Công nghệ - Sản phẩm

So sánh 3 ổ lưu trữ SSD gắn ngoài

(PCWorldVN) Tuy dung lượng không bằng HDD truyền thống, nhưng các ổ SSD gắn ngoài Apacer Turbo II AS710, SanDisk Extreme 500 và Transcend ESD400 cho tốc độ truy xuất cực nhanh.

Ổ lưu trữ gắn ngoài đang được nhiều người dùng ưa chuộng bởi sự cơ động cũng như dung lượng ngày càng được gia tăng. Tuy nhiên, việc chọn mua loại ổ này cũng cần phải cân nhắc một cách kỹ càng và phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu sử dụng dữ liệu cũng như các thiết bị mà người dùng đang sở hữu để tránh trường hợp không tương thích.

Hiện nay, khi mua sản phẩm ổ lưu trữ gắn ngoài (hay còn gọi ổ di động) người dùng thường có hai lựa chọn: loại trang bị ổ cứng HDD truyền thống hay loại trang bị ổ thể rắn SSD bên trong. Về cơ bản, ổ SSD cũng như ổ HDD đều có cùng chức năng dùng để lưu trữ dữ liệu cho máy tính. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật thì ổ SSD sử dụng bộ nhớ flash NAND để lưu trữ dữ liệu thay vì các đĩa kim loại được quay bằng motor cơ học trong ổ cứng HDD.

Điểm nổi bật nhất của SSD so với HDD là có tốc độ đọc ghi dữ liệu nhanh hơn nhiều. Bên cạnh đó, SSD yêu cầu ít điện năng hơn nên sẽ giúp tiết kiệm năng lượng cũng như tăng thời gian sử dụng pin cho laptop. Ngoài ra, SSD không gây ra tiếng ồn và có độ bền cao hơn do không sử dụng các thành phần cơ học quay.

Vì lý những do đó, cũng như nhằm giúp người dùng có cái nhìn thực tế hơn về các sản phẩm SSD hiện nay, Test Lab giới thiệu đến bạn đọc ba ổ SSD gắn ngoài đã được thử nghiệm, bao gồm ổ Apacer Turbo II AS710 dung lượng 256GB, SanDisk Extreme 500 dung lượng 240GB và Transcend ESD400 dung lượng 256GB.

Cả ba sản phẩm đều có kích thước nhỏ gọn để có thể bỏ vừa vặn trong túi khi mang theo. Xét về kiểu dáng, SanDisk Extreme 500 khá độc đáo nhờ có dạng hình thoi với kích thước chỉ bằng cỡ khoảng phân nửa chiều dài chiếc điện thoại iPhone 5 và khá mỏng.

Trong khi đó, Transcend ESD400 có kích cỡ tương đương với một chiếc thẻ ATM và nhẹ nhất trong các sản phẩm cùng thử nghiệm, còn Apacer AS710 có thiết kế tương tự hầu hết ổ SSD chuẩn 2,5 inch gắn trong. Vỏ ngoài của ổ SSD SanDisk và Transcend đều được làm bằng nhựa màu đen, trong khi ổ Apacer có vỏ làm bằng nhôm mà theo hãng sản xuất công bố là có khả năng chống va đập và chống sốc.

Về kết nối, cả ba ổ SSD gắn ngoài thử nghiệm tại Test Lab đều trang bị cổng USB 3.0 tốc độ cao (có đi kèm cáp USB 3.0), riêng ổ Apacer AS710 đặc biệt còn có thêm cổng giao tiếp SATA-3 để cho phép người dùng gắn cố định bên trong máy tính nếu có nhu cầu.

Trong số ba sản phẩm cùng được giới thiệu, Apacer AS710 có tốc độ truy xuất theo công bố của hãng sản xuất qua cổng USB 3.0 cao nhất, với tốc độ đọc 420MB/s và tốc độ ghi 380MB/s. Trong khi đó, hai ổ còn lại khá so kè nhau về hiệu năng, cụ thể SanDisk Extreme 500 đạt kết quả tốc độ đọc/ghi lần lượt là 415MB/s và 340MB/s; còn Transcend ESD400 có tốc độ đọc 410MB/s và tốc độ ghi 380MB/s.

Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế tại Test Lab cho thấy các kết quả đạt được đều thấp hơn nhưng không nhiều lắm so với mức công bố. Bên cạnh đó, tốc độ đo được qua qua cổng USB 3.0 của các sản phẩm đều cao gấp hơn 10 lần so với tốc độ qua cổng USB 2.0. Điều này cũng khá phù hợp về độ chênh lệch giữa tốc độ lý thuyết 5Gb/s của giao tiếp USB 3.0 so với mức 480Mb/s của giao tiếp USB 2.0. Tất cả các thử nghiệm tại Test Lab đều được thực hiện bằng phần mềm đo tốc độ ATTO.

Nói chung, nếu bạn là người thường xuyên di chuyển, có nhu cầu mang theo nhiều dữ liệu cá nhân quan trọng và cần sao chép với tốc độ nhanh thì có lẽ việc sở hữu những sản phẩm SSD di động trang bị cổng USB 3.0 gắn ngoài là điều đáng cân nhắc.

PC World VN, 05/2016

PCWorld

đánh giá ổ cứng di động, ổ cứng di động, ổ lưu trữ SSD, ổ SSD gắn ngoài


© 2021 FAP
  3,366,711       1/876