lập lại các tùy chọn ở mục Control. Đầu tiên bạn nhấn vào nút Settings (biểu tượng bánh răng) > chuyển đến mục Control > Quality và chọn Automatic quality selection để ứng dụng tự động cân chỉnh chất lượng hình ảnh dựa trên kết nối Internet. Tiếp tục, bạn chuyển sang mục Screen resolution và chọn mức Medium hoặc Small để phù hợp với kích thước màn hình nhỏ (đối với smartphone), riêng với máy tính bảng cỡ lớn thì bạn nên chọn Don’t change để giữ nguyên mức độ phân giải như trên máy Host.
Về cách thức điều khiển máy tính từ xa trên màn hình cảm ứng, để thực hiện thao tác nhấn chuột, bạn chạm vào màn hình, chạm và giữ hoặc chạm bằng hai ngón tay để nhấn chuột phải, chạm hai lần và giữ trên màn hình để thực hiện thao tác kéo thả đối tượng. Ngoài ra, bạn dùng hai ngón tay để phóng to thu nhỏ, cuộn trang lên xuống bằng cách vuốt hai ngón tay. Để tắt, khởi động lại, khóa máy hay nhấn tổ hợp Ctrl+Alt+Del trên di động thì bạn nhấn vào Actions (biểu tượng chiếc cờ-lê) và chọn tác vụ tương ứng.
Tinh chỉnh để có trải nghiệm tốt hơn
Vì mọi tín hiệu về hình ảnh, âm thanh, phản hồi các thao tác đều được tự động mã hóa, đóng gói và truyền đi qua kết nối Internet nên tốc độ đường truyền nhanh sẽ giúp bạn có được trải nghiệm tốt hơn. Do đó, bạn cần thực hiện một số tinh chỉnh trong Settings của phần mềm để có được chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nhất và nhất là hạn chế tình trạng bị “khựng” khi thao thác.
Giao diện máy tính Windows khi điều khiển trên iOS (nền màu đen hiện ra do tốc độ mạng chậm). |
Bạn nên bật chức năng bỏ hình nền (Remove remote wallpaper) để phần mềm không phải tải thêm dữ liệu hình ảnh cho hình nền của máy host. Ngoài ra, để giao diện thao tác không bị rối mắt, bạn nên tắt đi mục Show your partner’s cursor để trỏ chuột không hiển thị trên màn hình.
Bên cạnh đó, tùy mục đích điều khiển máy tính mà bạn cũng nên tắt đi âm thanh khi máy host phát nhạc hay thông báo bằng cách bỏ chọn trước Play computer sounds and music.
Bảo mật và các vấn đề khác
Để đảm bảo an toàn cho dữ liệu và các thao tác khi có sự truy cập, can thiệp và điều khiển máy tính từ một người khác từ xa, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau để không ân hận sau này. Trước tiên, khi cung cấp ID và mật khẩu truy cập cho “partner” thì bạn cần xem lại người muốn điều khiển máy tính của bạn có đáng tin hay không. Nếu vì mục đích bất khả kháng mà bạn cần sự can thiệp và điều khiển để sửa lỗi hay làm một vấn đề gì trên máy tính thì hãy giấu kỹ các dữ liệu nhạy cảm, bí mật. Hơn nữa, suốt trong quá trình “partner” truy cập máy, bạn phải theo dõi từng động thái của trỏ chuột và màn hình, nếu có động thái bất thường thì nên ngắt kết nối bằng cách nhấn chuột phải lên biểu tượng phần mềm điều khiển máy tính và chọn Exit.
Trong trường hợp muốn ghi lại các bước thao tác của “partner”, bạn nên kích hoạt chức năng tự ghi hình phiên làm việc bằng cách vào Options (hoặc Settings) > tìm và kích hoạt mục Auto record remote control sessions và Record partner’s video and VoIP (ghi lại các đoạn đối thoại video hoặc VoIP của người điều khiển trên máy tính của mình). Ngoài ra, để hạn chế “partner” sử dụng phím tắt để làm chuyện “mờ ám” thì bạn tắt tùy chọn Send key combinations là xong.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế việc giao cho “đối tác” toàn quyền điều khiển trên máy tính của mình (Full Access). Để đặt lại tùy chọn này, bạn hãy vào Settings và chọn mục Access Control và chuyển sang View and show (chỉ cho xem) hoặc Confirm all (yêu cầu xác nhận mọi thao tác). Trong trường hợp bạn không thể theo dõi các thao tác của người điều khiển, thì nên kích hoạt chức năng màn hình tự chuyển sang màu đen khi “đối tác” ngưng thao tác để tránh các đôi mắt tò mò khác (trong trường hợp sử dụng máy ở nơi đông người).
Một số tiện ích miễn phí tham khảo
1. TeamViewer
Đây là ứng dụng được nhắc đến đầu tiên bởi tính dễ sử dụng, có tốc độ truyền tải hình ảnh, âm thanh nhanh và có khả năng tự động tối ưu cho phù hợp với đường truyền Internet. Bên cạnh đó, công cụ này cũng hỗ trợ nhiều tính năng, người dùng không cần phải thiết lập phức tạp cho tường lửa hay router để sử dụng như một vài công cụ cùng tính năng khác.
Bên cạnh việc truyền tải hình ảnh, video, âm thanh, chat… TeamViewer cũng hỗ trợ chức năng truyền dữ liệu qua lại qua thao tác “Copy/paste”, chức năng wake-on-LAN (WOL) giúp khởi động máy tính từ xa, thậm chí còn có thể khởi động máy vào chế độ Safe Mode từ xa.
