Công nghệ - Sản phẩm

Hạ cấp Windows 10 và những điều cần biết

(PCworldVN) Windows 10 ra mắt đã một năm nhưng không phải ai cũng hài lòng với hệ điều hành của Microsoft. Đây là cách quay lại phiên bản Windows trước nếu bạn đã nâng cấp lên Windows 10.

Microsoft chính thức phát hành Windows 10 vào ngày 29/7/2015 và tính cho đến cuối tháng 3/2016 thì hệ điều hành Windows mới nhất đã có hơn 270 triệu người dùng trên toàn thế giới. Giống như bất kỳ sản phẩm nào mới thì Windows 10 cũng có những khiếm khuyết nhất định và không phải ai cũng thích giao diện cũng như những tính năng mới của Windows 10.

Nếu bạn vừa “lên đời” Windows 10 nhưng cảm thấy không ưng ý và muốn quay về sử dụng các phiên bản hệ điều hành Windows 7 hay 8.1 vốn đã quen thuộc trước đây, hãy tham khảo các bước thực hiện sau.

Chuẩn bị
Cũng giống như việc nâng cấp, bước đầu tiên bạn cần làm là thực hiện sao lưu lại mọi thông tin cần thiết. Thay đổi hệ điều hành là một việc lớn và dữ liệu có thể bị mất nếu xảy ra sự cố trong quá trình cài đặt. Do đó, việc sao lưu không bao giờ là thừa dù tốn khá nhiều thời gian nếu dữ liệu của bạn có dung lượng lớn.

Bạn có thể dùng ổ cứng gắn ngoài, thiết bị lưu trữ USB hay các dịch vụ lưu trữ đám mây như OneDrive, Google Drive, Dropbox để sao lưu. So với sao lưu lên mạng đám mây thì việc sao lưu ra các thiết bị lưu trữ vật lý sẽ nhanh hơn. Sau khi đã tạo bản sao tài liệu cá nhân, video, hình ảnh hay các dữ liệu quan trọng khác, giờ đây bạn có thể bắt tay vào việc quay về hệ điều hành Windows quen thuộc.

Thực hiện
Khi cài Windows 10 vào một PC đang chạy Windows, phiên bản cũ sẽ được lưu vào một thư mục có tên là Windows.old. Điều này khiến cho dung lượng ổ cứng máy tính bị chiếm nhiều không gian, nhưng ngược lại sẽ giúp cho người dùng có thể khôi phục lại phiên bản Windows cũ bất cứ khi nào họ muốn.

Tùy chọn giúp quay lại phiên bản Windows cũ.

Về cơ bản, Microsoft cho phép người dùng có thể quay lại phiên bản Windows trước đó trong vòng 30 ngày sau khi nâng cấp lên Windows 10. Để bắt đầu quá trình khôi phục, hãy nhấn vào trình đơn Start Menu trong Windows 10 rồi chọn mục Settings. Trong đó, bạn sẽ thấy một tùy chọn là Update & Security và hãy nhấn vào đó.

Hoàn thành các bước khảo sát trước khi hạ cấp Windows 10.

Trong trang tiếp theo vừa xuất hiện, bạn sẽ thấy một danh sách các tùy chọn ở bên trái. Hãy nhấn vào tùy chọn Recovery và một khung sẽ xuất hiện ở bên phải với nhiều tùy chọn. Hãy nhấn vào mục “Go back to Windows x” với thông số x sẽ là Windows 7 hay 8.1 tùy vào phiên bản Windows mà bạn đã sử dụng trước khi nâng cấp lên Windows 10. Tiếp theo, hãy nhấn vào nút “Get Started” ở bên dưới để bắt đầu quá trình khôi phục. 

Nếu đang sử dụng laptop, bạn cần phải kết nối adapter vào nguồn điện để thực hiện công việc này. Một màn hình xanh xuất hiện và hỏi lý do tại sao bạn cần hạ cấp. Hãy dành chút ít thời gian để hoàn thành bước này nhằm cung cấp cho Microsoft những thông tin cần thiết về trải nghiệm Windows 10 của người dùng. Sau đó, hãy nhấn nút Next khi đã hoàn thành.

Trước khi bắt đầu quá trình khôi phục, Windows sẽ cho bạn một vài cơ hội để hủy bỏ và cũng nhắc nhở rằng nếu bạn có đặt mật khẩu trong phiên bản trước của Windows thì sau đó bạn sẽ cần đến nó khi quá trình kết thúc. Nếu muốn tiếp tục, bạn chỉ cần nhấn nút Next và chờ cho đến khi quá trình hoàn tất.

Never10 là một trong những công cụ vô hiệu hóa thông báo nâng cấp Windows 10.

Một khi đã quay trở lại phiên bản Windows cũ, bạn cần thực hiện thêm vài bước để hoàn thiện những thiết lập hệ thống một lần nữa. Đặc biệt, có thể cần phải cài đặt lại một số chương trình không tương thích và đừng quên sử dụng mật khẩu Windows 7 hay Windows 8.1 chứ không phải mật khẩu Windows 10 nếu bạn đã tạo một tài khoản Microsoft cho hệ điều hành mới trong quá trình thiết lập.

Vô hiệu hóa tự động cập nhật hệ thống
Khi đã quay lại phiên bản Windows cũ, sau một thời gian sử dụng bạn sẽ thấy hệ thống tự động xuất hiện thông báo nhắc nhở nâng cấp lên Windows 10. Nếu không muốn thấy thông báo này nữa, bạn có thể sử dụng một vài công cụ hữu ích để vô hiệu hóa nhắc nhở nâng cấp Windows 10.

GWX Control Panel là một trong những công cụ loại bỏ thông báo pop-up nâng cấp Windows 10. Phần mềm này hoạt động khá hiệu quả mặc dù giao diện người dùng hơi phức tạp, chứa đầy đủ các tùy chọn và có thể làm bối rối vài người dùng mới.

GWX Control Panel có giao diện khá phức tạp.

Một phần mềm khác có cùng chức năng là Never10 do nhà nghiên cứu bảo mật Steve Gibson phát triển. Never10 được đánh giá có các nhiệm vụ cơ bản giống với GWX Control Panel nhưng cách sử dụng đơn giản hơn nhiều.

Khi cài đặt một trong hai phần mềm trên, chúng sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn tính năng Windows Updates từ máy chủ Microsoft để tránh gặp những rắc rối về việc nâng cấp hệ thống. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là những phần mềm này đồng thời cũng vô hiệu hóa việc tải các bản vá lỗi và có thể khiến cho hệ thống của bạn dễ gặp phải lỗ hổng bảo mật mới.

PC WORLD VN, 06/2016

 

PCWorld

hạ cấp hệ điều hành, hạ cấp Windows, Thủ thuật windows, Windows 10


© 2021 FAP
  2,861,972       24/909