Công nghệ - Sản phẩm

Cài đặt và sử dụng macOS Sierra

(PCWorldVN) Mặc dù hệ điều hành mới dành cho máy tính của Apple là macOS Sierra chỉ cho phép nâng cấp thông qua kho ứng dụng Mac App Store, nhưng bạn cũng có thể cài theo cách khác nữa.

Tải về và dùng thử macOS Sierra trực tiếp từ hệ điều hành
Hiện tại, hệ điều hành macOS Sierra đang ở giai đoạn thử nghiệm và sắp được phát hành chính thức vào khoảng tháng 9 năm nay. Nếu quá nôn nóng để trải nghiệm phiên bản mới này, bạn có thể đăng ký chương trình Apple Beta Software Program tại đây

Sau khi đăng ký thành công thì khi đăng nhập tài khoản Apple ID đã đăng ký lên kho Mac App Store > nhận mã “redeem”  thì phiên bản macOS Sierra Beta sẽ hiện ra và cho phép bạn tải về.

Sau khi tải về, bạn có thể cài đặt hệ điều hành này theo các bước của trình Witget Installer. Bạn cũng có thể chép toàn bộ file cài đặt này vào ổ cứng gắn ngoài hoặc USB để lưu giữ. Nơi lưu file cài đặt này tại mục Applications của hệ điều hành macOS. File cài đặt đồng thời cũng là “source” để tạo USB cài đặt macOS cho MacBook hay iMac sẽ được đề cập ở phần sau.

Tải về macOS Sierra từ kho ứng dụng Mac App Store.

Trên đây là cách cài đặt (hoặc nâng cấp) lên macOS Sierra ngay từ hệ điều hành cũ, chẳng hạn như OS X Marvericks hay El Capitan… Cách này có ưu điểm là các bước thực hiện đơn giản, tuy nhiên bạn có thể sẽ gặp nhiều lỗi phát sinh và hệ điều hành không ổn định.

File cài đặt macOS Sierra được lưu trong Applications.

Cài mới macOS Sierra từ ổ đĩa USB
So với cách nâng cấp lên macOS Sierra trực tiếp từ hệ điều hành cũ thì cách cài mới sẽ giúp cho máy tính chạy ổn định và ít phát sinh lỗi hơn. Tuy nhiên, thao tác thực hiện cũng phức tạp với nhiều bước hơn.

Tạo USB cài đặt macOS Sierra bằng Terminal.

- Trước hết, bạn cần chuẩn bị một ổ đĩa di động hoặc USB có dung lượng ít nhất 8 GB. Để cho quá trình cài đặt được thực hiện nhanh hơn, bạn nên dùng chuẩn USB 3.0.

Hệ điều hành macOS Sierra sẽ được Apple cho nâng cấp miễn phí đối với mọi máy Mac sản xuất từ năm 2010, MacBook và iMac từ năm 2009 đến nay. Bên cạnh đó, đối với những dòng máy có cấu hình phần cứng chạy ổn định với OS X 10.11 El Capitan vẫn có thể cài đặt và sử dụng được hệ điều hành này.

- Tiếp theo, bạn chuẩn bị file cài đặt hệ điều hành macOS Sierra (xem ở phần trên), tốt nhất bạn nên đổi cho file cài đặt này thành một cái tên ngắn gọn (chẳng hạn như Beta.app hoặc Install.app). Việc này sẽ tiện hơn cho việc thao tác dòng lệnh ở các bước sau.

Thông báo sử dụng USB làm ổ đĩa sao lưu.

- Cắm USB vào máy Mac > khởi động trình dòng lệnh Terminal từ Applications > Utilities.

- Gõ lệnh sau vào cửa sổ Terminal (lưu ý đường dẫn của file cài đặt macOS – nếu lưu ở Applications thì bạn đổi đường dẫn thành Applications/Beta.app, Untitled bên dưới là tên ổ đĩa USB):

sudo /Applications/Install\ macOS\ Sierra\ Public\ Beta.app/Contents/Resources/createinstallmedia --volume /Volumes/Untitled --applicationpath /Applications/Install\ macOS\ Sierra\ Public\ Beta.app

- Nhập mật khẩu máy tính > nhấn Return khi dòng Password hiện ra trong Terminal (lưu ý các ký tự mật khẩu sẽ không hiện ra nên bạn phải nhập thật cẩn thận) > nhấn Y khi thông báo xác nhận định dạng lại ổ đĩa USB hiện ra và đợi khoảng 1 phút để quá trình tạo USB cài đặt hoàn tất.

- Nếu có thông báo “Do you want to use…” để hỏi bạn có muốn dùng ổ đĩa để sao lưu với Time Machine hay không thì bạn chọn Don’t Use.

- Khi cửa sổ Terminal hiện thông báo Copy complete và Done thì bạn có thể tắt cửa sổ Terminal và bắt đầu cài mới hệ điều hành macOS Sierra.

