Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone Freetel Musashi

(PCWorldVN) Kiểu dáng vỏ sò và thiết kế 2 màn hình độc đáo, thời lượng pin cao đã giúp Freetel Musashi 'đỏm dáng' trong phân khúc smartphone tầm trung dù hiệu năng chưa như mong đợi.

Như từng đề cập trong bài cận cảnh trước đây, Freetel Musashi, smartphone thương hiệu từ Nhật thực sự gây ấn tượng với kiểu dáng độc đáo dạng nắp gập, kèm theo đó là 2 màn hình, chạy hệ điều hành Android và cả bàn phím T9 truyền thống.

Sản phẩm được bán tại Việt Nam ở mức giá 4,19 triệu đồng.

Thiết kế dạng "vỏ sò" giúp cho Freetel Musashi trở nên độc đáo trên thị trường smartphone.
Thiết kế

Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy Freetel Musashi sở hữu nhiều nét tương đồng các dòng điện thoại Sharp hay Docomo của Nhật Bản cách đây hơn 10 năm. Máy trông khá dày, nặng tạo cảm giác hơi khó chịu khi cầm lâu trên tay. Đường nét thiết kế của máy khá đẹp với viền bằng kim loại kết hợp với bộ khung bằng nhựa, nắp lưng có thể mở được để lắp 2 SIM, thẻ nhớ microSD và pin.

Nếu so với những dòng nắp gập mới của một số nhà sản xuất Hàn Quốc thì Freetel Musashi có phần yếu thế hơn về thiết kế, nhất là ở độ mỏng nhẹ và nhỏ gọn.

Máy có bàn phím dạng T9 để nhập liệu bên cạnh bàn phím ảo của Android. Khi sử dụng máy ở chế độ nắp mở thì bàn phím ảo tự động tắt, thay vào đó bạn phải dùng đến bàn phím để nhập liệu.

Các nút bấm chỉnh âm lượng, khe cắm tai nghe riêng (sản phẩm có kèm theo dây chuyển từ đầu tai nghe này sang 3,5mm) và cổng micro-USB. Tất cả các khe cắm đều bố trí nắp đậy chắc chắn nên trông máy khá đẹp và cứng cáp. Điểm lạ ở Freetel Musashi là nút nguồn được bố trí ở bàn phím T9 (nhấn đè nút tắt cuộc gọi) nên sẽ hơi bỡ ngỡ với người dùng ở lần sử dụng đầu tiên.

Các khe cắm trên Freetel Musashi đều được che chắn cẩn thận.
Xét về tổng thể, thiết kế của Freetel Musashi khá thô và rất dày (hơn gấp đôi iPhone 6) khi sử dụng ở dạng gập. Khi sử dụng dạng mở thì máy lại khá dài nên hơi kềnh càng và không phù hợp khi dùng ở ngoài đường vốn cần sự nhỏ gọn.

Nếu nhà sản xuất thu nhỏ độ dày của sản phẩm hơn để máy trông thanh mảnh và gọn gàng hơn thì có lẽ Freetel Musashi sẽ là lựa chọn phù hợp cho những ai thích sự khác biệt và có hơi hướng hoài cổ.

Xem ảnh chi tiết thiết kế của Freetel Musashi:

Màn hình

Đây là điểm hấp dẫn ở dòng Freetel Musashi. Máy được trang bị 2 màn hình có công năng tương đương nhau, tức khi gập máy lại thì màn hình cảm ứng ngoài đảm nhận đầy đủ mọi chức năng của máy. Nếu mở máy ra thì màn hình ngoài tự động tắt để sử dụng màn hình trong. Sự chuyển đổi linh hoạt này giúp cho việc sử dụng không bị gián đoạn khi sử dụng sản phẩm.

Màn hình độ sáng thấp nên hơi khó nhìn ở ngoài trời sáng.

