Công nghệ - Sản phẩm

10 chiếc xe công nghệ nổi bật của năm 2016

(PCWorldVN) Trong khi người ta nói nhiều về những chiếc xe hơi bay thì một sân chơi mới đang bùng nổ với hàng loạt các phát kiến mang tính thực tế hơn bao giờ hết: công nghệ hỗ trợ người lái xe ô tô.

Không thể không đề cập tới sự phát triển vượt bậc của những chiếc xe tự hành, ý tưởng về một “robot di động” với khả năng nhận biết chính xác môi trường xung quanh, tầm nhìn 360 độ (vượt xa con người) và kĩ năng lái hoàn hảo. Trong suốt quá trình phát triển, những ý tưởng của các kĩ sư về tính năng của “robot” này cũng thực sự phong phú và gần như bất tận – bất chấp theo một cách nghĩ nào đó. Tuy thế, việc xe tự hành hứa hẹn giúp hạn chế được con số 1,2 triệu người tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông thực sự rất đáng giá.

Nhìn ở góc độ thị trường, sự bùng nổ doanh số của xe hơi trong những năm gần đây cũng đã giúp nhiều nhà sản xuất có thêm kinh phí theo đuổi giấc mơ tự động của họ. Chính vì điều này, người dùng cũng bắt đầu có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới, không chỉ trên những mẫu xe đắt tiền như Maybach mà thậm chí ngay từ Ford Focus hay các dòng bình dân khác. Chúng ta sẽ cùng điểm qua 10 chiếc xe đậm chất công nghệ của năm 2016 do IEEE Spectrum đưa ra – tất cả đều hàm chứa những tinh hoa từ những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp bốn bánh thế giới với hứa hẹn mở ra kỉ nguyên mới của những chiếc xe thông minh trong những năm tới đây.

1. Xe đua tự hành Audi RS7 Piloted Driving Concept
Giá: 136.650 USD.
Động cơ ba xy lanh 228 mã lực kèm mô tơ điện xoay chiều 129 mã lực.

Audi Autonomous RS7

Sau một năm kể từ khi thí điểm chuyến đi tự động đầu tiên của mình từ San Francisco tới New York City (Mỹ), Audi đã có những bước tiến rất dài trong cuộc chơi xe tự hành. Mới đây, hãng cũng đã trình diễn chiếc xe hiệu năng cao RS7 trong sự kiện riêng tại Tây Ban Nha. Thay vì trên đường phố, Audi đã chọn nơi thể hiện trí tuệ và kĩ năng của chiếc xe là…đường đua ở tốc độ cực cao (lên tới 240km/giờ) – nơi mà phần lớn các giải pháp tự động khác đều sẽ…bó tay.

Để làm được điều này, bên cạnh giải pháp GPS với độ chính xác cực cao (khoảng cách sai số chỉ 2cm thay vì khoảng 1,5m như các loại thiết bị thuông thường), xe cũng sử dụng nhiều máy quay để định vị xe, xác định vật cản. Sau khi đã đảm bảo được các số liệu đầu vào chuẩn xác, bộ điều khiển sẽ tương tác với động cơ, hệ thống tay lái điện, hộp số, phanh để di chuyển chiếc xe theo tình hình thực tế. Để bảo đảm sự an toàn tuyệt đối, Audi bố trí thêm cả một hệ thống cấp nguồn và bộ điều khiển phanh phụ phòng trường hợp các cụm chính gặp vấn đề.

Trong thử nghiệm, chiếc RS7 trên đường đua thể hiện khá xuất sắc trong các tình huống và đạt thành tích tổng thể bước đầu ngang ngửa với người lái thông thường. Theo ý kiến phân tích, do những hạn chế về tính an toàn cũng như phòng ngửa rủi ro, các kĩ sư chưa thể mạo hiểm cài đặt hệ thống máy tính vận hành hết sức của mình. Thực tế, có lẽ chỉ vài thế hệ nữa kèm theo một số cải tiến về thuật toán điều khiển, chiếc RS7 có thể trở thành một robot “Michael Schumacers” thực thụ.

