Công nghệ - Sản phẩm

Những sự kiện công nghệ quan trọng trong 30 năm qua

(PCWorldVN) Từ máy tính cá nhân đến vụ rò rỉ thông tin chấn động Snowden, những cột mốc lịch sử làm thay đổi thế giới được Network World bình chọn nhân kỷ niệm 30 thành lập của tờ báo này.

30 năm của ngành công nghệ đã chứng kiến nhiều thay đổi, nhiều thành công ngoạn mục nhưng cũng không ít kết thúc bi thảm. Tuy nhiên các ngành công nghệ đã phản ánh những gì đang diễn ra trong xã hội, sự phát triển và đào thải là tất yếu.

Những ngày đầu tiên của Network World   
Ngay những ngày đầu thành lập của Network World (1986), một sự kiện nổi bật đáng chú ý của làng công nghệ là nhà mạng AT&T cho ra đời dịch vụ mạng Net 1000. Đây là dịch vụ được ghi nhận là mang dấu ấn lịch sử trong việc kết nối mọi thiết bị đầu cuối với bất kỳ loại máy tính. Tuy nhiên thời điểm đó thì dịch vụ này chưa có tính thực tế cao và cuối cùng AT & T đã phải từ bỏ dự án này.

Cuộc chiến PC trên toàn thế giới
Năm 1986, Compaq đánh bại IBM trên thị trường máy tính sử dụng bộ vi xử lý Intel 80386 và cũng đánh dấu sự bùng nổ của dòng thiết bị cá nhân này (năm 1986 đã có 30 triệu PC tại Mỹ). Một năm sau đó, IBM công bố ra chiếc Personal System/2 (PS/2), một dòng sản phẩm PC hoàn toàn mới trên thị trường. Đây là dòng sản phẩm nhằm chống lại các sản phẩm nhái của IBM đang tràn ngập trên thị trường. Model cơ bản của PS/2 là Model 30 có cấu hình một CPU 8086 @ 8 MHz, bộ nhớ RAM 640 KB và HDD 20 MB được bán ra với giá gần 100 triệu đồng hiện nay. Trận chiến của IBM với các đối thủ hàng nhái kéo dài 7 năm và đến năm 1994 thì PS/2 cũng kết thúc sứ mệnh của mình.

Máy tính Personal System/2 (PS/2)
Token-Ring LAN
IBM ghi dấu ấn với tiếng vang lớn bằng công nghệ Token-Ring LAN, một công nghệ mạng khác Ethernet LAN đang được sử dụng hiện nay. Chuẩn Token Ring có khả năng đảm bảo tốc độ truyền thông qua 4 Mbps hoặc 16 Mbps và được IEEE chuẩn hoá với mã IEEE802,5.  Công nghệ này sử dụng thẻ bài (token), chứ không phải sở đồ cáp đã giúp phân biệt mạng Token Ring với các mạng khác. Token-Ring LAN được ứng dụng trong hệ thống tàu con thoi của NASA cho đến các thiết bị quân đội và cũng được đánh giá như nền tảng vững chắc trong hệ thống mạng của nhiều công ty trên thế giới.

Internet
Tiền thân của mạng Internet ngày nay là mạng ARPANET nhưng hệ thống này chỉ phục vụ nghiên cứu và quốc phòng. Chỉ sau khi Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) thay đổi chính sách của mình, thành lập mạng liên kết liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau gọi là NSFNET chuyên dành cho khối doanh nghiệp.  Sự hình thành mạng xương sống của NSFNET và những mạng vùng khác đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Internet.

