(PCWorldVN) Thông tin được ông Trần Tuấn Anh - Trưởng phòng cơ chế chính sách và quy hoạch, Bộ TTTT chia sẻ tại hội thảo Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên IoT.
Theo đại diện Bộ TTTT, hiện có 3 nhà mạng đang thử nghiệm mạng 4G LTE là VNPT, Vietel và Mobifone.
Tuy nhiên, liệu cả ba nhà mạng này có được cấp phép hay không thì vẫn còn phải chờ báo cáo kết quả thử nghiệm của các nhà mạng gửi về Bộ TTTT trong thời gian tới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng cho biết, số lượng nhà mạng được cấp phép cũng là vấn đề cần được xem xét bởi triển khai 4G sẽ thúc đẩy phát triển nhanh hạ tầng băng rộng, góp phần tăng trưởng GDP nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu thị trường với chất lượng dịch vụ bởi mạng 4G là mạng dữ liệu, vì vậy phải làm sao để thúc đẩy các dịch vụ nội dung thay vì cạnh tranh với các dịch vụ truyền thống (thoại, lướt net).
Ảnh minh họa. |
Nhận định về thời điểm cấp phép 4G của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm phụ trách thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để Việt Nam triển khai mạng 4G, không thể chậm hơn.
Thậm chí, theo ông Nam, Việt Nam có thể xem xét triển khai ngay mạng 4G Advance (còn được gọi là 4,5G) bởi hiện tại thì chi phí đầu tư cho một mạng 4G còn thấp hơn việc đầu tư cho một mạng 3G cách đây vài năm.
Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý khi triển khai mạng 4G, việc xây dựng hệ sinh thái cho sự bùng nổ của 4G LTE là rất quan trọng. Bên cạnh, sự đầu tư của các nhà mạng thì thị trường thiết bị đầu cuối cũng phải hết sức phong phú, bởi ngoài các smartphone thì còn có các thiết bị dùng trong các mô hình kinh doanh mới như Internet of Things.
"Vì vậy, cộng đồng người dùng cũng nên nắm bắt cơ hội này", ông Nam khuyến nghị.
Được biết, Qualcomm cũng đã có những hành động cụ thể trong việc thúc đẩy hệ sinh thái 4G như phối hợp với các nhà sản xuất thiết bị trong nước để sản xuất thiết bị đầu cuối.
4G, 4G LTE, Bằng Linh, internet of things, IoT, kỷ nguyên Internet of Things, mạng viễn thông, Qualcomm