(PCWorldVN) Windows 10 thường xuyên được cập nhật bằng những bản Update, và thỉnh thoảng được làm mới với Upgrade.
Trong cách dùng từ của Microsoft đối với Windows 10, cập nhật (Update) khác hẳn nâng cấp (Upgrade). Các bản Update khắc phục những vấn đề về bảo mật, sửa lỗi, và có những thay đổi nhất định cho Windows, như các bản vá “Patch Tuesday” cho Windows được Microsoft đều đặn phát hành vào các ngày thứ Ba thứ hai hàng tháng. Còn Upgrade là bản bổ sung “những tính năng, trải nghiệm và khả năng mới” cho Windows 10, mà theo Microsoft cho biết thì mỗi năm hãng sẽ tung ra 2- 3 bản như vậy. Tuy nhiên, chính Microsoft không phải lúc nào cũng gọi đúng như vậy. Chẳng hạn với bản nâng cấp đầu tiên của Windows 10 phát hành hồi tháng 11/2015, Microsoft gọi là Windows 10 November Update, xem như đây là bản cập nhật lớn. Nhưng, từ Windows 7/8 lên Windows 10 thì chắc chắn là nâng cấp.
Nâng cấp miễn phí lên windows 10
Cơ hội nâng cấp miễn phí lên Windows 10 cho bạn không còn lâu nữa, Microsoft đã nhắc lại thời hạn cuối là ngày 29/7/2016.
Về cấu hình máy không đáng lo ngại, vì PC đang chạy Windows 7/8 nói chung sẽ chạy tốt Windows 10. Điều đáng lưu ý chỉ là không gian còn trống trên đĩa (nên có từ khoảng 16 GB trở lên). Một số chương trình cũ cũng có thể không tương thích với Windows 10.
Việc nâng cấp rất đơn giản. Microsoft tự động cài công cụ hỗ trợ nâng cấp lên Windows 10 cho các PC Windows 7 SP1 và Windows 8.1 Update, gọi là Get Windows 10. Để mở ứng dụng này, nhấn vào biểu tượng Windows 10 nhỏ nằm phía bên phải trên thanh tác vụ (task bar). Nếu bạn thực sự muốn nâng cấp lên Windows 10 thì nhấn nút Upgrade now trên màn hình hỗ trợ cài đặt và làm theo hướng dẫn từng bước.
Lưu ý là bạn nên sao lưu dữ liệu trước khi thực hiện công việc nâng cấp, đề phòng xảy ra trục trặc. Bạn cũng cần kiểm tra khả năng tương thích của Windows 10 với phần cứng và phần mềm để xem xét đã nên nâng cấp hay chưa.
Hạ cấp Windows 10 xuống phiên bản cũ
Microsoft đang thúc dục người dùng gia nhập thế giới Windows 10, kể cả việc dùng chiêu “bẫy” người dùng nâng cấp. Rất may là với PC đã nâng cấp lên Windows 10, bạn vẫn có thể “hạ cấp” đưa hệ thống về lại hiện trạng cũ. Nhưng bạn chỉ có cơ hội làm điều đó trong vòng 1 tháng kể từ ngày nâng cấp.
Để thực hiện, bạn nhấn nút Start và chọn Settings > Update & security > Recovery. Nếu thời hạn hạ cấp vẫn còn thì trên máy có phần tùy chọn “Go back to Windows 7” hoặc “Go back to Windows 8.1”, tùy vào HĐH của máy trước khi nâng cấp. Bạn chỉ việc nhấn nút Get started phía dưới và làm theo hướng dẫn để hoàn tất việc hạ cấp. Cuối cùng, bạn có thể phải cài lại một số phần mềm do không tương thích Windows 10 nên đã bị gỡ bỏ khỏi hệ thống trong quá trình nâng cấp.
Để tránh việc bị “bẫy” hay vô tình nâng cấp lên Windows 10, bạn nên vô hiệu hóa tính năng tự động nâng cấp lên Windows 10. Một số công cụ được khuyên dùng như GWX Control Panel hay Never10.
Cập nhật Windows 10
Windows 10 thường xuyên được cập nhật, nhưng không đơn giản như những phiên bản Windows trước đây, thủ tục cập nhật Windows 10 trở nên phức tạp hơn. Microsoft không còn đưa ra những tùy chọn để bạn xem xét những bản cập nhật và quyết định cài chúng hay không. Thay vào đó, các bản Update tự động tải về và cài theo một lịch trình định trước của Microsoft sau khi PC khởi động lại.
Dù vậy, bạn không nhất thiết phải chấp nhận mọi bản cập nhật tự động, và có thể từ chối chúng bằng cách dừng tiến trình cập nhật hoặc gỡ b nếu cập nhật đã hoàn tất.
Trì hoãn cập nhật
Bạn có thể thay đổi tiến trình cập nhật tự động các bản Update. Truy cập Start > Settings > Update & Security > Windows Update, bạn có thể thấy những bản cập nhật đã được tải tự động về máy mà chưa cài. Trường hợp đó, sẽ có khung thời gian hệ thống lập lịch sẵn để cài chúng. Bạn có thể thay đổi thời hạn này bằng cách chọn “Select a restart time” và đổi ngày, giờ. Nếu muốn cài ngay các bản cập nhật, bạn chỉ việc khởi động lại máy bằng cách nhấn nút Restart Now.
