(PCWorldVN) Sau gần 10 năm bùng nổ, thị trường smartphone đến nay bắt đầu chững lại và trở nên nhàm chán.
Thành công của chiếc iPhone đời đầu được Apple giới thiệu vào năm 2007 đã tạo nên bước ngoặt, mở ra cuộc cách mạng smartphone sôi động trên toàn thế giới. Cùng với Apple, các nhà sản xuất điện thoại liên tục tung ra smartphone mới với đủ hình dạng và kích cỡ, tăng cường nhiều tính năng mới trong cuộc đua tốt hơn, nhanh hơn, thiết kế hiện đại hơn đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.
Lên mãi rồi cũng có ngày phải xuống, quy luật tự nhiên là vậy. Với thiết kế ngày càng tẻ nhạt, thiếu tính năng đột phá, vài cải tiến nhỏ được khuếch trương bằng chiêu thức PR hào nhoáng, nên những mẫu smartphone thế hệ mới không còn được người dùng hào hứng đón đợi.
Phú quý dật lùi
Thời kỳ bùng nổ đã qua, và thị trường smartphone đang trở nên nhàm chán với nhiều dấu hiệu xấu. Đầu tháng 9 vừa qua, IDC đã đưa ra dự báo điều chỉnh giảm đối với thị trường smartphone, theo đó mức tăng trưởng của năm nay chỉ đạt 1,6%, quá thấp so với mức 10,5% của năm 2015, và 27,8% của năm 2014. Thậm chí đang có sự sụt giảm đáng kể sức mua smartphone trên các thị trường đã phát triển, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước Tây Âu, với mức tăng trưởng âm trong giai đoạn 2015 - 2020. Nhìn chung, người dùng không còn hào hứng mua smartphone mới nữa, họ tỏ ra hài lòng với chiếc hiện có và muốn sử dụng lâu hơn, IDC nhận định.
Điều đó phản ánh chân thực bức tranh hiện tại của thị trường smartphone khi điện thoại Trung Quốc đã thành thế lực mới. Thực tế, trong 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới năm qua xét về doanh số, ngoài Samsung, Apple vẫn vững vàng đầu bảng và LG chưa “mất dạng”, còn lại toàn những cái tên Trung Quốc như Huawei, Oppo, Xiaomi, Lenovo, ZTE, Vivo đang ngày càng bành trướng với sản phẩm len lỏi khắp nơi.
Thương trường vốn được xem như chiến trường, nhưng chiến trường smartphone những năm qua quá tàn khốc khi xô đổ lần lượt từng tượng đài: Nokia của Hà Lan, BlackBerry của Canada, Motorola của Mỹ. Những thương hiệu danh giá như Sony của Nhật Bản, hay HTC của Đài Loan chưa gục ngã nhưng cũng đã lâm vào thế “khó”. Đáng tiếc đây đều là những ngòi nổ làm bùng lên thị trường smartphone suốt cả thời kỳ dài.
Ngay như Microsoft, những tưởng sau khi thâu tóm mảng thiết bị di động Nokia sẽ phất lên thành nhà sản xuất smartphone lớn với nền tảng Windows Phone của hãng, nhưng diễn biến không như mong đợi và đã có dấu hiệu buông xuôi. Theo dự báo của IDC, thị phần Windows Phone sẽ sụt giảm nghiêm trọng (-75%) trong năm 2016, kết thúc năm thị phần sẽ chỉ còn vỏn vẹn 0,5%. Windows 10 Mobile tuy ra mắt đã một năm nay nhưng chưa thấy triển vọng. Hiện tại không có thông tin về smartphone mới chạy hệ điều hành di động của Microsoft. Công nghệ phần cứng của Nokia kết hợp với nền tảng Windows Phone có vẻ đang đi vào ngõ cụt.
Nhiều tin xấu
Các nhà sản xuất điện thoại lớn hàng năm vẫn đều đặn tung ra smartphone “đỉnh”, nhưng sự sáng tạo dường như đã cạn kiệt, trong khi vì vội bán sản phẩm mới để giành giật thị trường nên thậm chí còn bị hiệu ứng ngược.
Mới đây nhất, Samsung trong nỗ lực gây sức ép cho Apple đã mắc sai lầm nghiêm trọng với mẫu Galaxy Note 7, hàng loạt sự cố cháy nổ đã xảy ra do lỗi pin của máy. Pin vốn dĩ là gót chân Asin của ngành công nghiệp di động, nhưng gây hậu họa khiến Samsung phải thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 bán ra đợt đầu không chỉ thiệt hại 1 tỷ USD theo ước tính mà còn để lại tai tiếng lâu dài.
