(PCWorldVN) Phát hiện mới nhất cho thấy các mẫu vòng đeo tay thông minh, smartwatch hướng đến mục đích chăm sóc sức khỏe không thực sự hiệu quả như người dùng vẫn nghĩ.
Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe (Fitness tracker) nói chung hay những mẫu vòng đeo tay thông minh, smartwatch với những tính năng giúp người dùng theo dõi các chỉ số về sức khỏe ngày nay có lẽ cũng đã dần trở nên quen thuộc với người dùng hiện đại. Với những thiết bị thông minh nói trên, người dùng có thể dễ dàng biết được lượng calo đã tiêu hao, quãng đường đã chạy trong lúc tập luyện thể thao, hay thậm chí còn có thể biết chính xác nhịp tim để cân chỉnh cường độ tập luyện và hàng tá tính năng khác được thiết kế nhằm tối ưu cho việc theo dõi quá trình tập luyện của chủ nhân thiết bị.
Fitness tracker hiện cũng nhận không ít những bình luận, đánh giá tốt về những tính năng mà những thiết bị này mang lại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất lại cho thấy một điều hoàn toàn trái ngược đó là những thiết bị đeo theo dõi sức khỏe thực sự chẳng hiệu quả như người dùng vẫn nghĩ.
Người dùng muốn giảm cân thực sự tốt nhất đừng quá dựa vào những thiết bị đeo theo dõi sức khỏe. |
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ Journal of the American Medical Association (JAMA) dựa trên 470 người thừa cân có độ tuổi từ 18 đến 35 tình nguyện tham gia với mục đích chính là mong muốn được giảm cân. Nhóm nghiên cứu tiến hành chia đôi lượng người tình nguyện tham gia thành 2 nhóm riêng biệt song đều dùng chung một lời khuyên và phương pháp để tiến hành giảm cân. Tuy nhiên, một trong 2 nhóm này được biết có sử dụng thiết bị đeo thông minh nói trên. Qua quá trình tập luyện và theo dõi, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những tình nguyện viên thuộc nhóm không sử dụng các thiết bị đeo thông minh hỗ trợ chỉ giảm được 3,5kg. Trong khi đó, nhóm người tình nguyện tham gia nghiên cứu không sử dụng các thiết bị Fitness tracker giảm đến gần 6kg sau quá trình tập luyện.
Trước kết quả này, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng những thiết bị đeo thực sự không giúp người dùng giảm cân và mang lại kết quả tốt nhất cho người dùng muốn chăm sóc sức khỏe bản thân. Lý giải cho điều này, JAMA cho rằng nhóm người sử dụng các thiết bị đeo thông minh đã quá tin tưởng vào những kết quả mà họ xem thấy hằng ngày sau quá trình tập luyện. Chính điều này đã khiến họ mất đi tính kiên trì để đạt được thành quả trong quá trình tập luyện giảm cân. Ví dụ, nếu người dùng xem và biết được kết quả số bước chân hoặc lượng calo tiêu hao của họ đã vượt qua mức đề xuất ban đầu, họ sẽ cảm thấy mãn nguyện và mất đi những nỗ lực để đạt được mức đề xuất cao hơn trong quá trình tập luyện. Quan trọng hơn, việc liên tục đưa ra những lời nhắc nhở thường xuyên từ thiết bị hỗ trợ trong khi mục tiêu không đạt như mong đợi cũng có thể khiến người dùng xuống tinh thần tập luyện.
Theo giới quan sát, dù vẫn chưa rõ về chi tiết quá trình cũng như lịch trình tập luyện của nhóm tình nguyện viên này, song đây cũng là một thông tin khá thú vị. Thiết nghĩ, người dùng tốt hơn nên tập trung vào luyện tập và ăn kiêng theo cơ sở khoa học để giảm cân và chăm sóc sức khỏe bản thân thay vì quá tin tưởng vào những thiết bị đeo trị giá vài trăm USD trên cổ tay.
chăm sóc sức khỏe, Mai Hoa, smartband, smartwatch, thiết bị đeo, thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, vòng đeo tay thông minh