2. Siêu xe Ford GT - đỉnh cao của khí động học thông minh
Giá: 400.000 USD.
Động cơ V6 3.5 tăng áp kép 650 mã lực.

Dù cũng chung chí hướng với Audi khi chọn sân chơi hiệu năng cao, Ford lại thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác khi sử dụng các cơ chế thông minh nhằm hỗ trợ khả năng vận hành, hiệu năng của chiếc siêu xe mới của mình.

Ford GT

Ngoài động cơ V6 tăng áp kép, tỉ lệ trọng lượng/công suất tốt nhất từ trước tới nay và hàng loạt các phát kiến về kết cấu, Ford GT còn sở hữu nhiều món “độc” khác như hệ thống giảm xóc chủ động cho phép xe hạ thấp độ cao khi vận hành ở tốc độ hàng trăm km/giờ - yếu tố cho phép giảm lực cản không khí. Khi cần, xe có thể phanh nhờ hệ thống phanh khí (tương tự máy bay) nâng cao đuôi gió với góc phù hợp để ép xe xuống mặt đất. Cơ chế này cũng rất cần thiết nhằm tăng độ bám đường khi xe vào cua.

Bản thân thiết kế tổng thể của Ford GT cũng được các kĩ sư tính toán rất cẩn thận: phần nóc trần với cánh hướng gió đưa luồng khí vào cánh gió sau. Khoảng trống ở giữa sẽ tạo luồng khí thẳng vào bộ làm mát hệ thống tăng áp của xe. Trong khi đó, họng hút gió vào cho động cơ lại được treo lơ lửng bên dưới xe, nén khí đưa vào tăng áp và truyền qua các cánh nhỏ xuống họng hút của động cơ V6. Khí nóng từ bộ làm mát sinh ra sẽ di chuyển qua phía sau thông qua các ống đặt ở giữa các đèn hậu. Có thể nói, đây là kết cấu khí động học cực kì phức tạp nhưng lại được tính toán rất kĩ và thể hiện sự ưu việt thấy rõ trên các thử nghiệm thực tế.

3. Ferrari 488 Spider với hệ truyền động đột phá
Giá: 275.000 USD.
Động cơ V8 3.9 tăng áp kép cho 611 mã lực.

Ferrari là một trong số ít những hãng xe mất nhiều công sức tìm ra lời giải bài toán: giữ lại động cơ khí nạp tự nhiên với cảm giác lái mạnh mẽ hay chuyển sang các giải pháp hiện đại (tăng áp, mô tơ điện…) để theo kịp cuộc chơi công nghệ. Sau một thời gian dài đắn đo, hãng siêu xe nước Ý đã chọn lối đi mới. Giờ đây, mọi chiếc xe Ferrari mới đều sẽ sử dụng động cơ tăng áp, hệ truyền động hybrid hoặc thậm chí là kết hợp cả hai.

Ferrari 488 Spider

Chuyển sang cuộc chơi mới với tư cách nhà sản xuất siêu xe hàng đầu thế giới, Ferrari không thể chọn những lối đi “thường thường bậc trung”. Với động cơ V8 trên 488 Spider, dù có dung tích xy lanh nhỏ hơn 0,6L so với phiên bản 458, công suất sinh ra lại cao hơn tới 20% trong khi mô men xoắn cực đại cũng tăng lên 40% (đạt 760 Nm). Đây là mức tỉ lệ công suất/dung tích xy lanh cao nhất từ trước tới nay trên một khối động cơ V8 trong khi lại giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ 14%. Với sức mạnh mới, chiếc xe có thể đạt tới tốc độ 200km/giờ chỉ trong vòng 8,7 giây – mức mà một mẫu xe thường như Toyota Prius mới “ì ạch” lết tới 100km/giờ mà thôi. Thực tế, tính hiệu quả đáng kinh ngạc của động cơ tăng áp Ferrari cũng đã khiến hàng loạt các thương hiệu hạng sang khác có đủ tự tin bước vào sân chơi mới này.

