(PCWorldVN) Một chiếc máy tính với kích thước chỉ bằng chiếc kẹp giấy hoạt động không cần pin, có thể làm thay đổi từ thiết bị đeo cho đến nhiều thứ khác. Nhưng đây mới chỉ là tiềm năng.
Ngày nay, vấn đề lớn nhất trong thiết kế đồ chơi công nghệ mới là pin. Chính pin là rào cản, hạn chế đột phá về kiểu dáng, kích thước của điện thoại thông minh, máy tính và nhiều thiết bị đeo khác. Điều đáng nói là công nghệ pin không cải tiến được là bao so với những công nghệ khác, còn tương lai của công nghệ pin lại tỏ ra không mấy tươi sáng.
Nhưng nếu hoàn toàn loại bỏ pin ra khỏi các thiết kế công nghiệp thì như thế nào? Đó là những gì mà phòng thí nghiệm Sensor Lab của Đại học Washington, Mỹ vừa thực hiện. Các nhà nghiên cứu tại đây đã tạo ra WISP, viết tắt của Wireless Identification and Sensing Platform, là một cảm biến và chip xử lý kết hợp, không cần pin hay bất kỳ nguồn năng lượng điện năng nào để hoạt động.
Thay vì vậy, nó nó lấy nguồn từ sóng radio phát ra từ một bộ đọc RFID chuẩn, gắn bên ngoài, giống công nghệ mà các cửa hàng bán lẻ dùng để chống trộm cắp, rồi chuyển chúng thành điện năng.
WISP tận dụng các sóng không dây sẵn có để chuyển thành điện năng. |
WISP không phải thiết kế để thay thế cho chip trong điện thoại thông minh hay laptop của chúng ta. Nó có xung nhịp bộ xử lý và chức năng tương đương với Fitbit, trong đó tích hợp cảm biến nhận diện gia tốc và cảm biến nhiệt độ. Aaron Parks, một nhà nghiên cứu tại Sensor Lab, cho biết: "Nó không để chơi game, nhưng nó có thể theo dõi dữ liệu cảm ứng, làm vài tác vụ xử lý tối thiểu và giao tiếp được với thế giới bên ngoài." WISP có thể xử lý tín hiệu sóng radio mà Parks cho rằng sau đó nó sẽ xử lý được thông tin đầu vào, giống như mã morse.
Điều ngạc nhiên là Parks cho rằng WISP có thể truyền thông tin qua lại với các thiết bị khác rất nhanh. Nó có cùng băng thông với chuẩn Bluetooth Low Energy, là công nghệ không dây tiết kiệm điện năng mà hầu hết tai nghe và loa Bluetooth đều sử dụng. WISP là dự án đã lâu, có từ năm 2006, nhưng có được tính năng truyền thông hấp dẫn như vậy là nhờ đội ngũ của Sensor Lab két hợp với đại học Delft. Hiện tại, các nhà lập trình có thể tái lập trình không dây cho WISP.
Ví dụ, một bộ theo dõi sức khỏe dùng WISP bây giờ có thể tải về một chức năng theo dõi mới, hoặc cập nhật để sửa một lỗi nào đó mà không cần gắn thêm thứ gì vào WISP. Điều này rất quan trọng bởi vì chưa từng có tính năng nào tương tự trước đây.
WISP không chỉ là chip máy tính không cần pin. Parks cho rằng cũng có rất nhiều cảm biến không cần pin và tận dụng bất kỳ thứ gì sẵn có để chuyển thành điện, như sóng ti vi, sóng từ các trạm phát di động… Nhưng hiện tại, những dạng máy tính nhỏ như WISP vẫn còn rất hạn chế và chưa thể lập trình từ xa được. Bằng cách gép đôi WISP với một bộ đọc RFID, Parks cho rằng họ có thể tạo ra được một chiếc máy tính không cần pin nhưng có công năng hơn 10 lần so với WISP hiện nay.
Nhưng máy tính không dùng pin sẽ ứng dụng tốt nhất cho việc gì? Parks nói rằng nếu nghĩ đến một chiếc iPhone hay laptop chạy bằng sóng radio thì có lẽ còn xa vời, nhưng điều này không phải là không khả thi.
Nhưng ứng dụng thực tế nhất hiện nay của WISP sẽ nằm trong ngành kiến trúc, xây dựng. Nhúng những cảm biến này vào bê tông, tường nhà có thể giúp nhận diện được một tòa nhà có móng vững hay không, hay tòa nhà ấy đã "đến tuổi" phá đập vì quá cũ kỹ, hay WISP có thể nhận diện động đất mà con người không phải động chạm gì vào WISP thì mới biết được thông tin. Máy tính không dùng pin cũng rất thích hợp dùng cho các thiết bị cấy ghép trong y khoa để giám sát sức khỏe bệnh nhân. Ngành nông nghiệp cũng có thể hưởng lợi vì WISP có thể giám sát cùng lúc hàng ngàn cây trồng.
Cũng có nhiều ứng dụng tiêu dùng khác dành cho máy tính không dùng pin, như dây đeo theo dõi sức khỏe. Thậm chí, chúng ta có thể bỏ một chiếc máy tính không dùng pin vào trong điện thoại thông minh để có thể gửi tin nhắn khẩn khi pin của điện thoại bị hết. Điểm hấp dẫn nhất của WISP chính là nó là một thiết bị IoT, nó biến những thiết bị gia dụng vô tri, vô giác thành ra thiết bị thông minh.
Bùi Lê Duy, công nghệ, IoT, máy tính không dùng pin, thị trường, WISP