Công nghệ - Sản phẩm

Đam mê là động lực cho nghiên cứu khoa học công nghệ

(PCWorldVN) Ngoài ra, cần kêu gọi xã hội hóa vốn đầu tư nghiên cứu KHCN, đặc biệt là từ các doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào sản xuất và kinh doanh.

Đó là hai trong số rất nhiều nội dung thú vị được nêu ra tại buổi tọa đàm Chân dung nhà khoa học trẻ ngành KHCN do Sở KHCN TP.HCM phối hợp với kênh truyền hình FBNC chủ trì tổ chức sáng 15/10/2016.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng tọa đàm trực tiếp với sinh viên ngành KHCN.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM) cho biết Sở KHCN Thành phố hiện có nhiều chương trình hỗ trợ cho giảng viên - sinh viên trẻ tham gia thị trường KHCN nhằm tích lũy kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, điển hình như vườn ươm công nghệ.

Bên cạnh đó, Sở KHCN Thành phố cũng hỗ trợ kinh phí từ vài chục triệu đồng cho nhiều chương trình nghiên cứu về nông nghiệp, sinh học…, thậm chí đến vài chục tỷ đồng cho các dự án lớn như nghiên cứu radar, nghiên cứu vi mạch.

Nhưng theo ông Phùng, kinh phí đầu tư nghiên cứu KHCN như vậy là chưa đủ.

"Khát vọng làm giàu là chính đáng, nhưng chúng ta phải có trang bị gì để khát vọng đấy trở thành sự thật.

Chúng ta cứ bảo nền giáo dục, chính sách của chúng ta có vấn đề, nhưng thay vì ngồi đó và chờ, chúng ta phải làm gì? Tôi chỉ khuyên các em ngồi đây, mỗi cá nhân là một tương lai của đất nước, thì các em nên trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất, để khi ra trường, góp được một phần nhỏ nào đấy cho sự phát triển của Đất nước."

GS.Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ

Về vấn đề làm sao để nhà khoa học làm giàu, ông Phùng xác định không có nghiên cứu nào phục vụ việc làm giàu, mà việc nghiên cứu là tìm hiểu và truyền đạt tri thức với kỳ vọng các thế hệ sau có thể kế tục, phát huy.

Giáo sư Phùng khẳng định, trong hầu hết giảng viên, chủ nhiệm đề tài khoa học mà ông biết và Sở KHCN Thành phố có hỗ trợ kinh phí cho họ nghiên cứu khoa học thì "động lực của họ là niềm đam mê, và từ niềm đam mê đó, họ tìm những sự sáng tạo".

Đồng quan điểm với ông Phùng, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Anh Thi (Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM) phân tích trách nhiệm và vai trò của doanh nhân và nhà khoa học là khác nhau.

Ông Thi nhấn mạnh vai trò của nhà khoa học là khám phá các tri thức mới, còn vai trò của doanh nhân là ứng dụng tri thức vào cuộc sống. Do đó, nếu nhà khoa học dịch chuyển nghiên cứu về sát với nhu cầu của doanh nhân thì sẽ có được sự hỗ trợ và kết hợp tốt hơn.

Mô tả vui về “mối thù truyền kiếp” của khối kinh doanh và khối kỹ thuật trong doanh nghiệp, Tổng biên tập kênh truyền hình FBNC Bùi Văn cho rằng cần có sự kết nối và hỗ trợ giữa sinh viên ngành kinh doanh với sinh viên ngành kỹ thuật.

Ông Văn thẳng thắn nêu quan điểm rằng, nếu một người tự làm KHCN và bán ý tưởng, giải pháp KHCN thì xác suất thành công chỉ ở mức 5%, còn nếu biết kết hợp với doanh nghiệp thì xác suất thành công sẽ tăng thêm.

Vấn đề chảy máu chất xám, ông Hoàng Minh Châu - nguyên Phó Chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng nguyên nhân là thiếu sự liên lạc giữa môi trường đào tạo và doanh nghiệp, là khoảng cách của chương trình đào tạo với nhu cầu nhân sự của các công ty.

Ông Châu dẫn chứng, nếu như trước đây, ngành CNTT từ một nghiên cứu để ra thị trường cần vài năm thì bây giờ chỉ cần 3 tháng. Trong khi đó, chương trình dạy không cập nhật các vấn đề của đời sống sẽ rất dễ lạc hậu và doanh nghiệp luôn phải tái đào tạo.

“Luôn có một khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và nhu cầu của doanh nghiệp. Khoảng cách này không bao giờ về mức 0, mà chỉ có thể thu hẹp lại, và muốn làm được điều đó thì nhà trường và doanh nghiệp cần có sự hợp tác, trao đổi qua lại lẫn nhau. Làm được việc này, sinh viên ra trường có đủ kiến thức để làm việc còn doanh nghiệp cũng sẽ đỡ mất công đào tạo lại, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ tốn thời gian”, ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.

Tọa đàm - Chân dung nhân sự trẻ ngành khoa học công nghệ nằm trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy phát triển tiềm lực KHCN mà Sở KHCN TP.HCM thực hiện nhằm đóng góp vào mục tiêu chung, xây dựng TP.HCM sớm trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho rằng, với các nhân sự đang làm nghiên cứu thì động lực chính là đam mê; và với các bạn sinh viên, để có thể tham gia nghiên cứu khoa học thì trước hết cần tập trung vào học tập, hun đúc niềm say mê khoa học và nếu có điều kiện thì ngay từ năm thứ 2 hay thứ 3 là các bạn có thể xin các giảng viên tham gia các hoạt động hỗ trợ cho các dự án, nghiên cứu.

Cũng theo Giáo sư Phùng, việc đầu tư cho KHCN là nên làm, nhưng cần biết rằng nhà nước không thể đủ kinh phí để đầu tư cho tất cả, do đó cần có nguồn xã hội hóa.

Bộ KHCN đã ra một thông tư thành lập Quy phát triển KHCN của các doanh nghiệp. Trong đó yêu cầu DN NN phải trích 3-10% doanh thu trước thuế để phục vụ cho hoạt động KHCN, và đó mới là nguồn lực chính.

PCWorld

Hồng Linh, khoa học công nghệ, Sở KHCN TPHCM, truyền thông khoa học công nghệ


© 2021 FAP
  3,480,695       13/1,103