Công nghệ - Sản phẩm

Dropbox và cuộc di cư vĩ đại

(PCWorldVN) Sau một thời gian đứng trên vai người khổng lồ Amazon, Dropbox tự cho mình đã đủ lớn để cùng sánh vai với các đại gia và cuộc di cư dữ liệu bắt đầu

Nếu bạn là một trong 500 triệu người dùng Dropbox trên toàn thế giới thì ứng dụng đám mây này nhiều lúc chỉ là một thư mục nằm trên máy tính của bạn có khả năng lưu trữ các tập tin từ Internet. Bạn có thể gửi chúng cho mọi người, đồng bộ hóa lên laptop, smartphone, tablet… Những thứ tưởng chừng rất đơn giản, bình thường nhưng phía sau đó là câu chuyện về một thế giới công nghệ luôn thay đổi và phát triển.

Dropbox và giấc mơ đám mây

Dropbox sử dụng hệ thống điện toán đám mây của Amazon để triển khai các dịch vụ của mình trong hơn 8 năm qua. Hay nói cách khác là từ trước tới nay, những tập tin được chúng ta lưu trữ trên máy chủ của Amazon, chứ không phải trên các thiết bị phần cứng thuộc quyền sở hữu và điều hành bởi Dropbox.
 
Trong hơn 2 năm rưỡi, Dropbox cố gắng xây dựng một mạng máy tính khổng lồ và chuyển hết mọi dịch vụ sang nền tảng mới được chính các nhà phát triển của hãng thiết kế bằng ngôn ngữ lập trình thương hiệu riêng. Những cựu binh đến từ Thung lũng Silicon đã dựng nên nền tảng công nghệ tương tự của các nhà khổng lồ Internet như Google, Facebook và Twitter… Và Dropbox đã di chuyển 90% dữ liệu đến đám mây của mình.

Việc này được xem là tác phẩm kì công của nghành công nghệ vốn luôn khắc nghiệt. Tuy nhiên động thái tự xây dựng đám mây của Dropbox còn mang đến nhiều ý nghĩa tích cực hơn đối với các doanh nghiệp. Đây cũng chỉ ra sự thay đổi của thị trường, và điện toán đám mây đang thay đổi cách thức doanh nghiệp hoạt động.
 
Ngày nay có rất nhiều doanh nghiệp đang di chuyển sang đám mây. Hãng nghiên cứu Forrester cho rằng thị trường điện toán đám mây sẽ đạt 191 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo mới này cũng chỉ ra doanh thu của Amazon Web Services trong quý 4/2015 là 2,41 tỷ USD và 9,6 tỷ USD cả năm.
 
Những doanh nghiệp khi phát triển đủ lớn và mạnh, họ sẽ xây dựng hệ thống mạng riêng của mình với công nghệ đặc trưng và từ bỏ việc đi thuê dịch vụ đám mây. Amazon, Google và Microsoft có thể giữ giá dịch vụ đám mây thấp nhờ vào chiến lược kinh tế quy mô (economies of scale), quy mô càng lớn thì chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm sẽ càng giảm, làm gia tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Và đến nay, Dropbox tự cho mình đã đủ lớn và có khả năng để tham gia vào nền kinh tế quy mô.

Trên thực tế, việc Dropbox cố gắng tự tạo ra hệ thống mới của mình là một nhiệm vụ khó khăn trong thời điểm hiện nay, khi mà ngành công nghệ đang rơi vào suy thoái.
 
2 công ty giá trị nhất thế giới là Microsoft và Alphabet đã bị “thổi bay” tới 53 tỷ USD vốn hóa thị trường ngay sau khi công bố bản báo cáo tài chính Q1/2016. Tổng doanh số bán hàng của Microsoft chỉ là 20,5 tỷ USD so với 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tuy báo cáo lãi ròng của Alphabet đạt 4,2 tỷ USD sau 3 tháng đầu năm 2016, nhưng cổ phiếu của họ vẫn giảm 5%.
 