- Trước khi cài mới hệ điều hành, bạn nên sao lưu những dữ liệu quan trọng vì mọi dữ liệu sẽ bị xóa trong quá trình cài macOS Sierra.

- Cắm USB cài đặt vừa tạo vào máy tính Mac, khởi động lại hệ thống đồng thời nhấn nút Option trên bàn phím và chuyển tùy chọn boot sang USB.

- Khi máy tính khởi động vào giao diện cài đặt macOS Sierra, bạn vào menu Utilities và chọn Disk Utility để định dạng hay phân vùng lại ổ đĩa.

Bạn chọn định dạng OS X Extended (Journaled) với Scheme là GUID Partition Map.

- Sau khi định dạng lại ổ đĩa, bạn tắt trình Disk Utility và tiến hành cài đặt hệ điều hành macOS Sierra theo các bước của trình widget là xong.
Khai thác các tính năng mới

Hoàn tất quá trình tạo USB cài đặt bằng Terminal.

1. Trợ lý ảo Siri
Sau khi Cortana đã được Microsoft chính thức tích hợp vào hệ điều hành Windows 10 thì từ phiên bản macOS 10.12, Apple cũng mang trợ lý ảo Siri nổi tiếng của mình lên nền tảng dành cho máy tính Mac. Hiện tại, Siri trên Sierra chưa hỗ trợ khẩu lệnh “Hey, Siri” để kích hoạt nhanh như trên iOS, nhưng người dùng có thể dùng phím tắt Fn+<dấu cách> để gọi nhanh hoặc nhấn chuột vào biểu tượng Siri ở trên góc phải của thanh menu.

Giao diện của hệ điều hành macOS Sierra.

Ngoài việc trả lời nhanh các câu hỏi truy vấn của người dùng như trên iOS, bạn cũng có thể sao chép các dữ liệu từ cửa sổ tìm kiếm với Siri sang các ứng dụng khác như Text Edit hay Pages… Trước khi sử dụng Siri, bạn cần thực hiện một số thao tác thiết lập bằng cách vào System Preferences > chọn Siri. Tại đây, bạn chọn ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh, giọng nói phản hồi (Siri Voice) trong danh sách, tắt hay mở chức năng phản hồi bằng giọng nói Voice feedback (nên tắt khi dùng ở nơi yên tĩnh) và thay đổi cụm phím tắt kích hoạt nhanh. Nếu cảm thấy khó chịu biểu tượng Siri hiện ở thanh menu, thì bạn bỏ tùy chọn Show Siri in menu bar là xong.

Người dùng có thể kích hoạt hay tắt Siri ngay ở bước cài đặt khi lần đầu tiên thiết lập hệ điều hành.

Một số câu lệnh dùng với Siri trên macOS Sierra:

  • Show the PDFs in my downloads folder (tìm các file PDF trong thư mục download).
  • Just the PDFs I worked on last week (tìm các file PDF mà tôi đã làm việc trong tuần trước).
  • Look up the score for tonight’s football game (xem kết quả đá bóng tối qua)
  • Get directions to the closest coffee shop (Tìm đường đi đến quán cà phê).
  • How much free space is on my Mac? (Máy Mac hiện còn trống bao nhiêu dung lượng).
  • Locate all the files I worked on yesterday (Tìm các dữ liệu tôi đã làm vào hôm qua).
  • Play some 80s songs (câu lệnh này áp dụng cho người dùng đăng ký Apple Music, để ra lệnh chơi một vài bài hát thập niên 80).
  • What’s the weather like in Ho Chi Minh City? (Báo thời tiết tại TP.HCM)
  • Show me photos I took last year (Hiển thị các hình ảnh đã chụp vào năm ngoái).
  • Send a message to… (Gửi một tin nhắn đến ai đó).

Trợ lý ảo Siri trên macOS Sierra.

2. Chức năng Universal Clipboard
Chức năng này giúp bạn có thể copy bất kỳ thứ gì ở iPhone và sau đó dán (paste) vào iPad hay macOS Sierra và ngược lại thông qua chức năng Continuity. Universal Clipboard sẽ rất hữu ích khi bạn sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm Apple và muốn quá trình làm việc của mình được diễn ra liên tục.

Chuyển nội dung đã copy từ iOS sang macOS.

3. Dùng chức năng PiP để vừa xem phim vừa làm việc
Giống như trên iOS, macOS mới cũng hỗ trợ chức năng xem video dạng Picture in Picture. Bạn có thể xuất nội dung của video trên các trang web sang kiểu hiển thị PiP để hiện nổi lên trên desktop mà không bị giao diện trình duyệt bao bọc. Ngoài ra, chức năng này còn hỗ trợ hiển thị đa màn hình, tức bạn có thể chuyển giao diện PiP này sang màn hình khác dễ dàng.

