(PCWorldVN) Nếu bạn không thích giao diện hay cách nó vận hành của một trang web nào đó, hãy thay đổi theo đúng sở thích và nhu cầu của riêng bạn.
Một website bình thường cũng có đâu đó những vấn đề, như tải quá chậm, màu sắc chữ khó đọc, quảng cáo chiếm nhiều diện tích, khó tìm nội dung... Nhưng may mắn, có khá nhiều công cụ và thủ thuật để khắc phục những vấn đề này, giúp trang web hoạt động như cách mà bạn muốn. Trong bài viết này, chúng ta cùng xem qua những cách mới để cải thiện quá trình lướt web.
Đây là cách thêm những tính năng mới, hữu ích vào các trang web phổ biến như YouTube, BBC iPlayer và Gmail; làm thế nào loại bỏ những yếu tố không mong muốn như quảng cáo; cách tuỳ chỉnh lại thiết kế của một trang web, giúp bạn cải thiện tốc độ tải trang web và lướt web sao cho an toàn.
Bổ sung tính năng mới |
Thêm tuỳ chọn cho YouTube
Bạn có thể cải thiện YouTube bằng cách cài thêm Magic Actions (www.chromeactions.com), giúp bạn có thêm nhiều tuỳ chọn mới khi xem video. Công cụ này hỗ trợ các trình duyệt Chrome, Firefox và Opera, là add-on tuyệt vời, cho bạn chặn quảng cáo và các hộp thoại ghi chú, ẩn đi những yếu tố trang không cần thiết, gồm mục Comment, các video liên quan và phần mô tả video; buộc YouTube chơi video ở độ phân giải và kích thước như bạn quy định; điều chỉnh âm lượng sử dụng nút cuộn chuột; chụp hình màn hình và nhiều tính năng hữu ích khác. Công cụ này cũng có chế độ Cinema, giúp bạn chuyển vùng xung quanh video tối hơn để xem rõ hơn. Trong quá trình cài đặt, bạn đừng cài thêm những công cụ bổ sung nào khác.
Thêm đánh giá IMDB vào BBC iPlayer
Nếu không chắc liệu bộ phim hay chương trình nào đó trên BBC iPlayer đáng để xem thì bạn luôn có thể tìm thông tin đánh giá phim IMDb (Internet Movie Database). Nhưng thay vì phải mất thời gian vào trang IMDb để xem, bạn có thể cài add-on IMDb Ratings trên Chrome cho BBC iPlayer (bit.ly/imdb402). Công cụ này hiển thị đánh giá IMDB cho mỗi phim và chương trình TV có trên iPlayer (nếu có trong cơ sở dữ liệu IMDB) và cho bạn nhấn trực tiếp vào trang IMDB để bạn đọc thêm thông tin nếu cần.
Thêm tính năng cho Gmail
Gmail Labs cho bạn thêm vài tính năng đang trong giai đoạn thử nghiệm của Google. Để xem danh sách tính năng đang được Google thử nghiệm, bạn mở Gmail, vào mục Settings và nhấn vào tab Labs ở phía trên. Những tính năng đáng chú ý hiện nay gồm Preview Pane hiển thị nội dung email trực tiếp phía bên phải hộp Inbox; và Canned Responses lưu lại nội dung phản hồi mà bạn thường gõ vào một nút tự động. Bạn có thể cuộn xuống dưới màn hình để nhấn Save Changes sau khi chọn xong. Một trong những add-ons tốt nhất cho Gmail là Boomerang (www.boomberanggmail.com), hiện có trên Firefox, Chrome và Safari, chó phép bạn lên lịch gửi email và theo dõi những công cụ nhắc lịch trên Gmail.
Làm cho Facebook linh động hơn
Đôi lúc bạn khá bực mình vì Facebook, nhưng Social Fixer (socialfixer.com) giúp bạn cải thiện trang web này với vài tuỳ chọn bổ sung, đồng thời loại bỏ những yếu tố gây khó chịu. Công cụ này hoạt động với Firefox, Chrome, Opera và Safari, cho bạn những tuỳ chọn như lọc tin, ẩn bài đăng mà bạn đã đọc, hiển thị ảnh toàn màn hình bằng cách lướt chuột qua, ẩn một phần của một trang, thay đổi giao diện (theme) và nhiều tính năng khác. Không may là add-on này không thường xuyên được cập nhật nên có thể bạn sẽ phát hiện thấy vài tính năng hoạt động không như mong muốn.
