Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone Asus ZenFone 3 Laser

(PCWorldVN) Asus ZenFone 3 Laser có thiết kế tốt, hiệu năng sử dụng khá và chức năng chụp ảnh ưu việt. Đáng tiếc là có vài điểm trừ như thời lượng pin chưa cao và mức rung thấp.

Ở mức giá 5,99 triệu đồng, ZenFone 3 Laser là mẫu smartphone được Asus hướng tới phân khúc tầm trung với đối tượng khách hàng trẻ, yêu thích chụp ảnh.

So với các "người anh em" ZenFone 3 khác có mức giá từ 8 triệu đến 16 triệu thì ZenFone 3 Laser là lựa chọn vừa túi tiền hơn với đa số người dùng.

ZenFone 3 Laser nổi bật với chức năng chụp ảnh.
Thiết kế

Cần nói ngay là ZenFone 3 Laser có thiết kế đẹp, ấn tượng mặc dù có mức giá dưới 8 triệu. Máy có bộ vỏ nhựa phủ kim loại trông thực sự sang trọng, các đường nét bo cong các cạnh, góc và kiểu thiết kế mặt sau khiến máy thoạt nhìn trông khá giống với HTC One M7.

Tuy nhiên, khi ngắm kỹ hơn thì đường nét, các khe loa, tai nghe, khe SIM... lại khiến chúng ta liên tưởng đến thiết kế của "quả táo" iPhone 6 hay 6S.

Máy có viền màn hình hai bên mỏng, lớp kính cong 2.5D giúp cho thao tác cảm ứng với một tay được thoải mái hơn. Asus vẫn trung thành với kiểu đặt 3 nút cảm ứng đặc trưng của Android xuống bên dưới màn hình, trong khi đó bên trên màn hình là vị trí của loa thoại, cảm biến tiệm cận, camera phụ được trau chuốt khá bắt mắt.

Viền màn hình của máy khá mỏng.
Mặt sau của ZenFone 3 Laser là nơi bố trí của cảm biến nhận diện dấu vân tay. Bên trên bộ phận bảo mật đặc biệt này là camera chính, đèn laser lấy nét và đèn flash LED trợ sáng. Các nút bấm được đặt toàn bộ ở cạnh phải, trong khi khe SIM được đặt ở cạnh trái.

Xét về tổng thể, thiết kế của ZenFone 3 Laser trông đẹp, ấn tượng nhưng về mức độ "chỉn chu" thì chưa bằng dòng ZenFone 3 hay ZenFone 3 Deluxe.

Xem thêm ảnh thiết kế chi tiết của ZenFone 3 Laser: 

Màn hình

ZenFone 3 Laser được trang bị màn hình 5,5 inch công nghệ IPS LCD, hỗ trợ độ phân giải Full HD (1.080x1.920 pixel) với mật độ điểm ảnh đạt khoảng 401 ppi. Có thể nói, xét cả về thông số lẫn khả năng hiển thị thực tế thì màn hình của dòng smartphone này cao nếu xét ở phân khúc giá. Máy có độ sáng tối đa khá cao nên Test Lab không hề gặp trở ngại nào khi dùng máy ở ngoài trời. Chất lượng hiển thị của màn hình khi bật chế độ tự động cân chỉnh độ sáng dựa trên điều kiện môi trường (Auto Brightness) tốt với độ chi tiết cao, góc nhìn rộng, màu sắc đẹp.

Như đã nhắc ở trên, do viền khá mỏng nên màn hình của ZenFone 3 Laser chiếm hơn 73% so với toàn bộ mặt trước. Một điểm cộng nữa ở màn hình ZenFone 3 Laser là mặc dù viền mỏng, nhưng việc sử dụng vẫn khá thoải mái và ít gặp tình trạng vô tình chạm nhờ lớp kính cong mép. Lớp kính cường lực Corning Gorilla Glass 3 của máy cũng giúp cho máy chống chịu va đập và trầy xước tốt hơn.