Tuy nhiên, không riêng mình Samsung đón nhận tin xấu. Năm ngoái, LG G4 bị tố dính bệnh “đột tử”. Trước nữa, iPhone 6s Plus của Apple bán ra năm 2014 thì bị cho là dễ bị cong vênh ở khu vực phím chỉnh âm lượng. Apple và LG đều đã khắc phục sự cố nhưng bị nhiều dị nghị. Apple không công nhận lỗi sản phẩm, còn LG phải mất 9 tháng mới công khai thừa nhận và giải quyết xong hậu quả.
Một tin kém vui khác đến từ Google. Công ty có lẽ sẽ kết thúc dự án Ara Project từng được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho sự tiến hóa của smartphone. Ý tưởng là smartphone cũng sẽ có thiết kế kiểu mô-đun hóa như PC, không chỉ cho phép thay pin mà cả với các thành phần khác: bộ xử lý, màn hình, camera, chip Wi-Fi… Kiểu thiết kế này hứa hẹn làm nóng thị trường từ sự hấp dẫn người dùng tùy chọn cấu hình theo sở thích cũng như mục đích sử dụng, dễ nâng cấp và giảm chi phí so với bỏ cũ mua mới.
Cũng theo ý tưởng mô-đun hóa điện thoại, LG G5 ra mắt hồi tháng 2 năm nay đã gây được sự chú ý của giới công nghệ với khả năng biến nhanh thành máy ảnh số hay máy nghe nhạc cao cấp. Dĩ nhiên thiết kế của LG chỉ tỏa sáng khi có thêm nhiều thành phần khác được LG hay các bên thứ ba phát triển dạng mô-đun thay thế.
Tại hội nghị các nhà phát triển Google I/O năm nay diễn ra hồi tháng 5, Google hứa hẹn điện thoại có khả năng tùy chỉnh dạng mô-đun sẽ tới tay khách hàng vào năm 2017. Thế nhưng, hồi đầu tháng 9 tờ New York Times dẫn nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Google sẽ bỏ rơi kế hoạch mô-đun hóa smartphone.
Chờ tin tốt
Đã hai năm rồi Apple không giới thiệu công nghệ đột phá nào cho iPhone 6 và 6s; iPhone 7 mới ra mắt năm nay cũng vậy, tuy nhiên việc bỏ ngõ cắm tai nghe 3,5 mm truyền thống và trang bị camera kép (iPhone 7 Plus) rất có thể mở ra những đường đua mới trên thị trường smartphone.
Bỏ ngõ cắm tai nghe chuẩn 3,5 mm là một quyết định táo bạo, cho thấy sự quyết tâm của Apple hướng nhanh tới một thế giới không dây. Smartphone tích hợp camera kép thì không phải là điều mới mẻ, vì vốn dĩ đã có trên nhiều điện thoại Android, như LG G5, HTC One M8 hay bộ đôi chủ lực P9 và P9 Plus của Huawei. Nhưng thiết kế của Apple đồng thời tích hợp cả ống kính góc rộng và ống kính tele, hỗ trợ zoom quang, khẳng định xu hướng biến smartphone thành chiếc máy ảnh cao cấp thực thụ, đáp ứng đúng mong muốn của người dùng đã thành thói quen dùng smartphone ghi lại mọi khoảnh khắc đời thường.
Cuộc cách mạng di động vẫn xoay quanh smartphone, và kỳ vọng nhiều vào những lĩnh vực mới nổi như thực tế ảo (VR), hay ngành công nghiệp IoT. Theo IDC nhận định, xu hướng thực tế ảo có thể sẽ là động lực mới thúc đẩy thị trường smartphone. Nhiều hãng công nghệ đã và đang nỗ lực đưa ra những mẫu kính VR. Google cùng với việc ra mắt mẫu kính Google VR đã giới thiệu hệ điều hành Daydream như là nền tảng dành riêng cho kính thực tế ảo hoạt động kết hợp với smartphone.
Cuối cùng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của phần mềm đối với sự phát triển của ngành công nghiệp. Cơn sốt Pokemon Go cho thấy ứng dụng thực tế ảo cuốn hút người dùng smartphone lớn như thế nào.
Và biết đâu sang năm 2017, kỷ niệm iPhone “lên 10” Apple lại tung ra mẫu máy có thiết kế trong mơ với những tính năng đột phá, tạo bước ngoặt mới cho sự phát triển smartphone.
điện thoại thông minh, Smartphone, thị trường smartphone, xu hướng smartphone