Công nghệ - Sản phẩm

Galaxy Note 7: Bài học của sự vội vã

(PCWorldVN) Lỗi cháy nổ trên siêu phẩm Galaxy Note 7 được đánh giá là điều tồi tệ nhất xảy ra với Samsung, và rất có thể scandal này xuất phát từ sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo tập đoàn.

Samsung bắt đầu thay đổi chiến lược ra mắt dòng sản phẩm Galaxy Note vào năm 2015 khi giới thiệu mẫu Note 5 vào giữa tháng 8, thay vì tháng 9 như truyền thống nhằm tận dụng lợi thế so với iPhone 6S Plus công bố sau đó.

Năm nay 2016, chiếc Galaxy Note 7 được ra mắt thậm chí còn sớm hơn (2/8) khiến giới phân tích bất ngờ, và theo Bloomberg thì Samsung có thể đã vội vã phát triển sản phẩm trước những tin đồn cho rằng thế hệ iPhone mới không phải là một sản phẩm được Apple "đại tu" toàn diện.

Do đó, công ty Hàn Quốc đã xúc tiến nhanh lịch ra mắt chiếc Galaxy Note đầu tiên có màn hình cong ở hai bên, tích hợp bộ quét mống mắt và khả năng chống thấm nước tuyệt đối.

Jay Y Lee bước vào vị trí Chủ tịch Samsung trong bối cảnh tập đoàn gặp khủng hoảng nặng nề.

Để làm điều này, Samsung đã dồn áp lực vào các đối tác cung cấp thành phần để bắt kịp lịch trình tăng tốc của mình.

Thực sự Note 7 đã làm tốt trong việc thu hút khách hàng toàn cầu, nhưng chỉ sau vài tuần ra mắt máy đã gặp sự cố đáng tiếc khi pin bốc cháy, buộc Samsung phải thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 đã bán ra thị trường - như là một hậu quả tất yếu của hành động nóng vội.

SDI - công ty con của Samsung, đã lần đầu tiên được giao nhiệm vụ sản xuất pin cho Galaxy Note 7 nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác Trung Quốc.

Việc cung cấp một thỏi pin lớn hơn một chút so với khoảng không gian đặt pin đã tạo ra áp lực không cần thiết vào linh kiện này, từ đó làm cán nát các tấm cách ly giữa cực dương và cực âm gây hiện tượng ngắn mạch, dẫn đến nhiệt phát ra ngoài làm nóng máy, và trong nhiều trường hợp làm máy bốc cháy.

Sau trường hợp pin phát nổ đầu tiên xuất hiện trên mạng, một kỹ sư Samsung ngay lập tức đăng tải trên diễn đàn nội bộ vào ngày 1/9 rằng “Hãy thu hồi tất cả Note 7 và trao đổi sản phẩm mới, tôi không cần đến số tiền chia sẻ từ lợi nhuận”.

Ảnh minh họa.

Sau khi tham vấn nhanh với các nhân viên, người đứng đầu bộ phận điện thoại di động DJ Koh đã ra thông báo tổng thu hồi Galaxy Note 7.

Việc thu hồi đã khiến doanh số Galaxy Note 7 chững lại, và lô hàng Note 7 an toàn chỉ xuất hiện trong kho hàng sau đó 2-3 tuần. Báo cáo cho thấy Samsung đã mất đến 2 tỷ USD từ việc thu hồi, đó là chưa kể đến những thiệt hại thương hiệu.

Điều này diễn ra trong giai đoạn Samsung đang khó khăn.

Chủ tịch Lee - người đưa ra nhiều quyết định quan trọng trước đây, vẫn nằm hôn mê kể từ ngày nhập viện cách đây 2 năm, trong khi người thừa kế của ông vẫn còn bị hạn chế quyền hạn. Sau sự cố, con trai của ông Lee được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Samsung, và ngay lập tức ông đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng lớn nhất dành cho công ty trong nhiều thập kỷ.

Ông Lee đã làm tốt khi đưa ra quyết định hủy toàn bộ lô hàng điện thoại bị lỗi vào năm 1994 để các nhân viên tập trung vào chất lượng sản phẩm, giúp Samsung có vị trí cao như ngày này. Nhưng bối cảnh lần này lại khác, bởi Samsung đang phải chứng kiến bộ đôi iPhone 7 làm mưa làm gió khi hàng triệu người dùng đang sẵn sàng từ bỏ iPhone cũ để chuyển sang iPhone mới với nhiều nâng cấp đáng kể, trái ngược so với suy nghĩ trước đó của Samsung.

PCWorld

An Tường, Galaxy Note 7, Samsung, sự cố Galaxy Note 7


© 2021 FAP
  3,471,188       14/1,659