(PCWorldVN) Đoàn cán bộ TP.HCM do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM.
Tại buổi làm việc sáng 13/6, lãnh đạo Thành phố và các nhà khoa học đã cùng trao đổi ý kiến, tìm các giải pháp để phát huy tiềm lực của các nhà khoa học, thúc đẩy KHCN Thành phố phát triển.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM (gọi là Liên hiệp) Nguyễn Ngọc Giao cho biết, sau 30 năm thành lập, Liên hiệp có 48 hội thành viên với hơn 60.000 hội viên. Một trong những chức năng chính của đơn vị là tư vấn phản biện xã hội các chương trình khoa học của Thành phố.
Tuy nhiên, các chủ dự án không thích công tác phản biện các dự án, vì vậy cần thể chế hóa việc tư vấn phản biện; quy định rõ mức kinh phí dự án, số lượng người dân bị tác động đến buộc dự án phải có phản biện độc lập của các nhà khoa học.
Hiện nay, việc phản biện là do các cơ quan thuộc các sở, ngành thực hiện; nếu Liên hiệp tham gia phản biện sẽ độc lập, sẽ nói thẳng, nói thật.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, việc thành lập một hội đồng khoa học để tham mưu cho Thành phố các vấn đề lớn sẽ giúp hoạt động tư vấn phản biện thuận lợi hơn; các nhà khoa học cũng cần được biết những dự án sắp tới của Thành phố để tham gia góp ý, phản biện, không đợi đến khi có sự cố mới phản biện.
Phó Chủ tịch Liên hiệp Chu Phạm Ngọc Sơn kiến nghị, cần thể chế hóa mối liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu khoa học và sản xuất. Hiện Thành phố có đội ngũ nghiên cứu trẻ, năng động, sáng tạo nhưng lại thiếu “men xúc tác” là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Để nâng cao hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết, cứ 2 năm 1 lần, Liên hiệp tổ chức thi sáng tạo kỹ thuật. Tuy nhiên, mức giải thưởng theo quy định của Nhà nước chưa tạo hứng thú cho các nhà khoa học tham gia và kinh phí hỗ trợ các đề tài đạt giải ứng dụng thực tế còn ít.
Về kinh phí hoạt động, Liên hiệp làm công tác nghiên cứu khoa học nhưng mọi kinh phí đều phải qua Sở KHCN. Bàn về cơ chế tài chính, Phó Chủ tịch Liên hiệp Phan Minh Tân cho rằng, kinh phí trả cho việc phản biện của các nhà khoa học tính bằng số trang viết là thiếu khoa học; cần chi trả theo chất lượng phản biện và chất xám các nhà khoa học bỏ ra.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của Thành phố cho rằng, ngoài nguồn tài chính của ngân sách, cần huy động các nguồn kinh phí từ xã hội để tăng giá trị giải thưởng và kinh phí hỗ trợ cho các đề tài đạt giải. Các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ bàn cơ chế để dành một khoản kinh phí riêng cho hoạt động khoa học của Liên hiệp.
Trả lời ý kiến của các nhà khoa học, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, Thành phố thành lập Hội đồng Khoa học kỹ thuật và đang làm quy chế hoạt động. Khi quy chế được ban hành sẽ giải quyết được những bất cập trong công tác tư vấn, phản biện; kinh phí hoạt động …
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học cũng như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố cho sự phát triển của Thành phố.
Thành phố đang phấn đấu trở thành trung tâm về KHCN của khu vực Đông Nam Á, vì vậy việc phát triển khoa học được Thành phố quan tâm hàng đầu. Thành phố mong muốn huy động mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực về KHCN. Một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính KHCN, thực hiện tốt chính sách với các chuyên gia khoa học.
Đồng chí Đinh La Thăng đã đề nghị, UBND Thành phố phối hợp Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố rà soát lại chương trình, chính sách của Thành phố về KHCN để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu. Các nhà khoa học cần chủ động, lựa chọn đề tài, chương trình nghiên cứu. Việc thể chế hóa tư vấn phản biện là cần thiết, vì vậy các đơn vị chức năng cần xem xét thực hiện nội dung này.
Bên cạnh đó, cần thể chế hóa việc liên kết giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học và sản xuất, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; đồng thời đổi mới cơ chế chi trả kinh phí phản biện khoa học.
(Theo hcmcpv.org.vn)
CNTT, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, truyền thông khoa học công nghệ