Amazon gần như thống trị thị trường điện toán đám mây, và cùng với Google, Mirosoft, trở thành các nhà cung cấp công cụ cho các doanh nghiệp hoạt động mà không cần đầu tư vào hệ thống phần cứng. Và bây giờ Dropbox muốn trở thành như các nhà khổng lồ, cung cấp dịch vụ đám mây với nền tảng, hệ thống của riêng mình.

Điều này không thực sự dễ dàng khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Amazon, Microsoft và Google. Đối với Dropbox, việc chia sẻ các tập tin cơ bản như hình ảnh, video, văn bản đang không còn ý nghĩa quan trọng như trước. Giờ đây công ty tham vọng hơn thế. Dropbox biết tất cả điều này, nhưng họ là một trong số ít công ty khởi nghiệp “kì lân” (unicorn - startup trị giá tỷ USD), được định giá quá lớn và trở thành tâm điểm với những câu hỏi về về khả năng cạnh tranh trong thế giới của những người khổng lồ Internet.

Dropbox muốn sánh vai với những người khổng lồ khác

Con đường của Dropbox

Khi lớn mạnh, muốn thoát khỏi Amazon thì Dropbox không chỉ đầu tư vào nền tảng phần cứng mà hệ thống phần mềm phải ưu việt hơn trước.

Đã từ lâu những người khổng lồ Internet như Google, Facebook hay Microsoft đã phải tự xây dựng hạ tầng, ứng dụng cho riêng mình, bởi trên thế giới chẳng còn ai lớn hoặc đủ năng lực để giải quyết các bài toàn của họ nữa. Dropbox có thể đã đủ lớn nhưng chưa đủ để thành khổng lồ và họ bắt đầu hành trình của mình với việc thoát khỏi việc đi thuê hạ tầng của Amazon.

Để tồn tại, Dropbox vẫn phải dựa vào Amazon. Nếu người dùng chia sẻ từ Dropbox, dữ liệu được lưu trữ với dịch vụ Amazon S3 (simple storage services) nhưng siêu dữ liệu liên quan đến các tập tin (metadata) lại nằm trên hệ thống của riêng mình. Cùng với xây dựng nền tảng hạ tầng phần cứng mới, Dropbox còn phát triển một hệ thống phần mềm có tên gọi Magic Pocket, cho phép lưu trữ hàng petabyte với phương thức được cho là hiệu quả hơn Amazon S3. Họ đã phải đặt hàng ngàn cỗ máy tại các trung tâm dữ liệu để thử nghiệm.

Nhóm phần cứng của Dropbox vẫn đang ở phòng nghiên cứu để tìm ra những giải pháp mới cho nhu cầu lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ của mình. Họ đang sở hữu công nghệ riêng là Diskotech, nơi mọi dữ liệu được lưu trữ. Mỗi chiếc hộp Diskotech đã có thể chứa được 1 triệu gigabyte (1 petabyte) dữ liệu và 50 thiết bị như vậy đã đã sẵn sàng cho Dropbox.

Phải mất hơn 2 năm, Dropbox mới có thể đưa hàng ngàn cỗ máy trong trung tâm dữ liệu vận hành trơn tru với phần mềm Magic Pocket. Một dự án tham vọng như vậy luôn là thách thức không hề nhỏ về mặt kỹ thuật. Theo tuyên bố của Dropbox thì trong vòng 6 tháng đầu tiên họ không phát hiện ra một lỗi cơ bản nào. Toàn bộ quá trình thử nghiệm diễn ra trong suốt 8 tháng và chỉ duy nhất một lần dữ liệu bị lưu nhầm địa chỉ.

Bên cạnh đó, để vừa hoàn thiện nền tảng của mình, đồng thời liên tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì bộ phận hậu cần cũng gặp áp lực không hề nhỏ. Dropbox vừa phải di chuyển hàng pentabyte dữ liệu vừa đảm bảo để hàng triệu người dùng không nhận ra những thay đổi đang điễn ra.

