Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá Asus ZenFone 3 Max: Smartphone pin khủng với thiết kế kim loại

(PCWorldVN) Asus ZenFone 3 Max thực sự là sản phẩm cân đối giữa hiệu năng, tính năng, thời lượng pin và đặc biệt là giá bán.

Trong loạt điện thoại ZenFone 3 vừa được Asus ra mắt gần đây thì ZenFone 3 Max là đại diện đáng chú ý, bởi sản phẩm này không chỉ mang phong cách thiết kế mới mẻ mà còn được nhà sản xuất trang bị pin khủng, phần cứng khỏe cùng những tính năng đáng giá khác từ giao diện người dùng ZenUI 3.0.

Thiết kế

So với các mẫu điện thoại ZenFone từng giới thiệu, trong đó, gần đây nhất là chiếc ZenFone Max cũng trang bị pin dung lượng khủng, Asus ZenFone 3 Max đã được “lột xác” hoàn toàn. Cuộc “lột xác” này thực sự đã giúp Asus ZenFone 3 Max trông sang chảnh hơn hẳn, bởi vì sản phẩm mới đã được chuyển hẳn sang dùng vỏ kim loại với những đường cắt khắc kim cương sáng bóng.

Không chỉ vậy, máy cũng có nhiều tùy chọn màu sắc thời trang hơn như vàng cát, bạc băng giá và phiên bản Test Lab sử dụng trong bài là màu xám Titan.

Asus ZenFone 3 Max mang dáng vẻ rất hiện đại bởi thiết kế màn hình vát cong 2.5D với đường viền siêu mỏng - chỉ 2,25mm.

Chính những yếu tố này đã giúp mẫu smartphone pin khủng Asus ZenFone 3 Max vẫn trông rất thon gọn, tỷ lệ màn hình 5,2 inch so với thân máy đạt mức 75%. Nếu so với mẫu Galaxy A5 phiên bản 2016 đang có mặt trên thị trường trang bị pin 2.900mAh, chiếc Asus ZenFone 3 Max chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh về chiều cao và bề rộng nhưng bù lại, máy lại sở hữu pin dung lượng đến 4.100mAh. Không chỉ vậy, tổng thể độ dày thân máy cũng chỉ dừng lại ở mức 8,5mm, một chi tiết được Test Lab đánh giá cao, nhất là khi xét trên mức dung lượng pin mà Asus công bố.

Hình ảnh chi tiết mẫu smartphone pin khủng Asus ZenFone 3 Max: 

Nội lực của ZenFone 3 Max được hình thành từ bộ xử lý lõi tứ MediaTek MT6735 xung nhịp 1,25GHz, tích hợp nhân đồ họa Mali-T720, RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB. Máy cũng hỗ trợ khe cắm thẻ microSD, song đáng chú ý nhất vẫn là bảo mật vân tay một chạm và nền tảng Android 6.0 với giao diện ZenUI 3.0 cài đặt sẵn.

Từ quá trình tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy xét về độ thẩm mỹ, chiếc ZenFone 3 Max thực sự dễ dàng gây được thiện cảm tốt. Test Lab cũng đánh giá cao sự tiện dụng bởi Asus kết hợp khá khéo léo kiểu màn hình bo cong với các chi tiết cạnh máy vát cong dạng chữ “c”.

Có thể khẳng định, ZenFone 3 Max sở hữu yếu tố thẩm mỹ cao trong thiết kế ngoại hình. Quá trình sử dụng thực tế cũng cho thấy sự tiện dụng đáng kể từ kiểu bố trí cảm biến nhận dạng dấu vân tay cho đến các nút chức năng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thiết kế vỏ kim loại của máy có thể sẽ trở nên không an toàn nhất là với người dùng ra nhiều mồ hôi tay, qua đó gây trơn trượt.

Màn hình

Về chất lượng hiển thị, bằng những công cụ đánh giá vẫn thường dùng, cộng thêm trải nghiệm thực tế từ những cặp mắt dày dạn kinh nghiệm cho thấy màn hình của Asus ZenFone 3 Max cũng xứng đáng để được xếp vào mức ưa nhìn. Cụ thể hơn, màn hình 5,2 inch trên ZenFone 3 Max có góc quan sát rộng, độ đồng nhất màu sắc cao và cũng khá sắc nét. So với những mẫu ZenFone từng thử nghiệm, độ bão hòa màu sắc cũng như độ tương phản của ZenFone 3 Max có phần chất lượng hơn.

