Công nghệ - Sản phẩm

Tan vỡ giấc mơ điện thoại Microsoft

(PCWorldVN) Bán mảng điện thoại thường, nhượng lại thương hiệu điện thoại Nokia, không hứa hẹn gì về smartphone Windows mới, 'cuộc chơi' điện thoại quá khó cho người khổng lồ phần mềm.

Cắt bỏ “khối u” Nokia

Trong một thông cáo báo chí phát đi hôm 18/5, Microsoft Corp. cho biết đã đạt được thỏa thuận bán mảng điện thoại thông thường (feature phone) cho FIH Mobile Ltd, thuộc tập đoàn Công nghệ Hon Hai/Foxconn (Đài Loan), và HMD Global Oy (Phần Lan) với giá 350 triệu USD. Số phận 4.500 nhân sự chưa rõ thế nào.

Một tuần sau đó, ngày 25/5, Microsoft tiếp tục công bố sẽ sa thải 1.850 nhân viên, hầu hết ở Phần Lan (khoảng 1.350 người), chịu khoản phí tổn 950 triệu USD trong hoạt động kinh doanh phần cứng điện thoại thông minh. Quyết định này đồng nghĩa với việc Microsoft sẽ không còn phát triển smartphone nữa, hãng tin AFP dẫn lời đại diện nghiệp đoàn công nhân Microsoft tại Phần Lan.

Dự kiến giao dịch thương vụ bán mảng kinh doanh điện thoại thường sẽ được hoàn tất vào nửa sau của năm 2016. Còn việc phát triển smartphone của Microsoft thì vẫn mông lung. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thận cận cho biết, Microsoft có kế hoạch ngừng hoạt động của Microsoft Mobile Oy, công ty con sản xuất thiết bị di động có trụ sở tại Phần Lan.

Năm ngoái, để cấu trúc lại mảng kinh doanh điện thoại do thua lỗ, Microsoft đã cắt giảm 7.800 việc làm, phần lớn thuộc bộ phận sản xuất phần cứng. Một năm trước đó, công ty đã có đợt sa thải ồ ạt 18.000 nhân sự, khiến một nửa trong số 25.000 nhân viên cũ của Nokia khi về với Microsoft bị mất việc.

Bán mảng điện thoại thường Microsoft thu về 350 triệu USD, một khoản nhỏ nhoi so với tiền tỷ mà công ty đã ném vào thương vụ thâu tóm. Trong hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), công ty ghi nhận tổng cộng thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, bao gồm cả chi phí tái cơ cấu tổ chức và đền bù cắt giảm việc làm, để giải quyết “khối u” Nokia.

Những tưởng điện thoại Nokia về với Microsoft sẽ cất cánh, hóa ra chỉ là giấc mơ. Trong ảnh là CEO Microsoft Satya Nadella (bên trái) và cựu CEO Nokia Stephen Elop.

Thương vụ Nokia là một trong những sai lầm lớn nhất và gây tốn kém nhất cho Microsoft. Đây là nỗ lực chuyển đổi chiến lược kinh doanh của cựu CEO Steve Ballmer theo hướng “Thiết bị và Dịch vụ”, nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Apple và Google để chiếm lại thị trường di động. Sau khi Satya Nadella kế nhiệm, ngồi vào ghế CEO Microsoft, phương châm của ông là “Mobile First, Cloud First”. Với tình hình như hiện nay thì “Mobile First” không còn rộng cửa cho thiết bị điện thoại, vốn từng được khuếch trương như một phần quan trọng trong chiến lược di động của công ty.

Công ty cho biết sẽ thu hẹp mảng smartphone, chỉ còn tập trung cho doanh nghiệp. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng không còn quá sớm để nói Microsoft đã thất bại trong cuộc chiến điện thoại khốc liệt mà những tượng đài một thời như Nokia, BlackBerry cũng phải gục ngã.

“Giã từ vũ khí”

Kể từ khi tiếp nhận di sản của người tiền nhiệm Steve Ballmer để lại hai năm trước đây, CEO Satya Nadella đã phải tốn công xử lý thương vụ “đốt” tiền tấn này.

“Chúng ta đang chuyển từ chiến lược chỉ kinh doanh điện thoại đơn thuần sang chiến lược tạo ra và phát triển một hệ sinh thái Windows rộng lớn, trong đó có thiết bị do chính chúng ta sản xuất”. Nadella viết trong thư gửi toàn thể nhân viên công ty hồi tháng 7 năm ngoái khi ông công bố đợt sa thải 7.800 nhân sự. Ông đồng thời cho biết định hướng thu hẹp danh mục điện thoại, nhắm tới ba đối tượng khách hàng: doanh nghiệp, người mua cao cấp, và những người hâm mộ Windows.

Những báo cáo gần đây phản ánh một bức tranh xám xịt về mảng kinh doanh điện thoại của Microsoft.