Chức năng Picture in Picture trên macOS Sierra.

4. Chức năng tự động xóa thùng rác
Hệ điều hành mới của Apple đã bổ sung chức năng tự giải phóng không gian lưu trữ bằng cách tự xóa những dữ liệu bên trong thùng rác (Trash) sau 30 ngày. Để kích hoạt chức năng này, bạn vào Finder >  nhấn File > Preferences > Advanced và nhấn chọn mục Remove items from the Trash after 30 days. Để tắt chức năng này, bạn chỉ việc bỏ tùy chọn này là xong.

Tắt chức năng tự động xóa thùng rác sau 30 ngày.

5. Tối ưu dung lượng lưu trữ
Mặc định, chức năng iCloud tích hợp trên macOS Sierra sẽ bật chức năng tự động upload những dữ liệu lưu trên Desktop và thư mục Documents lên iCloud Drive. Bạn cũng có thể tắt hay bật chức năng Store in iCloud bằng cách vào logo Apple > About this Mac > chọn mục Storage > Detail và vào mục Store in iCloud để thiết lập theo ý thích.

Chức năng tối ưu dung lượng lưu trữ trên macOS Sierra.

Cũng tại giao diện này, bạn có thể tối ưu dung lượng lưu trữ cho ổ cứng bằng chức năng Optimize Storage. Sau khi nhấn nút Optimize, hệ thống sẽ xóa những file phim, TV Show đã xem trên iTunes, những file đính kèm email cũ…

Chức năng Reduce Clutter cũng cho phép bạn xem và xóa những dữ liệu cũ không dùng đến trên Mac.

6. Tạo kỷ niệm trên Photos
Giống như Google Photos, ứng dụng Photos trên macOS Sierra đã hỗ trợ chức năng gợi nhớ kỷ niệm. Chức năng này sẽ gom những hình ảnh được chụp cùng ngày diễn ra vào những năm trước đó. Để sử dụng chức năng này, từ ứng dụng Photos, bạn vào thẻ Memories để xem các kỷ niệm do ứng dụng đề xuất. Bạn cũng có thể tinh chỉnh, thay đổi tùy thích.

Ngoài chức năng gợi nhớ kỷ niệm, ứng dụng Photos mới cũng hỗ trợ công nghệ nhận diện khuôn mặt cải tiến giúp không xảy ra tình trạng “nhận diện nhầm”. Chức năng bản đồ ảnh cho phép người dùng xem ảnh dựa trên vị trí địa lý. Bên cạnh đó, chức năng tìm kiếm ảnh cũng thông minh hơn với tùy chọn tìm nội dung có trong bức ảnh, chẳng hạn như tìm ảnh cảnh vật, con người, hoa…

Apple đã giới thiệu chuẩn file hệ thống mới trên macOS Sierra có tên gọi Apple File System hay APFS. APFS hỗ trợ tốt mọi tính năng hiện có của chuẩn file hệ thống HFS+ hiện thời, nhưng được tối ưu để dùng với ổ đĩa Flash/SSD. Ngoài ra, tính năng mã hóa dữ liệu, copy dữ liệu, chia sẻ không gian lưu trữ, quản lý dữ liệu… mạnh hơn.

Hiện tại, bản beta chưa được bổ sung tùy chọn định dạng ổ cứng chuẩn APFS, tuy nhiên theo Apple cho biết là sẽ cập nhật APFS cho macOS vào năm 2017.

7. Xem trước nội dung đường dẫn trên Messages
Giống như trên iOS 10, Apple cũng cải tiến trình nhắn tin Messages trên macOS với giao diện hiện đại và nhiều tính năng hơn. Nổi bật nhất là chức năng xem trước nội dung của những đường dẫn (link), hình ảnh trên một khung nhỏ. Với cách này, bạn không cần phải mở trình duyệt để xem nội dung hay không phải lo ngại những trang web chứa mã độc được chia sẻ trên Message nữa.

8. Tắt mở các plug-in dễ dàng trên Safari
Trên Safari 10 tích hợp sẵn trên macOS Sierra, Apple đã bổ sung chức năng vô hiệu hoặc kích hoạt các plug-in để chạy các nội dung như Adobe Flash, Java, Silverlight hay QuickTime… Vì trình duyệt hiện tại đã tối ưu cho nội dung HTML5 nên người dùng không cần dùng đến các plug-in này nữa ở một số trang web. Để vô hiệu hóa các plug-in này, ở giao diện thông báo Would you like to use... bạn nhấn Use Once nếu muốn dùng chỉ một lần này, Use Every Time nếu muốn dùng mọi lúc và Cancel nếu không dùng.

PC WORLD VN, 08/2016
 

PCWorld

App Store, Apple, hệ điều hành, MacOS, MacOS Sierra


© 2021 FAP
  3,369,488       6/1,141