Tính năng mới trong Wikipedia
Bạn có thể thêm vài tính năng rất tuyệt vời vào bộ bách khoa toàn thư trực tuyến này bằng cách cài Wikipedia Plus trên Chrome (bit.ly/wikiplus402). Extention này hiển thị các đoạn văn bản ngắn cho các mục Wikipedia khác khi bạn di chuột vào một đường link; biến mục tiêu đề thành những đường link trong trang để dễ đánh dấu và chia sẻ; và cho phép bạn di chuột qua một tấm ảnh nào đó để phóng lớn hơn.
Một extention khác của Chrome cũng rất đáng giá là Black Menu for Wikipedia (bit.ly/blackmenu402). Công cụ này thêm một thanh điều kiển sidebar vào trang để bạn có thể dùng để mở những dự án Wikimedia Foundation khác, trong đó có Wiktionary, Wikiquote và Wikibooks.
Mua sách giá rẻ nhất
Nếu bạn thường mua sách trên Amazon, nhưng cũng cần nhớ rằng không phải lúc nào giá ở đây cũng chào giá rẻ nhất. Extention dành cho Chrome Bookindy (bit.ly/bookingdy402) cho bạn thấy ở đâu có được mức giá thấp nhất, từ Amazon hay từ một tiệm sách ngoại văn nào đó. Công cụ này sử dụng mạng lưới nhà sách độc lập Hive (www.hive.co.uk) để cho bạn biết cửa hàng đó nằm ở đâu và bạn có thể mua và nhận sách như thế nào.
Khám phá địa điểm du lịch mới qua Airbnb
Nếu bạn có kế hoạch dùng Airbnb (www.airbnb.com) để tìm địa điểm cho kỳ nghỉ sắp đến, rất đáng để thử qua một extention dành cho Chrome, ứng dụng dịch vụ thông tin về địa lý Yapq (yapq.com) để khám phá những địa điểm du lịch có sử dụng Airbnb (bit.ly/airbnb402).
Công cụ này hiển thị những điều thú vị nên đến tham quan hay thưởng thức trên Airbnb. Mỗi đề xuất đều được nhúng đến một trang Airbnb liên quan, cho bạn biết đi bộ mất bao lâu từ nơi bạn ở, và bạn có thể nhấn vào nút "Read more" để xem chi tiết trên Yapq. Ngoài ra còn có những nơi thú vị khác trên khắp thế giới, trong đó có những địa điểm du lịch thu hút nhiều người, những địa điểm lịch sử và các nơi có quang cảnh thiên nhiên lý thú.
Vài tùy chọn mới cho Netflix
Trên điện thoại hay máy tính bảng, tính đơn giản của ứng dụng Netflix thực sự là điểm sáng; nhưng trên máy tính bàn, trang web Netflix lại có vài yếu tố rất bực mình. Bạn có thể biến trang web này thú vị và hữu ích hơn bằng cách cài thêm extention cho Chrome Flix Plus by Lifehacker (bit.ly/flixplus402). Công cụ cho bạn nhiều cách để tùy chỉnh Netflix và cải thiện trải nghiệm xem phim, bạn chỉ việc chọn Options và chỉnh mọi thứ trong đó. Ví dụ, trước khi bắt đầu xem phim, bạn có thể xem đoạn giới thiệu (trailer) trên YouTube và hiển thị đánh giá của IMDb và Rotten Tomatoes; trong khi xem phim, bạn cũng có thể ẩn những đoạn phim giới thiệu tập tiếp theo và có thể nhấn nút Random Episode để chương trình chọn ngẫu nhiên một phim nào đó. FLix Plus cũng cho bạn sắp xếp lại danh sách phim để những phim nào bị Netflix sắp gỡ bỏ khỏi danh sách vẫn có thể ở đầu danh sách của bạn.