TeamViewer tích hợp nhiều chức năng và hỗ trợ đa nền tảng. |
Công cụ này hỗ trợ mọi nền tảng từ Windows, Linux, Mac OS X, Chrome OS và cả các nền tảng di động như Android, Windows Phone, BlackBerry và iOS. Phiên bản đầy đủ có tên là TeamViewer, trong khi phiên bản rút gọn chỉ có chức năng điều khiển từ xa có tên TeamViewer QuickSupport dành cho máy khách. Ngoài ra, TeamViewer còn có một phiên bản khác là TeamViewer Host dành cho máy chủ muốn được hỗ trợ.
2. Remote Utilities
Bạn có thể tải về công cụ miễn phí này tại www.remoteutilities.com/download (đối với máy tính dùng Windows và từ kho ứng dụng App Store (iOS) hoặc Play Store (Android). Công cụ này cũng có chức năng liên kết hai máy tính với nhau từ xa thông qua một phương thức gọi là “Internet ID”. Phiên bản miễn phí giúp bạn có thể điều khiển được đến 10 máy tính. Ngoài tùy chọn cài trên máy tính, bạn cũng có thể sử dụng Remote Utilities ngay trên USB hay thẻ nhớ.
Các tác vụ mà Remote Utilities hỗ trợ. |
Với Remote Utilities, máy được điều khiển (Host) sẽ được gọi là Agent và máy điều khiển sẽ là Viewer. Sau một lần thiết lập, người dùng có thể tải về một gói “combo” với đầy đủ tính năng và chỉ cần nhấn chạy và sử dụng, mọi thông số cài đặt sẽ được thực hiện tự động.
Remote Utilities hỗ trợ quản lý tác vụ, truyền tải dữ liệu qua lại, khởi động hay tắt máy từ xa. Công cụ này cũng hỗ trợ quản lý thông tin hệ thống, chat qua lại, truy cập thông tin Registry hệ thống từ xa, xem webcam…
3. Ammyy Admin
Ammyy Admin là công cụ tự chạy (portable) hoàn chỉnh với thao tác thiết lập đơn giản hơn rất nhiều so với các công cụ khác. Giống với TeamViewer, Ammyy Admin cũng sử dụng phương thức kết nối hai thiết bị với ID được cung cấp sẵn.
Giao diện sử dụng của Ammyy Admin rất đơn giản. |
Dung lượng của phần mềm này khá thấp, chỉ khoảng 750KB, bạn có thể tải về tại http://www.ammyy.com/en/downloads.html. Điểm hạn chế của Ammyy Admin là hiện chỉ hỗ trợ nền tảng Windows và chưa có phiên bản cho các nền tảng di động.
4. UltraVNC
Về cơ bản, UltraVNC có cách thức vận hành tương tự như Remote Utilities, người dùng phải cài tiện ích này (tải về tại www.uvnc.com) cho cả máy chủ (host – phần mềm này gọi là server) và máy khách (client – phần mềm này gọi là viewer).
UltraVNC có giao diện sử dụng khá giống với các trình chạy máy ảo. |
Không có quá nhiều tính năng như TeamViewer nhưng UltraVNC cũng hỗ trợ các chức năng cần thiết như truyền tải dữ liệu, chat, chia sẻ clipboard (dữ liệu copy/paste), tắt/khởi động máy và đưa máy tính vào chế độ Safe mode.
UltraVNC hiện hỗ trợ các phiên bản của Windows (kể cả Windows 10), phiên bản nền web có tên Java Viewer có thể chạy được trên mọi thiết bị được cài sẵn môi trường Java.
5. AeroAdmin
Có thể nói AeroAdmin là chương trình điều khiển máy tính từ xa miễn phí dễ sử dụng nhất hiện nay. Người dùng không cần bất cứ thiết lập nào vẫn có thể thực hiện được mục đích của mình.
Giao diện truyền tải dữ liệu trên AeroAdmin. |
6. Windows Remote Desktop
Đây là chức năng được tích hợp sẵn trên Windows XP đến Windows 10, bạn có thể khai thác mà không cần cài thêm bất cứ phần mềm bổ sung nào. Để sử dụng chức năng này, bạn có thể vào System Properties (nhấn chuột phải lên My Computer > chọn Properties > Remote Settings) > chuyển sang thẻ Remote và đánh dấu chọn trước Allow Remote Assistance connections to this computer. Sau đó chuyển xuống mục và đánh vào một trong hai tùy chọn Allow connections from computers running any version of Remote Desktop hoặc Allow connections from computers running Remote Desktop with Level Authentication (tùy chọn thứ hai sẽ bảo mật hơn). Cuối cùng, nếu muốn điều khiển máy tính, bạn vào Start và tìm kiếm với từ khóa “Remote Desktop Connection” và làm theo hướng dẫn để kết nối và điều khiển máy tính.
Giao diện thiết lập Remote Assistance của Windows. |
Các tiện ích khác
Ngoài ra, còn có một số công cụ miễn phí khác để bạn tham khảo như RemotePC, Firnass, Chrome Remote Desktop, AnyDesk, LiteManager, Comodo Unite, ShowMyPC, join.me, DesktopNow, BeamYourScreen… Trong đó, công cụ Chrome Remote Desktop hỗ trợ điều khiển máy tính ngay trên trình duyệt, rất hữu ích cho người dùng không muốn cài thêm ứng dụng vào máy tính.
Điều khiển máy tính ngay trên trình duyệt Chrome. |
điều khiển máy tính từ xa, điều khiển từ xa, Đô Nguyễn, thủ thuật máy tính