Công nghệ - Sản phẩm

6 lý do nên dùng ổ lưu trữ mạng NAS

(PCWorldVN) Tăng dung lượng lưu trữ, tự sao lưu dữ liệu, tạo đám mây riêng, làm việc cộng tác,… là những đặc điểm khiến NAS được nhiều người chọn dùng.

Tăng dung lượng lưu trữ
Một trong những lý do chính mà hầu hết người dùng chọn thiết bị NAS (Network-attached storage) là để tăng dung lượng lưu trữ thay vì chỉ lưu dữ liệu trong ổ cứng cục bộ trên máy tính cá nhân. Từ người dùng hộ gia đình cho đến người dùng văn phòng đều có thể chọn NAS phù hợp với nhu cầu lưu trữ dữ liệu, giải trí đa phương tiện, sao lưu dữ liệu, chia sẻ tài nguyên… Ngoài việc phân bổ không gian lưu trữ riêng cho từng người dùng cá nhân, bạn có thể chia sẻ những thư mục dùng chung để mọi người đều có thể truy xuất, chẳng hạn như các thư mục giải trí đa phương tiện.
NAS cho phép kết hợp nhiều ổ cứng vật lý với nhau nhằm tăng dung lượng lưu trữ.
Hiện nay, công nghệ ổ cứng dành cho máy tính cá nhân chỉ giới hạn ở mức 8-10TB nhưng các mẫu ổ NAS với nhiều khay có thể kết hợp nhiều ổ cứng chuyên dụng cho NAS với nhau để tăng tổng dung lượng lưu trữ lên đến hàng chục TB. Nhờ vậy, bạn có thể thoải mái sao lưu những bộ phim HD, hình ảnh và nhạc chất lượng cao mà không lo đến việc hết dung lượng.
Tự động sao lưu dữ liệu
Sao lưu là công việc không thể thiếu đối với mọi người dùng máy tính. Về cơ bản, việc sao lưu dữ liệu máy tính không khác gì so với thao tác sao chép các tập tin cần thiết vào một ổ đĩa khác để dự phòng. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn phải chọn để sao chép hàng nghìn thư mục, tập tin trên máy tính của mình vào ổ NAS thì cực kỳ mất thời gian. Chính vì vậy, các hãng sản xuất NAS đều cung cấp các công cụ nhằm giúp tự động hóa quy trình sao lưu sau khi người dùng thực hiện bất kỳ việc chỉnh sửa nào trên các thư mục, tập tin đã được thiết lập trong kế hoạch sao lưu.
Nếu bạn muốn đảm bảo rằng dữ liệu của mình được sao lưu đáng tin cậy hơn thì có thể sử dụng các thiết lập RAID trên NAS (với điều kiện ổ NAS trang bị từ hai khay đĩa trở lên). Cấu hình RAID có nghĩa là khi có sự thay đổi được thực hiện trên một máy tính cục bộ thì ngay lập tức dữ liệu cũng được sao lưu vào NAS, sau đó được tự động sao chép vào nhiều ổ đĩa cứng của NAS mà bạn không cần phải thực hiện thêm bất kỳ thao tác nào. Các mức Raid 1,5, hay 10 thường được dùng để đảm bảo an toàn dữ liệu, phòng khi có đĩa cứng bất ngờ bị hỏng (Raid 0 dùng để tăng tốc độ truy xuất dữ liệu). 
Dễ dàng làm việc cộng tác
Chắc hẳn chúng ta đều từng phải sử dụng email để gửi tài liệu báo cáo cho đồng nghiệp hay khách hàng, dẫn đến việc hộp thư của mình chứa đến hàng trăm bản sao của cùng một tài liệu. Giờ đây, nhờ sử dụng ổ NAS, chúng ta có thể tránh tình trạng trên bằng cách chia sẻ và cho phép mọi người trong văn phòng cùng có quyền truy xuất vào tài liệu của mình. Ngoài ra, bạn có thể cấp quyền cho một vài người được phép chỉnh sửa tài liệu đó, giống như cách thực hiện trên Google Docs hay Office 365.
NAS là giải pháp lưu trữ phù hợp cho môi trường làm việc cộng tác.
