(PCWorldVN) Số người chơi Pokémon GO cắm mặt vào smartphone nhiều đến nỗi giờ đây chỉ cần bạn móc điện thoại ra và 'chọt chọt' là những người xung quanh nghĩ bạn đang bắt Pokémon.
Thói quen xấu cắm mặt vào smartphone
Theo nhà phát triển Niantic, mục đích ban đầu khi sản xuất Pokémon GO chính là muốn tạo điều kiện người chơi vận động ngoài trời và tăng sự tương tác với những địa điểm có thật. Tuy vậy, một số chuyên gia tâm lý cảnh báo tình trạng gây nghiện “sớm tối cũng Pokémon” đang khiến mặt tiêu cực của trò chơi áp đảo hẳn mặt tích cực.
Với điều kiện đơn giản là có smartphone kết nối 3G và định vị GPS, người chơi có thể tham gia game bất kỳ khi nào họ muốn, dù là ngay tại nơi làm việc, trường học hoặc nơi công cộng. Không chỉ thế, người chơi còn có thể tận dụng ngay những khoảng thời gian rỗi như lúc chờ thang máy để “tận tình” bắt pokemon bất chấp tình trạng đang cản lối những người khác đang rất vội, gây những mâu thuẫn không đáng có.
Pokémon GO "mọi lúc mọi nơi". |
Đáng báo động là tình trạng “chơi ngầm” Pokémon GO đang diễn ra rất phổ biến. Một nhân viên văn phòng thú nhận trước đây anh chỉ dùng smartphone để lén chat trong khi họp hành, thì nay hành vi ấy đã chuyển sang chơi game mobile Pokémon GO. Anh này thừa nhận khi tập trung bắt pokemon thì hoàn toàn lơ là không thể tiếp nhận những vấn đề đang được thảo luận cuộc họp.
Tình trạng người chơi Pokémon GO cắm mặt vào smartphone nhiều đến nỗi giờ đây chỉ cần bạn móc điện thoại ra và “chọt chọt” là đã bị những người xung quanh “nghi vấn” đang thao tác chơi Pokémon GO.
Ảnh hưởng đến an toàn giao thông
Trong khi thế giới đang xôn xao những vụ tai nạn giao thông do tài xế mải chơi Pokémon GO khi đang cầm lái, hoặc những hành vi điều khiển ô tô bất thường, thì ở Việt Nam, các “tay chơi” sẵn sàng 1 tay rà smartphone 1 tay điều khiển xe máy, mắt chăm chăm đặt vào màn hình điện thoại, thi thoảng liếc ngang liếc dọc nhìn đường, bất chấp những rủi ro rình rập xung quanh.
Không riêng thế, cả những người chơi đi xe đạp cũng mạo hiểm y như những người đi xe máy, thậm chí họ còn dừng hẳn trên lòng đường hoặc lấn lướt trên vỉa hè nhằm di chuyển nhanh khi bắt pokemon. Những người này quên rằng họ đã vi phạm pháp luật vì hành vi sử dụng điện thoại trong khi đang điều khiển phương tiện giao thông.
Công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) ngập tràn người bắt Pokémon, bất chấp việc vi phạm Luật GTĐB. |
Tuy nhiên, không chỉ những người chơi đang điều khiển phương tiện giao thông mới tiềm tàng khả năng gặp tai nạn, mà chính những người chơi đi bộ cũng có thể gặp nguy hiểm không kém. Tại khu vực xung quanh công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM), không khó bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ cúi gằm mặt vào điện thoại chơi Pokémon GO khi băng ngang đường ngoài vạch kẻ dành riêng cho người đi bộ, hoặc di chuyển trên vỉa hè không thèm để ý phía trước là gì y như các “xác sống di động” (zombie) trong phim kinh dị.
Theo ghi nhận của PC World Vietnam, từ khi Pokémon GO chính thức chơi được tại Việt Nam thì vào thời gian tan sở tầm 16 giờ, nhiều người dừng/đậu xe trái phép dưới lòng đường Trương Định (đoạn cắt ngang công viên Tao Đàn) chỉ để “tranh thủ bắt vài Pokémon”, khiến lực lượng trật tự đô thị Q.1 (TP.HCM) thường xuyên phải ra quân giải tán nhằm trả lại sự thông thoáng cho con đường, tạo thuận lợi cho giao thông giờ cao điểm.
