Công nghệ - Sản phẩm

Lỗi tại điện thoại di động

(PCWorldVN) Một khảo sát của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ đã cho chúng ta câu chuyện về những tổn thương của con người vì điện thoại của họ.

Có thể hình dung ra mối nguy hiểm của những người lái xe đắm chìm trong điện thoại di động (ĐTDĐ) khi đang chạy trên đường; và không ít người vừa đi vừa nhắn tin khiến họ tự đưa mình vào hiểm nguy khi chân bước mà tâm trí để hết vào màn hình điện thoại thay vì xung quanh. Những tổn thương liên quan đến điện thoại còn vượt xa hai kịch bản trên – chúng ta đang nói về mọi thứ, từ tiếng chuông điện thoại làm chó mèo kinh hoảng xông vào cắn người, cho đến những trường hợp lơ đãng vì người dùng không biết đã cắm điện thoại thông minh của mình vào đâu.

Cuộc khảo sát đã quét hầu hết dữ liệu gần đây của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (U.S. Consumer Product Safety Commission) được thu thập từ khoảng 100 bệnh viện báo cáo về các trường hợp cấp cứu trong Hệ thống theo dõi quốc gia về các tổn thương điện (National Electronic Injury Surveillance System - NEISS). Bạn có thể xem thêm đồ thị minh họa bên dưới.

Tuy NEISS không xác định cụ thể nhãn hiệu sản phẩm là iPhone hay Samsung Galaxy nhưng đã dẫn ra 523 trường hợp bị tổn thương trong năm 2014 tại Mỹ vì sử dụng ĐTDĐ, năm gần nhất mà dữ liệu được thống kê (chi phí tổn thương tăng dần so với vài năm trước).

Xem xét từ góc độ khác thì trong số đó có 220 nam so với 303 nữ. Gần một nửa bệnh nhân từ 25 tuổi trở xuống và khoảng 20% từ 65 tuổi trở lên.

Vừa đi vừa nhắn tin
Có hơn 40 trường hợp bị thương liên quan đến những người đã chúi mũi vào điện thoại của họ trong xe hơi. Nếu nhắn tin hay làm những việc khác trên điện thoại gây phân tâm trong khi lái xe là vấn đề rất đáng quan ngại thì sự phân tâm này cũng rất đáng lo khi đang đi bộ, chạy hay đạp xe. Tuy những tai nạn do bị phân tâm khi lái xe phổ biến hơn nhiều những trường hợp sau thực ra chưa được báo cáo cũng như nghiên cứu đầy đủ.

Steven Wozniak, người phát triển chiếc máy tính Apple đầu tiên trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã nói rằng tóm gọn khá phù hợp về tình trạng sử dụng ĐTDĐ hiện thời là: khi tạo dựng Apple, Steve Jobs và ông ấy đã nói về cách mà họ muốn làm cho người mù cũng bình đẳng và có khả năng như người sáng mắt và chúng ta có thể nói rằng họ đã thành công khi nhìn vào tất cả những người đang đi bộ trên vỉa hè cúi nhìn thứ gì đó trong tay họ và hoàn toàn không nghe thấy mọi thứ quanh mình!

Đã thực sự có những nghiên cứu nghiêm túc về những nguy hiểm của việc vừa đi bộ vừa nhắn tin, tác vụ đôi này có thể gây té hay tệ hơn nữa như bị xe đụng. Những nhà nghiên cứu tại đại học bang Ohio đã phát hiện trong năm 2013, số người đi bộ bị thương do phân tâm vì điện thoại di động đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian giữa 2005 và 2010.

Trong số những tai nạn được ghi nhận trong dữ liệu của NEISS vào năm 2014 có trường hợp một thanh niên 18 tuổi khá may mắn khi băng qua đường nhưng không chú ý vì mải nói chuyện trên điện thoại đã bị một chiếc xe máy đụng phải làm gãy tay và hông. Một trường hợp khác là một người đàn ông 47 tuổi bị vấp ngã trong khi đang nhắn tin nên bị rách mặt và vỡ kính mát.