Loại bỏ những tính năng không mong muốn |
Loại bỏ thành phần trên trang web
Các công cụ chặn quảng cáo loại bỏ những quảng cáo gây phiền nhiễu xuất hiện trên trang web, nhưng đôi khi có những yếu tố khác mà bạn cũng muốn bỏ đi, như thanh sidebar hay bài viết quảng cáo. Công cụ uBlock Origin (bit.ly/ublockorigin402), bạn đừng nhầm lẫn với uBlock, cho phép bạn nhấn chuột phải vào bất kỳ điểm nào trên trang web mà bạn không muốn nó xuất hiện và chọn Block Element. Công cụ này hoạt động với Opera, Firefox và Chrome, cho bạn chặn và bật lại mọi thành phần không mong muốn chỉ qua một nút uBlock Origin ở phía trên thanh toolbar.
Loại bỏ kết quả từ Google
Khi bạn tìm kiếm trên Google, có những trang web nào đó luôn xuất hiện trong trang kết quả, ví dụ như trang Wikipedia. Nếu chưa bao giờ đến những trang đó, hãy dùng add-on cho Chrome có tên Personal Blocklist (bit.ly/pblock402) để loại bỏ những URL cụ thể từ những kết quả tìm kiếm. Đơn giản bằng cách nhấn vào link Block xuất hiện kế bên địa chỉ trang web trong trang kết quả.
Chặn quảng cáo có chọn lọc
Adblock Plus (adblockplus.org) cho phép vài quảng cáo nào đó xuất hiện thông qua chương trình quảng cáo "acceptable" nằm trong danh sách trắng của tổ chức này, trong đó có những quảng cáo của các công ty trả tiền. Nhưng bạn vẫn có thể chặn luôn cả những quảng cáo trong sách trắng. Nếu bạn muốn chọn loại quảng cáo muốn nhận, hãy thử dùng Fair Adblock của Stands (www.standsapp.org) cho Chrome vì nó cho bạn chọn từng quảng cáo cụ thể. Tiền quảng cáo sẽ được chia cho trang web và một quỹ từ thiện theo như bạn chọn.
Chặn mọi quảng cáo, không có ngoại lệ
Hầu hết công cụ chặn quảng cáo đều cho bạn tuỳ chọn hiển thị loại quảng cáo, như quảng cáo có trong sách trắng để bạn tiện ủng hộ cho mục đích nào đó. Còn AdBlocker Ultimate (adblockerultimate.net) hỗ trợ hầu hết các trình duyệt, chặn mọi quảng cáo, bất kể là loại quảng cáo gì, cùng với theo dõi những tên miền độc hại. Không có quảng cáo sách trắng hay quảng cáo "acceptable" ở đây: một khi bạn đã cài đặt add-on này vào trình duyệt thì nó loại bỏ mọi thứ dính dáng đến quảng cáo. Nhưng bạn cũng cần lưu ý một số trang web dựa nhiều vào quảng cáo để có thể vận hành được và mang nội dung miễn phí đến cho bạn.
Không cho trang web phát hiện bộ chặn quảng cáo
Càng ngày càng nhiều trang web có cơ chế vượt mặt bộ lọc quảng cáo: một số trang yêu cầu bạn tắt công cụ chặn; vài trang khác có thể không cho bạn em nội dung nếu bạn bật công cụ chặn quảng cáo. Anti-Adblock Killer (bit.ly/antiadblock402) giúp bạn vẫn giữ cho công cụ chặn quảng cáo chạy bằng cách nguỵ trang sự hiện diện của nó. Công cụ này tương thích với Chrome, Firefox, Opera và Safari; và Adblock Plus, Adblock và uBlock Origin. Để Anti-Adblock Killer hoạt động hiệu quả, đầu tiên bạn cần cài một công cụ cho người dùng nhập mã lệnh (userscript) như Greasemonkey cho Firefox (www.greasespot.net) hoặc Tampermonkey (tampermonkey.net) đối vơí các trình duyệt khác. Một khi cài xong, bạn đến bit.ly/adblock402 và nhấn vào nút Subscribe để thêm Anti-Adblock Killer vào danh sách bộ lọc quảng cáo. Nếu dùng uBlock Origin, bạn sẽ cần vào mục Options, nhấn vào tab "3rd-party filters" và chọn vào Anti-Adblock Killer. Các trang web nhận diện bộ chặn quảng cáo theo nhiều cách khác nhau, nên có thể công cụ này không hiệu quả đối với vài trang web nào đó.