Bên cạnh đó, không như các thiết bị lưu trữ thường được gắn trực tiếp vào máy tính thông qua cổng USB, ổ NAS được kết nối bằng cổng Ethernet vào router trong hệ thống mạng của bạn. Điều này cho phép nhiều máy tính trong mạng có thể chia sẻ và truy cập thông tin như tài liệu, hình ảnh, nhạc và video. Thậm chí, các thiết bị di động như laptop, smartphone hay tablet cũng có thể truy xuất thông qua hệ thống mạng không dây Wi-Fi.
Bảo vệ dữ liệu an toàn
Hầu hết người dùng máy tính nào cũng đều có chung nỗi lo lắng rằng ổ cứng có thể bị hỏng bất cứ lúc nào. Khi đó, mọi dữ liệu lưu trong ổ cứng máy tính khó lòng có thể được cứu sống. Khác với máy tính cá nhân, ổ NAS cho phép bạn có thể đặt dữ liệu của mình an toàn trên một ổ đĩa kết nối với hệ thống mạng mà không bị ảnh hưởng bởi các lỗi phần cứng cục bộ.
Bởi vì các thiết bị NAS cũng có hệ điều hành riêng nên chúng thậm chí có thể được tích hợp chức năng mã hóa dữ liệu, giúp bảo vệ dữ liệu của bạn khỏi những cặp mắt tò mò bên ngoài mạng. Bảo mật luôn là một vấn đề cần được nhắc đến dù bạn đang dùng NAS ở nhà hay văn phòng. Ngoài chức năng mã hóa dữ liệu, một số mẫu NAS thậm chí còn được bảo vệ bằng tường lửa vốn đóng vai trò rất quan trọng để ngăn chặn hacker hay các loại virus máy tính.
Dễ dàng biến thành máy chủ
Các hệ thống NAS hiện đại có thể đóng vai trò như một máy chủ thu nhỏ bởi nó cũng trang bị bộ xử lý CPU, cũng có bộ nhớ RAM, có khả năng kết nối mạng qua cổng Ethernet hay thậm chí là kết nối mạng không dây như Wi-Fi, và quan trọng nhất là chúng có thể chạy những phiên bản hệ điều hành nhúng thu gọn.
NAS cũng được trang bị CPU, RAM và có thể hoạt động như một máy chủ thực sự.
Một trong những lợi ích lớn nhất của thiết bị NAS là có thể thiết lập để bắt đầu hoạt động một cách dễ dàng mà không quá phức tạp. Hầu hết các mẫu NAS đều sử dụng giao diện dựa trên nền web đơn giản để thiết lập và truy xuất các cài đặt thiết bị. Nhiều nhà sản xuất còn cung cấp các phiên bản ứng dụng di động cho phép người dùng có thể thiết lập cũng như truy xuất ổ NAS từ smartphone, tablet.
Tạo đám mây riêng
Lưu trữ đám mây thực sự rất tiện lợi và điều đó không cần phải tranh cãi. Tuy nhiên, đa phần người dùng đều lo lắng về vấn đề bảo mật thông tin cũng như rủi ro mất cắp khi lưu trữ dữ liệu lên các dịch vụ đám mây công cộng. Vì lý do đó, hầu hết các mẫu ổ mạng NAS hiện nay đều cung cấp thêm tùy chọn phần mềm để người dùng tự tạo đám mây cho riêng họ, cho phép cấu hình truy xuất từ xa thông qua mạng Internet. Bạn có thể mở tài liệu để xem, chỉnh sửa và chia sẻ dữ liệu cho người khác.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cấp cho người thân, bạn bè một vùng không gian riêng trong ổ cứng mạng NAS đang gắn ở nhà hay văn phòng của mình, nhằm chia sẻ thư viện hình, nhạc, tài liệu học tập lưu trữ trên đó. Nói cách khác, khi trang bị một ổ NAS có tính năng đám mây thì bạn đã là chủ sở hữu một đám mây của riêng mình, có thể lưu trữ dữ liệu và truy xuất mọi lúc mọi nơi, thậm chí chia sẻ cho người khác cùng sử dụng.
PCWorld

giải pháp lưu trữ, Huy Thắng, NAS, ổ cứng mạng, thiết bị lưu trữ mạng


© 2021 FAP
  3,482,833       2/961