Mặt kính điện thoại
Mặc dù những tiến bộ công nghệ đã gia tăng sức bền của loại kính Gorilla Glass và các chất liệu kính khác của ĐTDĐ nhưng người dùng vẫn gặp sự cố với những mảnh kính vỡ bị cuốn vào mắt sau khi họ đánh rơi điện thoại. Hơn một chục trường hợp bị tổn thương như bị cắt hay xây xước liên quan đến mặt kính điện thoại.

Một người đàn ông 32 tuổi đã bị xây xước màng sừng giác mạc mà người ta nghi là do một mảnh kính nhỏ từ điện thoại di động bị vỡ nằm trong mắt ông ấy khoảng 1 tuần. Một phụ nữ 37 tuổi bị ngã và làm vỡ điện thoại và bị kính cắt ngón cái.

Điện thoại gây sốc
Đã có 14 tai nạn liên quan đến sốc vì điện thoại, trong đó có một nam giới 31 tuổi đang nói chuyện bằng điện thoại bàn khi ngôi nhà bị sét đánh và truyền theo điện thoại đến cánh tay của anh ta.

Hầu hết tai nạn liên quan đến việc sạc điện thoại di động, trong đó vài người bị giật khi cho điện thoại di động vào miệng. Một đứa trẻ cũng làm vậy và bị điện giật.

Trẻ em và điện thoại di động
Giờ đây bạn có thể cho rằng mỗi đứa trẻ đều biết rõ cách dùng điện thoại di động hơn những người trưởng thành nhưng bạn sẽ không thật sự biết rõ nếu không đọc báo cáo về các tai nạn.

Rất nhiều trẻ em ném điện thoại vào nhau (hy vọng đó là những điện thoại "cùi bắp" chứ không phải là iPhone hay những chiếc phablet Android).

Một thiếu niên 14 tuổi bị ném điện thoại di động vào đầu và đã qua đời vì vết cắt trên đầu. Trẻ em nên hiểu rõ những hiểm nguy khi đưa điện thoại vào miệng mình.

Dây điện thoại làm bạn ngã
Sạc điện thoại di động không dây không thể sớm phổ biến để loại bỏ những tai nạn liên quan.

Một cậu bé 9 tuổi đã bị cắt đầu gối sau khi vấp ngã vì bộ sạc điện thoại.

Chắc chắn những người già sẽ nguyền rủa những người trẻ và ĐTDĐ của họ nhưng điện thoại bàn cũng làm người già chịu những tổn hại. Hơn chục người đã vấp phải dây điện thoại và thấy mình nằm trong phòng cấp cứu.

Ví dụ một bà cụ 71 tuổi đã đứt trán sau khi vấp phải dây điện thoại và đập đầu vào tường. Những người khác trong độ tuổi 70 cũng bị vỡ mắt cá và đầu gối sau khi vướng vào dây điện thoại.

Bạn đã được cảnh báo
Không phải các nhà sản xuất điện thoại không cảnh báo cho khách hàng về những nguy cơ. Ví dụ, Apple đã cảnh báo trong tài liệu hướng dẫn sử dụng iPhone là không được dùng điện thoại có màn hình bị vỡ và không được đạp xe mà đeo tai nghe. Chắc chắn, nếu đọc trang 183 trong số 196 trang của cuốn hướng dẫn bạn sẽ tìm thấy những cảnh báo này. Vậy mà những tai nạn đã được cảnh báo đó vẫn xảy ra phổ biến.
Dĩ nhiên, sự thiếu quan tâm từ phía người sử dụng sẽ còn làm cho nhiều phòng cấp cứu tiếp tục bận rộn…

PC WORLD VN, 05/2016

PCWorld

điện thoại di động, người tiêu dùng, Smartphone, Trần Quân


© 2021 FAP
  2,879,969       72/953