Công nghệ - Sản phẩm

Thương mại hóa sáng chế: Chủ động và sáng tạo

(PCWorldVN) Sản phẩm sáng chế chỉ có giá trị khi đã thương mại hóa, bản thân doanh nghiệp thì phải chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong khuôn khổ Lễ tổng kết Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ IV, Sở KHCN TP.HCM phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố tổ chức buổi tọa đàm “Khởi sự kinh doanh từ Bằng độc quyền sáng chế”.

Tọa đàm “Khởi sự kinh doanh từ Bằng độc quyền sáng chế”.

Bà Phạm Thị Kim Loan (Giải Nhất Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ IV) nhận xét các doanh nghiệp Việt Nam phải tự đổi mới và cải tiến sáng chế, đặc biệt là trong hoàn cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Là người tận hưởng nhiều ích lợi từ Bằng độc quyền Sáng chế, bà Loan cho biết Bằng độc quyền Sáng chế mang đến cơ hội và ưu thế rất lớn cho nhà sáng chế, nhất là khả năng cạnh tranh về công nghệ do được bảo hộ độc quyền khai thác thị trường trong một khoảng thời gian nhất định.

Đồng ý với quan điểm của bà Loan, Tiến sĩ Nguyễn Văn Viễn – Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho rằng không có cách nào khác là phải sáng tạo, đặc biệt là tạo ra cái của cá nhân nhà sáng chế.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng (trái) trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho đại diện Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM.

Theo đó, ông Viễn nhấn mạnh quyền sở hữu cá nhân của nhà sáng chế và hứa hẹn Hội sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn dành cho các nhà sáng chế, khuyến khích sáng tạo cao hơn bằng nhiều giải thưởng khác nhau, đồng thời hỗ trợ các nhà sáng chế thương mại hóa sản phẩm - đích đến cuối cùng của sự sáng tạo.

Kết nối các hoạt động hỗ trợ các nhà sáng chế, ông Trịnh Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở KHCN Thành phố cho biết Sở đang triển khai các chương trình phát triển KHCN, đồng thời thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, Sở cũng tiến hành hoạt động phổ biến quyền sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tập huấn kỹ năng, kết nối cung - cầu giúp các nhà sáng chế nắm bắt thời cơ và quyền lợi nhằm thương mại hóa sản phẩm tốt hơn, đặc biệt là trong các hoạt động chuyển giao công nghệ và định giá sản phẩm.

Theo ông Tâm, ngoài việc sáng tạo sản phẩm, các nhà sáng chế còn cần sáng tạo ngay trong việc thương mại hóa sáng chế, thậm chí là định hướng này cần phải bắt đầu ngay từ giai đoạn đầu của khởi nghiệp sáng chế - sáng tạo.

Trao đổi trực tiếp về lợi ích bảo hộ giống cây trồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Giải Nhất Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ IV) tỏ ra khá hồ hởi vì Bằng độc quyền Sáng chế không chỉ mang lại lợi ích trong lãnh thổ Việt Nam, mà còn được bảo hộ sở hữu trí tuệ ở một số quốc gia theo các công ước quốc tế. Qua đó, doanh nghiệp sẽ cơ hội phát huy tính tích cực của sáng chế trong việc phục vụ cộng đồng và khai thác kinh doanh.

Hai tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm (thứ 2, từ trái) và Phạm Thị Kim Loan (thứ 2, từ phải) tại Lễ tổng kết Giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ IV.

Quay trở lại những thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bà Loan nhìn nhận sản phẩm sáng chế chỉ có giá trị khi đã thương mại hóa sản phẩm. Bà cũng đề cập đến sự khó khăn của sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao khi tiếp cận thị trường bởi 2 nguyên nhân: không thể ồ ạt thương mại hóa như sản phẩm tiêu dùng thông thường và phải quản trị tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Theo đó, hai vấn đề mà các doanh nghiệp sáng tạo cần phải quan tâm là: cần được hỗ trợ bảo hộ sáng chế ở nhiều quốc gia với mức chi phí hợp lý, cần có đội ngũ tư vấn đăng ký sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia, nhưng bản thân doanh nghiệp phải sáng tạo và linh hoạt trong việc giới thiệu sản phẩm ra thị trường. 

PCWorld

40 năm Sở KHCN TP.HCM, Hồng Linh, khởi nghiệp công nghệ, sáng chế khoa học, Sở KHCN TPHCM, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,387,716       1/571