Công nghệ - Sản phẩm

Cài đặt và sử dụng Linux Bash Shell trên Windows 10

(PCWorldVN) Microsoft không xem Linux là 'kẻ thù' như trước đây nữa, và bằng chứng thiết thực nhất là hãng đã hỗ trợ cửa sổ dòng lệnh Bash shell ngay trong Windows 10.

Bản cập nhật Anniversary Update của Windows 10 có một tính năng mới, rất hấp dẫn đối với các nhà phát triển: cửa sổ dòng lệnh Bash nền Ubuntu có thể chạy phần mềm Linux trực tiếp trên Windows. Tính năng này nằm trong "Linux Subsystem for Windows" mà Microsoft vừa mới thêm vào Windows 10.

Nếu bạn dùng bản Insider Preview của Windows 10, có lẽ bạn có thể cài Bash Shell và tự vọc được rồi. Hiện tại, tính năng này được thêm vào bản Insider Preview build 14316 và chỉ hỗ trợ với các phiên bản Windows 10 64-bit mà thôi.

Bash Shell của Windows 10 là gì

Đây không phải là máy ảo, không phải bộ chứa (container) hay phần mềm Linux được biên dịch cho Windows (như Cygwin), mà Windows 10 bổ sung thành phần Linux Subsystem for Windows, dựa trên dự án Project Astroria để chạy ứng dụng Android trên Windows của Microsoft, nhưng hãng đã ngưng dự án này.

Bạn hãy nghĩ tính năng này ngược lại với Wine. Trong khi Wine cho bạn chạy ứng dụng Windows trực tiếp trong Linux thì Linux Subsystem for Windows cho bạn chạy ứng dụng Linux trực tiếp trong Windows.

Microsoft đã làm việc với Canonical để đưa ra bản Bash shell nền Ubuntu đầy đủ, chạy bên trên subsystem. Về mặt kỹ thuật, đây không phải là Linux. Linux là nhân hệ thống (kernel). Thay vào đó, nó cho bạn chạy Bash shell và các mã nhị phân hệt như bạn chạy trên Ubuntu Linux. Những nhà phát triển ứng dụng miễn phí thường tranh luận là hệ điều hành Linux nói chung nên được gọi là "GNU/Linux" bởi vì nó thực sự có nhiều phần mềm GNU chạy trên nhân Linux. Bash shell thực sự cũng giống như những tiện ích GNU và các phần mềm khác.

Nhưng nó cũng có vài hạn chế. Nó không hoạt động với các phần mềm máy chủ và không chạy được với phần mềm có giao diện đồ họa. Mục đích chính của nó là dành cho các nhà phát triển muốn chạy các tiện ích dòng lệnh Linux trên Windows. những ứng dụng này có thể truy cập trực tiếp đến hệ thống file Windows nhưng bạn không thể dùng các lệnh Bash để tự động hóa các chương trình Windows thông thường, hoặc khởi chạy lệnh Bash từ cửa sổ dòng lệnh Windows chuẩn.

Làm thế nào cài Bash lên Windows 10

Để bắt đầu, bạn cần đảm bảo hệ điều hành đang chạy sử dụng bản Windows 10 build 14316 trở lên và là bản 64-bit.

Để đảm bảo sử dụng đúng phiên bản Windows, bạn vào Settings và đến mục Update & Security > For Developers. Kích hoạt "Developer Mode" để bật chế độ dành cho nhà phát triển. 

Tiếp theo, bạn mở Control Panel, nhấn "Programs" và nhấn "Turn Windows Features On or Off" dưới mục Programs and Features. Kích hoạt "Windows Sybsystem for Linux (Beta)" trong danh sách và nhấn "OK".

Sau khi thực hiện xong, hệ thống sẽ nhắc bạn khởi động lại máy tính.

Nhấn "Restart Now" để khởi động lại và Windows 10 sẽ cài thêm tính năng mới này.

Sau khi khởi động xong, nhấn nút Start (hoặc nút Windows), gõ "bash" và nhấn "Enter".

Lần đầu tiên hệ thống sẽ chạy file bash.exe, và nhắc bạn đồng ý các điều khoản sử dụng. Sau đó, lệnh này sẽ tải về ứng dụng "Bash on Ubuntu on Windows" từ Windows Store. Bạn sẽ được yêu cầu tạo một tài khoản người dùng, có mật khẩu để sử dụng môi trường Bash.