Sâu Internet đầu tiên xuất hiện
Sự phát triển của ngành công nghệ bảo mật máy tính được khởi động từ sự kiện sâu Internet đầu tiên xuất hiện. Tác giả của sâu máy tính này là Robert Tappan Morris, một sinh viên tại Đại học Cornell. Sâu Morris là sâu máy tính đầu tiên phát tán từ MIT và được thả lên mạng vào tháng 11/1988. Mục đích ban đầu của của sâu máy tính này nhằm để đo kích thước của Internet. Tuy nhiên hậu quả ngoài ý muốn khiến 6.000 máy tính chạy Unix đã bị nhiễm và biến việc này thành một tấn công từ chối dịch vụ với cơ chế tự lây lan. Robert Morris đã bị cáo buộc lạm dụng và gian lận máy tính với án phạt 3 năm án treo, 400 giờ lao động công ích và khoản tiền phạt hơn 10 ngàn USD. Một điểm thú vị khác của sự kiện này là Robert Tappan Morris được bổ nhiệm làm giáo sư tại MIT vào năm 1999.

Robert Morris- tác giả sâu máy tính đầu tiên

Siêu văn bản
Tim Berners-Lee phát minh ra siêu văn bản (hypertext) vào năm 1989, trong khi đang là lập trình viên tại  Phòng thí nghiệm Vật lý hạt châu Âu (CERN). Ông đã viết Web client/server, tạo ra các giao thức HTML, HTTP vào năm 1990 và biến tất cả những điều đó thành lịch sử không thể thiếu của ngành công nghệ. Tim Berners-Leeđược ghi nhận là sáng tạo ra World Wide Web và trở thành chủ tịch World Wide Web Consortium (W3C), tổ chức đặt ra nhiều tiêu chuẩn quan trọng của Internet.

Tim Berners-Lee

Google
Google đã bắt đầu như nhiều công ty khởi nghiệp khi những ý tưởng của họ được sinh ra trong bối cảnh các nhà sáng lập đang ngồi trên giảng đường đại học. Hai sinh viên Stanford, Larry Page và Sergey Brin đã mang đến thế giới một công cụ tìm kiếm Google chạy trên Linux - ban đầu chỉ là một phần của dự án nghiên cứu của họ vào những năm 1996. Công ty Google được thành lập vào năm 1998 và đã trở thành một con quái vật trong thế giới công nghệ. Hiện nay Google không chỉ là công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm mà ngành nghề của họ trải dài từ phát triển ứng dụng di động cho đến thiết kế xe ô tô tự lái…

Cisco
Cisco được thành lập năm 1984 bởi hai nhà khoa học về máy tính là Len Bosack và Sandy Lerner nhằm mục đích thử nghiệm các kết nối mạng tại Đại học Stanford. Nhưng phải đến năm 1990 thì Cisco mới trở thành công ty cổ phần hóa và bắt đầu hành trình trở thành một trong những công ty có ảnh hưởng nhất đến cuộc cách mạng kỹ thuật số. Hiện nay, Cisco có hơn 70.000 nhân viên và doanh thu hàng năm đạt trên 40 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại thì Cisco đã mua lại hơn 170 công ty và với tổng chi phí hơn 70 tỷ USD.

Sự trỗi dậy của Linux
Đỉnh cao của hệ điều hành Unix chính là Linux - một điển hình của sự phát triển mã nguồn mở. Phiên bản hệ điều hành Linux đầu tiên được phát triển năm 1991 bởi Linus Torvalds - lúc đó là sinh viên của Đại học Helsinki tại Phần Lan. Khởi điểm của Linux được phát triển cho dòng vi xử lý 386 và hướng tới những người đam mê công nghệ trong cộng đồng mã nguồn mở. Sau mội thời gian dài thuyết phục, Linux đã có được sự hỗ trợ bởi các công ty lớn như Dell, IBM, HP hay Oracle để vươn mình ra khỏi cái bóng của Unix và thách thức Windows trong nhiều lĩnh vực.

Tiền thân của smartphone
Công ty General Magic đã đi trước thời đại từ thập niên 90 khi đưa ra các ứng dụng nền tảng của những chiếc điện thoại thông minh. Năm 1998, công ty này đưa ra dịch vụ mà trong đó các hãng viễn thông có thể cho phép người dùng truy cập e-mail, sổ địa chỉ, lịch và tin tức và thông tin chứng khoán từ một điện thoại di động hoặc trình duyệt Web. General Magic còn xây dựng phiên bản đầu của PDA với hệ điều hành riêng của mình là “Magic Cap”. Ngoài ra nền tảng này còn được phát triển cho các dịch vụ OnStar vẫn được sử dụng ngày nay trong xe hơi General Motors. General Magic đóng cửa vào năm 2002 nhưng ảnh hưởng của nó còn đến tận ngày nay. Và những con người đi ra từ công ty này cũng tạo ra những điểm nhấn lịch sử như  Andy Rubin với hệ điều hành Android hay Tony Fadell là cha đẻ của iPod.

Thương mại điện tử
Nhiều chuyên gia cho rằng, an toàn bảo mật trong thương mại điện tử thực sự cất cánh sau khi Netscape phát hành trình duyệt Navigator với chuẩn mã hóa SSL (Secure Sockets Layer) vào tháng 10/1994. Cũng từ đó, nhiều công ty dịch vụ trực tuyến nổi lên bao gồm Pizza Hut với việc tiên phong mở các cửa hàng trực tuyến. Năm 1995, Amazon ra đời và ngay sau đó là eBay xuất hiện năm 1996. Thời điểm đó, hãng nghiên cứu Forrester cho biết, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến sẽ đạt khoảng 250 tỷ USD vào năm 2014 nhưng trên thực tế con số lên đến 750 tỷ USD.

Cuộc chiến trình duyệt Web   
Ngày 13/10/1994, phiên bản beta đầu tiên của  trình duyệt Netscape đã chính thức cho phép người dùng tải về. Sáng tạo trong Netscape vượt xa bất cứ trình duyệt nào ở thời kỳ đó. Với Netscape, lần đầu tiên web browser biết “tải xuống đến đâu hiển thị đến đó”, các cookie và frame cũng bắt đầu được sử dụng.

Năm 1995, Netscape Navigator trở thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất thế giới. Cũng trong năm này, Netscape 2.0 đánh dấu một bước ngoặt mới của công nghệ với sự khai sinh ngôn ngữ JavaScript. Cũng trong thời gian này, Người khổng lồ Microsoft công bố Internet Explorer 2.0 beta đánh dấu cuộc chiến trình duyệt bắt đầu. Cuộc chiến giữa 2 trình duyệt  kết thúc vào năm 1999 khi IE đã chiếm lĩnh hơn 60% thị phần và kéo dài sự thống trị của mình trong nhiều năm liền. Còn Netscape bán mình cho AOL (1998) với giá 4,2 tỷ USD, tuy nhiên hãng truyền thông  cũng lại thất bại trong việc dành lại thị phần trình duyệt web từ IE

VoIP
Sự ra đời của công nghệ Truyền giọng nói trên giao thức IP (Voice over IP - VoIP)  đã thay đổi ngành viễn thông trên toàn thế giới. Vào năm 1995, VoIP trên máy tính cá nhân đầu tiên được phát triển bởi một công ty của Israel có tên là VocalTel và đây cũng là khởi đầu của ứng dụng VoIP trong doanh nghiệp. Đến năm 2004, khi ngân hàng Bank of America  triển khai 180.000 máy điện thoại IP Cisco trên 5.000 chi nhánh với trung tâm IP PBX thì đây chính là thời điểm VoIP đến với các doanh nghiệp. Theo hãng nghiên cứu Infonetics, thị trường dịch vụ VoIP trên toàn thế giới đạt 70 tỷ USD trong năm 2014.

Các trận chiến công nghệ trong lĩnh vực doanh nghiệp
Sau một thời gian dài, cuộc đụng độ đầy màu sắc giữa những người ủng hộ TCP/IP và người trung thành với SNA trở thành một trong những gay gắt hơn trong lịch sử của ngành công nghiệp. IBM giới thiệu các khái niệm và thành phần ban đầu của SNA vào năm 1974 và giữa thập niên 1990 công nghệ này gặp phải đối thủ còn non trẻ lúc đó là TCP/IP của Cisco. Hãng công nghệ mới cổ phần hóa Cisco đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy TCP/IP như là giải pháp nhằm thay thế SNA. Cisco tung ra công nghệ Peer-to-Peer Internetworking (APPI) để nhằm đối phó với giải pháp mà SNA của IBM đang thịnh hành được gọi là APPN (Advanced Peer-to-Peer Networking). Tuy nhiên APPI không hiệu quả và ngưng phát triển vào năm 1993. Tuy nhiên sự thất bại lại chính là khởi nguồn sụp đổ của SNA. Về sau, IBM bán mảng giải pháp mạng doanh nghiệp cho Cisco vào năm 1999.

Cuộc chiến giữa người và máy
Năm 1996 Kasparov chiến thắng siêu máy tính IBM Deep Blue với tỉ số 4-2 sau 6 trận. Tuy nhiên sau khi IBM nâng cấp máy tính Deep Blue lên  vào năm 1997 với khả năng tính toán 200 triệu bước mỗi giây thì Kasparov trở thành nhà vô địch cờ vua đầu tiên thất bại trước một cỗ máy.

Lưu trữ bằng đĩa quang
Compact Disc-ReWritable (CD-RW)  là dòng đĩa quang có khả năng ghi rồi xóa và ghi lại nhiều lần đánh dấu một bước thay đổi phương thức lưu trữ dữ liệu cũng như sự tiện dụng đối với người dùng phổ thông. Mặc dù thời điểm hiện tại thì CD-RW không còn phổ biến nhưng khả năng sao lưu lên đến 1.000 lần là điểm khá ấn tượng vào những năm 1996.  Tuy nhiên dòng sản phẩm của hãng Sony và Philips này cũng gặp nhiều hạn chế khi đĩa CD-RW thường không thể đọc được trên các ổ đia CD-ROM.

Sự sụp đổ của DEC
Một trong những công ty máy tính lớn nhất trong ngành công nghiệp kĩ thuật số của thập nhiên 90 là Digital Equipment Corp (DEC) được Compaq mua lại vào tháng 6/1998.  Trước đó, DEC nổi tiếng với  việc cung cấp dịch vụ máy chủ và đã bán ra hơn 400.000 máy tính VAX. Với mức giá 9,6 tỷ USD thời điểm đó được xem là thương vụ đình đám. Tuy nhiên Compaq cũng không thể thay đổi được tình trạng trì trệ với chi phí vận hành cao và chỉ có ít sản phẩm hấp dẫn của DEC.

Wi-Fi miễn phí
Năm 1999, khi chuẩn IEEE 802.11b được đổi thên thành “Wi-Fi” (viết tắt của Wireless Fidelity) đã mang đến sự thống nhất của các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong việc phát triển kết nối mạng.  Cũng ngay trong năm đó, Apple đã phát hành bộ định tuyến “Airport” Wi-Fi và đưa định dạng Wi-Fi vào các thế hệ máy Mac của mình. Sự phổ biến của Internet tốc độ cao cũng khiến Wi-Fi bùng nổ với người dùng cá nhân và trở thành phương thức dễ nhất cho phép nhiều máy tính chia sẻ một đường truy cập băng rộng.

Trái đắng mang tên Melissa
Ngày 26/3/1999, sự xuất hiện của virus Melissa đã làm nên lịch sử trong nghành bảo mật khi trở thành mã độc đầu tiên có khả năng tự phát tán từ máy này qua máy khác với tốc độ lây lan nhanh nhất tại thời điểm đó. Virus này được thiết kế để xâm nhập vào hệ thống email của doanh nghiệp thông qua Microsoft Word. Tốc độ lây lan của Melissa đã khiến hàng trăm hệ thống mạng từ Microsoft , IBMcho đến quân đội Mỹ sụp đổ và ngưng hoạt động trong thời gian dài. Con số thiệt hại lên đến 80 triệu USD và tác giả của Melissa là David L. Smith đã bị tuyên án 20 tháng tù.

David L. Smith

Hỗn loạn Y2K
Sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K) là lỗi lập trình trên các hệ thống máy tính cũ khi không thể nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900. Những hệ thống này được lập trình với 2 chữ số cuối cùng của năm nhằm tiết kiệm dung lượng lưu trữ khi giá cả sản xuất phần cứng máy tính trong giai đoạn đầu còn đắt đỏ.

Mặc dù sự cố được cảnh báo từ những năm 70 nhưng lỗi hệ thống này  mãi đến giữa thập niên 90 mới được công nhậnvà giải quyết thỏa đáng. Thảm họa Y2K đã không xảy ra nhưng vẫn có một số ít các hệ thống gặp sự cố như 10.000 thẻ của ngân hàng HSBC ngưng hoạt động, thiết bị theo dõi tại nhà máy nguyên tử của Nhật Bản ngưng làm việc vào ngày 1/1/2000… Nhiều người cho rằng, Y2K chỉ là thuyết âm mưu nhằm giúp tăng chi tiêu của chính phủ Mỹ và tạo cơ hội cho các hãng máy tính cũng như hãng tư vấn công nghệ thông tin “hốt bạc”.

Biến thể của sâu Morris xuất hiện
Sự xuất hiện của sâu Morris những năm 1988 chỉ đơn giản như một lời cảnh báo đến ngành công nghiệp bảo mật. Nhưng đến năm 2000 thì các thế hệ sau này của Morris trở thành thảm họa của rất nhiều doanh nghiệp, điển hình là sâu IloveYou hay còn được gọi là VBS/Loveletter, Love Bug Worm.  Sâu máy tính có xuất xứ từ Hong Kong này có khả năng ghi đè các dữ liệu vô nghĩa lên các tập tin trên máy tính. Có 10% máy tính kết nối Internet bị lây nhiễm. Một số điển hình trong sự phát triển mã độc là cuộc tấn công của virus Code Red  vào năm 2001 nhằm khai thác các lỗ hổng tràn bộ đệm của máy máy chủ Microsoft Internet Information. Code Red đã lây nhiễm khoảng 395 ngàn máy tính trong một ngày, gây nên sự sụp đổ của hệ thống trang web chính phủ Mỹ, thiệt hại hàng tỷ USD. Và đến năm 2010, sâu Sutxnet với tai tiếng khi kiểm soát hàng triệu hệ thống công nghiệp cũng đã đánh dấu sự phá hoạt tàn khốc của mã độc.

Gian lận viễn thông
Năm 2002, MCI lúc đó là công ty điện thoại lớn thứ 2 tại Mỹ đệ đơn xin phá sản sau scandal gian lận kế toán trị giá 11 tỷ USD. CEO của MCI là Bernie Ebbers - người được mệnh danh là “cao bồi viễn thông” đã bị tuyên án 25 năm tù giam với tội danh lừa đảo chứng khoán, gian lận sổ sách.

Đám mây lớn nhất cho người dùng
Mặc dù khái niệm điện toán đám mây được hình thành từ thập niên 60 nhưng phải đến năm 2002 khi Amazon giới thiệu Amazon Web Services thì nền tảng này mới thực sự bùng nổ. Và đến năm 2006, khi Amazon từng bước mở rộng các dịch vụ điện toán đám mây của mình như Amazon S3 là dịch vụ lưu trữ trên mạng Internet thì công nghệ này trở nên phổ cập với người dùng cá nhân.

Nortel sụp đổ
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Bắc Mỹ có trụ sở chính tại Toronto Canada đã nộp đơn đơn xin bảo hộ phá sản vào đầu năm 2009 với tổng số nợ lên đến 12 tỷ USD.  Triều đại của Nortel kết thúc với sự xâu xé bằng sáng chế của hãng từ các đại gia công nghệ như Google hay Microsoft.

Bùng nổ di động
Năm 2010, Cisco đã đưa ra nghiên cứu cho biết lưu lượng dữ liệu qua đi động tăng gấp đôi trong mỗi năm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những tiến bộ trong thanh toán di động, thương mại, ngân hàng sẽ cho phép ”đa số đáng kể số người trưởng thành trên thế giới có khả năng giao dịch điện tử vào năm 2014”. Và đến năm 2014, hơn 3 tỷ người dùng trên toàn thế giới đã có thể trao đổi thông tin cũng như lưu thông tiền tệ thông qua di động.

Apple và iPhone
Chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007 bởi Apple đánh dấu sự thay đổi của ngành công nghiệp điện thoại di động. iPhone loại bỏ gần hết các phím bấm vật lý và tất cả mọi thao tác của người dùng đều diễn ra trên một màn hình cảm ứng.

Big Apple
Vào tháng 5/2010, Apple trở thành công ty công nghệ lớn nhất thế giới khi được sàn chứng khoán NASDAQ định giá lên đến 223 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Microsoft đạt 219 tỷ USD trong khi nhà khổng lồ trong dịch vụ trực tuyến Google chỉ được định giá 152 tỷ USD.

Siêu máy tính của IBM tiếp tục chiến thắng con người
Siêu máy tính Watson của IBM đã chiến thắng  con người trong trò chơi truyền hình Jeopardy. Sau chiến thắng này, IBM Watson IBM được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghiên cứu y khoa cho đến nấu ăn. Đáng chú ý là việc IBM và Apple bắt tay nhau để đưa ra các ứng dụng dựa trên Watson vào trong bộ công cụ ResearchKit và HealthKit dành cho các nhà phát triển.

Stuxnet
Sâu máy tính Stuxnet được biết đến như là vũ khí mạng đầu tiên trên thế giới. Mã độc này được cho là sản phẩm của Mỹ và Israel chế tạo nhằm tấn công và hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.  Sâu máy tính này lợi dụng những lỗ hổng chưa được công bố để thâm nhập vào máy khách hàng. Sâu có các thành phần hoạt động gián điệp và phá hoại và ước tính đã phá hủy 1.000 máy ly tâm làm giàu uranium tại một nhà máy hạt nhân gần thành phố Natanz của Iran. Nó dần dần lan rộng ngoài tầm kiểm soát và nhiễm hàng trăm ngàn hệ thống trên toàn thế giới trước khi được phát hiện vào tháng 6/2010. Microsoft đặt tên Stuxnet cho mã độc, kết hợp từ những tên tập tin .stub và MrxNet.sys được tìm thấy trong mã nguồn.

iPad thống trị thế giới máy tính bảng
Thế hệ máy tính bảng iPad của Apple được giới thiệu vào tháng 3/2010 và sau 5 năm hãng này đã bán được hơn 250 triệu thiết bị. Thiết bị này được sử dụng trong vô số ứng dụng và đã trở thành phổ biến trong thế giới kinh doanh và tiêu dùng.

Steve Jobs qua đời
Không có nhiều sự kiện trong thế giới công nghệ có thể chiếm hết các mục tin tức, nhưng một trong đó là việc Steve Jobs đồng sáng lập Apple qua đời. Ông ra đi vào tháng 10/2011 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Apple đã đăng lên trang chủ của mình những chia sẻ về vị CEO thế kỷ này “Steve rực rỡ, đam mê và mạnh mẽ là khởi nguồn của vô số sáng kiến làm phong phú và cải thiện cuộc sống của tất cả chúng ta, thế giới này trở nên tốt hơn vì Steve”.

IBM tròn 100 tuổi
Một trong những biểu tượng của ngành công nghệ là IBM đã kỷ niệm 100 năm thành lập của mình vào năm 2011. Công ty này đã phát minh ra tất cả mọi thứ từ các mã UPC của hệ thống đặt chỗ hãng hàng không cho đến máy tính lớn và PC. IBM cũng dẫn đầu về giải thưởng, danh mục đầu tư và bằng sáng chế với hơn 40 ngàn bằng sáng chế đang hoạt động. Nhân viên của hãng đã từng nhận giải thưởng Nobel và 4 giải thưởng Turing. Và cuối cùng, trong thế giới công nghệ với tốc độ phát triển chóng mặt thì thành công trong vòng 100 năm là phép lạ, một điều phi thường.

Raspberry Pi
Ngôi sao mới trong  dòng máy tính mini chính là Raspberry Pi – những chiếc máy tính chỉ có một board mạch với kích thước bẳng thẻ tín dụng, được phát triển tại Anh với mục đích thúc đẩy việc giảng dạy về khoa học máy tính cơ bản trong các trường học và các nước đang phát triển. Hơn 8 triệu máy đã được bán ra từ khi Raspberry Pi ra đời vào năm 2014.

Trái tim rỉ máu Heartbleed
Tháng 4/2014, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một lỗi bảo mật trong OpenSSL được mệnh danh Heartbleed, có thể cho phép tin tặc đánh cắp thông tin mà không để lại một dấu vết. Có tới 2/3 trang web sử dụng mã OpenSSL và trái tim rỉ máu Heartbleed đã gây nên sự hoảng loạn trên toàn thế giới. Thư viện Open SSL được dùng để mã hóa dữ liệu trong giao thức bảo mật HTTPS (HTTP + SSL – Secure Socket Layer), trong đó có rất nhiều website quan trọng như các website ebanking, thương mại điện tử và thường dùng như những dịch vụ Gmail, Yahoo Mail, Facebook…

Tài liệu Snowden
 Những dư chấn từ việc tiết lộ từ Edward Snowden về hoạt động giám sát toàn cầu với quy mô không lồ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vẫn đang còn vang vọng cho đến ngày nay. Những tiết lộ này đã chia ra hai luồng ý kiến trái ngược giữa những người cho rằng Snowden như một người anh hùng và những người khác thì xem hành động của Snowden là phản bội nước Mỹ. Snowden cho biết quyết định của mình bắt nguồn từ việc NSA sử dụng quyền lực của mình để thu thập thông tin liên lạc với số lượng lớn từ những người dùng đang sống ở Mỹ.

Apple Watch
Những sản phẩm của Apple khi ra mắt đầu tạo nên tiếng vang lớn và Apple Watch cũng không ngoại lệ. Apple Watch đã có tác động tích cực đến ngành công nghiệp đồng hồ tại thời điểm hiện tại và có thể kéo dài trong tương lai.

Chỉ tính đến quý 4/2015, Apple đã bán ra khoảng 6 triệu chiếc đồng hồ thông minh. Trong khi đó, chỉ có 30 triệu đồng hồ Thụy Sỹ được bán ra vào năm 2014 và theo nghiên cứu của IDC thì năm 2019, Apple sẽ đạt đến 45,2 triệu Apple Watch được bán ra.

Sự quan ngại về trí tuệ nhân tạo AI
Chỉ trong vòng vài tuần, 3 trong số những người được kính trọng nhất trong làng công nghệ cao cùng bày tỏ lo ngại về sự phát triển tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà vật lý Stephen Hawking cho rằng sự phát triển của toàn bộ trí tuệ nhân tạo có thể báo hiệu sự kết thúc của loài người... Còn Elon Musk - CEO của Tesla đã mô tả việc tạo ra trí tuệ nhân tạo giống như “triệu hồi quỷ dữ” và đối thủ của trí thông của con người có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới. Bill Gates cũng đồng ý với quan điểm của Musk và kêu gọi mọi người nên để tâm vào việc phát triển AI.

PC WORLD VN, 05/2016

PCWorld

sống và công nghệ, sự kiện công nghệ, xu hướng công nghệ


© 2021 FAP
  3,472,173       6/1,237