Tuỳ biến giao diện |
Tạo cho trang web dễ nhìn hơn
Nếu bạn thấy giao diện một trang web quen thuộc nào đó khó đọc, một giải pháp dễ nhất là phóng to vào vùng chữ đó để dễ đọc hơn. Trên máy để bàn, cách phóng to thường dùng nhất là giữ phím Ctrl và cuộn chuột (hoặc nhấn vào nút +).
Cũng có những cách khác để giúp trang web dễ nhìn hơn. Trong Firefox, bạn có thể thiết lập kích thước chữ và màu sắc của trang web trong mục Options, Content, Fonts & Colors. Bạn sẽ tìm thấy nhiều chọn lựa hơn trong mục Advanced. Còn trong Chrome, vào mục Settings, "Show advanced settings" và bạn có thể thay đổi dưới mục "Web content". Nhấn vào đường dẫn Accessibility của Chrome sẽ hiển thị một tập các add-ons cho phép cải thiện giao diện Chrome nếu bạn còn thấy khó nhìn, trong đó có chế độ Colour Enhancer và chế độ High Contrast.
Thay đổi màu cho trang web
Bạn có thể tự thay đổi màu của một trang web bằng cách dùng các thiết lập của trình duyệt, nhưng dễ dàng nhất là sử dụng add-on như là Color That Site (bit.ly/colorsite402) trên Firefox. Một khi cài đặt xong, bạn khởi động lại trình duyệt và nhấn vào nút vừa cài đặt để mở thanh sidebar. Nhấn vào nút Go để bạn có thể thay đổi màu chính và màu nền, tuỳ biến từng màu cụ thể theo ý.
Thay đổi toàn giao diện
Stylish (bit.ly/stylish402) là extension rất tuyệt trong Chrome, cho bạn cài theme và skin cho những trang web phổ biến. Bạn có thể loại bỏ những nội dung không mong muốn, thay đổi màu sắc hoặc tái thiết kế toàn bộ giao diện một trang web. Để sử dụng, bạn vào một trang web mà mình muốn thay đổi, nhấn vào nút Stylish trong trình duyệt và chọn "Find more styles for this site". Công cụ sẽ mở ra một trang web trên trang Userstyles.org, hiển thị một danh sách các thiết kế có sẵn. Chọn xem sau đó nhấn "Install with Stylish" để áp dụng mẫu mà bạn đã chọn cho trang web.
Dùng bản desktop trên thiết bị di động
Phiên bản desktop của một trang web thường trông đẹp hơn và có nhiều tính năng hơn bản trên di động, ngay cả khi giao diện đó không phù hợp với kích thước màn hình của thiết bị di động. Nhiều trang web di động đưa ra tuỳ chọn mở phiên bản desktop: bạn tìm trong mục menu, thường truy cập bằng cách nhân vào nút ở góc trên bên trái, sau đó tìm tuỳ chọn và chuyển sang phiên bản di động. Ví dụ như với iPhone, bạn nhấn vào nút Share và chọn Request Desktop Site, hoặc nhấn giữ nút tải lại trang và chọn Request Desktop Site trong menu hiện ra. Trên Android, bạn nhấn vào biểu tượng dấu ba chấm ở góc phải phía trên màn hình và chọn "Request desktop site".
Sử dụng phiên bản mobile của một trang web trên Desktop
Ngược lại với mục trên, về lý thuyết, phiên bản desktop luôn là giao diện tốt nhất để xem trên PC hay Mac, nhưng đôi khi phiên bản di động lại rõ ràng, gọn gàng và tải nội dung nhanh hơn. Bạn có thể buộc một trang web tải phiên bản di động bằng thủ thuật sau. Bạn thay đổi giá trị User Agent String, có thể làm thủ công nhưng công cụ User-Agent Switcher cho Chrome (bit.ly/useragent402) giúp bạn đơn giản hoá công việc này. Cài đặt, sau đó nhấn vào nút trong trình duyệt và chọn thiết bị cần giả lập, như là điện thoại Android. Bạn có thể chuyển qua lại nhanh chóng giữa các phiên bản để xem đâu là giao diện tốt nhất.
Dùng theme cho Facebook
Facebook là một trong những trang web phổ biến nhất trên web, nhưng thiết kế của nó đôi khi nhàm chán và khá cơ bản. Bạn có thể "trang điểm" thêm bằng cách sử dụng extention của Chrome tên là Flatbook (bit.ly/flatbook402). Công cụ này không chỉ giúp Facebook thông minh, hiện đại hơn mà còn loại bỏ quảng cáo, tải nhanh hơn và thêm một thanh sidebar ở bên trái để giúp bạn nhanh chóng truy cập đến những mục chính. Bạn cần dành ít thời gian để làm quen với giao diện mới, và điều này cũng thực sự thú vị.