Ngoài ra, máy cũng có độ nhạy điều khiển cảm ứng tốt, song nếu so với mẫu smartphone pin khủng ZenFone Max, độ nhạy cảm ứng và số lượng điểm cảm ứng tương tác đồng thời chưa có nhiều cải tiến như mong đợi. Nhưng bù lại, độ sáng màn hình trên ZenFone 3 Max cơ bản cho chất lượng hiển thị khá tốt khi sử dụng ngoài trời. Tính năng điều tiết độ sáng tự động cũng rất mượt mà, uyển chuyển khi có những thay đổi từ môi trường.

Màn hình cảm ứng của Asus ZenFone 3 Max có độ nhạy tuy tốt, song tiếc là chưa thật cao như chiếc ZenFone Max từng thử nghiệm.

Thời lượng pin

Vì Asus ZenFone 3 Max cũng là một sản phẩm trang bị pin dung lượng ở mức “trâu bò” nên Test Lab cũng xin phép điểm qua trước về hiệu năng pin của sản phẩm này. Như lệ thường, công cụ dùng để đánh giá hiệu năng pin của Asus ZenFone 3 Max vẫn là PCMark for Android và dĩ nhiên là tính năng tiết kiệm pin của máy sẽ được vô hiệu.

So với chiếc ZenFone Max, hay mẫu Lenovo VIBE P1, mẫu smartphone pin “trâu” Asus ZenFone 3 Max có chút thua kém về mức dung lượng pin. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm thời lượng dùng pin của Asus ZenFone 3 Max thực sự ấn tượng. Mặc dù trang bị nhiều RAM hơn, bộ xử lý cũng có mức xung nhịp cao hơn người anh em ZenFone Max trong khi lại thua thiệt về pin, nhưng Asus ZenFone 3 Max vẫn cho kết quả đạt mức 11 giờ 23 phút khi thử nghiệm với công cụ PCMark for Android.

Nếu đem kết quả này so sánh với đối thủ VIBE P1 của Lenovo, Asus ZenFone 3 Max rõ ràng có ưu thế hơn - nhất là khi xét trên mức dung lượng pin 5.000mAh mà Lenovo trang bị cho sản phẩm của mình.

Asus ZenFone 3 Max thực sự đã cải thiện đáng kể nhược điểm mất thời gian sạc pin vốn hiện hữu trên mẫu ZenFone Max. Cụ thể hơn, chiếc smartphone pin “trâu” mới nhất của dòng sản phẩm ZenFone chỉ mất tầm 2 đến 2 giờ 30 phút để sạc đầy từ mức “báo động đỏ” vì adaptor đi kèm đã được tăng cường lên mức công suất cao hơn gấp đôi.

Không chỉ vậy, pin dung lượng 4.100mAh trên Asus ZenFone 3 Max cũng có thể dùng để cung cấp năng lượng cho một chiếc smartphone khác khi cần thiết. Khác với phiên bản Max đời đầu vốn cũng trang bị khả năng sạc cho thiết bị khác, phiên bản lần này được nâng cấp dòng điện ra lên đến 1,5A mang lại khả năng sạc cho thiết bị khác với thời gian khá ấn tượng. Thử nghiệm thực tế cho thấy khi sạc cho mẫu Moto X (2015) vốn trang bị pin 2.300mAh và từng bị chê là pin yếu, ZenFone 3 Max chỉ mất 30 phút để cung cấp 20% dung lượng cho chiếc smartphone Motorola.

Thử nghiệm trình chiếu phim trực tuyến độ phân giải Full HD, Asus ZenFone 3 Max cho kết quả thật ấn tượng vì có thể cho thời gian xem liên tục đến 7 tiếng trong khi chỉ hao hụt 50% mức dung lượng pin.
Ngay cả khi chơi game, Asus ZenFone 3 Max cũng có thể cho thời gian giải trí liên tục đạt mức 4 giờ trong khi chỉ hao hụt 50% pin đã được sạc đầy.