Diskotech

Cuộc di cư vĩ đại

Dropbox đã lên kế hoạch di chuyển toàn bộ dữ liệu của mình từ Amazon khi hợp đồng còn 6 tháng. Đối với Dropbox thì việc lấy dữ liệu về và đưa tới các trung tâm hạ tầng mới như một cuộc di cư vĩ đại.

Di chuyển hàng triệu gigabyte từ trung tâm dữ liệu này qua trung tâm khác không đơn giản như việc sao chép từ máy bàn sang laptop hay tải bài hát về điện thoại của mình. Mọi kết nối hiện đại nhất ngày nay vẫn có giới hạn về băng thông và Dropbox đã mất một ngày để chuyển khoảng 4 petabyte dữ liệu (1 petabyte = 1 triệu gigabyte). Ngay cả khi dữ liệu về nhà mới, thì công ty cũng bị giới hạn thời gian trong việc nhận diện và đồng bộ chúng. Nếu đồng bộ không đủ nhanh thì việc lấy dữ liệu từ Amazon sẽ bị đình trệ. Trung bình, mỗi ngày Dropbox phải lắp đặt và vận hành 40 - 50 tủ rack, mỗi tủ như vậy chưa khoảng 8 máy chủ riêng lẻ.

Có nhiều vấn đề diễn ra từ kĩ thuật cho đến hậu cần nhưng Dropbox vẫn hoàn thành kế hoạt theo dự tính để kết thúc hợp đồng với Amazon. Hãng đã chuyển về được 90% tập tin dữ liệu vào các trung tâm dữ liệu mới của mình. Dropbox vẫn tiếp tục thuê đám mây của Amazon tại châu Âu bởi hoạt động kinh doanh ở đây đang có mức tăng trưởng khó dự đoán.

Từ thử nghiệm đến thực tế khai thác là một quãng đường rất xa, Dropbox đã nhận ra điều này khi phần mềm Magic Pocket không hoàn toàn phù hợp với hệ thống phần cứng mới. Magic Pocket được thử nghiệm thông thường còn hệ thống phần cứng lại được Dropbox đặt hàng mới. Đại diện Dropbox cho biết: “Trong một trung tâm dữ liệu lớn, máy móc đều có nguy cơ lão hóa sớm và phải luôn nâng cấp. Phần mềm phải có khả năng vận hành nhất quán trên phần cứng cũ và mới”.

Magic Pocket được viết bằng ngôn ngữ lập trình Go của Google. Go có thể đáp ứng được phong cách đổi mới của Dropbox và cũng tạo nên được phần mềm đơn giản, ổn định và hiệu quả. Với một hệ thống phân tán trực tuyến khổng lồ, một mặt phần mềm có thể tương tác trực tiếp với nền tảng đa lõi, giúp cho việc xử lý nhanh hơn nhưng mặt khác cũng chiếm dụng nhiều bộ nhớ của máy chủ nhiều hơn. Vì vậy, khi đưa vào sử dụng thực tế, những hạn chế của Go đã khiến Dropbox quyết định viết lại Magic Pocket bằng ngôn ngữ lập trình Rust.

Drew Houston

Dropbox

Dropbox được thành lập vào năm 2007 bởi 2 sinh viên MIT là Drew Houston và Arash Ferdowsi. Ý tưởng về Dropbox xuất phát từ việc Drew Houston luôn bỏ quên USB ở nhà những lúc cần thiết. Thêm vào đó, virus, các phần mềm độc hại có thể lây vào máy tính cá nhân của anh khi sử dụng USB để lưu giữ dữ liệu. Chính vì thế, Drew Houston đã tạo nên một chương trình cho mình sử dụng và anh cũng nhận thấy nhu cầu của mọi người xung quanh. Vào tháng 6 năm 2007, Dropbox đã chính thức ra mắt tại hội nghị chuyên về công nghệ “2008’s TechCrunch50”.