Làm chữ dễ đọc hơn
Đọc văn bản trên website không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi nhà thiết kế web chọn màu sắc quá tương phản với màu chữ hay lựa định dạng văn bản không tốt. AlphaText (bit.ly/alphatext402) là một add-on của Chrome, có thể tuỳ chỉnh và thay đổi phông chữ, giúp trang web dễ đọc hơn. Nhấn vào nút này trên trình duyệt, bạn có thể thay đổi kích thước, loại phông và chiều cao chữ. Bạn cũng có thể tối ưu màu sắc và làm ẩn các nội dung đa phương tiện. Bạn có thể tạo một profile những chọn lựa mà mình yêu thích và áp dụng profile này lên bất kỳ trang web nào khác. Bạn cũng có thể thiết lập nhiều trang web với những thiết lập riêng theo ý thích.
Căn giữa kết quả tìm kiếm Google
Engine tìm kiếm Google đặt nội dung kết quả tìm kiếm bên phía trái của trang. Nếu bạn đang dùng màn hình lớn thì phía bên phải màn hình dư ra nhiều khoảng trắng nên trông rất lệch. Căn giữa kết quả tìm kiếm với Centered Google Results (bit.ly/centregoogle402) là extention trong Chrome, thực hiện chính xác như tên của công cụ này, nó đặt mọi kết quả hiển thị vào giữa màn hình. Điều này không những giúp cho trang web hiển thị đẹp hơn nhưng giúp bạn dễ đọc hơn.
Áp dụng Material Design vào các trang web Google
Material Design là ngôn ngữ thiết kế do Google tạo ra và được hãng áp dụng nhiều trong các sản phẩm web và di động của hãng, với mục đích tạo ra một giao diện nhất quán, gọn gàng, có phong cách riêng. Ink for Google (bit.ly/ink402) là extention cho Chrome và Firefox, cải thiện giao diện của các trang của Google, gồm Gmail, Search và Calendar, bằng cách đưa ra giao diện sặc sỡ hơn, tuân theo nguyên tắc thiết kế Material Design.
Tuỳ chỉnh trang chủ Google
Trang tìm kiếm của Google rất cơ bản, trừ khi bạn có dùng một giao diện nền nào đó. Extention Custom Google Background trên Chrome (bit.ly/customgoogle402) cho bạn thêm wallpaper nhiều màu sắc cho trang web này. Bạn có thể upload ảnh của mình lên hay tìm ảnh mới từ trang 500px, và bạn có thể chọn một ảnh cụ thể hoặc cho trang web hiển thị ảnh ngẫu nhiên. Ngoài ra, bạn có thể tuỳ biến thông tin trên màn hình bằng cách ẩn footer, nút tìm kiếm, logo Google và nhiều tính năng khác. Bạn cũng có thể thay đổi màu nền của trang tìm kiếm Google.
Xem wallpaper mỗi ngày của Bing trên Google
Ảnh nền trên Bing có thể là lý do chính lôi kéo người dùng đến với công cụ tìm kiếm này của Microsoft. Nếu bạn thích ảnh nền của Bing nhưng lại muốn sử dụng engine tìm kiếm của Google, có sẵn một giải pháp kết hợp cho bạn làm điều này, đó là extention cho Chrome có tên Bing Wallpaper for Google Homepage (bit.ly/bingongoogle402).
Làm cho giao diện Wikipedia hiện đại hơn
Wikipedia là nguồn thông tin tuyệt vời cho bất kỳ ai muốn tìm kiếm dữ kiện gì đó trên web, nhưng thiết kế của nó lại không đi đôi với tầm vóc. Wikiwand (www.wikiwand.com) dành cho Chrome, Firefox, Safari và iPhone sẽ biến giao diện của bách khoa toàn thư trực tuyến này trông hiện đại và có phong cách hơn. Nó biến giao diện của bài viết đẹp, gọn hơn, mở rộng ảnh để tạo ảnh chủ đề cho bài, chuyển các danh mục nội dung thành những menu gọn gàng, tiện lợi cho người đọc và cho bạn xem trước trang web khi di chuột vào đường link nào đó. Wikiwand hoạt động tự động, không cần chỉnh sửa gì sau khi cài đặt. Bạn cũng có thể dễ dàng chuyển lại giao diện gốc nếu thích.
