Công nghệ - Sản phẩm

3 trở ngại đối với startup Việt

(PCWorldVN) Hạn chế trong tiếp cận tài chính, cải cách hành chính, và sự hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo là những trở ngại mà đa số doanh nghiệp hay tổ chức cá nhân khởi nghiệp đều gặp phải.

Phát biểu tại lễ khai trương Sáng kiến hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - Saigon Innovation Hub (SIHUB), ông Dominic Patrick Mellor - chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trưởng dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mêkông (MBI) khẳng định sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của ADB trong chiến lược hợp tác quốc gia với Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ADB đã dành ra 100 triệu USD cho năm 2018 để hỗ trợ môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, và MBI là một phần quan trọng trong kế hoạch này.

Qua nghiên cứu và thống kê, MBI nhận thấy có 3 trở ngại lớn thường ngăn cản sự phát triển của các startup, cụ thể là Hạn chế trong tiếp cận tài chính; Cải cách hành chính, và cuối cùng là Sự hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo của chính quyền sở tại.

"Việt Nam đang phải đối mặt với cả 3 trở ngại này", ông Dominic nhận định.

Ông Dominic Patrick Mellor.

Chuyên gia kinh tế ABD Dominic cho rằng, nguồn tài chính cho kinh doanh của hầu hết startup Việt vẫn lệ thuộc vào các khoản tiết kiệm cá nhân, sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè, trong khi đó các nguồn vốn vay khác thực sự là rất hiếm.

Trong lĩnh vực chính sách, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu nhân đôi số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở thời điểm năm 2020, và Việt Nam đã áp dụng chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới làm thước đo tiến bộ cải cách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dominic, Việt Nam vẫn bắt đầu với sự bất lợi so với các quốc gia khác bởi thủ tục thành lập còn khó khăn; các ưu đãi dành cho startup còn khó tiếp cận; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế vẫn chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp.

Ông Dominic khẳng định, MBI và ADB đã và đang hợp tác chặt chẽ với Sở KHCN TP.HCM trong việc xây dựng Khung kế hoạch hành động, qua đó giúp đưa TP.HCM trở thành một trung tâm của đổi mới, của sáng tạo, và thành quả đầu tiên của công việc này chính là Saigon Innovation Hub đi vào hoạt động.

Gần đây, MBI đã tài trợ cho Diễn đàn Kinh tế Tư nhân VPSF, và đối thoại thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nội địa với sự đại diện từ các doanh nhân trẻ. Diễn đàn này đã tiếp thu những phản hồi từ giới doanh nghiệp về việc làm thế nào xây dựng chính sách hỗ trợ môi trường kinh doanh thuận lợi.

Chúng tôi đặt niềm tin vào cam kết của Chính phủ Việt Nam biến điều đó thành hiện thực. Dẫu vậy cải cách cần thời gian.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn vui mừng khi mà Chính phủ không phải là đối tác duy nhất có khả năng hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bởi tại TP.HCM, MBI đã tìm được một đối tác đầy nhiệt huyết là Sở KHCN Thành phố.

Ông Dominic Patrick Mellor phát biểu.

PCWorld

40 năm Sở KHCN TP.HCM, An Huy, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,350,609       3/259