Doanh số điện thoại, gồm cả thông minh và không thông minh, không chỉ gây thất vọng kể từ khi Microsoft hoàn tất thương vụ Nokia, mà gần đây còn theo quỹ đạo rơi tự do. Quý 1 vừa qua, Microsoft chỉ bán được 2,3 triệu smartphone Lumia và 15,7 triệu chiếc điện thoại thường, giảm tương ứng 73% và 36% so với quý cùng kỳ năm trước.

Doanh thu phần cứng điện thoại đã giảm 47% so với cách đây một năm.

Những diễn biến mới nhất trong những ngày cuối tháng 5 cho thấy giấc mộng sản xuất điện thoại, chiếm lĩnh thị trường của Microsoft đang tan thành mây khói. Chiến lược ưu tiên cho di động của Nadella giờ đây xem như khuyết phần sản xuất phần cứng điện thoại, hoặc nếu có thì cũng hết sức nhỏ bé.

“Là một phần thuộc thỏa thuận, Microsoft sẽ chuyển nhượng toàn bộ các hạng mục sở hữu trọng yếu về điện thoại thông thường, bao gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, mảng chăm sóc khách hàng và các tài sản khác, hợp đồng với khách hàng và các thỏa thuận cung ứng quan trọng, tuân thủ theo luật địa phương”, thông cáo báo chí hôm 18/5 của Microsoft nêu rõ.

Microsoft Mobile Việt Nam, nhà máy sản xuất điện thoại tại của Microsoft Bắc Ninh, sẽ được chuyển giao cho phía Foxconn. Quyền sử dụng thương hiệu và một số thiết kế của Nokia sẽ được chuyển giao cho HMD Global. HMD sẽ phát triển điện thoại Nokia dựa trên hệ điều hành Android.

Không có thông tin nào về việc phát triển điện thoại Windows mới. Đó là điều khiến các nhà phân tích không khỏi ngờ rằng Microsoft rồi cũng sẽ rút khỏi thị trường smartphone.

Nhưng câu hỏi lớn là, vậy thì Windows 10 Mobile sẽ dành cho ai.

Windows 10 Mobile dành cho ai?

Nếu Microsoft quyết tâm bỏ phần cứng điện thoại, công ty sẽ tập trung tốt hơn cho phần mềm, vốn là sở trường của mình. Thực tế là kể từ khi Nadella tiếp quản ghế CEO, Microsoft đã có chính sách cởi mở hơn, thực hiện nhiều đổi mới với phần mềm. Office đã có các phiên bản di động chạy trên iOS và Android; Windows 10 được xây dựng như dịch vụ thay vì sản phẩm để tạo ra hệ sinh thái rộng mở; OneDrive và Office 365 được phát triển thành những dịch vụ cho mọi người.

Trở lại với thông cáo báo chí của Microsoft hôm 18/5, người khổng lồ phần mềm cho biết, sẽ tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ các dòng điện thoại Lumia, như Lumia 650, Lumia 950, Lumia 950 XL, cũng như các dòng thiết bị từ các đối tác phần cứng OEM như Acer, Alcatel, HP, Trinity và VAIO.

Nhưng công ty không hề đả động tới việc sẽ tung ra mẫu điện thoại Windows mới, cũng không có tin tức gì về chiếc điện thoại tin đồn Surface Phone.

Doanh số smartphone chạy Windows đang rớt tới mức thê thảm, chỉ còn 0,7% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu trong quý đầu năm 2016, so với 2,5% thị phần của năm ngoái, theo Gartner.

Windows 10 Mobile được quảng bá với tính năng Continuum sẽ biến điện thoại thành máy tính khi kết nối với màn hình lớn và bàn phím ngoài. Nhưng thiếu điện thoại thì ứng dụng Universal sẽ từ đâu ra, lại thêm một vòng luẩn quẩn về con gà và quả trứng, lặp lại chính thất bại của Windows Phone.

Cuộc chiến điện thoại di động của Microsoft đã kéo dài hơn một thập kỷ qua. Công ty sớm tung ra nền tảng Windows Mobile cho điện thoại di động vào năm 2003, nhắm tới người dùng doanh nghiệp. Nhưng BlackBerry, tiếp theo là iPhone của Apple và đạo quân đông đảo điện thoại chạy Android của Google đã vượt qua Microsoft. Công ty thay đổi chiến lược, chuyển nền tảng di động sang Windows Phone nhắm vào người tiêu dùng vào năm 2010. Nhưng kể từ khi Microsoft thâu tóm mảng kinh doanh điện thoại Nokia với hy vọng vượt lên trước, doanh số lại ngày càng trượt dốc.

Và dấu hỏi lớn đang đặt ra cho nền tảng di động tương lai của Microsoft.

PC World VN 06/2016

PCWorld

điện thoại Nokia, Microsoft, Microsoft bán mảng điện thoại, thị trường di động


© 2021 FAP
  3,349,982       1/259