(PCWorldVN) AMD chuẩn bị cho một bộ xử lý có kiến trúc hoàn toàn mới, hy vọng hâm nóng lại thị trường bộ xử lý máy tính đã nguội lạnh trong nhiều năm qua.
Thị trường CPU cho máy tính để bàn hiện nay có chút gì đó tĩnh mịch, khi mà Intel vẫn thống trị nền tảng x86 với dòng sản phẩm Core i3, i5 và i7. Nhưng có vẻ thị trường này đang đến hồi nóng lại khi bộ xử lý tiếp theo của AMD chuẩn bị xuất hiện, với kiến trúc mới toanh, có tên mã là Zen. Theo thông cáo báo chí của AMD, dòng Zen được thiết kế để tối đa hóa băng thông dữ liệu và thực thi tập lệnh, hỗ trợ cache bộ nhớ độ trễ thấp (giúp cải thiện 40% xung nhịp mỗi tập lệnh so với nhân AMD thế hệ trước), nhưng vẫn giữ mức điện năng tiêu thụ như cũ.
Mặc dù những công bố này có thể khiến thị trường xôn xao ít nhiều nếu bộ xử lý Zen "lật đổ" được ngôi vương của Intel. Nhưng thế mạnh của Intel còn nằm ở thị phần, cho phép hãng tự tin đặt mức giá cho CPU cao hơn nhiều so với sản phẩm của AMD. Nếu AMD có được một dòng Zen "đủ chất" thì có thể Intel sẽ phải cân nhắc lại chiến lược về giá bán, mà cụ thể là buộc phải hạ giá dòng CPU Core.
Bộ xử lý AMD với kiến trúc Zen mới hứa hẹn Intel sẽ phải kiêng dè. |
Nhưng không như trước đây, thị phần của Intel sụt giảm đôi chút không chỉ vì AMD mà còn vì ARM. Tính cạnh tranh này đã khiến Intel phải cập nhật dòng CPU của họ.
Trở lại với Zen, đây là thiết kế bộ xử lý mới nhất của AMD kể từ thiết kế Bulldozer đã 5 năm tuổi. Một số thông tin rò rỉ cho thấy chip Zen dành cho máy chủ có thể có đến 24 đến 32 nhân, chia thành 2 loại. Còn CPU Zen dành cho desktop cũng sẽ có 4 và 8 nhân, 8 và 16 luồng, có xung nhịp gốc 2,8GHz. AMD cũng sẽ sử dụng công nghệ sản xuất 14nm FinFET và hỗ trợ RAM DDR4. Vẫn chưa ai biết chắc khi nào Zen sẽ chính thức có mặt trên thị trường nhưng nếu có, bạn sẽ phải cần một bo mạch chủ mới để chạy được với Zen. Nhìn sơ qua, với 2 CPU desktop chạy mức điện năng TDP ở 65W, 4 nhân và 95W 8 nhân, CPU Zen có vẻ ít ngốn điện hơn CPU của Intel. Còn dòng CPU từ 91W đến 140W dành cho máy chủ và PC nhúng cũng là chọn lựa hấp dẫn hơn mà AMD muốn mang lại cho doanh nghiệp.
Việc thiếu đi tính cạnh tranh trong thị trường chip bộ xử lý đã kìm hãm sự cải tiến sản phẩm trong nhiều năm qua. Vậy nên khi AMD trình làng kiến trúc mới này, có thể thị trường này sẽ sôi động trở lại và Intel không thể ngồi yên mãi được.
Trong khi đó, chính bản thân Intel cũng đang bận rộn với kiến trúc mới nhất của họ có tên mã là Kaby Lake, tiếp theo nền tảng Skylake. Hiện thời, Kaby Lake mới chỉ xuất hiện trên chip di động dành cho máy tính bảng và một số thiết bị cầm tay khác (có tên là Kaby Lake-Y) và bộ xử lý cho laptop (Kaby Lake-U), có nghĩa là dòng Kaby Lake này chú trọng đến điện năng tiêu tốn hơn (lần lượt là 4,5W và 15W), giữ cho pin chạy càng lâu càng tốt, còn về sức mạnh xử lý lại không có gì ấn tượng. Nên có thể người dùng phải chờ đến 2017 mới có thể thấy được một CPU nào đó mạnh hơn của Intel. Hãng cũng không còn bám theo lộ trình tick-tock và định luật Moore truyền thống của mình nữa nên điều này cũng sẽ không có thêm kiến trúc mới nào xuất hiện trong quy trình sản xuất bộ xử lý của Intel.
Vì vậy, trong khi CPU "đỉnh" hiện nay của Intel cho để bàn là Core i7-7700K có xung nhịp gốc là 4,2GHz và ở chế độ Turbo là 4,5GHz thì tốc độ này có thể xem là tối đa mà người dùng có thể đạt được. Và sự trỗi dậy của AMD Zen vẫn có thể chưa vươn tới được mức này.
Chi tiết kỹ thuật của Zen:
AMD, bộ xử lý, Bùi Lê Duy, Intel, Zen