(PCWorldVN) Bên cạnh tên miền quốc tế thì tên miền quốc gia Việt Nam chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp từng bước xây dựng thành công thương hiệu.
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến thời điểm tháng 6/2016 đã có hơn 370.000 tên miền .vn được đăng ký, trong đó doanh nghiệp Việt Nam đăng ký 200.989 tên miền.
Tuy nhiên, nếu so với 750.000 doanh nghiệp Việt Nam thì số lượng tên miền .vn đã đăng ký chỉ ở mức thấp, nếu như không muốn nói là rất thấp.
Tên miền trở thành một phần của thương hiệu. |
Tại hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” diễn ra hôm ngày 14/6 vừa qua tại TP.HCM, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc VNNIC cho biết tỷ lệ sử dụng tên miền .vn vẫn còn thấp, và thực tế này diễn ra ngay tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội.
Cụ thể, tại TP.HCM, hiện có gần 142.757 tên miền .vn, trong đó số lượng tên miền .vn thuộc quyền sở hữu của chủ thể là doanh nghiệp ở mức 78.979 tên miền.
Trong khi đó, số liệu tên miền quốc tế do các chủ thể thông báo là 51.952 tên miền và số liệu tên miền quốc tế do nhà đăng ký tên miền quốc tế thông báo là 79.921.
Khi tên miền trở thành một phần của thương hiệu
Tên miền thường được đem so sánh với bất động sản vì đây được xem giống như "địa điểm đắc địa" ở ngoài đời thực và những tên miền chất lượng tốt thì sẽ có giá trị cao bởi tiềm năng trong việc tạo dựng thương hiệu trực tuyến, quảng cáo hay tối ưu bộ máy tìm kiếm.
Việc sử dụng tên miền với thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu của mình nhưng không sở hữu tên miền trùng khớp sẽ dẫn đến việc người dùng, khách hàng bị nhầm lẫn, và điều này sẽ trở nên nghiêm trọng khi chủ sở hữu tên miền đó là đối thủ cạnh tranh trên thương trường.
Việc quảng bá để phát triển một thương hiệu lớn hiện nay liên quan chặt chẽ tới khả năng đồng bộ nhãn hàng với một tên miền. Bất kỳ một sự nhầm lẫn nào cũng có thể dẫn đến việc mất đi lượng truy cập và số lượng khách hàng tiềm năng vào tay của đối thủ cạnh tranh.
Tất cả quốc gia trên thế giới, tên miền là một tài sản có giá trị thương mại nhưng không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ. Tên miền và đối tượng sở hữu trí tuệ là 2 khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau do sự tồn tại độc lập của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định về quản lý tên miền.
Những tên miền đắt giá nhất thế giới Insure.com: Được bán cho QuinStreet với giá 16 triệu USD vào năm 2009. Sex.com: gần đây nhất vào năm 2006, tên miền này được bán với giá 14 triệu USD. Fund.com: Địa chỉ web này được bán với giá 9,99 triệu USD vào năm 2008. Porn.com: Địa chỉ này được bán với giá khoảng 9,5 triệu USD vào năm 2007. Business.com: Vào năm 1999 tên miền này được bán với giá 7,5 triệu USD. Diamond.com: Công ty Ice.com đã mua tên miền này với giá công bố là 7,5 triệu USD vào năm 2006. Beer.com: Tên miền này được bán với giá 7 triệu USD vào năm 2004. Israel.com: Joel Noel Friedman, người Mỹ gốc do thái đã mua tên miền này với giá 5,88 triệu USD. Casino.com: Trang web Casino được bán vào năm 2003 với giá tổng cộng là 5,5 triệu USD (cả tên miền và nội dung). Toys.com: Hãng bán lẻ Toys ’R Us đã mua tên miền Toys.com vào năm 2009 với giá 5,1 triệu USD. Vodka.com: Tên miền này được thông báo bán với giá 3 triệu USD. |
Trong thế giới công nghệ, tên miền được chia thành hai dạng: tên miền cấp cao quốc tế sử dụng chung (.com, .net, .biz, .info) và tên miền cấp cao mã quốc gia (ví dụ Việt Nam có tên miền mã quốc gia là .vn, Nhật Bản là .jp,...).
Đại diện của VNNIC cho biết, sự phát triển của nền kinh tế trực tuyến đã thúc đẩy việc phát triển website, đăng ký tên miền, và tên miền .vn không chỉ khẳng định thương hiệu Việt trên môi trường Internet mà còn góp phần biến nguồn tài nguyên này trở thành tài sản quốc gia có giá trị
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho rằng số lượng doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn vẫn còn thấp và cần phải thúc đẩy việc sử dụng tên miền Việt Nam trong thời gian tới.
"Đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì việc sử dụng tên miền .vn được coi như là một lời cam kết kinh doanh tại thị trường Việt Nam này", ông Dũng nói.
Các doanh nghiệp đăng ký tên miền .vn còn được hưởng hàng loạt ưu đãi cũng như lợi thế ngay tại thị trường Việt Nam. Tên miền .vn ngoài việc được được pháp luật Việt Nam bảo vệ thì hệ thống kỹ thuật máy chủ tên miền “.vn” (DNS) quốc gia được giám sát 24/24 giờ với hệ thống dự phòng đảm bảo độ tin cậy, vận hành an toàn, tên miền không bao giờ bị ngừng hay bị "trỏ" sang các trang web có nội dung khác.
Đó là chưa kể nếu đăng ký tên miền .vn thì việc truy vấn tên miền “.vn” từ phía người dùng tại Việt Nam luôn có tốc độ cao bởi được quản lý, đảm bảo bởi 7 cụm máy chủ DNS đặt tại các điểm khác nhau trên toàn thế giới.
