Công nghệ - Sản phẩm

Cận cảnh card đồ họa RX 480 Strix Gaming OC 8GB

(PCWorldVN) Đây là dòng sản phẩm đặc biệt của dòng GPU tầm trung AMD RX 480, trang bị nhiều công nghệ hiện đại của Asus, cạnh tranh trực tiếp với nVidia GeForce GTX 1060.

Ở phân khúc bộ xử lý đồ họa tầm trung, có vẻ như mọi người hay so kè nVidia GeForce GTX 1060 với AMD Radeon RX 480. Tuy vậy, khác với chiến lược giá rẻ của AMD, Asus tung ra card đồ họa RX 480 Strix Gaming OC 8GB (tên mã Strix-RX480-O8G-Gaming) chất lượng cao, tự tạo lợi thế cạnh tranh bằng loạt linh kiện cao cấp và công nghệ tân tiến.

Do vậy, RX 480 Strix Gaming OC 8GB nhắm đến giới game thủ muốn sở hữu một card đồ họa chuyên game tầm trung không quá đắt tiền nhưng sở hữu nhiều tính năng cao cấp. 

Card có vẻ ngoài chắc chắn.

Vì được ép xung sẵn trước khi xuất xưởng nên hiển nhiên xung nhịp đồng hồ của RX 480 Strix Gaming OC 8GB cao hơn mức ép xung 1266MHz của card mẫu AMD RX 480, đạt đến 1310MHz.

Khi cầm Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB trên tay, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác chắc chắn và rất cứng cáp. Thậm chí, Asus còn trang bị thêm 1 tấm backplate đằng sau card nhằm bảo vệ các mối hàn ở bảng mạch.

Backplate trơn bóng che kín các mối hàn.

Gây ấn tượng ngay từ vẻ bên ngoài, do được Asus định vị là dòng sản phẩm chuyên game nên Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB khoác trên mình công nghệ tản nhiệt DirectCU III có 3 quạt Wing-Blade 90mm, trông “hầm hố” hơn hẳn card AMD RX 480 chuẩn chỉ 1 quạt. 

Nếu xét "như một thói quen" hiện nay thì card đồ họa càng có nhiều quạt (tối đa là 3) thì càng đắt tiền, ngoại trừ những phiên bản đặc biệt dùng tản nhiệt nước.

Không để vẻ ngoài hào nhoáng đánh lừa, thử nghiệm viên quyết định gỡ lớp nhựa che gần quạt. Thì ra đó chỉ là tấm lót đèn Aura RGB trang trí.

Quan sát kỹ card, thử nghiệm viên thấy có 5 ống dẫn nhiệt chạy xen giữa 2 khối lá nhôm. Trong số đó, 4/5 ống dẫn nhiệt áp trực tiếp vào bề mặt GPU, đồng thời có 1 tấm kim loại trắng bạc giúp làm mát các mạch điện. Đây là kết cấu tản nhiệt tương tự trên card đồ họa cao cấp Asus ROG Strix GTX 1080.

Hình ảnh card sau khi bỏ tấm che RGB.

Theo Asus, trong điều kiện nhất định, quạt sẽ chỉ chạy nếu bộ xử lý đồ họa chạm ngưỡng 60 độ C. Đặc điểm này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn giảm tiếng ồn, đặc biệt ở những môi trường cần sự yên tĩnh. 

Sự đồ sộ và chắc chắn của kết cấu hệ thống tản nhiệt của Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB được minh chứng qua loạt ảnh chụp thực tế dưới đây.

Ở bộ phận I/O, card có 1 cổng DVI, 2 cổng HDMI và 2 cổng DisplayPorts. So với các dòng sản phẩm khác, Asus quyết định thay thế 1 cổng DisplayPorts bằng 1 cổng HDMI nhằm hỗ trợ vừa sử dụng cho các thiết bị thực tế ảo VR vừa cắm được vào TV. Điều này mang lại lợi thế cho Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB so với đối thủ GeForce GTX 1060 thường chỉ có 1 cổng HDMI và 3 DisplayPorts.

Bộ phận I/O.

Áp dụng chuẩn HDMI 2.0b và DisplayPort 1.3, về lý thuyết, card có khả năng xuất hình ảnh có độ phân giải 4K ở tốc độ dựng hình 120Hz hoặc 5K ở 60Hz, hoặc thậm chí là 8K ở 60Hz trong kịch bản chạy chế độ đồ họa kép bằng 2 card RX 480. Mặt khác, do sử dụng kiến trúc Polaris nên card RX 480 sẽ được các bo mạch chủ hỗ trợ chạy đồ họa kép trực tiếp, không cần đến cầu nối CrossFire.

So với card mẫu RX 480 chỉ dùng 1 đầu cấp nguồn PCIe 6 chân thì Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB cần đến đầu cấp nguồn PCIe 8 chân, tiêu thụ điện khoảng 225W. 

Card cần đầu cấp nguồn 8 chân.

Với vẻ đồ sộ, hiển nhiên card chiếm 2 khe PCIe trên bo mạch chủ.

Asus RX 480 Strix Gaming OC gắn trên bo mạch chủ Biostar Racing Z170GT7.

 Giá tham khảo: 9 triệu đồng.

PCWorld

AMD, card đồ họa, Hồng Linh, NVIDIA, phần cứng game, RX 480


© 2021 FAP
  3,369,799       40/1,379