Hiệu năng

Với cấu hình phần cứng như đã đề cập, Asus ZenFone 3 Max cơ bản có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hằng ngày như cập nhật thông tin trực tuyến, mạng xã hội, giải trí với phim ảnh Full HD. Vẫn biết, mẫu SoC MediaTek mà Asus trang bị cho ZenFone 3 Max cơ bản cũng chỉ nhỉnh hơn mẫu Snapdragon 410, nhưng việc trang bị cho sản phẩm của mình 3GB dung lượng RAM đã giúp giải quyết được gần như triệt để tình trạng “lag” khi chạy ứng dụng nặng cũng như khi chơi game yêu cầu cao về đồ họa.

Những kết quả thử nghiệm từ công cụ đo kiểm cũng minh chứng cho điều này. Đơn cử, phép thử hiệu năng tổng thể dùng PCMark của Asus ZenFone 3 Max đạt mức 4.474 điểm, cao hơn cả mẫu VIBE P1 (3.480 điểm) cũng như chiếc Galaxy A5 2016 (4.178 điểm) dù những chiếc smartphone này trang bị bộ xử lý thuộc phân khúc tầm trung và cũng có mức xung nhịp cao hơn chút đỉnh. Tuy vậy, Mediatek cơ bản vẫn có những hạn chế nhất định về hiệu suất đồ họa – nên việc vài tựa game đồ họa nặng sẽ không thể trông long lanh và ảo diệu như những máy trang bị SoC tích hợp đồ họa vượt trội hơn âu cũng là lẽ thường tình. 

Camera

Dù là một mẫu smartphone được thiết kế nhằm tối ưu thời gian dùng pin – nhưng Asus ZenFone 3 Max vẫn được tích hợp nhiều chế độ chụp ảnh tự động tối ưu cho từng bối cảnh cũng như camera trước/sau lần lượt có độ phân giải đạt mức 5MP và 13MP. Trải nghiệm thực tế cho thấy ứng dụng chụp ảnh trên Asus ZenFone 3 Max cũng không hề kém cạnh các model như Asus ZenFone 2 Laser, Asus ZenFone 2 Laser 5.5 - vốn hỗ trợ nhiều tính năng hấp dẫn mà Test Lab từng thử nghiệm.

Về chất lượng ảnh chụp, Asus ZenFone 3 Max cơ bản không có gì đáng để phàn nàn – nhất là khi xét trên phương diện smartphone pin trâu cũng như mức giá của sản phẩm. Tựa như các mẫu ZenFone tăng cường tính năng chụp ảnh từng giới thiệu, chế độ chụp ảnh hoàn toàn tự động cũng đáng tin cậy. Khả năng đo sáng của camera chính tuy ổn định song vẫn chưa thật tốt khi sử dụng với ánh sáng môi trường phức tạp. Tuy nhiên, đây thực sự không phải là nhược điểm vì camera chính cũng hỗ trợ khả năng bù/trừ sáng thủ công rất trực quan. Cụ thể, người dùng chỉ cần chạm giữ trên màn hình và thanh điều chỉnh sẽ tự động hiện ra ngay vị trí người dùng vừa thao tác. Với tính năng này, nếu chịu khó cộng thêm một chút hiệu ứng màu sắc, người dùng vẫn có thể sáng tác những bức ảnh ưng ý để khoe với bạn bè trên mạng xã hội. 

Đáng chú ý là với Asus ZenFone 3 Max, người dùng có thể dễ dàng chụp ảnh tua nhanh thời gian (chế độ Time Lapse), chụp ảnh làm đẹp khuôn mặt (Beautification) trên cả camera trước và sau, hoặc tự động nhận diện gương mặt để chụp ảnh selfie bằng camera chính để có chất lượng hình ảnh rõ nét hơn. Ứng dụng chụp ảnh stock kèm cũng hỗ trợ chế độ tối ưu cho chụp thiếu sáng không dùng flash và cả chế độ chụp ảnh siêu rộng Panorama. Tiếc là tính năng chụp ảnh động (chế độ GIF Animation) không còn hiện diện trên Asus ZenFone 3 Max.