Camera

Có thể nói, chức năng chụp ảnh là điểm sáng lớn nhất của ZenFone 3 Laser, mặc dù vẫn còn một số điểm trừ nhỏ. Máy có camera chính ở mặt sau 13 megapixel có khẩu độ f/2.0, cảm biến có kích thước 1/3 inch, hỗ trợ lấy nét laser và đèn trợ sáng 2 màu (Dual tone). Trong khi đó, camera phụ ở mặt trước 8 megapixel cũng có khẩu độ f/2.0 với ống kính góc rộng giúp chụp ảnh selfie tốt hơn.

Khác với các dòng ZenFone trước đó, ZenFone 3 Laser sử dụng cảm biến ảnh của Sony, mặt kính bảo vệ camera bằng Sapphire, tích hợp công nghệ chống trung điện tử 3 trục và có đèn lấy nét bằng Laser cho tốc độ lấy nét cực nhanh, theo công bố là 0,03 giây.

Test Lab nhận thấy chất lượng ảnh chụp của ZenFone 3 Laser không khác biệt nhiều so với ZenFone 3. Khi thiết lập chế độ chụp tự động với chất lượng (Image Quality) là Standard (mức cao nhất là Fine), độ phân giải 10M tỉ lệ 16:9 thì hình ảnh chụp được đẹp, sắc nét. Màu sắc được tái tạo với độ trung thực cao, gam màu xanh lá trông khá "mát mắt" và không bị tình trạng nhợt nhạt hay bị ám gam màu xám như các dòng ZenFone tiền nhiệm.

Tuy nhiên, đó là chất lượng thực của camera khi chụp ở điều kiện ban ngày, khi chụp đêm hay thiếu sáng thì ảnh bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiễu hạt và nhòe khi chụp ảnh chuyển động.

Chất lượng ảnh chụp selfie với camera trước tốt, độ chi tiết khá cao. Mặc dù vậy, nếu để mặc định các tùy chọn của chế độ làm đẹp ảnh chân dung thì ảnh sẽ bị làm đẹp quá mức dẫn đến mất tự nhiên. Do đó, bạn cần tinh chỉnh lại các thông số làm mịn, sáng da, độ to của mắt, hay thu nhỏ cằm... sao cho phù hợp để có được bức ảnh selfie ấn tượng nhất.

Giao diện chụp ảnh.
Đi sâu hơn ở chức năng lấy nét bằng tia laser của sản phẩm. Thực tế sử dụng cho thấy máy có tốc độ lấy nét khá nhanh khi chụp chân dung hay phong cảnh. Nhờ tia laser đo khoảng cách giữa chủ thể với máy nên ảnh chụp được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi chụp macro với các đối tượng ở gần thì có vẻ như chức năng lấy nét laser chưa thực sự hiệu quả. Do đó, sau vài lần sử dụng, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm kết hợp chức năng khóa nét (nhấn đè lên giao diện chụp ảnh) và lấy nét laser để có được bức ảnh macro đẹp hơn.

Asus trang bị rất nhiều chế độ chụp ảnh cho ZenFone 3 Lase, từ Auto (hoàn toàn tự động) đến Manual (chỉnh thủ công các thông số như ISO, White Balance, độ mở...), HDR Pro (chụp ảnh có dải tương phản rộng), Beautification (ảnh chân dung đẹp), ảnh siêu độ phân giải (Super Resolution), ảnh em bé (Children), ảnh đêm (Low Light), hay quét mã QR Code... Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể kích hoạt chế độ ổn định hình ảnh khi quay phim (Video stabilization), bật độ sáng thông minh (Smart brightness) để thoải mái hơn khi chụp ảnh...