Khi chia sẻ là nền tảng

Dropbox khởi đầu không giống như Amazon hay Google. Họ không cung cấp cơ sở hạ tầng hay sức mạnh điện toán đám mây mà tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp lưu trữ và chia sẻ file mà không cần thiết lập các phần cứng chuyên dụng.

Dropbox hy vọng “chia sẻ” sẽ trở thành một nền tảng và luôn tìm cách biến nó thành những ứng dụng. Sau thất bại của Mailbox và Carousel, Dropbox vẫn kiên cường với việc ra mắt trình soạn thảo văn bản đồng thời là công cụ cộng tác trực tuyến Dropbox Paper. Nhưng ứng dụng này vẫn chưa tạo ra điểm nổi bật gì so với các đối thủ sừng sỏ Google Docs hay Microsoft Office Online. Con đường mà Dropbox muốn chuyển dịch từ một dịch vụ sao lưu đám mây sang nhà cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp không thực sự dễ dàng.

Không có phát minh tại đây

Khi các dự án phát triển trở nên mơ hồ thì trung tâm dữ liệu của riêng mình sẽ trở thành gánh nặng và Dropbox cũng có nguy cơ trở thành một Unicorpse – con kì lân chết yểu.

Một ví dụ điển hình chính là công ty game Zynga. Họ cũng đã có sự phát triển vượt bậc và tự tạo trung tâm dữ liệu riêng của mình. Nhưng kinh doanh không ổn định khiến cơ sở hạ tầng trở thành gánh nặng và Zynga lại quay trở về với Amazon.

Dropbox tự hào, đôi lúc thái quá về những con người đang làm việc cho mình. Đó là những người đã từng trải qua Facebook hay Google và họ đủ bản lĩnh để đối phó với các loại áp lực mà công ty đang có. Nhưng điều này cũng mang đến nguy cơ mà ở Thung lũng Silicon thường gọi là hội chứng NIH (not invented here - không có phát minh ở đây). Các công ty tự làm mới lại tất cả mọi thứ và từ chối mọi dịch vụ từ bên ngoài.

Việc chuyền khỏi Amazon để về nhà mới xây có thể sẽ là yếu tố quyết định xem rằng Dropbox có thể trở thành công ty như họ mong muốn hay không ? Hay chỉ là vụt sáng như một hiện tượng kĩ thuật.

Tại Thung lũng Silicon, Google luôn là ví dụ điển hình cho mọi câu chuyện, nhưng cũng đã có hàng ngàn công ty trở thành hiện tượng và đã biến mất. Google tạo ra công cụ tìm kiếm, tự xây dựng hạ tầng cho mình và mở rộng dịch vụ với quy mô rộng lớn. Những gã đàn em như Facebook hay Twitter tìm kiếm các cựu nhân viên của Google để học hỏi và xây dựng đế chế của riêng mình. Dropbox cũng bước theo dấu chân đó nhưng cần thời gian để có đáp án cuối cùng.

Ngôn ngữ lập trình Rust

Dropbox được thành lập vào năm 2007 bởi 2 sinh viên MIT là Drew Houston và Arash Ferdowsi. Ý tưởng về Dropbox xuất phát từ việc Drew Houston luôn bỏ quên USB ở nhà những lúc cần thiết. Thêm vào đó, virus, các phần mềm độc hại có thể lây vào máy tính cá nhân của anh khi sử dụng USB để lưu giữ dữ liệu. Chính vì thế, Drew Houston đã tạo nên một chương trình cho mình sử dụng và anh cũng nhận thấy nhu cầu của mọi người xung quanh. Vào tháng 6 năm 2007, Dropbox đã chính thức ra mắt tại hội nghị chuyên về công nghệ “2008’s TechCrunch50”.

PC World VN, 05/2016
 

PCWorld

Amazon, Data Center, dịch vụ đám mây, điện toán đám mây, Dropbox, lưu trữ đám mây, trung tâm dữ liệu


© 2021 FAP
  3,486,361       2/691