Một số vụ tranh chấp điển hình
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc VNNIC Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh rằng tuy hiện nay đã có luật bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ nhưng VNNIC không đảm bảo cho doanh nghiệp có được tên miền liên quan.
Theo bà Hiền, không ai khác mà chính doanh nghiệp phải chủ động đăng ký các tên miền liên quan đến quyền lợi, lợi ích của mình.
"Cộng đồng doanh nghiệp cần lưu tâm đặc biệt tới vấn đề này để bảo vệ thương hiệu của mình trên Internet. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc sử dụng tên miền .vn để bảo vệ các thương hiệu Việt cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng và khách hàng để không bị thua thiệt ngay trên sân nhà", bà Hiền nói.
Tại Việt Nam trong thời gian qua, các tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa là tranh chấp phổ biến và câu chuyên này vẫn chưa có hồi kết.
Ngoài ra quản lý lỏng lẻo hoặc không chủ động theo dõi việc đăng ký, duy trì tên miền dẫn đến tên miền được đăng ký với tên của một chủ thể khác không liên quan đến mình, hoặc tên miền bị quá hạn mà không được tiếp tục duy trì tiếp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất tên miền, phát sinh các khiếu nại và tranh chấp.
Các chuyên gia tại hội thảo bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn. |
Sự việc thiếu chủ động đăng ký tên miền .vn không chỉ dừng ở các doanh nghiệp trong nước, tương tự vụ việc trên chính là tranh chấp tên miền giữa Australia and New Zealand Banking Group Limited (tên gọi là ANZ Bank) là một tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế nổi tiếng hoạt động ở Việt Nam.
Cả Báo Người Lao Động và ANZ Bank đã có chủ động trong việc kiện cáo đòi thu hồi tên miền nhưng trước đó khi tên miền bỏ ngỏ và giai đoạn ưu tiên đăng ký (2006) vẫn còn hiệu lực thì họ khá thờ ơ khiến xảy ra việc tranh chấp cho đến 10 năm sau.
Sau thời điểm kết thúc giai đoạn ưu tiên đăng ký tên miền Việt Nam cấp 2 vào năm 2006, các tổ chức, doanh nghiệp đã không mấy “mặn mà” trong việc đăng ký giữ tên miền liên quan đến tên tổ chức, doanh nghiệp của mình dù đã được khuyến cáo liên tục.
Hậu quả là, đã xảy ra các vụ việc tranh chấp liên quan tên miền nld.vn và nguoilaodong.vn giữa Báo Người Lao động và ScorpioDev Group, đơn vị đăng ký tên miền nld.vn và nguoilaodong.vn hồi cuối năm 2006.
Thậm chí như trường hợp của Báo Người Lao động dù đã có khiếu nại, yêu cầu VNNIC thu hồi tên miền nguoilaodong.vn do chủ thể ScorpioDev Group đăng ký. Tuy nhiên, sau khi tên miền này hết hạn do ScorpioDev Group đã không đóng phí duy trì cho năm tiếp theo nên tên miền nguoilaodong.vn ở trạng thái tự do nhưng Báo Người Lao động vẫn không đăng ký.
Ngoài ra, còn có một số vụ kiện tranh chấp tên miền gắn với thương hiệu của doanh nghiệp, điển hình như Biti’s đã đăng ký nhiều cụm tên miền khác nhau nhưng bitis.vn lại bị chủ thể khác nhanh tay đăng ký trước, tương tự tình trạng đó là những tên miền như Toyota.vn, camry.vn, innova.vn cũng dính phải tình trạng tranh kiện kéo dài.
Trung tâm An ninh mạng BKIS có lẽ là cái tên đã quen thuộc với người dùng máy tính Việt Nam. Tuy vậy, ít ai biết rằng tên miền www.bkav.com đãđược công ty này mua lại hồi 2013 từ một cá nhân ở nước ngoài với giá 2,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, hồi năm 2014 cũng xuất hiện thông tin rao bán những tên miền nổi tiếng như VietnamPublicbank.com, Vincomretail.com, nganhangxaydungvietnam.com với mức giá từ 10-20 tỷ đồng.
Theo số liệu của VNNIC, đã có 28.000 tên miền .vn được đăng ký sử dụng trong quý đầu tiên của năm 2016.
Từ đầu tháng 3/2016, VNNIC đã tiến hành chương trình thanh lọc và đưa các tên miền .vn không được duy trì vào trạng thái tự do. Việc này giúp tạo một sự công bằng trong việc sở hữu và sử dụng tên miền.
Trên thực tế, nhiều cá nhân và tổ chức đăng ký một loạt tên miền (thường là các tên quen thuộc, phổ biến) nhưng lại không đưa vào sử dụng trong một khoảng thời gian dài.
Để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên Internet quốc gia, VNNIC tiến hành việc thanh lọc và lấy lại quyền sử dụng của 25.000 tên miền .vn.
Các tên miền này sẽ được đưa ra thị trường để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực sự đăng ký quyền sử dụng. Chương trình thanh lọc tên miền tiếng Việt sẽ tiếp tục được triển khai cho đến hết năm nay. Đơn vị này cũng khuyến nghị các chủ thể có tên miền tiếng Việt đăng ký giai đoạn đầu (năm 2011) cần thực hiện việc gia hạn hoặc kích hoạt sử dụng các dịch vụ miễn phí tại địa chỉ dichvu.tenmientiengviet.vn để tránh bị đưa vào danh sách bị thanh lọc.
Đối với việc buộc trả lại tên miền “.vn”, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng biện pháp buộc trả lại tên miền “.vn” trong trường hợp chủ thể sử dụng tên miền “.vn” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
|
bảo vệ tên miền, đăng ký tên miền, domain, tên miền vn, Thạch An