Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM: Hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo

(PCWorldVN) 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn sẽ được UBND TP.HCM hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020.

UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình hỗ trợ bao gồm 2 nội dung chính: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo với 5 nhiệm vụ bao gồm: Đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo (dự án 1); Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp (dự án 2); Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm (dự án 3); Hỗ trợ thực hiện đổi mới công nghệ (dự án 4); Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mua sắm công thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP) (dự án 5).

Ảnh minh họa.

- Dự án 1 và 2: Đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo với mục tiêu 30% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm (Cơ khí chế tạo; Điện tử - Công nghệ thông tin; Hóa chất, hóa dược – Cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm), 10% doanh nghiệp thuộc các ngành còn lại; Tư vấn nâng cao năng suất chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp với mục tiêu hỗ trợ 10% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, 3% doanh nghiệp thuộc các nhóm còn lại, hình thành 20 doanh nghiệp kiểu mẫu.

- Dự án 3: Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm với mục tiêu hỗ trợ 300 dự án trên cơ sở có sự tham gia của doanh nghiệp cùng đầu tư thực hiện.

- Dự án 4: Hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc các ngành trọng yếu được tham gia Chương trình vay kích cầu đầu tư của Thành phố để đổi mới công nghệ, mục tiêu hỗ trợ 200 dự án.

- Dự án 5: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mới có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được tạo điều kiện thuận lợi tham gia thị trường mua sắm công với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án.

Hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bao gồm 5 nhiệm vụ: Hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp (dự án 1); Hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM (dự án 2); Đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (dự án 3); Thúc đẩy hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp (dự án 4); Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính và pháp lý (dự án 5).

- Dự án 1: nhằm mục tiêu qui hoạch và thu hút đầu tư dự án khởi nghiệp với tổng quy mô 40.000 m2 trên toàn thành phố. Trong đó hợp tác theo hình thức đối tác công tư với đối tác trong và ngoài nước để xây dựng và vận hành 2 cơ sở ươm tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo, nhằm phục vụ 2 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Xây dựng hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp (40.000 m2), bao gồm nhưng không giới hạn dịch vụ văn phòng, thực nghiệm, logistic, thư viện, hội trường.

- Dự án 2: Nhằm mục tiêu hình thành các hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo…

- Dự án 3: Đào tạo cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mục tiêu sẽ có 50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ hoạt động đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp, xây dựng bộ công cụ và giáo trình online về đào tạo sáng tạo và khởi nghiệp.

- Dự án 4: Thúc đẩy hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp nhằm gia tăng chỉ số khởi nghiệp của Thành phố tăng 20% sau 5 năm và gắn kết các cộng đồng khởi nghiệp, các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội kể cả của nước ngoài.

- Dự án 5: Xây dựng các công cụ hỗ trợ tài chính và pháp lý nhằm mục tiêu xây dựng các chính sách ưu đãi, các công cụ hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của Thành phố.

Việc tổ chức giám sát và đánh giá hiệu quả của chương trình được UBND TP.HCM phân công cho Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhằm đảm bảo chương trình đạt được các mục tiêu đã đề ra và có hiệu quả. Nội dung cụ thể bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thống kê; Xây dựng bộ công cụ đánh giá; Tổ chức điều tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện hàng năm; Khuyến nghị điều chỉnh các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện. 

Mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2016-2020

  • Về năng suất lao động:

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 từ 6,5%/năm trở lên. Trong đó: năng suất lao động của doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố tăng 12%/năm; năng suất lao động của các doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp tăng 15%/năm.

  • Về ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm; Đến 50% doanh nghiệp vừa và lớn ngoài nhà nước được tư vấn thành lập, sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho 10.000 doanh nghiệp, trong đó có 30% là các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm; Hỗ trợ 1.000 dự án đổi mới công nghệ, sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng.

  • Về khởi nghiệp sáng tạo:

Hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo.

PCWorld

khoa học công nghệ, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, sở hữu trí tuệ, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,369,810       28/1,351