Cả hai màn hình đều có kích thước 4 inch, hỗ trợ độ phân giải 480x800 pixel, với mật độ điểm ảnh đạt mức 234 ppi. Về khả năng hiển thị thực tế thì Test Lab đánh giá ở mức trung bình khá, hình ảnh tuy khá sắc nét khi thể hiện ở màn hình này nhưng góc nhìn và độ sáng khá thấp nên hơi bất tiện khi sử dụng ngoài trời sáng. Ngoài ra, kích thước màn hình chỉ 4 inch nên các tùy chọn, biểu tượng của hệ điều hành Android bị thu nhỏ nên hơi khó thao tác cảm ứng đối với người có ngón tay lớn.

Camera

Freetel Musashi cũng được trang bị 2 camera, camera chính ở mặt sau 8 megapixel, khẩu độ f/2.2 có thể chụp ảnh với độ phân giải tối đa 2.448 x 3.264 pixel. Camera phụ ở mặt trước màn hình (chỉ dùng được khi mở nắp) 2 megapixel phục vụ chụp ảnh selfie.

Thiết kế máy ảnh chính của Freetel Musashi.
Chất lượng ảnh chụp thực tế của camera chính Freetel Musashi chỉ đạt ở mức trung bình. Ảnh chụp đủ sáng trông khá nhợt nhạt, độ chi tiết chưa cao, vùng sáng trong ảnh có phần bị chói khiến mất đi vẻ đẹp tổng thể của bức hình.

Giao diện chụp ảnh của Freetel Musashi.
Máy sử dụng ứng dụng camera mặc định, hơi ít chức năng của Android 5.1. Do đó, nếu bạn muốn có thêm nhiều tùy chọn chụp ảnh hơn thì có thể cài thêm các tiện ích khác trên Google Play Store.

Xem ảnh chụp thực tế từ camera của Freetel Musash:

Tính năng và hiệu năng

Freetel Musashi được cài sẵn hệ điều hành Android 5.1 nguyên bản, không có bất kỳ tùy biến nào. Máy có giao diện mặc định của Google với các biểu tượng có phần cũ kỹ. Ngoài chức năng hỗ trợ 2 SIM 2 sóng, cơ chế hoạt động 2 màn hình chuyển đổi linh hoạt, bàn phím T9 truyền thống thì bên trong hệ điều hành của máy không có tính năng nào nổi bật.

Về cấu hình, Freetel Musashi được trang bị chip SoC MT6735M của MediaTek với CPU 4 nhân, tốc độ chỉ 1GHz, 1GB bộ nhớ RAM, bộ nhớ trong 8GB hỗ trợ thẻ nhớ ngoài microSD tối đa 64GB.

Test Lab nhận thấy cấu hình này quá thấp để mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng, nhất là khi Freetel Musashi phải vận hành hệ điều hành Android vốn đòi hỏi nhiều tài nguyên phần cứng.

Hiệu năng sử dụng thực tế của Freetel Musashi cũng thể hiện đúng với cấu hình mà nhà sản xuất trang bị. Máy thực hiện tương đối tốt các chức năng nghe gọi, nghe nhạc, nhưng khi dùng đến các tác vụ khác ở chế độ đa nhiệm, kể cả lướt web với nhiều thẻ tab thì tình trạng giật xuất hiện, thậm chí máy bị khựng và đứng hẳn, phải tháo pin và khởi động lại. Kết quả thử nghiệm với các công cụ benchmark cũng thể hiện điều này khi điểm số đo hiệu năng tổng thể và hiệu năng xử lý đồ họa khá thấp.

Mặt dù máy khá dày, nhưng dung lượng pin chỉ 2.000mAh và có thể tháo rời, việc tháo lắp này khá đơn giản. Bù lại, thời lượng dùng pin của máy tương đối cao so với mức dung lượng khiêm tốn - gần 1,5 ngày sử dụng. Có lẽ do màn hình nhỏ và cấu hình thấp nên máy ít tiêu tốn năng lượng.

Xem thêm kết quả đo hiệu năng với các công cụ benchmark: 

PCWorld

android, đánh giá điện thoại, điện thoại Nhật Bản, Freetel Musashi


© 2021 FAP
  3,447,116       2/1,134