Đáng chú ý, bên cạnh việc cỗ gắng nâng cao khả năng tăng tốc, 488 Spider cũng thể hiện một hướng đi mới của Ferrari trong việc thông minh hoá khả năng vận hành của các mẫu xe thể thao. Hệ thống điều khiển Side Slip Control 2 tích hợp trên chiếc mui trần này sẽ đánh giá kĩ năng lái của tài xế theo thời gian thực và điều chỉnh các cơ cấu kiểm soát độ bám, ổn định thân (mượn từ xe đua Công thức 1) và nhiều chỉ số khác để giúp xe luôn đạt tốc độ tối đa trong mọi tình huống

4. Mercedes-Benz F 015 Concept – phương tiện đi lại của năm…2030
Giá: Chưa có
Sử dụng năng lượng tế bào hydro với khoảng 1.100km hành trinh cho mỗi lần nạp.

Các nhà thiết kế xe đã liên tục đề xuất những mô hình của tương lai và vẽ ra viễn cảnh về những chiếc xe sẽ trở thành không gian sinh hoạt, văn phòng di động như thế nào. Trên thực tế, người dùng cũng ngày càng có nhiều tiện nghi trong khoang lái hơn bao giờ hết: từ việc kết nối đơn giản với iPod cho tới hệ thống thông tin giải trí thông minh. Tuy nhiên, những gì F 015 – chiếc xe được cho là mô tả chính xác viễn cảnh năm 2030 - của Mercedes-Benz thể hiện lại thực sự ấn tượng và thậm chí gây sốc với nhiều người.

Mercedes-Benz F 015 Concept

Với kích thước lớn hơn cả dòng sedan S-Class, F015 được xem là phương tiện đi lại đã nâng tính riêng tư và tiện nghi cho người lái lên tới mức tối đa. Nhờ hệ dẫn động sử dụng tế bào nhiên liệu Hydro sinh điện và cơ cấu tự lái hoàn toàn, chiếc xe có thể “gói gém” mọi thành phần điều khiển kềnh càng để tạo khoang lái như một căn phòng nhỏ. Thậm chí, khi cần thiết, bất kì ai trong xe đều có thể đảm nhận vị trí lái nhờ hình ảnh 360 độ quanh xe cùng các thông số đều được hiển thị đầy đủ. Toàn bộ các thao tác đều sử dụng lệnh cử chỉ cực kì thú vị.

Mặt khác, F 015 cũng tích hợp những ứng dụng hết sức thông minh của công nghệ quang học trong việc cho phép người điều khiển phương tiện tương tác với các xe xung quanh cũng như người đi bộ. Một tia laser hướng về phía trước sẽ có thể phóng thông điệp lên vỉa hè ví dụ như “Mời bạn đi trước” chẳng hạn. 

5. Hyundai Tucson Fuel Cell
Giá: Chỉ cho thuê với mức 499 USD/tháng.
Mơ tơ điện 134 mã lực lấy nguồn từ pin tế bào nhiên liệu Hydro.

Các loại xe chạy bằng tế bào nhiên liệu hydro dường như vẫn là thứ gì đó…trong phòng thí nghiệm đối với số đông người dùng. Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà sản xuất xe đã liên tục tìm kiếm một giải pháp năng lượng sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng năng lượng hoá thạch và chấm dứt xả khí thải ra môi trường với giải pháp này mà không hề cho người tiêu dùng biết chi phí cũng như giải đáp câu hỏi về nguồn cấp Hydro sẽ từ đâu mà ra.

Hyundai Tucson Fuel Cell

Với Tucson Fuel Cell, Hyundai đã giải đáp những câu hỏi trên khá hợp lý. Tại California, bạn có thể thuê chiếc xe chỉ với khoảng 440 USD mỗi tháng và Hyundai sẽ đảm nhận cung cấp nhiên liệu vận hành trong vòng 3 năm. Thực tế, so với xe điện hiện nay, xe sử dụng năng lượng hydro như của Hyundai chỉ khác biệt ở nguồn cấp: sử dụng tế bào nhiên liệu hydro thay vì pin Lithium-Ion. Bình chứa của xe có thể đựng khoảng 5,6 kg hydro ở áp suất 10.000 psi. Khi di chuyển vào các tế bào nhiên liệu, electron sẽ được tách khỏi nguyên tử hydro và tạo ra các ion di chuyển một chiều – đồng nghĩa với dòng điện chạy theo chiều ngược lại giúp mô tơ điện của xe chuyển động. Sau đó, các ion sẽ hợp nhất với khí oxy trong không khí để tạo thành hơi nước – thứ duy nhất mà những chiếc xe này thải ra môi trường. Theo Hyundai, thế hệ đầu tiên của Tucson Fuel Cell có thể di chuyển khoảng 426 km cho mỗi lần sạc và mô tơ điện của nó đủ sức di chuyển chiếc SUV nặng khoảng 2 tấn.

