(PCWorldVN) Mục đích khóa học là cung cấp và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn, vi cơ điện tử hệ thống - MEMS và màng mỏng
Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) phối hợp với Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và Ban Quản Lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức Khóa học chuyên đề về công nghệ MEMS và Màng mỏng 2016.
Khóa học được tổ chức tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM từ ngày 13-16/5/2016 với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước với mục đích cung cấp và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ chế tạo linh kiện bán dẫn, vi cơ điện tử hệ thống - MEMS và màng mỏng cho các học viên là các sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên đang học tập tại các trường đại học và các kỹ sư, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các công ty, trung tâm – viện nghiên cứu tại Thành phố.
Đến dự lễ khai giảng có các lãnh đạo của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM.
Toàn cảnh khóa học. |
Trong thời gian diễn ra khóa học, các học viên đã được các giảng viên hướng dẫn và giảng dạy các chuyên đề như Chemical vapor deposition cho MEMS (Nguyên lý, quy trình và ứng dụng), Pin mặt trời màng mỏng (Công nghệ chế tạo và vật liệu), Công nghệ MEMS trong ứng dụng thu hoạch năng lượng, Ứng dụng LED trong nông nghiệp và công nghệ sinh học, Công nghệ LED/UVLED Nhật Bản - Mỹ và các ứng dụng diệt vi khuẩn.
Tại buổi lễ bế giảng, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM Nguyễn Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã cấp và trao giấy chứng nhận cho 33 học viên đủ điều kiện và thực hiện tốt quy định của lớp học.
Đây là khóa học thứ 2 kể từ năm 2014 được tổ chức tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM theo văn bản hợp tác giữa 4 bên. Theo kế hoạch, trong năm 2016 này, các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu khác (30-90 tiết, trong 2 tuần đến 3 tháng) sẽ được tổ chức để phục vụ nhu cầu chuyên môn của các phòng thí nghiệm, dây chuyền công nghệ bán dẫn của các doanh nghiệp hay nhu cầu của các sinh viên, kỹ sư về công nghệ vi mạch bán dẫn.
công nghệ MEMS, khoa học công nghệ, Linh kiện bán dẫn, truyền thông khoa học công nghệ