(PCWorldVN) Tăng năng suất là mục tiêu cũng là nỗi đau đầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế phẳng, cạnh tranh toàn cầu với tốc độ nhanh ngày nay.
Ba thập kỷ trước, máy tính cá nhân đem sức mạnh tính toán lên bàn làm việc đã tạo ra cuộc cách mạng làm tăng vọt năng suất trong các văn phòng của các tổ chức và doanh nghiệp.
Ngày nay, cùng với cuộc cách mạng di động đang bùng nổ, các công nghệ về kết nối, thu thập dữ liệu, xử lý hình ảnh, in ấn, lưu trữ, bảo mật cũng liên tục được cải tiến, là nền tảng thông minh cho hạ tầng cơ sở trong các văn phòng, thúc đẩy tăng năng suất làm việc.
Những yếu tố công nghệ mới không những tạo ra các phương thức kinh doanh mới mẻ trong kỷ nguyên số mà còn thay đổi thói quen làm việc của nhân viên. Cách thức tổ chức, thực hiện công việc thay đổi với sự trợ lực tích cực của một loạt thiết bị thế hệ mới có mặt trong văn phòng. Nền kinh tế thế giới thời @ không những phẳng mà còn nhanh, đang tạo sức ép lớn đòi hỏi mọi doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu.
Ứng dụng công nghệ mới đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề cho mọi tổ chức cũng như doanh nghiệp là phải xem xét ứng dụng các công nghệ, dịch vụ, thiết lập những tiêu chuẩn mới tạo ra môi trường làm việc linh hoạt và thuận tiện cho tất cả mọi nhân viên của mình.
Điều gì hấp dẫn và thúc đẩy nhân viên làm việc quên mình trong công việc hàng ngày của họ, họ cần những gì để có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình? Làm thế nào để doanh nghiệp có được hạ tầng cơ sở thông minh, tạo ra văn phòng thông minh, giúp nhân viên nâng cao năng suất làm việc mà không hề vướng bận với ý nghĩ những thiết bị, dịch vụ nào đang vây quanh họ?
Thực tế, một văn phòng chưa thể nói là thông minh khi các thành phần từ công nghệ cho tới dịch vụ chưa hỗ trợ đầy đủ cho từng người và mọi cá nhân làm việc trong đó.
Hãy hình dung về môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ. PC và các thiết bị cá nhân như smartphone và máy tính bảng kết nối thường trực, cho phép người dùng làm việc mọi lúc, mọi nơi. Khả năng giao tiếp cũng đồng thời tăng khả năng lưu trữ và chia sẻ qua email, web, số hóa. Xu hướng dùng thiết bị cá nhân trong công việc, thường gọi là BYOD, đòi hỏi phương thức lưu trữ thay đổi, dịch vụ đám mây được sử dụng để nhân viên làm việc thông suốt và sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp của mình.
Công nghệ áp dụng cần quan tâm tới sự đơn giản tới mức tối thiểu để nhân viên dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Không chỉ thiết bị tính toán mà các thiết bị đầu vào (scanner), đầu ra (máy in, máy chiếu) phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu kết nối không dây của người dùng, tăng tính tiện lợi, nâng cao hiệu quả công việc cho nhân viên.
Giải pháp bảo mật vì thế cũng phải đuổi theo để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất có thể. Tăng cường bảo mật đảm bảo an toàn trong hoạt động cũng là giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn làm hao tổn về tài chính và ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, thông tin về việc ngân hàng trung ương Bangladesh bị tin tặc cuỗm 81 triệu USD gây chấn động thế giới, là một bài học cho bất cứ tổ chức nào. Sự cố xảy ra được cho là do ngân hàng trung ương nước này sử dụng bộ định tuyến cũ giá 10 USD mà không có bất cứ một hệ thống tường lửa nào.
Thiết bị thông minh và giải pháp thông minh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động thông qua môi trường làm việc đầy cảm hứng. Kết quả cuối cùng năng suất lao động tăng, là đích nhắm tới của mọi tổ chức, doanh nghiệp.
hiệu quả làm việc, thiết bị ngoại vi, thiết bị thông minh, thiết bị văn phòng, văn phòng thông minh