6. Chevrolet Volt – bé hạt tiêu
Giá: 33.995 USD.
Động cơ bốn xy lanh 1.8 với hai mô tơ điện kèm theo cho tổng công suất 149 mã lực.

Nếu như những chiếc Tesla luôn nhắm tới chất sang trọng và công nghệ điện tử phức tạp, mẫu xe lai Volt của Chevrolet lại chủ yếu hướng tới việc tiết kiệm nhiên liệu cho người dùng, bảo vệ môi trường. Với mức giá sau thuế với nhiều ưu đãi từ chính phủ Mỹ chỉ còn bẳng 1/3 Model S và chưa tới 1/5 của BMW i8, Volt thực tế còn rẻ hơn cả mặt bằng chung giá xe mới tại Mỹ (33.500 USD) trong khi lại tạo ưu thế với các dòng xe xăng truyền thống nhờ việc nhẹ hơn, nhanh hơn, êm ái hơn, thân thiện môi trường hơn và đặc biệt là chi phí sở hữu cũng như sử dụng kinh tế.

Chevrolet Volt

Bước sang thế hệ thứ hai, với mỗi lần sạc điện đầy, người dùng có thể di chuyển khoảng gầm 100 km mà không cần tới một giọt nhiên liệu nào. Sau đó, động cơ xăng mới được kích hoạt – góp phần vào tổng hành trình có thể lên tới 675 km. Đây là mức phá bỏ mọi lo lắng về hành trình – vốn ám ảnh các mẫu xe điện giá rẻ. Chevrolet cũng cho biết dù công suất tổng trên Volt mới cũng vẫn ở mức 149 mã lực như thế hệ đầu, mô men xoắn của nó lại cao hơn khá nhiều (đạt 401 Nm) nhằm đạt khả năng tăng tốc 0-100km/giờ chỉ mất 8,4 giây – tức là chỉ thua chiếc xe 220 mã lực Volkswagen GTI đúng 0,2 giây.

7. BMW Series 7 2016 – đỉnh cao tiện nghi công nghệ hạng sang
Giá: 99.395 USD.
Động cơ V8 4.4 tăng áp kép cho công suất 445 mã lực.

Với danh hiệu là chiếc xe thương mại đầu tiên có thể vận hành mà không cần người lái ngồi trên khoang, BMW Series 7 mới còn là điểm hội tụ mọi công nghệ tiện nghi đỉnh cao của xe hơi mà người dùng bình thường thậm chí ít khi có thể hình dung ra.

BMW Series 7

Hãy thử hình dung, bạn chỉ cần bấm một nút trên điều khiển, chiếc xe sẽ tự chui vào gara hoặc quay trở lại vị trí cũ để sẵn sàng cho một hành trình mới. Nhờ vào máy quay và cảm biến siêu âm tích hợp, xe có thể đỗ ngay ngắn ở cả những không gian hẹp nhất – vừa đủ để bạn có thể mở cửa khi cần.

