(PCWorldVN) Gặt hái ở thị trường trong nước nhưng hành trình ra nước ngoài của các đại gia công nghệ Trung Quốc muôn trùng gian khó.
Thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết đem đến cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp, cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức không hề nhỏ. Với các công ty công nghệ Trung Quốc, sau những thành công lớn trên thị trường nội địa của một quốc gia đông dân nhất thế giới, giờ đây lại phải đối mặt với lựa chọn quyết sách mới trong chiến lược phát triển công ty: bằng lòng với thị trường trong nước hay quyết thu phục phần còn lại của thế giới. Vấn đề là họ khó có thể đồng thời chọn cả hai, theo tờ New York Time (NYT).
NYT lấy dẫn chứng ứng dụng WeChat dù được Tencent đổ tiền “tấn” đầu tư thì những nỗ lực tấn công ra thị trường thế giới vẫn thất bại. Trong khi đó, một ứng dụng mới, mang tên Musical.ly, đang làm điên đảo giới trẻ Mỹ lại khá xa lạ ở quê nhà Trung Quốc.
Startup công nghệ bỏ qua quê nhà, ra nước ngoài trước
Musical.ly là ứng dụng hát nhép, cho phép người dùng tạo ra những video ca nhạc do chính họ biểu diễn cứ như là một nghệ sĩ thực thụ. Người dùng có thể đóng vai thí sinh đang biểu diễn trong một cuộc thi truyền hình thực tế như The Voice, hay là ca sĩ hát trong một bản hit đang gây sốt trên thị trường. Khả năng khớp khẩu hình với lời ca, tiếng nhạc trên cả tuyệt vời.
Bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 10/2014, Musical.ly đến nay đã có trên 100 triệu người dùng, trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới chuyên về video. Ứng dụng đang được cung cấp miễn phí tại 20 quốc gia, được tải về nhiều nhất trên cửa hàng App Store của Apple. Điều đặc biệt là, trong khi ứng dụng thành công không ngờ tại Mỹ thì công ty mẹ có trụ sở tại thành phố Thượng Hải lại bỏ qua quê nhà Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới với hơn 700 triệu người dùng Internet.
Lý do rất đơn giản: Internet ở Trung Quốc khác với nhiều nơi khác trên thế giới, theo giải thích của Alex Zhu, đồng sáng lập Musical.ly.
Với lượng người dùng Internet khổng lồ, Trung Quốc là một thị trường có sức hấp dẫn cực lớn, nhưng rất khó thâm nhập. Trong môi trường khép kín này, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải vận hành khác hẳn để cạnh tranh trên thị trường.
Ứng dụng hát nhép Musical.ly của công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang làm điên đảo giới trẻ phương Tây. |
Hai thập kỷ sau khi chính quyền Trung Quốc dựng lên Vạn lý trường thành – Great FireWall, cô lập mạng Internet nước này với phần còn lại của hành tinh, thế giới số đã chia cách giữa Trung Quốc và cư dân mạng thế giới. Điều đó đã chặn đường bành trướng vào thị trường Trung Quốc của các đại gia công nghệ Mỹ như Facebook, Google dù họ đang thống trị thế giới số. Mới đây nhất, “ngôi sao” đang lên Uber đã phải bán lại mảng dịch vụ gọi taxi tại Trung Quốc cho doanh nghiệp nước này.
Nhưng các công ty cung cấp dịch vụ trên nền web của Trung Quốc lại được hưởng lợi lớn từ chính sách quản chặt Internet của nước này.
Trên thực tế, chính sách hà khắc thắt chặt tự do Internet của chính quyền Trung Quốc đã tạo nên những công ty Internet lớn nhất và sáng tạo nhất của đất nước đông dân nhất thế giới. Alibaba, Baidu và Tencent đã phát triển thành những công ty lớn nhất thế giới, nhưng hoạt động kinh doanh chủ yếu vẫn là trong nước. Công việc kinh doanh ở nước ngoài của các công ty này hầu như không đáng kể, và những dự báo cho rằng họ sẽ thách thức các đại gia công nghệ phương Tây, nhất là Mỹ, xem ra thiếu thực tế.
Đối với các công ty khởi nghiệp (startup) của Trung Quốc trong lĩnh vực web như Musical.ly, “Vạn lý trường thành” Internet cũng buộc các startup phải lựa chọn: tạo ra một thứ gì đó phục vụ cư dân mạng Trung Quốc hoặc hướng ra thế giới bên ngoài.
Điều đó cũng tương tự như hệ thống đường sắt ở Mỹ hồi thế kỷ 19, khi các tuyến đường sắt khác nhau về khổ rộng đã cản trở khả năng liên thông của các chuyến tàu từ nơi này sang nơi khác qua các tuyến đường tiêu chuẩn khổ rộng khác nhau.