Hình ảnh chụp thử từ camera của Asus ZenFone 3 Max: 

Video Full HD quay từ Asus ZenFone 3 Max:

Video sử dụng chế độ ghi hình tua nhanh thời gian tích hợp sẵn trong ứng dụng chụp ảnh của ZenFone 3 Max:

Loa ngoài

Nếu so với những mẫu ZenFone từng giới thiệu, Asus ZenFone 3 Max cũng được cải tiến đáng kể về chất lượng loa ngoài. Trải nghiệm thực tế cho thấy chất lượng âm thanh trên Asus ZenFone 3 Max đã được cải tiến đáng kể về độ lớn, độ trong trẻo. Máy cũng được cài đặt sẵn ứng dụng Audio Wizard giúp tự động phát hiện nguồn nhạc để cân chỉnh âm thanh tương ứng. Người dùng đương nhiên cũng có thể tùy chỉnh tăng cường âm bass, treble hoặc thiết lập các mức cân bằng âm thanh theo sở thích nghe nhạc của mình một cách dễ dàng. Thử nghiệm thực tế cho thấy các hiệu ứng âm thanh sẽ thay đổi rõ rệt nhất khi dùng headphone. Tiếc là Asus ZenFone 3 Max vẫn giữ thiết kế loa ngoài ở mặt lưng máy, nên chất lượng và độ lớn âm thanh khi nghe bằng loa ngoài sẽ thay đổi tùy theo vật liệu mà mặt lưng của ZenFone 3 Max tiếp xúc.

Giao diện người dùng

Không chỉ nhận được những cải tiến về ngoại hình, phần cứng bên trong, Asus ZenFone 3 Max còn được lên đời bằng giao diện ZenUI 3.0 mới trên nền Android 6.0 Marshmallow cài đặt sẵn. Nếu so với giao diện người dùng trước đây, ZenUI 3.0 thoạt trông không có những cải tiến rõ rệt. Đơn cử là hệ thống icon trên Asus ZenFone 3 Max cũng vẫn mang phong cách thiết kế mộc mạc, không nhiều hiệu ứng chuyển động màu mè.

Tuy nhiên, người dùng có thể dễ dàng cá nhân hóa Asus ZenFone 3 Max theo phong cách riêng của mình qua những bộ Theme tải thêm. ZenUI 3.0 mới cũng hỗ trợ các cử chỉ điều khiển cảm ứng trên màn hình tắt tiện lợi như “W” mở nhanh trình duyệt web, “V” mở camera. Máy cũng cho phép lật úp điện thoại để ngắt chuông khi có cuộc gọi đến, hoặc tạm dừng chơi nhạc bằng cách úp rồi lật nhanh điện thoại trở lại. Thực tế sử dụng cho thấy giao diện mới cũng dễ dàng để làm quen. Giới mê game hẳn cũng sẽ cảm thấy thú vị với ứng dụng GameGenie vốn có thể giúp stream giao diện chơi game lên các trang mạng xã hội. Với GameGenie, người dùng còn có hẳn một giao diện trình duyệt để giúp tìm kiếm thủ thuật, hướng dẫn qua ải game dễ dàng hơn.

Test Lab cũng đánh giá cao khả năng khóa ứng dụng bằng mật khẩu trên Asus ZenFone 3 Max cũng như bảo mật vân tay tích hợp trên mặt lưng máy vốn có độ nhạy cao, khả năng nhận diện dấu vân tay đa góc độ và cũng có thể lưu đến 5 dấu vân tay khác nhau. Đồng thời vân tay của ZenFone 3 Max cũng trang bị khả năng trả lời cuộc gọi hoặc chậm đôi để truy cập camera khá độc đáo.

Tạm kết

Tựu trung, Asus ZenFone 3 Max mang trên mình không chỉ những cải tiến đáng chú ý về kiểu dáng, thời lượng sạc pin, hiệu năng, mà còn cả về phần mềm. Với thiết kế nhôm bo cong kết hợp với kính cong 2.5D mặt trước tạo cảm giác liền lạc mà khá mượt khi trên tay, lượng ứng dụng không cần thiết ở ZenFone 3 Max cũng đã được tinh giản khá nhiều. Có thể khẳng định, Asus ZenFone 3 Max là một lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo trong phân khúc giá 5 triệu đồng, phù hợp cho dân phượt cần chiếc smartphone Pin trâu chụp hình ổn hay dân game hardcore không muốn phải phụ thuộc vào nơi sạc Pin. ZenFone 3 Max là chiếc smartphone pin tốt, hiệu năng khỏe và những tính năng phụ trợ kèm theo đáng tin cậy.

PCWorld

Asus, Asus Zenfone, Asus ZenFone 3 Max, đánh giá smartphone, Hồng Nhân, Quỳnh Lâm, smartphone pin trâu, smartphone tầm trung, Test Lab


© 2021 FAP
  3,415,491       1/448