Trong vận hành, ngoài sự sắc sảo đặc thù của cảm giác lái một chiếc BMW, Series 7 mới cũng sở hữu nhiều tính năng công nghệ thông minh rất ấn tượng. Trong đó, điển hình là cảm biến hồng ngoại cho phép chuyển các cử chỉ tay thành mệnh lệnh. Bạn có thể xoay ngón tay trong không trung để tăng giảm âm lượng, chỉ vào màn hình trung tâm để nhận cuộc gọi đến hoặc đơn giản là búng tay để mở máy quay lùi xe. Với “VIP” ngồi phía sau, ngay khi bước vào xe, Series 7 sẽ tự động bật ra máy tính bảng cho phép điều khiển mọi tính năng từ hệ thống âm thanh 1.400 watts của Bowers & Wilkins cho tới cửa sổ panorama trên trần với 15.000 đèn LED tạo thành bầu trời sao đấy ấn tượng – thậm chí là mùi hương ưa thích. Lên đường di chuyển, chiếc xe cũng có thể tự lái với vận tốc lên tới 210km/giờ. Tài xế có thể rảnh tay trong khoảng 15 giây ở nhiều tình huống (chiếc xe sẽ tự nhắc để bạn tập trung trở lại).

Bên cạnh các tiện nghi, Series 7 mới cũng gây ấn tượng nhờ nhiều yếu tố khác , chẳng hạn khung gầm sợi carbon lần đầu được triển khai trên xe sản xuất hàng loạt, động cơ với cơ cấu tăng áp đặt khéo léo xen giữa các hàng xy lanh nhằm tối ưu kích thước cũng như khả năng làm mát, hệ thống điều chỉnh giảm xóc thông minh dựa vào tín hiệu vệ tinh, cơ cấu lái điện bốn bánh nhằm cải thiện khả năng vận hành…

8. Porsche Mission E Concept – xe thể thao chạy điện có khả thi?
Giá: Chưa có
Hai mô tơ điện cho tổng công suất 600 mã lực.

Khi nhắc đến xe thể thao, Porsche thường hết sức nghiêm túc. Bản thân chiếc 911 huyền thoại của hãng đã liên tục là chuẩn mực cho xe thể thao cả về hiệu năng và thiết kế suốt từ 1963 tới nay. Chính vì thế, khi chiếc xe thể thao chạy điện Mission E lần đầu được hé lộ, nó không thể tránh được sự chú ý đổ dồn về - đặc biệt là khi được cam kết sẽ có phiên bản thương mại vào năm 2018.

Porsche Mission E Concept

Mission E Concept sử dụng hoàn toàn mô tơ điện (2) mượn từ chiếc xe 919 Hybrid mà Porsche sử dụng trong giải đua LeMans. Nhờ thế, khả năng tăng tốc 0-100km/giờ của xe hết sức ấn tượng khi ở mức chỉ 3,5 giây – vượt xa nhiều mẫu thể thao máy xăng truyền thống. Porsche cũng cho biết khoảng hành trình đạt được cho mỗi lần sạc có thể vượt mốc 500km. Đáng nể hơn, người dùng có thể sạc hơn 80% pin xe chỉ trong vòng 15 phút đầu tiên.

Bản thân kết cấu của Mission E Concept cũng hết sức độc đáo và là sự hoà quện của cả sợi carbon, nhôm, thép với trọng lượng chỉ chưa tới 2 tấn – nhẹ hơn nhiều so với đối thủ Tesla Model S. Xe cũng được tích hợp nhiều tiện nghi tiên tiến như máy quay cho phép theo dõi mắt người lái nhằm nhận diện vị trí đang nhìn. Từ đó sẽ phóng to các chi tiết hiển thị tương ứng. Thậm chí, các đồng hồ trong xe có thể di chuyển tương ứng với vị trí ngồi của tài xế, gương chiếu hậu thay thế bằng máy quay… nhằm tạo ra không gian lái “chuẩn” nhất có thể.

9. Volvo XC90 – công nghệ cao phục vụ an toàn tuyệt đối
Giá: 69.095 USD.
Động cơ tăng áp, siêu nạp bốn xy lanh 2.0 kết hợp hai mô tơ điện cho tổng công suất 400 mã lực.

Dù “ngủ đông” trong một thời gian dài vừa qua, hãng xe Thuỵ Điển – vốn giờ đã rời Ford để về với chủ mới Trung Quốc – đã trở lại đầy ấn tượng với mẫu SUV XC90 bảy chỗ mới. Điều thú vị là thay vì động cơ V8 “hoành tráng” như nhiều người mong đợi, xe lại sở hữu giải pháp truyền động công nghệ cao tiên tiến Twin Engine kết hợp giữa bộ tăng áp, siêu nạp và mô tơ điện. Nhờ thế, xe có thể tăng tốc 0-100km/giờ trong vòng 5,6 giây bất chấp trọng lượng khá lớn. Nếu chạy thuần điện, khoảng hành trình sẽ ở mức 40km.