Nếu bạn muốn tự động cài đặt Bash, bạn có thể chạy lệnh sau trong dấu nhắc dòng lệnh. Cách này sẽ tự động đồng ý mọi thông báo nhắc của chương trình và thiết lập mọi thông số theo mặc định, nghĩa là tên người dùng là "root" và không có mật khẩu.

lxrun /install /y

Cách dùng Bash Shell Ubuntu và cài đặt phần mềm Linux

Đến đây, bạn đã có được toàn bộ tính năng cửa sổ dòng lệnh nền Ubuntu. Bởi vì chúng dùng cùng mã nhị phân nên bạn có thể sử dụng lệnh apt-get của Ubuntu để cài đặt phần mềm từ các repo Ubuntu như thông thường. Bạn có thể truy cập mọi phần mềm chạy trên dòng lệnh của Linux tại đây, mặc dù không phải phần mềm nào cũng chạy mượt mà, nhất là khi đang dùng bản beta.

Để mở cửa sổ Bash shell, bạn chỉ việc vào menu Start và tìm từ "bash" hoặc "Ubuntu". Bạn sẽ thấy một ứng dụng tên là "Bash on Ubuntu on Windows". Bạn có thể pin ứng dụng này để tạo lối tắt cho nó trên menu Start, trên taskbar hay trên màn hình desktop.

Nếu bạn đã biết về cách sử dụng Bash shell trên Linux, Mac OS X hay các nền tảng khác thì bạn sẽ thấy Bash shell trên Windows 10 không có gì lạ lẫm. Bạn không cần phải dùng sudo để chạy quyền quản trị. Tên người dùng "root" trên nền tảng UNIX cho bạn quyền truy cập admin rồi, như quyền "Administrator" trong Windows. Hệ thống file Windows nằm trong đường dẫn /mnt/c trong môi trường Bash.

Bạn tự do dùng các lệnh phổ biến của Linux ở đây. Nếu bạn quen với cửa sổ dòng lệnh Windows Command Prompt qua các lệnh DOS thì cũng có một số lệnh bạn dùng chung được ở Bash lẫn Windows.

  • Thay đổi thư mục: cd trong Bash, cd hay chdir trong DOS
  • Liệt kê nội dung thư mục: ls trong Bash, dir trong DOS
  • Di chuyển hoặc đổi tên file: mv trong Bash, move rename trong DOS
  • Copy một file: cp trong Bash, copy trong DOS
  • Xóa một file: rm trong Bash, del hay erase trong DOS
  • Tạo thư mục: mkdir trong Bash, mkdir trong DOS
  • Mở ứng dụng soạn thảo văn bản: vi hay nano trong Bash, edit trong DOS

Điều quan trọng cần nhớ là, không như Windows, Bash và môi trường Linux phân biệt chữ viết hoa và viết thường. Do vậy, "File.txt" sẽ khác với "file.txt".

Bạn cũng cần nhớ sử dụng lệnh apt-get để cài đặt và cập nhật phần mềm trong môi trường Ubuntu. Bạn cũng cần nhớ bổ sung từ sudo vào đầu mỗi dòng lệnh nếu đang dùng với quyền user thông thường, để chạy được với quyền "root", tương đương với quyền Administrator trong Windows. Dưới đây là vài lệnh liên quan đến apt-get mà bạn cần biết:

  • Cập nhật các thông tin về các gói phần mềm: sudo apt-get update
  • Cài một gói ứng dụng: sudo apt-get install [tên ứng dụng]
  • Gỡ cài đặt một gói ứng dụng: sudo apt-get remove [tên ứng dụng]
  • Tìm ứng dụng: sudo apt-cache search [tên ứng dụng]
  • Tải và cập nhật phiên bản mới nhất của các ứng dụng đang có: sudo apt-get upgrade

Một khi bạn đã tải và cài đặt một ứng dụng nào đó, bạn có thể gõ tên nó ở dấu nhắc dòng lệnh và nhấn Enter để chạy ứng dụng. Kiểm tra tài liệu hướng dẫn sử dụng của ứng dụng đó để biết thêm thông tin.

Bạn cần nhớ rằng phần mềm bạn cài trong Bash bị hạn chế trong Bash mà thôi. Bạn không thể truy cập nó từ Command Prompt, PowerShell hay bất kỳ đâu khác trong Windows. Phần mềm trong Bash cũng không thể tương tác trực tiếp hay khởi chạy các ứng dụng Windows, mặc dù môi trường Bash và Windows đều truy cập được cùng hệ thống file.

Tuy vậy, bạn vẫn có thể tạo file script Bash (đuôi là .sh) để chạy tự động chúng trong môi trường này.

PCWorld

Bash shell, cửa sổ dòng lệnh, thủ thuật, thủ thuật Windows 10, Ubuntu, Windows 10


© 2021 FAP
  2,837,121       21/961