Tăng tốc độ mở trang web |
Loại bỏ ảnh trên trang web
Khi bạn mở một trang web nào đó, văn bản luôn hiện lên trước tiên, còn hình ảnh đôi khi phải mất một lúc lâu sau mới xuất hiện, nhất là khi ảnh chưa được tối ưu hoá để hiển thị trên web. Để tăng tốc độ hiển thị của trang, bạn có thể thiết lập cho trình duyệt tự động không tải ảnh. Trong Chrome, bạn vào Settings, chọn "Show advanced settings" và nhấn vào "Content settings" bên dưới mục Privacy. Nhấn chọn "Do not show any images.
Một cách khác là bạn có thể sử dụng extention Images ON/OFF (bit.ly/imageonoff402).
Trong Firefox, bạn gõ: about:config vào thanh địa chỉ và nhấn Enter. Tìm mục "permissions.default.image". Giá trị 0 là luôn luôn tải ảnh; 1 là không bao giờ tải ảnh; và 2 là không tải ảnh từ bên thứ ba.
Rút ngắn thời gian tải trang
Mọi thứ đều có thể làm chậm thời gian tải trang web. Công nghệ Data Saver của Google dành cho Chrome và Android (bit.ly/gdschrome402) và Firefox (bit.ly/gdsfirefox402) giảm bớt lượng dữ liệu cần tải khi bạn đến các trang web, giúp rút ngắn được thời gian tải trang. Nhưng công nghệ này có vài khuyết điểm, như hình ảnh trông bị mờ hơn và add-on này không hoạt động được với những trang web bảo mật HTTPS, hoặc khi bạn duyệt ở chế độ Incognito.
Tăng độ an toàn cho trang web |
Bỏ qua cảnh báo cookie của EU
Luật EU yêu cầu các trang web phải cảnh báo khách về việc sử dụng cookie. Nhưng về phía người dùng, điều này gần như vô nghĩa vì hầu hết chúng ta đơn giản là đóng ngay cảnh báo mà không mảy may đọc đến. Nếu bạn thấy những cảnh báo đó là phiền phức, hãy dùng add-on I Don't Care About Cookies (bit.ly/cookiescare402), hoạt động trên đa số trình duyệt.
Bạn cũng có thể gỡ những cảnh báo này bằng Adblock Plus (adblockplus.org). Khi cài đặt xong, trang đăng ký sẽ xuất hiện và sau đó bạn sẽ thấy Prebake trong danh sách. Nhấn vào link để đăng ký danh sách lọc của công cụ này và nhấn "Add subscription" trong cửa sổ mở ra. Nếu bạn dùng một công cụ chặn quảng cáo khác, hãy theo những chỉ dẫn trên trang Prebake (prebake.eu).
Chặn những yêu cầu giả cross-site
Kiểu tấn công lừa nhấn chuột (clickjacking) và tấn công chéo trang Cross-Site Request Forgery (CSRF) trỏ trình duyệt của bạn đến một trang web khác mà bạn không biết. Thông thường những trang web bị trỏ tới là trang web độc hại có thể khiến máy tính bị nhiễm malware. RequestPolicy Continued (bit.ly/requestpolicy402) là một add-on cho Firefox, giúp chặn tình trạng này. Bạn có thể chặn mọi request chéo trang, hoặc chỉ cho request với những trang nằm trong sách trắng.
Luôn luôn truy cập bản an toàn của trang web
Trong khi nhiều website đưa ra các phiên bản bảo mật có địa chỉ khởi đầu bằng HTTPS, nhưng không phải trang nào cũng thiết lập mặc định giao thức này. HTTPS Everywhere (bit.ly/https402) là add-on cho Chrome, Firefox và Opera, tự động hướng trình duyệt đến phiên bản an toàn hơn của một trang web, nên cho dù bạn có gõ địa chỉ web thông thường vào thanh URL thì bạn vẫn sẽ đến được trang HTTPS an toàn hơn.
thủ thuật, tùy biến, tùy biến giao diện