Rào cản giữa Trung Quốc và thế giới ngày càng cao
“Rào cản xâm nhập thị trường Mỹ hay Trung Quốc trở nên ngày càng cao hơn”, Kai-fu Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm Đài Loan và là cựu giám đốc Google Trung Quốc cho biết.
Những khó khăn mà các công ty Internet Trung Quốc phải đối mặt trong việc mở rộng địa bàn hoạt động của họ ra nước ngoài có thể thấy qua hình ảnh của WeChat, ứng dụng chat của Tencent. Tại Trung Quốc, WeChat kết hợp thương mại điện tử và các dịch vụ trong thế giới thực tạo ra một nền tảng di động tất cả trong một như cách làm của các công ty phương Tây. WeChat hiện có khoảng 700 triệu người dùng, hầu hết là người Trung Quốc.
Trong năm 2012, bỏ ra hàng trăm triệu USD mở chiến dịch tiếp thị với những quảng cáo địa phương lấy cảm hứng từ Bollywood, Ấn Độ, thuê cả siêu sao bóng đá Lionel Messi làm người đại diện quảng bá hình ảnh, Tencent vẫn thất bại trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của WeChat ra ngoài Trung Quốc.
Các nhà phê bình chỉ ra sai lầm của Tencent là bước chân ra thị trường thế giới quá muộn và tiếp thị thiếu khác biệt. Thêm nữa, phiên bản quốc tế quá nghèo nàn tính năng. WeChat thành công trong nước là nhờ đáp ứng hầu hết nhu cầu của người dùng trực tuyến, từ thanh toán các hóa đơn dịch vụ, gọi taxi, đặt lịch hẹn khám với bác sĩ, chia sẻ ảnh cho tới tán gẫu. Nhưng những khả năng đó phụ thuộc vào các dịch vụ Internet ở Trung Quốc, còn bên ngoài thì rất hạn chế. Rõ ràng Tencent không thể thỏa thuận ngay được với hàng ngàn, chục ngàn đối tác kinh doanh trên toàn thế giới để tích hợp tính năng vào ứng dụng của mình.
Thực tế, WeChat trên thị trường quốc tế chỉ như một ứng dụng chủ yếu để người dùng chat và chia sẻ hình ảnh với nhau, chẳng tạo ra được điều gì khác biệt so với WhatsApp, Viber hay Messenger. Nghĩa là WeChat chẳng có gì để thuyết phục người dùng rời bỏ những ứng dụng đã quen thuộc với họ. Baidu và Alibaba dù có những ứng dụng tương tự với nhiều tính năng tích hợp nhưng cũng không mấy hữu ích bên ngoài Trung Quốc.
Các công ty khởi nghiệp khác ở Trung Quốc cũng đối mặt với những vấn đề hóc búa tương tự. Sau khi phát triển thành công các website và ứng dụng cho thị trường trong nước, việc mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài của họ đụng ngay bức tường vô hình. Ra nước ngoài đồng nghĩa với một thế giới khác, nhu cầu của người dùng cũng khác tại mỗi quốc gia, vùng địa lý. Bản địa hóa ứng dụng là bài toán lớn không dễ giải ngay, chẳng hạn Baidu và Tencent còn lâu mới theo kịp nền tảng và quảng cáo của Facebook, Google.
Đường ra thị trường quốc tế
Trở lại với Musical.ly, cách tiếp cận ưu tiên thị trường quốc tế trước nội địa đi ngược truyền thống của các công ty công nghệ Trung Quốc. Musical.ly đã chủ động liên kết với các mạng xã hội phổ biến nhất ở Mỹ. Nếu người dùng Musical.ly ghi lại một điệu nhảy phối hợp ấn tượng hay một bài hát nhép hoàn hảo, thì không chỉ có thể đưa nó vào ứng dụng mà còn đăng được lên Instagram, Facebook, hoặc gửi qua WhatsApp. Điều đó giúp Musical.ly phổ biến ở Mỹ và nhanh chóng lan sang châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á, NYT dẫn lời đồng sáng lập Zhu của Musical.ly.
Theo lời Zhu nói, thế hệ trẻ ở Mỹ và trên thế giới ngày nay rất năng động và sáng tạo. Người trẻ thường khuyến khích bạn bè theo giõi mình trên Instagram hay Snapchat. “Nếu ứng dụng của bạn có thể thu hút một số người dùng cùng độ tuổi và khiến họ hào hứng chia sẻ, bạn sẽ có thể phát triển”, ông khẳng định.
Đối với Cheetah Mobile, một nhà phát triển ứng dụng tiện ích cho smartphone có trụ sở tại Bắc Kinh mà người sử dụng chủ yếu ở ngoài Trung Quốc, giải pháp là tìm một bước đệm để tiến ra thế giới bên ngoài. Đầu năm 2014, công ty này mở một văn phòng tại Đài Loan, nơi Google và Facebook đang thống trị. Điều đó giúp công ty tuyển dụng được những nhân viên hiểu biết sâu về Facebook, YouTube và các nền tảng lớn khác của các nước phương Tây.
