(PCWorldVN) Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho rằng những đề tài, dự án hoặc chương trình hỗ trợ đồng bào thiểu số đang triển khai cần mời các nhà khoa học tham gia tư vấn.
Sở KHCN TP.HCM sáng 28/9 phối hợp với Ban Dân tộc Thành phố tổ chức Hội thảo “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác dân tộc trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020”.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã lần lượt trình bày những vấn đề đang gặp phải nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao mức sống, đảm bảo ổn định đời sống xã hội và an ninh quốc phòng. Trong số đó nổi lên hai vấn đề, đó là sự hội nhập của các cộng đồng đồng bào thiểu số nhập cư vào TP.HCM sau năm 1975; và sự phát sinh các cộng đồng người Hàn Quốc và người Nhật Bản đang sinh sống, làm việc trên địa bàn.
Một đại biểu đặt vấn đề về công tác dân tộc. |
Có thể nói, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, xem trọng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Những vấn đề này là mấu chốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế và an ninh xã hội của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung nếu không được giải quyết đúng đắn.
Công tác dân tộc là vấn đề có tính chiến lược và cấp bách, nếu không giải quyết đúng đắn, triệt để các vấn đề về dân tộc, những vấn đề nảy sinh trong đồng bào dân tộc sẽ có tác động đến TP.HCM nhất định trở thành điểm nóng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến phát triển bền vững của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Chính vì vậy, thực tiễn này đòi hỏi Thành phố cần phải quan tâm hơn nữa, thực hiện ngày càng tốt hơn nữa công tác dân tộc, công tác tôn giáo, nhân quyền.
Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng phát biểu tổng kết Hội thảo. |
Tổng kết buổi Hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM xác định hai nội dung quan trọng mà Thành phố cần tiến hành là cần đánh giá lại những chính sách công tác dân tộc đã thực hiện trong những năm qua, cùng với việc điều tra khảo sát toàn diện về quy mô các dân tộc tại Thành phố nhằm kiến nghị T.Ư có cơ chế mở về chính sách dân tộc cho TP.HCM.
Hồng Linh, quản lý nhà nước, Sở KHCN TPHCM, truyền thông khoa học công nghệ