Rất nhiều chế độ chụp cài sẵn trên ZenFone 3 Laser.
Một điểm yếu nhỏ của ZenFone 3 Laser là mặc dù tích hợp chức năng vừa quay phim vừa chụp hình, nhưng máy có vẻ bị giật, thậm chí bị tắt đột ngột ứng dụng Camera khi nhấn chụp hình trong lúc đang ghi hình. Có lẽ Asus chưa tối ưu được việc khai thác tài nguyên phần cứng để xử lý hai tác vụ quay phim và chụp hình cùng lúc. Ngoài ra, máy cũng có mức rung khá thấp nên khi để vào túi thì khi cuộc gọi đến rất khó nhận ra. Đây cũng là nhược điểm của ZenFone 3 đã từng được Test Lab đánh giá trước đó.

Xem ảnh chụp thực tế với camera của ZenFone 3 Laser: 

Hệ điều hành và tính năng

Giống như các phiên bản ZenFone 3 khác, Laser cũng được cài sẵn hệ điều hành Android 6.0.1 Marshmallow với giao diện tùy biến ZenUI phiên bản 3.0 mới của Asus.

Các tính năng trên ZenUI mới về cơ bản cũng tương tự như phiên bản trước, nhưng tốc độ đáp ứng thao tác nhanh và mượt hơn. Màn hình khóa (Lockscreen) giờ đây hiển thị nhiều thông tin hơn, người dùng có thể tùy biến, cho hoặc không cho phép hiện loại thông tin nào. Chức năng tìm kiếm nhanh bằng cách vuốt từ trên xuống ngay màn hình chủ (Home Screen) tương tự như iOS đã được tích hợp giúp đơn giản hóa thao tác trên hệ điều hành hơn. Thanh thông báo với các biểu tượng lớn, trực quan hơn, người dùng cũng có thể tinh chỉnh các công cụ hiện trên cửa sổ cài đặt nhanh (Quick Settings) bằng cách kéo thả.

Xem ảnh giao diện sử dụng của ZenFone 3 Laser: 

Chức năng bảo mật cảm biến vân tay của máy hoạt động khá tốt, độ nhạy cao, tốc độ nhận diện nhanh. Điểm nhấn của chức năng này là bạn có thể mở máy bằng cách chạm lên cảm biến kể cả lúc màn hình đang tắt. Kiểu bố trí của mặt sau mặc dù khá thuận tiện trong lúc mở máy nhanh, nhưng lại không phù hợp để bạn dùng với nhiều ngón khác, ngoại trừ ngón trỏ.

Bạn có thể xem thêm đánh giá hệ điều hành và tính năng của ZenFone 3 tại đây.

Hiệu năng

So với các dòng ZenFone Laser trước đây thì phiên bản ZenFone 3 Laser này đã được Asus cải tiến về cấu hình. Máy được trang bị chip SoC Qualcomm MSM8937 Snapdragon 430 với CPU 8 nhân Cortex-A53 có tốc độ xung nhịp 1,4GHz, nhân đồ họa Adreno 505. Máy cũng có bộ nhớ trong 32GB, có thể bổ sung với thẻ microSD tối đa 256GB, 4GB RAM. Có thể nói, mức cấu hình này là khá cao với một smartphone có tầm giá dưới 8 triệu đồng.

Cấu hình của máy đã mang lại hiệu năng sử dụng tốt, đảm nhận hiệu quả với hầu hết mọi tác vụ, kể cả với các game đòi hỏi nhiều tài nguyên. Tuy vậy, thời lượng pin của máy lại khiến Test Lab thất vọng mặc dù Asus trang bị pin tích hợp có dung lượng 3.000mAh. Khi sử dụng bình thường với Wi-Fi bật liên tục, nghe gọi, nhắn tin, lướt web, thỉnh thoảng cập nhật Facebook, chụp ảnh thì máy đạt khoảng gần 1 ngày sử dụng. Nếu chơi game hay lướt web nhiều hơn thì máy chỉ đạt khoảng hơn nửa ngày sử dụng.

Có lẽ, thiết nghĩ, vì cấu hình cao nên máy đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để vận hành.

Xem thêm kết quả đo hiệu năng chi tiết bằng các công cụ benchmark:

PCWorld

Asus, Asus Zenfone 3 Laser, đánh giá điện thoại, Smartphone


© 2021 FAP
  3,482,582       2/961