Gây mất an ninh trật tự
Trong khi TP.HCM đang tập trung truy quét làm giảm tệ nạn cướp giật trong năm 2016, thì sự xuất hiện của Pokémon GO lại tạo điều kiện cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng vì chưa bao giờ mà người chơi game lại thoải mái và dễ dàng “tung tăng” với chiếc smartphone trên đường như hiện nay, bất chấp những cặp mắt gian xảo dòm ngó xung quanh.
Đã có không ít cảnh báo về việc giơ điện thoại ra ngoài đường với nhiều nguy cơ dễ bị cướp giật. Tuy thế, giới trẻ chơi Pokémon GO lại tỏ ra khá tự tin khi ra đường đi chơi với một nhóm đông bạn bè, bỏ lơ các cảnh báo ngoài tai. Và chỉ trong tíc tắc, chiếc smartphone giá trị hơn chục triệu đồng “không cánh mà bay” trước sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của chủ nhân.
Không chỉ vậy, việc tụ tập của người chơi Pokémon GO gây cho cư dân địa phương không ít lo ngại.
Tuy ở nước ta chưa ghi nhận cụ thể thái độ phản ứng của người dân, nhưng hôm 10/8 vừa qua, một cặp vợ chồng tại Mỹ đã đâm đơn kiện
Nguy cơ lộ thông tin vì mã độc
Nếu như trước đây, người chơi Pokémon GO phải sử dụng các gói cài đặt nguy hiểm để được tham gia trò chơi thì nay nhiều người còn có xu hướng tìm kiếm ứng dụng hỗ trợ hoặc giúp tìm hiểu trò chơi nhanh hơn.
Mặc dù các ứng dụng này có mặt trên App Store hoặc Google Play, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng không “tặng kèm” mã độc cho phép tin tặc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị của người dùng.
Bịt mặt bắt Pokémon chắc gì đã an toàn? |
Mặt khác, người chơi Pokémon GO cũng cần phải cảnh giác với những bài hướng dẫn về trò chơi có nội dung yêu cầu tải về những công cụ hỗ trợ. Biết đâu đó trong những liên kết lành mạnh, sẽ có liên kết “giúp” tải về và cài đặt các ứng dụng không chỉ đánh cắp thông tin cá nhân mà còn moi tiền của người dùng. Mà lúc đó thiệt hại xảy ra rồi thì “có trời cứu”.
Không đảm bảo an ninh thông tin
Do Pokémon GO sử dụng tính năng định vị GPS cùng camera (máy ảnh tích hợp trên điện thoại) để quay chụp, đồng thời có tính năng thu thập thông tin gửi cho nhà phát triển Niantic, nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng dữ liệu thu thập được qua trò chơi có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác.
Không chỉ thế, có chuyên gia an ninh còn cho rằng chỉ cần thả vài con pokemon quý hiếm vào khu vực nào đó, sẽ khiến người chơi đổ dồn vào khu vực ấy với lý do “lùng bắt Pokémon”, bất chấp khu vực ấy thuộc địa điểm quan trọng không được phép quay phim, chụp ảnh.
Mới đây nhất, vụ Cộng đồng Google Map Maker kêu gọi người chơi Pokémon GO Việt dừng gửi thông tin sai sự thật lên bản đồ Google Maps đã phần nào làm dấy lên sự lo ngại khi Google không thể kiểm soát độ chính xác các vị trí trên bản đồ. Việc này ảnh hưởng đến nhiều người đang sử dụng bản đồ Google Maps do không tìm được sản phẩm thay thế để định vị chính xác bằng GPS.
Nhìn chung, khi chơi Pokémon GO thì người chơi cần tự kiểm soát giờ giấc và đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ an toàn của bản thân, tránh sa đà vào trò chơi.
Ảnh: Huy Thắng
Augmented reality, game mobile, Hồng Linh, Nintendo, Pokemon GO, Pokémon GO, thực tế ảo, tương tác thực tế