Theo mặc định, Windows 10 tự động tải về các bản cập nhật, nhưng bạn có thể thay đổi điều đó vì muốn có đủ thời gian “nghe ngóng” nhận xét về chúng, chẳng hạn có lỗi gì đó hay không. Để chủ động trong việc tải về các bạn cập nhật, tại màn hình thiết lập Update & Security bạn mở màn hình thiết lập “Advanced options” bằng cách truy cập Start > Settings > Update & Security > Windows Update > Advanced options, rồi nhấn chọn vào hộp tùy chọn “Defer upgrades”. Thao tác này sẽ ngăn các bản cập nhật tự động tải về máy và cài đặt vào hệ thống, ít nhất là không diễn ra ngay. Theo Microsoft, các bản cập nhật rốt cục sẽ tự động cài sau “vài tháng”, nhưng không nói rõ khoảng thời gian cụ thể.
Windows 10 tự động tải về các bản cập nhật, và lên lịch khởi động lại máy và cài chúng. |
Tuy nhiên, bạn không thể trì hoãn các bản cập nhật bảo mật. Chúng được cài ngay dù bạn có chọn trì hoãn cập nhật hay không..
Xem lịch sử cập nhật và gỡ bỏ các bản cập nhật
Windows 10 cho phép bạn gỡ bỏ một bản cập nhật tùy ý. Trước hết bạn xem những bản cập nhật nào đã được cài lên máy bằng cách nhấn vào mục “View your update history” sau khi truy cập tới màn hình thiết lập “Advanced options”.
Để tìm hiểu chi tiết về một bản cập nhật, bạn nhấn chọn vào liên kết bên dưới và đọc các thông tin liên quan. Bản cập nhật nào đã được tải về máy nhưng chưa cài thì đường link sẽ cho biết cần khởi động lại máy để hoàn tất việc cài đặt - “Requires a restart to finish installing”.
Để gỡ bỏ một bản cập nhật, nhấn vào mục “Uninstall updates” nằm trên cùng của màn hình “View your update history”. Màn hình tiếp theo hiện ra danh sách các bản cập nhật đã cài và bạn chỉ việc chọn bản cập nhật muốn gỡ bỏ rồi nhấn nút Uninstall.
Nếu bạn không muốn Windows 10 cài lại bản cập nhật mà mình đã loại ra, hãy sử dụng công cụ miễn phí của Microsoft, tải về từ đây.
Cập nhật qua mạng ngang hàng (peer-to-peer)
Microsoft áp dụng kỹ thuật phân phối các bản cập nhật Windows 10 qua mạng ngang hàng, kiểu như BiTorrent, để tiết kiệm băng thông. Nhờ vậy, nếu bạn đang có nhiều PC chạy Windows 10 trên mạng nội bộ thì có thể thiết lập để các máy của mình nhận được bản cập nhật qua những máy khác, thay vì từ máy chủ của Microsoft.
Để bật tính năng này, truy cập tới màn hình thiết lập “Advanced options”, rồi chọn mục “Choose how updates are delivered”. Trong màn hình mới hiện ra, bạn chắc chắn là thanh trượt bật On và chọn mục “PCs on my local network”. Nếu chọn “PCs on my local network, and PCs on the Internet” thì các PC trong mạng nội bộ cũng gửi các bản cập nhật cho các PC bên ngoài, đó có lẽ là điều bạn không mong muốn vì tốn băng thông và giảm hiệu suất của PC trong mạng.
Cập nhật sớm qua chương trình Insider Program
Nếu bạn là người nôn nóng, muốn trải nghiệm sớm những thay đổi của Windows 10 thì hãy đăng ký là thành viên tham gia chương trình Windows Insider Program, tại trang https://insider.windows.com.Đây là hình thức mới được Microsoft áp dụng để nhờ cộng đồng đóng góp ý kiến, phát hiện các lỗi và những vấn đề bảo mật của Windows 10.
Trên PC Windows 10 của mình, bạn truy cập tới màn hình thiết lập “Advanced options”, rồi tới phần “Get Insider Preview builds” và nhấn chọn Get Started, sau đó tiếp tục theo hướng dẫn cho đến khi hoàn tất. Bạn sẽ luôn nhận được những bản Insider Preview là những bản cập nhật Windows 10 xem trước, trước khi Microsoft phát hành rộng rãi. Có hai chế độ nhận: nhanh (ngay khi chúng được phát hành) và chậm (sau khoảng thời gian ngắn thử nghiệm), Micrsoft gọi tương ứng là “fast ring” và “slow ring” (mặc định). Nếu bạn chuyển sang chế độ “fast ring”, đồng nghĩa với việc có thể gặp rủi ro vì phần mềm chưa được kiểm định độ ổn định.
cài đặt Windows 10, khai thác Windows 10, Kỳ Hà, nâng cấp Windows 10, thủ thuật Windows 10, Windows Update