“Đài Loan sẽ là cầu nối để chúng tôi vượt Thái Bình Dương sang Mỹ”, Charles Fan, giám đốc công nghệ của Cheetah cho biết.
Tencent, Alibaba và Baidu đều đã mở văn phòng tại Mỹ, nhưng các “ông lớn” này chủ yếu đầu tư và thực hiện các thương vụ thâu tóm để đạt được vị thế ở đất khách. Hơn hai năm qua, Alibaba đã đầu tư vào những thị trường mới nổi, trong đó có hai công ty thương mại trực tuyến, Paytm và Snapdeal, ở Ấn Độ. Alibaba còn chi ra 1 tỷ USD để thâu tóm Lazada, chủ sở hữu website thương mại điện tử phổ biến ở Đông Nam Á.
Dù Tencent đã tốn tiền tấn mở chiến dịch tiếp thị hoành tráng, thuê cả Lionel Messi làm hình ảnh đại diện thì WeChat vẫn chưa vươn ra được thị trường quốc tế. |
Tencent đã tích cực hơn ở các thị trường phương Tây. Trong tháng 6, công ty đã thực hiện một thương vụ đình đám, lớn nhất của mình ở nước ngoài, với mức đầu tư lên tới 8,6 tỷ USD trong vụ mua lại Supercell – công ty Phần Lan phát hành tựa game di động nổi tiếng Clash of Clans. Tencent còn đầu tư cổ phần vào công ty game Activision Blizzard và mua một trong những tựa game được chơi nhiều nhất trên thế giới là League of Legends.
Tham vọng quốc tế của Tencent thể hiện rõ nhất qua thương vụ hụt vào năm 2014. Lúc đó, công ty toan tính một chiến dịch đẩy WeChat lên tầm toàn cầu đã đặt vấn đề chào mua WhatsApp, nhưng vì chậm chân nên bị Facebook hớt tay trên, theo tiết lộ của một lãnh đạo cấp cao Tencent yêu cầu được giấu tên.
Một phát ngôn viên của Alibaba mới đây dẫn lời của chủ tịch công ty, ông J. Michael Evans, nói rằng thâu tóm là cách thức để công ty thu hút người tiêu dùng mới trong các thị trường mới nổi.
Nhà đầu tư mạo hiểm Lee của Đài Loan tin tưởng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể tạo ra công nghệ mới để đạt được bước nhảy vọt trong việc xây dựng một nền tảng cho cả trong nước và quốc tế. Theo ông, các công ty Trung Quốc có khả năng cạnh tranh trong những lĩnh vực mới nổi như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và robot học.
Ông cho rằng người Trung Quốc sẽ tạo ra điều ngạc nhiên, bắt kịp thế giới nhanh chóng. Bởi, một phần là nhờ các trường đại học Trung Quốc, phần nữa là nhờ những kỹ sư hàng đầu trở về Trung Quốc bổ sung nguồn nhân lực cao, đạt trình độ hàng đầu thế giới.
Musical.ly là một minh chứng rõ nét về một sản phẩm giao thoa văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Lee. Nhà đồng sáng lập Zhu, 37 tuổi, đã tốt nghiệp một trường đại học ở Trung Quốc, nhưng sang Mỹ đầu quân cho công ty phần mềm SAP của Đức vào năm 2010. Ông nảy sinh ý tưởng sáng tạo ứng dụng âm nhạc trong khi ngồi cùng toa với các học sinh trung học, đáp chuyến tàu hỏa từ San Francisco tới Mountain View, California, Mỹ.
“Một nửa trong số họ nghe nhạc và nửa còn lại sử dụng điện thoại của mình để chụp ảnh và thêm biểu tượng cảm xúc, rồi họ truyền chúng cho nhau”, Mr. Zhu nhớ lại. Trước sự vui nhộn của đám học sinh, trong đầu ông bật lên ý tưởng: kết hợp selfie với truyền thông xã hội và âm nhạc vào trong cùng một sản phẩm.
Musical.ly chưa phải là mạng xã hội liên kết giữa hai bờ Thái Bình Dương. Ứng dụng tập trung hướng tới người dùng bên ngoài hơn là thị trường nội địa, Zhu cho biết. Vì theo ông, giới trẻ Mỹ là đối tượng vàng, trong khi đó học sinh, sinh viên Trung Quốc quá bận bịu với chuyện học hành, thi cử, do vậy họ không có thời gian và niềm hân hoan giải trí với các ứng dụng truyền thông xã hội.
công ty công nghệ, điện thoại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc