(PCWorldVN) Ngày hội công nghệ hỗ trợ trẻ khuyết tật - TOM Vietnam 2016 là chương trình tạo ra các giải pháp với chi phí hợp lý nhằm giải quyết những vấn đề của trẻ em khuyết tật.
Để chuẩn bị cho buổi trưng bày sản phẩm hoàn chỉnh diễn ra vào chiều tối nay 5/6 tại khách sạn Novotel (TP.HCM), Ban tổ chức TOM Vietnam 2016 đã dành trọn ngày 4/6 để tiến hành cho trẻ em khuyết tật thử nghiệm 6/7 mẫu sản phẩm. Qua đó, các trẻ em khuyết tật và nhóm chuyên gia hỗ trợ sẽ cho ý kiến nhằm giúp các đội kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm.
Buổi thử nghiệm được tổ chức tại Đại học Việt Đức (tỉnh Bình Dương).
Sản phẩm thử nghiệm đầu tiên là nón cảm ứng từ, giúp người khuyết tật có thể cảm nhận được vật cản xung quanh để tránh/né.
Nón cảm ứng từ. |
Sản phẩm thứ hai là ghế hỗ trợ cố định xương sống và cổ giúp trẻ em khuyết tật có thể ngồi vững.
Đội kỹ thuật đang chỉnh sửa thiết kế cổ ghế. |
Sản phẩm thứ ba là hệ thống nâng bàn chân, giúp cho việc điều trị vật lý trị liệu. Hệ thống này sẽ cò thêm phần nâng đầu gối và phần nâng hông.
Thử nghiệm hệ thống nâng bàn chân. |
Sản phẩm thứ tư là hệ thống đỡ chân tay, giúp bé khuyết tật có thể tập di chuyển.
Đội kỹ thuật đo lại kích cỡ sản phẩm trước khi lắp ghép. |
Sản phẩm thứ 5 là bàn tay giả có thể điều khiển cử động hoặc giữ yên từng ngón tay (hoặc tổ hợp ngón tay), giúp bé khuyết tật tập chuyển động ngón tay. Sản phẩm hiện tại điều khiển chuyển động bằng bảng mạch điện tử, do đội kỹ thuật không kịp đặt hàng bộ cảm biến sensor của nước ngoài.
Thử nghiệm găng tay điều khiển ngón tay. |
Sản phẩm thứ 6 là giá đỡ chân dành cho một bé gái yếu cả chân và tay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên PC World Vietnam, vì giá đỡ có sự thay đổi về thiết kế (chuyển từ sau ra trước) nên việc thử nghiệm sản phẩm này vào sáng 4/6 bị gián đoạn.
Giải pháp giá đỡ chân và tay cho bé gái khuyết tật này đành gián đoạn vì có sự thay đổi trong thiết kế vào... phút chót. |
Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, các đội kỹ thuật luôn nhận được góp ý của nhóm chuyên gia, bác sỹ.
Các đội lắng nghe ý kiến chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm. |
Các sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật dù chưa được hoàn thiện, nhưng đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh và niềm hy vọng cho cả người khuyết tật cũng như gia đình họ.
PC World Vietnam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự kiện TOM Vietnam 2016 trong các bản tin sau, mời quý độc giả đón theo dõi.
Sự kiện TOM tại TP.HCM được xem là nơi gặp gỡ giữa nhu cầu và giải pháp công nghệ. Tại đây, các chuyên gia kỹ thuật sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp nhằm giải quyết những thách thức của trẻ khuyết tật dưới 18 tuổi đang sống và học tập trên địa bàn TP.HCM.
Ban tổ chức sự kiện TOM sẽ chọn ra 10 nhu cầu, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ khuyết tật. Ngoài ra gia đình trẻ khuyết tật có thể nêu ra những sản phẩm mong muốn có thể giúp giảm bớt những thách thức trong cuộc sống của trẻ khuyết tật. Dựa trên các ý tưởng này, chuyên gia kỹ thuật sẽ phát triển các giải pháp sáng tạo trong vòng 72 giờ trong khuôn khổ sự kiện “Makeathon”, với mục đích đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn dành cho trẻ khuyết tật. Tính đặc trưng của sự kiện TOM là sự kiện này luôn hướng tới sự hòa nhập. Vì vậy, trẻ khuyết tật sẽ được làm việc cùng chuyên gia kỹ thuật trong các đội chơi, để trực tiếp phát triển những sản phẩm có ích, chứ không chỉ đơn thuần là người thụ hưởng. Mỗi đội tham dự thường tập hợp các cá nhân đa ngành nghề và gồm 2 nhóm đối tượng: đối tượng 1 - “Tech” là những cá nhân có chuyên môn và kiến thức về công nghệ (ví dụ: nhà sáng chế, nhà thiết kế, kỹ sư, lập trình viên, v.v.) và đối tượng 2 - là những người khuyết tật hoặc những người có kiến thức sâu rộng về khuyết tật (những người làm việc trong lĩnh vực liên quan tới người khuyết tật hoặc những người chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật). Sau 72 giờ làm việc này, các đội sẽ thuyết trình về sản phẩm mà đội mình sáng tạo ra. Sản phẩm thực tế nhất, hiệu quả nhất, và có chi phí hợp lý nhất sẽ được UNICEF và các đối tác hỗ trợ để phát triển thành những sản phẩm thực tế để có thể ứng dụng cho trẻ khuyết tật không những tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. |
đổi mới sáng tạo, hỗ trợ người khuyết tật, Hồng Linh, Tikkun Olam Makers, TOM, truyền thông khoa học công nghệ