Volvo XC90

Hệ thống thông tin giải trí của xe mới dường như lấy cảm hứng nhiều từ Tesla với một màn hình cỡ lớn cho phép thao tác bằng cử chỉ như với điện thoại thông minh. Tuy nhiên, điểm mạnh nhất của chiếc xe lại nằm ở những công nghệ an toàn chủ động hết sức ấn tượng. Trước hết, thay vì giữ làn như các dòng xe khác, XC90 có thể điều khiển cả vô lăng và phanh nếu nhận thấy việc rời làn là không thể tránh khỏi. Trong tình huống ấy, hệ thống điện sẽ khoá chặt dây đai an toàn hết mức có thể đồng thời kích hoạt vật liệu chịu lực ở ghế nhằm giảm thiểu chấn thương cột sống cho người ngồi từ các va chạm (như lật xe). Nếu di chuyển quá gần với xe đối diện và không có đủ không gian để “né”, XC90 cũng sẽ tính tới phương án sử dụng phanh.

Ngoài ra, nếu di chuyển ở tốc độ dưới 50km/giờ, chức năng Pilot Assist sẽ kết nối các máy quay và vô lăng để giữ cho xe luôn ở chính giữa làn đường. Nếu có bất kì rủi ro nào tiềm ẩn xảy đến, chiếc xe luôn ưu tiên an toàn của người lái trước khi có tính toán nào khác liên quan đến xử lý tình huống được đưa ra.

10. Tesla Model X
Giá: 132.000 USD (phiên bản P90D).
Hai mô tơ điện xoay chiều và pin Lithium-ion cho công suất 762 mã lực.

Nhắc tới đỉnh cao công nghệ xe hơi trong năm 2016, chắc chắn Model X của Tesla không thể không được đề cập tới. Trong khi Model S đã hoàn tất vai trò tiên phong một cách mỹ mãn, Model X với lịch ra mắt trong năm nay sẽ một lần nữa thể hiện sức sáng tạo của hãng xe điện nước Mỹ. Chiếc xe mới cũng hứa hẹn sẽ là dòng SUV nhanh nhất, an toàn nhất và mạnh mẽ nhất trong lịch sử xe hơi thế giới.

Tesla Model X

Ở khía cạnh công nghệ, chất hiện đại của Model X thể hiện ngay từ bộ cửa cánh chim tự động nâng giúp việc ra vào xe của người dùng gần như không có trở ngại. Với trọng lượng 2.470 kg, chiếc xe với sức mạnh của dòng siêu xe này có thể tăng tốc 0-100km/giờ chỉ trong vòng…3,8 giây nhờ 35% lực kéo đến từ mô tơ điện trước và phần còn lại đến từ bánh sau. Nếu kích hoạt chế độ Ludicrous, thời gian sẽ chỉ còn…3,2 giây – hết sức ấn tượng cho một chiếc SUV và vượt xa các đối thủ như Porsche Cayenne Turbo.

Về phương diện tiện nghi, ngoài những tính năng thừa hưởng từ đàn anh Model S đi trước, Model X cũng sẽ sở hữu nhiều món độc, từ lớp lọc HEPA cho phép loại bỏ vi khuẩn, virus bảo vệ người lái cho tới kính trước siêu rộng, cơ cấu tự lái Auto Pilot của Tesla kết hợp hàng loạt máy quay, radar, cảm biến siêu âm… bản thân đây cũng là mẫu xe đầu tiên kết hợp thao tác chuyển làn vào cơ chế tự hành. Khi người dùng nháy xi nhan ở chế độ tự động, xe sẽ kiểm tra khoảng trống và tự di chuyển. 

PC WOLRD VN, 05/2016
 

PCWorld

Công nghệ cao, công nghệ trên xe hơi, xe hơi điện, xe hơi thông minh


© 2021 FAP
  2,908,258       27/565