(PCWorldVN) Mẫu VGA Asus này phù hợp với PC tầm trung, đảm bảo đủ sức 'cân' nhiều game ở độ phân giải QHD với chất lượng đồ họa cao mà chẳng cần phải giảm cấu hình thiết lập.
Tổng quan về sản phẩm
Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB là sản phẩm nhắm vào phân khúc tầm trung. Card đồ họa này sử dụng GPU AMD Radeon RX 480 đã ép xung sẵn ở mức 1.310 MHz, khoác lên mình form chuẩn ROG Strix và trang bị giải pháp tản nhiệt DirectCU III cao cấp.
Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB. |
Là bộ xử lý đồ họa tầm trung “ăn khách” nhất hiện nay, Radeon RX 480 được AMD thiết kế cho nhu cầu chơi game ở độ phân giải 2.560x1.440p trở xuống, mở rộng trải nghiệm game thực tế ảo VR cho nhóm khách hàng có ngân sách hạn chế.
Thông số kỹ thuật GPU. |
Không chỉ hỗ trợ thư viện đồ họa DirectX 12 trên nền Windows 10, Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB còn “sóng đôi” với công nghệ FreeSync trên các màn hình chuyên game như Asus MG278Q, tương thích tần số quét từ 144Hz trở lên, góp phần tăng độ hiển thị số khung hình mỗi giây (fps).
Bên cạnh đó, sản phẩm này được sản xuất công nghiệp trên dây chuyền hoàn toàn tự động Auto-Extreme Technology của Asus với những linh kiện Super Alloy Power II cao cấp.
Cấu hình thử nghiệm
- Bộ xử lý Intel Core i7-6700K - Bo mạch chủ Biostar Racing Z170GT7 - Bộ nhớ Avexir Core Series Red Led 8GB (2x4GB) DDR4-2400 - Ổ lưu trữ SSD Mushkin Enhanced Triactor 7mm 240GB - Bộ nguồn Andyson N700 700W - 80 Plus Titanium - Tản nhiệt (bộ xử lý) Cooler Master Hyper 612 Ver.2 - Màn hình: Asus MG278Q - Card đồ họa: Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB - Hệ điều hành: Windows 10 Pro (bản 64-bit). |
Các phép thử hiệu năng hệ thống
Test Lab thực hiện các phép đo hệ thống chạy Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB ở 2 độ phân giải chính gồm FHD (1.920x1.080p) và QHD (2.560x1.440p). Riêng mức 4K (3.840x2.160p) chỉ mang tính chứng minh "chạy được" do độ phân giải này vượt quá tầm "phục vụ" của card đơn Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB trong nhu cầu thiết lập đồ họa cao.
Thử nghiệm bằng phép thử đồ họa Fire Strike trong phần mềm 3DMark, kết quả cho thấy khi nâng độ phân giải FHD lên QHD thì tốc độ dựng hình giảm khoảng 42,5%.
Tỷ lệ này khá tương đồng với kết quả đo Unigine Heaven Benchmark 4.0 mà Test Lab thiết lập: chất lượng Quality ở mức High, công nghệ Tessellation ở mức Normal và bật tính năng khử răng cưa Anti-Aliasing tới mức tối đa 8x.
Ở độ phân giải FHD thì khả năng dựng hình trung bình của hệ thống đạt xấp xỉ 65,4fps. Nâng lên QHD thì hiệu năng tuy giảm tới 40% chỉ còn khoảng 39,6fps nhưng đó vẫn là một con số rất khả quan cho các game thủ thích hình ảnh có độ phân giải lớn và mịn màng.
Khả năng chinh phục game đỉnh cao
Trong thiết lập cấu hình trò chơi hành động phiêu lưu nổi tiếng Rise of the Tomb Raider, Test Lab mạnh dạn kích hoạt thư viện đồ họa DirectX 12, thiết lập tính năng khử răng cưa FXAA ở 2 mức/chuẩn cao cấp High và Very High.
Thống kê kết quả 4 kịch bản thử nghiệm, Rise of the Tomb Raider chạy khá nhẹ nhàng và ổn định, tối thiểu đạt mức 69,24fps ở độ phân giải FHD và 47,27fps ở QHD.
Nhẹ nhàng chinh phục Rise of the Tomb Raider. |
Với các tùy chọn như trên, tỷ lệ sụt khung hình mỗi giây vào khoảng 31,5%. Đáng nói là dù chưa đẩy tối đa tính năng khử răng cưa nhưng hình ảnh trong game rất đẹp và người chơi có thể cảm nhận rõ nét sự thay đổi khi nhân vật "đả nữ" Lara Croft chuyển động và chiến đấu.
Tựa game nhập vai hành động Dragon Age: Inquisition mạnh mẽ còn hơn cả Rise of the Tomb Raider với thiết lập Graphic API là Mantle (hỗ trợ đắc lực cho card đồ họa dùng GPU AMD Radeon), với những cảnh chơi sáng bóng và sắc nét.
Ở độ phân giải QHD thiết lập chất lượng tối đa Ultra, Dragon Age: Inquisition kéo khung hình xuống mức khoảng 32,5fps, với chỉ số trung bình là 39,4 fps. Với kết quả thử nghiệm mà Test Lab thu được, tỷ lệ giảm khung hình khi nâng FHD lên QHD dao động khoảng 30-32%.
Thoải mái giải cứu thế giới Dragon Age: Inquisition. |
Tiếp tục thử nghiệm hệ thống với trò chơi bắn súng Doom (2016) ở độ phân giải QHD và thiết lập chất lượng Overall Quality ở mức Ultra, tuy bị API OpenGL giới hạn nhưng tốc độ khung hình trong các pha chiến đấu vẫn bám sát sao "mốc" 60fps.
Thay đổi bằng API Vulkan, Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB góp phần kéo tốc độ vượt mức 100fps, và đôi lúc dù có sụt giảm còn khoảng 70-79 khung hình/giây (fps) nhưng tốc độ thực mà game báo trên màn hình dao động trong khoảng 80-90fps.
Nhận xét
Với khả năng dựng hình mỗi giây của hệ thống đạt trên 54fps ở QHD và trên 32,5fps ở QHD chất lượng cao nhất trong kịch bản thử nghiệm 2 trò chơi "gấu" như Rise of the Tomb Raider và Dragon Age: Inquisition, rõ ràng card đồ họa Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB cực kỳ phù hợp với PC tầm trung, đảm bảo đủ sức “cân” nhiều game ở độ phân giải QHD với chất lượng đồ họa cao mà chẳng cần phải giảm cấu hình thiết lập.
Hay nói cách khác, Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB là minh chứng rõ nét cho tính thẩm mỹ, hiệu năng và chất lượng của một card đồ họa tầm trung mạnh mẽ.
PC World Vietnam chân thành cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ thiết bị để Test Lab thực hiện bài viết này: Công ty Tân Doanh, Asus Việt Nam, Intel Vietnam.
Các sản phẩm CPU Intel, bộ nhớ, ổ SSD Mushkin và bộ nguồn Andyson hiện có bán tại công ty Tân Doanh - www.tandoanh.vn. - Card đồ họa Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB và màn hình Asus MG278Q do công ty Asus Việt Nam cung cấp. - Bộ xử lý Intel do công ty Intel Vietnam tài trợ. |
AMD, Asus, card đồ họa, đánh giá card đồ họa, Hồng Linh, phần cứng game, RX 480, Test Lab